Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Điểm diện nhà văn nhà thơ 17: Hữu Mai

17 - Hữu Mai
   (1926 – 2007)

Hỏng đôi mắt phải đâu là mất hết
Trong cặp còn hồ sơ điệp viên
Ông cố vẫn chẳng sợ gì cái chết
Cao điểm cuối cùng quyét chí xông lên.
                                Xuân Sách

-Cao điểm cuối cùng: tiểu thuyết (1960)
-Ông cố vấn, hồ sơ một điệp viên: tiếu thuyết 3 tập viết về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ (1988-1989)
-….

Tham khảo thêm

Nhà văn Hữu Mai: 'Văn chương đem lại cho tôi sức khỏe'
Ở tuổi 'tri thiên mệnh', sau khi gặt hái một gia tài văn chương kha khá, sứ mệnh văn chương của Hữu Mai có thể coi là đã an bài. Nhưng rồi món nợ quá khứ vẫn đeo đẳng. Và, đều đặn ngày 8 tiếng, ông bị hút vào bàn viết. 1/9 tới, bộ phim 'Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong', chuyển thể từ kịch bản của ông, sẽ ra mắt.

- Tiểu thuyết là sự khám phá bản chất hiện thực qua việc tái hiện số phận cá nhân. Thế nhưng điểm nổi bật trong "Cao điểm cuối cùng", "Vùng trời", "Ông cố vấn"... lại là những cảm hứng xuất phát từ cái anh hùng, cao thượng, còn những thân phận riêng lẻ thì đóng vai thứ yếu?
- Đây là những sáng tác văn học về chiến tranh. Chiến tranh là một hiện tượng không bình thường trong đời sống con người. Những tác phẩm viết về chiến tranh phải đáp ứng yêu cầu chiến thắng. Cái làm nên chiến thắng chính là "cái cao cả", như ta vẫn nói, chứ không thể là cái thấp hèn; điều đó không có nghĩa là cái thấp hèn không xuất hiện. Có, nhưng không nhiều, vì nếu nhiều làm sao nhân dân ta có thể chiến thắng? Cho tới nay, tôi vẫn nghĩ những gì mình đã viết về chiến tranh là chân thực. Vì viết sự thật là con đường tốt nhất đưa tác phẩm của mình tới bạn đọc. Cũng có thể một số nhân vật của tôi, chắc chắn là không nhiều, sau này bị tha hóa, nảy sinh những thói hư tật xấu, nhưng ở thời điểm tôi viết về họ thì họ đúng như tôi đã viết. Những nhân vật trong Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông Cố vấn cũng có số phận của chúng đấy chứ...! Nhưng đây là số phận của người dân Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
- Nhiều nhà nghiên cứu văn học đánh giá tiểu thuyết có sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố anh hùng ca, trữ tình, phiêu lưu và tâm lý... Vậy, ông lấy ý tưởng sáng tác từ đâu?
- Từ lâu, tôi đã nghĩ mình không tiếp tục cách làm của những nhà tiểu thuyết cổ điển, chủ yếu là hư cấu. Thật ra tất cả những cuốn sách tôi đã viết đều thuộc loại hình văn học "không hư cấu" (non-fiction), đang được nói tới nhiều ở phương Tây: Mọi sáng tác của tôi đều bắt nguồn từ cuộc sống, từ những nguyên mẫu trong đời sống. Tôi không thích cách nói của một nhà văn: sáng tác là "bịa" (dù là "bịa như thật"). Ít nhất tôi đã nghĩ như vậy khi viết về đề tài chiến tranh.
- Có ý kiến cho rằng, văn chương bây giờ thường khai thác cái xấu, cái ác, những cảnh bạo lực để bán được hàng, và do vậy, rất ít nhà văn lao động nghiêm túc. Ông nghĩ sao?
- Đổi mới đã mang lại một bình diện rộng rãi cho sáng tác của nhà văn. Nhưng không nên đi tìm cái mới bằng cách làm ngược lại những gì đã có. Tiếc thay điều này có lúc đã trở thành một cái "mốt". Đã là "mốt" thì không tránh khỏi tính "tạm bợ". Sự nghiệp văn học chỉ có thể tồn tại nếu nhà văn gắn bó với người đọc, luôn luôn mong mỏi đem lại cho họ những điều có ích trong cuộc sống. 
- Ông quan niệm thế nào về sự nổi tiếng?
- Mỗi con người là một thực thể và đều có nhu cầu khẳng định mình. Nhà văn muốn khẳng định mình qua tác phẩm không chỉ là điều bình thường mà còn là điều cần thiết. Nhưng làm mọi cách để được nổi tiếng thì lại là một chuyện khác!
- Nhiều nhà văn khi đã có một gia tài kha khá thường gác bút để ngắm nghía các thành quả của mình. Vậy ông có ngại những sáng tác sau sẽ bị cái bóng của "Ông cố vấn" che lấp?
- Viết đối với tôi không chỉ là trách nhiệm đối với một thời kỳ lịch sử đẹp nhất của dân tộc, mà còn là một nhu cầu tự thân. Khi không sáng tác, tôi thấy mệt mỏi hơn khi làm việc. Mỗi lần viết một cuốn sách, tôi đều dành hết tâm lực của mình để mong nó tới được với người đọc. Nhưng không may thay, tôi chỉ có thể có một lượng thời gian nhất định. Tôi rất khó đọc lại những cuốn sách của mình đã xuất bản, vì trong đầu luôn luôn nảy ra câu hỏi : sao lúc đó mình lại viết như thế này mà không viết như thế kia...? Tôi không có tham vọng văn chương, vì thế hệ chúng tôi không có thì giờ làm việc này. Tôi chỉ mong ghi lại được nhiều những gì mình đã biết, đã chiêm nghiệm trong cuộc sống. Làm việc chính là cái mang lại cho tôi sức khoẻ và niềm vui.
Hiền Hoà thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét