Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

Điểm diện nhà văn nhà thơ 18: Đỗ Chu

18 – Đỗ Chu

Đám cháy ở sau lưng
Đám cháy ở trước mặt
Than ôi mày chạy đâu
Dưới vòm trời quen thuộc
Đốt bao nhiêu cỏ mật
Không bay mùi thơm tho
Càng hun càng đỏ mắt
Quay về thung lũng cò.

                Xuân Sách

-Hương cỏ mật (1962)
-Thung lũng cò (1963)
-Đám cháy trước mặt (1970)
-…

Tham khảo

Đỗ Chu và thể loại truyện ngắn
(Ngày: 13-07-2016)


(BNTV) Khác với các thế hệ đàn anh đi trước, ngay từ khi những tác phẩm đầu tay đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào những năm 1962 - 1963, Đỗ Chu đã định hình một phong cách riêng không lẫn vào đâu được. Giữa chiến trường ác liệt, đạn bom không ngừng dội xuống, văn Đỗ Chu như một khúc nhạc đồng quê trong trẻo, nhẹ nhàng gợi bao kỉ niệm thân thương, bình dị, giúp người đọc vơi đi phần nào nỗi buồn chiến tranh.

Hòa bình lập lại, trong khi Nguyễn Huy Thiệp, Chu Lai, Bảo Ninh, Dương Hướng… chủ trương dùng ngòi bút của mình đào sâu vào quá khứ chiến tranh để phơi bày những tấn bi kịch đau lòng của những con người thời hậu chiến… Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài… xoáy sâu, vạch toạc những mâu thuẫn, những bất ổn của xã hội trên con đường hội nhập… thì Đỗ Chu vẫn chọn cách trở về với vùng quê yên bình, quan tâm đến những vấn đề thuần Việt, đời sống tinh thần Việt…

Đỗ Chu đến với văn chương bằng một con đường khá tự nhiên, xuôi mái. Tuy nhiên, không vì thế mà ông cho phép bản thân mình được quyền hời hợt hay xem thường. Vậy nên, hơn bốn mươi năm “tung hoành” trên văn trường, Đỗ Chu đã ghi dấu đời văn bằng một lượng tác phẩm đáng kể: xuất bản 3 tập truyện ngắn, 2 tuyển tập truyện ngắn, 2 bút kí và 3 tùy bút… Không chỉ khẳng định tài năng ở mặt số lượng, Đỗ Chu còn tạo dấu ấn cả về mặt chất lượng. Bằng con mắt tinh tế, sắc sảo của một con người luôn hướng sự quan tâm về quê hương, nguồn cội; về những vấn đề thuần Việt, đời sống tinh thần Việt… Các tác phẩm của Đỗ Chu dù được viết trong bất kì hoàn cảnh nào và viết về bất cứ ai… cũng đều toát lên được những xúc cảm tự nhiên, chân quê dịu ngọt và tin yêu. Chính vì vậy, phần lớn những trang văn nói về làng quê Việt Nam được Đỗ Chu viết rất chắc tay và kĩ lưỡng.

Truyện ngắn là một trong những thể loại thuộc loại hình tự sự có đặc điểm: ngắn gọn, cô đọng, thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp; những chi tiết rườm rà không cần thiết đều được cắt bỏ; lối trần thuật thường mang tính chất chấm phá; không đòi hỏi phải có cốt truyện phức tạp hay nhân vật phải hoàn chỉnh; cốt yếu là người viết cần phải làm nổi rõ được “đường vân hiện thực” bằng những chi tiết cô đúc, chứa đựng dung lượng phản ánh lớn; cách hành văn phải mang ẩn ý cao; cấu tứ độc đáo; phải tạo ra được giọng điệu và cốt cách cá nhân của riêng tác giả. Thế nên viết truyện ngắn là công việc không hề đơn giản và không phải ai cũng làm được.
Riêng với Đỗ Chu, dường như ông sinh ra là để dành cho thể loại truyện ngắn. Khảo sát sự nghiệp văn chương của ông, ta thấy rằng một nửa trong số đó là các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn. Cụ thể: Hương cỏ mật (1962); Thung lũng cò (1963); Chiến sĩ quân bưu (1964); Gia đình những người đi xa (1965); Phù sa (1966); Trên một chặng đường (1968); Ráng đỏ (1969); Chuyện mùa hạ (1969); Gió qua thung lũng (1970); Khoảng xanh (1973); Nhành quế (1974); Trung du (1975); Một người lính trở về (1976); Tháng hai (1981); Đất bãi (1983); Cánh đồng không có chân trời (1987 - 1988); Một loài chim trên sóng (1994); Lão mai (1995)… Những truyện ngắn của Đỗ Chu tuy có độ dài ngắn khác nhau, viết ở những thời điểm, hoàn cảnh… không giống nhau nhưng phải thừa nhận một điều rằng: hầu hết độc giả đều cảm thấy khá thích thú và có ấn tượng sâu sắc bởi khi thâm nhập vào tác phẩm, người đọc dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người con gái, con trai của quê hương đồng bằng Bắc Bộ; của vùng đất Kinh Bắc tài hoa văn vật; những con người có học thức tuy phải đối mặt với cuộc chiến tranh gian khổ nhưng vẫn giữ nguyên dáng hình là những người con “chân quê” có tâm hồn trong trẻo, chăm chỉ lao động, yêu cuộc sống, giàu tình cảm, biết âm thầm chịu đựng mọi khó khăn để trưởng thành. Ta còn thấy trong đó lòng nhân ái, tinh thần tự hào dân tộc đã thấm sâu vào văn hóa sống, vẫn đang bình thản chờ đợi mình ở phía sau lưng... để khi ta mỏi mệt trên những nẻo đường đa đoan có thể trút bỏ rất nhiều mà quay trở lại, như khi ngồi xuống quán nước vối ở gốc đa đầu làng, uống một ngụm cho vị quê hương ngai ngái chảy tràn vào lòng... Qua đó, ta còn có dịp chiêm ngưỡng những “bức tranh chữ” mang vẻ đẹp mảnh mai
nhưng không kém phần sang trọng của văn Đỗ Chu; đồng thời cảm nhận được cái giọng điệu trong trẻo, thiết tha, đằm thắm như những câu hát quan họ “thấm nghĩa đượm tình”.

Chính vì biết khám phá, phát hiện và viết ra được những điều có giá trị, có ý nghĩa trong cuộc sống; khai thác được những điều mà người khác khó lòng đuổi kịp nên truyện ngắn chính là thể loại giúp Đỗ Chu gặt hái được nhiều Giải thưởng Văn học danh giá. Hơn nửa đời người gắn bó với con đường sáng tạo nghệ thuật, trải qua nhiều chông gai, thử thách, “thành quả” mà Đỗ Chu giành được rất xứng đáng với tâm huyết và công sức của ông: Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2004 cho tập truyện ngắn "Một loài chim trên sóng"; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 với "Tản mạn trước đèn". Chính tất cả những giải thưởng ấy đã góp phần minh chứng rõ nét cho giá trị văn chương của một Đỗ Chu “chân quê” trong “vườn văn” ĐƯƠNG ĐẠI. Đồng thời, nó cũng giúp ông ngày càng chiếm được cảm tình, sự yêu mến của độc giả.

Là nhà văn cầm bút và thành danh từ rất sớm, bắt đầu khi mới 17 tuổi. Trải qua hơn bốn mươi năm gắn bó và cống hiến hết mình cho con đường sáng tạo nghệ thuật, Đỗ Chu đã lưu dấu văn đàn bằng một lượng tác phẩm tuy không quá nhiều nhưng đủ để người ta nhớ, người ta yêu và đón đọc như một “món ăn tinh thần” vô giá. Nhờ vốn Hán học có được từ một dòng họ nổi tiếng hiếu học, cộng hưởng thêm nhiệt huyết và một tâm hồn luôn hướng về cội nguồn quê hương, hướng về cội nguồn dân tộc; nếu như Nguyễn Minh châu luôn đi tìm “những hạt ngọc ẩn chứa trong bề sâu tâm hồn con người” thì riêng với Đỗ Chu, ông lại luôn không ngừng tìm kiếm “những nét đẹp thôn quê thuần hậu, ấm áp…”. Đỗ Chu đã miệt mài cố gắng, không ít trăn trở, vật vã, day dứt băn khoăn để sáng tạo, để đổi mới cách viết, nhằm cho ra đời những “đứa con đẻ tinh thần” có giá trị bền lâu, góp phần hình thành, định hình sớm một phong cách ít biến đổi theo thời gian.
Khởi đầu văn nghiệp bằng truyện ngắn, định hình và khẳng định phong cách, tài năng bằng truyện ngắn; tạo bản sắc, dấu ấn riêng trong “Vườn văn” và trong lòng độc giả yêu văn cũng chính bằng truyện ngắn… Tất cả những điều ấy giúp ta khẳng định một điều: Truyện ngắn chính là thể loại tiêu biểu trong những sáng tác của Đỗ Chu.

                                                                                       Hoàng Yến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét