15 – Hoài Thanh
(1909 – 1982)
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vì người ngồi trên
Thi Nhân còn một chút duyên
Lại vò chi nát lại lèn cho đau
Bình thơ đến thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan.
Nửa đời sau lại vì người ngồi trên
Thi Nhân còn một chút duyên
Lại vò chi nát lại lèn cho đau
Bình thơ đến thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan.
Xuân Sách
Thi Nhân Việt Nam 1942
Tham khảo thêm:
HOÀI
THANH- SẮP CHẾT VẪN KIÊN QUYẾT TỪ CHỐI ĐỨA CON “THI
NHÂN VIỆT NAM” CỦA MÌNH
Cả một đời “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, Hoài Thanh đã có thể yên tâm và
tự hào rằng mình đã sống và viết hoàn toàn trung thực.
Ai từng có cơ hội gặp Hoài Thanh đều khó quên khuôn mặt khắc khổ, hiền từ và
nét man mác buồn – điều những người con của ông thường tả lại. Trong ký ức của
người con thứ Đức Năng, bề ngoài người cha kính yêu của mình có dáng hình gầy,
cao, nhân hậu như một vị chân tu đã khổ công rèn luyện đến ngày đắc đạo. Nhưng
đằng sau cái bề ngoài ấy là một tấm lòng bao dung, nồng hậu với đời, với nghệ
thuật.
Cuộc đời của con người đa cảm và nhiều ẩn ức ấy gắn với những thăng trầm từ
thuở thiếu thời. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho sa sút nơi làng quê xứ
Nghệ nghèo nàn nhưng giàu truyền thống yêu nước. Ông đến với văn chương từ
những tháng ngày dạy học ở trường Thuận Hóa. Những ngày ấy, Hoài Thanh cắm cúi
viết Thi nhân Việt Nam trong tiếng bễ thụt phù phù và tiếng búa đập chát chúa
của những người hàng xóm làm nghề lò rèn. Những trang viết tài hoa. Mỗi bài phê
bình thơ cũng có giá trị không kém bài thơ. Vì quá nghệ thuật như vậy, con
đường phê bình ấy có lúc đã đẩy Hoài Thanh vào phía đối cực với những người
theo phái “vị nhân sinh”. Ông bị kết tội đã quá trau chuốt mà quên đi nghệ
thuật phải phục vụ đời sống. Để rồi, nghiệp phê bình của ông phải trải qua
không ít thăng trầm.
Thành thực với sự nhạy cảm trời phú. Thành thực với quan điểm của mình ngay
cả khi nó là số ít. Nhân hậu với bạn bè, chia sẻ với đồng nghiệp ngay cả khi
mình cũng nghèo, cũng thanh bạch. Suốt cuộc đời, Hoài Thanh là nhà phê bình
thành thực, mặc áo lương, đi guốc mộc
Đứa con tinh thần tài hoa nhất của Hoài Thanh – Thi nhân Việt Nam cũng mang
một số phận như thế. Công trình xuất sắc về phong trào Thơ Mới ấy được in lần
đầu năm 1942 nhưng mãi đến năm 1960 mới được Trường đại học Tổng hợp Hà Nội xin
phép in lại dưới dạng lưu hành nội bộ. Bởi lẽ, sau Cách mạng Tháng Tám, tinh
thần lãng mạn của Thơ Mới không còn phù hợp với không khí chung của thời đại.
Cuốn sách bị xã hội cũng như chính “cha đẻ” của nó phủ nhận và phê phán. Tới
nay, giá trị thực sự của Thơ Mới có thể vẫn còn gây tranh cãi nhưng không ai có
thể phủ nhận Thi nhân Việt Nam. Thậm chí nhiều nghiên cứu còn cho rằng chính
Hoài Thanh là thi nhân thứ 46 của một thời đại rực rỡ trong thi ca. Lối phê
bình quyến rũ trong từng câu từ, tinh tế trong từng cảm nhận và độc đáo trong
từng liên tưởng đã khiến cho Thi nhân Việt Nam sinh động và uyển chuyển như một
bài thơ giàu tính thẩm mỹ.
Mặc dù vậy, sau này, câu chuyện về Thi nhân Việt Nam hay vụ án “nghệ thuật vị
nghệ thuật” luôn bị Hoài Thanh từ chối nhắc đến, cho tới khi ông đến với cách
mạng như một quy luật tất yếu và khát vọng được sống thành thực với lòng mình.
Thực tế cách mạng và sự trưởng thành qua thời gian của bản thân nhà thơ đã làm
sáng tỏ mối quan hệ giữa con người chính trị xã hội và con người nghệ sĩ trong
Hoài Thanh. Những tác phẩm của ông giai đoạn này vì thế mà mang đầy tính “hành
động”, đầy tinh thần tranh đấu: Văn chương và hành động, Có một nền văn hóa
Việt Nam, Xây dựng văn hóa nhân dân, Nói chuyện thơ kháng chiến…
Khát vọng thành thực
Cả một đời sống và cống hiến nhưng chưa khi nào Hoài Thanh nguôi ngoai nỗi mặc
cảm về Thi nhân Việt Nam – đứa con tinh thần khiến ông xấu hổ nhiều hơn tự hào.
Cho đến những phút cuối đời, khi Nhà xuất bản Văn học khởi thảo in Tuyển tập
Hoài Thanh, Từ Sơn (con trai cả của ông) có gợi ý đưa cuốn sách này vào, ông
vẫn kiên quyết từ chối. Con người nhân hậu và khắc khổ ấy đã quyết tâm “lột
xác” và chối bỏ đến tận cùng một phần con người cũ trong mình. Tuy nhiên, cách
cảm, cách nghĩ hồn nhiên, chân thành trước cuộc đời của ông vẫn là tôn chỉ cho
mọi cảm thụ nghệ thuật. Lối “phê bình ấn tượng” trong cách gọi của nhà phê bình
Đỗ Lai Thúy về Hoài Thanh cũng xuất phát từ bản năng cảm thụ đặc biệt này. Đó
chính là điểm lớn nhất phân biệt ông với nhà phê bình văn học cùng thời Trương
Tửu. Ông Tửu là người chủ trương làm khoa học về văn chương với lý trí lạnh
lùng và lối văn phong khúc chiết.
Hoài Thanh sống một đời lặng lẽ trước những cái án mà thời đại khắc nghiệt gán
cho ông. Không tìm cách thanh minh hay tranh đấu vì bản thân, tất cả những gì
Hoài Thanh làm đơn giản chỉ là “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, yêu thương và
đầy tự trọng. Vào năm 1947, khi kháng chiến chống Pháp mới bắt đầu, nhiều tác
phẩm lớn trong đó có Truyện Kiều vẫn còn chịu nhiều định kiến và bị chính trị
hóa nặng nề. Hoài Thanh đã cương quyết từ chối đi họp chi bộ chỉ bởi ông nghĩ
rằng, ông thích Truyện Kiều còn những người cộng sản thì không. Sau này, trước
khi qua đời, được tin nhà nước đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập
cho mình, ông vẫn mặc cảm không dám nhận. Bởi ông nghĩ: “Còn nhiều người xứng
đáng hơn tôi như Đặng Thai Mai chẳng hạn, sao các anh không trao mà lại trao
cho tôi”.
Ông cũng “va” vào một tranh cãi khác trong nghệ thuật – quanh tác phẩm Kép Tư
Bền của Nguyễn Công Hoan. Số đông, cũng là phái “vị nhân sinh” khi đó hết lời
ngợi ca giá trị hiện thực và nhân đạo mà tác phẩm chuyển tải. Nhưng Hoài Thanh
ở phía đối lập với số đông này. Ông cho rằng giá trị của Kép Tư Bền chỉ nằm ở
những “câu văn ngộ nghĩnh” được “lắp vào những cốt truyện không có gì”.
Cuộc tranh luận gay gắt ấy đã trở thành vụ án đình đám trong giới phê bình nghệ
thuật những năm 30-40 của thế kỷ 20. Mặc dù vậy, “tình đồng chí” giữa Hoài
Thanh và Nguyễn Công Hoan sau này vẫn gắn bó, thân tình như ruột thịt. Hoài
Thanh vẫn hết lòng chăm sóc, lo lắng cho gia đình Nguyễn Công Hoan lúc ốm đau,
cơ nhỡ. “Ông là người ăn ở với ai cũng thế, luôn luôn vì người khác…”, nhà văn
Lê Minh – con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan – chia sẻ.
Thành thực với sự nhạy cảm trời phú. Thành thực với quan điểm của mình ngay cả
khi nó là số ít. Nhân hậu với bạn bè, chia sẻ với đồng nghiệp ngay cả khi mình
cũng nghèo, cũng thanh bạch. Suốt cuộc đời, Hoài Thanh là nhà phê bình thành
thực, mặc áo lương, đi guốc mộc. Suốt một đời lương thiện ấy, ông bị “áo cơm
ghì sát đất” nhưng vẫn có những tháng ngày mang án “văn chương phú hào”.
Hoài Thanh (1909-1982) tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên, là nhà phê bình
xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại với công trình nổi tiếng Thi nhân Việt
Nam (viết chung với Hoài Chân). Tuy nhiên, tác phẩm từng bị chính nhà phê bình
chối bỏ. Ông đã quyết tâm lột xác, tự phủ nhận con người tôn thờ cái đẹp thuần
khiết trong mình để đến với cách mạng. Nhưng đó mới chính là tác phẩm lưu danh
của ông với trên 40 lần tái bản. Cũng chưa một công trình nghiên cứu nào về Thơ
Mới có thể vượt qua nổi nó.
Thuộc thế hệ trí thức Tây học đầu thế kỷ 20 song ông vẫn mang những nền tảng
vững chắc từ truyền thống Hán học của gia đình. Những tác phẩm với lối phê bình
ấn tượng, uyên bác và tinh tế: Văn chương và hành động, Thi nhân Việt Nam,
Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du… đã đưa ông trở thành
một trong những nhà phê bình có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn học.
Ông là đại biểu QH khóa 2, từng giữ các trọng trách: Tổng thư ký Liên hiệp
Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam kiêm
Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện; Chủ nhiệm tuần báo Văn
nghệ.
Ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét