Xe tăng cũng có lúc bị sa lầy, bị hỏng... cần phải cứu kéo. Không quá phức tạp, song nếu không thực hiện đúng các quy trình, quy tắc và thao tác thì dễ có chuyện dở cười, dở khóc.
Khi tiến hành cứu kéo xe, quy tắc đầu tiên mà những người thực hiện phải chấp hành đó là phải có chỉ huy thống nhất. Trong điều kiện bình thường, quan sát tốt có thể chỉ cần một người chỉ huy chung cho tất cả các xe tham gia cứu kéo.
Còn trong đếm tối, lại bị không quân địch đang đe dọa trên đầu... thì ngoài người chỉ huy chung còn phải có người chỉ huy riêng cho từng xe - kể cả xe đến cứu kéo và xe được cứu kéo.
Quy tắc thứ hai là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Phải tính toán, sử dụng loại cáp, xích hoặc cần kéo cứng cho phù hợp từng điều kiện cụ thể. Khi cần thiết, ngoài các xe cứu kéo còn phải bố trí thêm các xe cố định (làm neo) để tránh cho xe được cứu bị lật.
Một quy tắc nữa những người tham gia cứu kéo phải tuyệt đối nằm lòng là: phải căng cáp (xích) trước khi dốc toàn lực kéo. Có như vậy, sợi cáp mới không bị tác động đột ngột và bị đứt ngoài ý muốn.
Nói chung, cũng không quá phức tạp song không phải không có sự cố xảy ra.
Thời chiến đã lắm chuyện
Trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, trên đường hành quân vào chiến trường, đoạn qua sông Sê Băng Hiêng, một chiếc xe tăng bị dệ ngay bờ sông. Điều oái oăm là xe bị dệ đúng chỗ cua nên góc quan sát hơi khó. Trên đầu, tiếng chiếc AC-130 tuần đường vẫn vè vè. Nếu không cứu kéo kịp cứ để xe nằm đây chắc ăn đạn của nó lắm!
Một chiếc xe đi trước được cho lùi về cách chiếc xe bị dệ chừng 2 mét rồi dừng lại. Các thành viên nhanh chóng móc cáp nối giữa 2 xe. Tín hiệu chỉ huy xe được thể hiện qua 2 cái đèn pin đã bịt mặt kính, chỉ hở 1 lỗ bằng chiếc đũa.
Vì địa hình ở đúng chỗ cua gấp, lái xe được cứu không thể quan sát được người chỉ huy phía trước nên trưởng xe đó phải đứng trên buồng truyền động trên xe đến cứu kéo để chỉ huy. Đứng ở đây, anh phải quan sát hành động của cả người chỉ huy phía trước và của xe mình để phối hợp cho chặt chẽ.
Sau khi cho căng cáp theo đúng quy tắc, người chỉ huy phía trước vẫy đèn cho xe tiến. Người chỉ huy thứ hai cũng thực hiện theo rất nhịp nhàng. Cú dệ xe không nặng lắm lên hai chiếc xe từ từ bò lên mặt đường không mấy khó khăn.
Tuy nhiên, khi người chỉ huy phía trước ra tín hiệu dừng xe. Lái xe phía trước dừng đột ngột làm người chỉ huy thứ hai mất thăng bằng ngã xuống buồng truyền động. Cây đèn pin văng ra và hướng lên phía trên như tìn hiệu "Tiến!".
Vậy là lái xe phía sau cứ điềm nhiên tăng ga. Cả băng xích bên phải xe sau chồm lên lá chắn bùn và lan can bên trái xe trước tóe lửa.
Cho đến khi lái xe sau phát hiện ra và dừng lại thì băng xích của anh ta đã nhai gọn cả lá chắn bùn và tấm thép lan can bên trái xe trước. Không những thế, nó còn làm cho cửa xả động cơ xe trước bẹp dúm dó, phải đục ra mới chạy được.
Một sự cố khác tương tự nhưng hậu quả nghiêm trọng hơn do kéo lùi. Khi xe kéo đã dừng lại, lái xe được kéo vẫn tiếp tục lùi. Nòng pháo xe được kéo chọc vào đầu lái xe kéo ở phía sau và ép vào tháp pháo làm lái xe phía sau bị thương nặng.
Đấy chỉ là hai sự cố tương đối điển hình. Còn những chuyện tương tự và gần tương tự thì nhiều vô số.
Thời bình cũng vô khối chuyện
Không chỉ trong thời chiến, trong chiến đấu những sự cố dở cười, dở khóc khi cứu kéo mới xảy ra mà cả trong thời bình, trong huấn luyện những chuyện như thế cũng không hiếm.
Một trong những sự cố phổ biến hay xảy ra nhất là đứt cáp. Có nhiều nguyên nhân nhưng thông thường nhất là sử dụng cáp không đúng chủng loại, không đủ sức chịu tải. Một nguyên nhân nữa là do không chấp hành quy tắc "căng cáp" trước khi kéo, làm cho sợi cáp bị "giật" đột ngột, tạo ra siêu ứng suất gây đứt cáp.
Cáp đứt, ngoài việc hao tốn vật tư phụ tùng thì còn một nguy cơ khác nghiêm trọng hơn là mất an toàn. Sợi cáp trước khi đứt thường là đang bị kéo căng hết mức nên khi đứt, lực đàn hồi của các sợi thép trong đó sẽ làm 2 nửa cáp đứt văng mạnh về hai phía. Đã có vài trường hợp thương vong xảy ra cho lái xe cũng như người xung quanh khi bị sợi cáp đứt văng vào.
Ngoài đứt cáp thì cũng còn vô số sự cố khác, thậm chí đến mức "không thể tin nổi" đã xảy ra. Chẳng hạn vụ "xe tăng không người lái" ở một Trường đào tạo Hạ sĩ quan TTG vẫn thường được mọi người nhắc đến như một bài học nhớ đời.
Hôm đó, để chuẩn bị cho đoàn cán bộ cấp trên sắp vào kiểm tra Ban giám hiệu nhà trường lệnh cho các đơn vị, bộ phận dưới quyền dọn dẹp vệ sinh, bố trí mọi mặt cho thật chính quy, đẹp mắt.
Tại khu xe, thấy một chiếc xe của đại đội mình khi lùi vào lán đã lùi hơi sâu làm cho các xe không thẳng hàng, đồng chí đại đội phó kỹ thuật không được hài lòng cho lắm và yêu cầu phải sắp xếp lại.
Tuy nhiên, đồng chí lái xe giữ xe này lại đang đi vắng. Do tính cẩn thận, đồng chí này đã lắp riêng một chiếc khóa vào cửa trưởng xe nên không ai mở được để vào nổ máy cho xe tiến lên. Không chịu dừng lại, đại phó kỹ thuật quyết định cho một xe khác đến kéo xe này tiến lên mấy chục cm cho các xe thẳng hàng.
Nhưng thật không ngờ! Khi chiếc xe vừa nhích đi được một mắt xích thì động cơ của nó bỗng đột ngột gầm lên. Tất cả mọi người có mặt đều hết sức luống cuống, chỉ kịp tháo vội cái cáp kéo rồi cho xe phía trước tránh sang một bên.
Trong khi đó, chiếc xe tăng không người lái cứ hùng dũng tiến về phía trước một cách bình thản. Nó lao qua nhà trực ban khu xe, để lại trên 2 bức tường nhà trực ban 2 lỗ hổng đúng hình xe tăng chính diện. Tiếp đó là hàng rào khu xe và một vườn cây cũng bị nó cày nát.
Không biết rồi nó sẽ chạy đến đâu nếu không có cái bờ lũy bao quanh nhà trường như một con đê. Chắc là mức độ tra dầu chưa đủ mạnh nên nó "chết máy" và dừng lại ở đó!
Nguyên nhân sau đó được làm rõ: khi chiến sĩ lái xe này về lán, để chắc chắn không bị trôi xe anh đã cài số 2. Tuy nhiên, không hiểu sao anh ta lại "cố định tay ga" nên khi xe bị kéo, động cơ bị kéo theo và nổ liền. Cũng may, anh ta không để tay ga ở mức lớn nhất. Nếu đặt ở mức lớn rất có thể chiếc xe sẽ vượt qua bờ lũy và hậu quả thế nào thì chưa ai nói được.
Thế mới biết, công việc dù có đơn giản đến đâu cũng phải chấp hành và thực hiện đúng mọi quy tắc, quy trình mới có thể diễn ra xuôi chèo, mát mái và bảo đảm an toàn.
Nguồn: http://soha.vn/cuu-keo-xe-tang-nhung-chuyen-do-cuoi-do-khoc-20170604105007126.htm
NKN
Đúng là ông trùm, người độc nhất khai thác các chuyện về Tăng thiết giáp. Càng đọc càng thấy nhiều điều lý thú thật. Chúc mừng nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt đã có một mảng đề tài riêng quá hấp dẫn nha
Trả lờiXóa