Trong thực tế có những chuyện "khó tin mà thật". Chẳng hạn, sau một đêm 8 chiếc xe tăng tự nhiên biến mất. Tưởng bị mất trộm, nhưng rồi không phải vậy!
Tháng 4 năm 1974, Tiểu đoàn xe tăng 3 của Lữ đoàn xe tăng 202 cơ động từ Hòa Bình vào Tĩnh Gia, Thanh Hóa để hợp quân cùng lữ đoàn. Đại đội 3 do Đại đội trưởng Đào Văn Mến chỉ huy gồm 9 xe tăng T-59 được chỉ định đóng quân tại xã Văn Sơn. Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách của đơn vị là xây dựng doanh trại và lán xe.
Đại đội trưởng Đào Văn Mến chọn vị trí trú quân là một quả đồi thấp, triền đồi thoai thoải phủ dày cỏ và lơ thơ những đám cây thanh hao (một loại cây có lá nhỏ, mùi thơm hắc, thường dùng làm chổi quét sân), chỉ có một góc là có cây cối.
Vì chưa có doanh trại nên đại đội trưởng Đào Văn Mến cho bộ đội dựng 4 chiếc nhà bạt cho bộ đội ở trong góc có cây cối. Còn xe tăng anh bố trí rải rác ở sườn đồi cỏ và cho trùm bạt kín. Sau khi tạm thời ổn định bộ đội bắt tay ngay vào đi rừng chặt tre, gỗ, cắt tranh và tìm kiếm các vật liệu khác để dựng lán trại.
Mọi công việc của đơn vị dần đi vào nề nếp.
8 chiếc xe tăng đột ngột biến mất!
Đêm hôm thứ tư tính từ khi đơn vị đến chỗ ở mới thì một trận mưa to kéo đến. Chỉ là cơn mưa đầu mùa song thật dữ dội và dai dẳng. Lúc tầm tã, lúc rí rách... trận mưa kéo dài suốt đêm. Tuy nhiên, do nhà bạt đã được gia cố thêm sạp nằm nên bộ đội vẫn ngủ ngon sau một ngày lao động mệt nhọc.
Bỗng nhiên, những tràng còi gay gắt rúc lên liên hồi như muốn đánh thức cả quả đồi vốn yên ả, vắng lặng. Không phải còi báo thức mà là còi báo động chiến đấu. Toàn đại đội không kịp mặc quần áo ngoài, nhanh chóng vơ lấy vũ khí lao ra ngoài.
Trời đã tờ mờ sáng và vẫn lắc rắc mưa. Đại đội trưởng Mến vẫn quần đùi áo lót đứng giữa mấy chiếc nhà bạt cùng một chiến sĩ khoác khẩu AK. Không chờ bộ đội tập hợp như mọi khi, anh hét lớn: "Tất cả ra bãi xe mau! Xe bị mất hết rồi".
Đến lúc này mọi người mới hướng mắt ra bãi xe. Quả nhiên, ngoài chiếc xe đỗ sát lùm cây vẫn nguyên đó, còn 8 chiếc khác đã "biến mất" để lại nguyên cái sườn đồi trống vắng, hoang hoải. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra?
Xe tăng bị mất trộm ư? Thằng trộm nào lại to gan đến vậy? Mà chúng lấy xe tăng về để làm gì cơ chứ?... Vậy thì chỉ có cấp trên thử thách đơn vị thôi! Nhưng nếu có như vậy thì cũng phải có tiếng nổ máy chứ.
Mà đại đội có cắt gác cơ mà... Thôi thì cứ chạy ra xem đã. Các kíp xe túa ra chạy thẳng về chỗ xe mình đỗ, còn đại đội trưởng chỉ huy mấy chiến sĩ "C bộ" chạy xuống chân đồi xem có thấy vết xích không?
May quá: Không mất!
Thế rồi đây đó có tiếng reo mừng rỡ: "Xe tăng không mất!" vang lên. Đại đội trưởng Mến vọt ngược trở lại, miệng liên hồi: "Đâu? Xe đâu?". Người chiến sĩ chỉ vào cái chóp tháp pháo vẫn còn nhô lên trên mặt cỏ như một nấm đất.
Mấy chiến sĩ xông vào đào bới và đỉnh tháp pháo trùm bạt bắt đầu lộ ra. Các vị trí khác cũng hăng hái bới và đã phát hiện được xe mình.
Ngay lập tức cuốc xẻng được đem tới và công việc đào bới cứu xe được tiến hành. Cái đồi cát ngày thường có vẻ chắc chắn ra trò nay trở thành một thứ chất gần như bùn lỏng. Sau một hồi đào bới các xe tăng đã lộ ra.
Đại đội trưởng Mến quyết định cho bới cát phía trước rồi dùng chiếc xe còn lại kéo từng xe lên sau khi đã nối vài sợi cáp lại với nhau. Ấy thế mà cũng phải hết ngày hôm sau 8 chiếc xe mới được lôi lên mặt đất. Rất may, do đã được trùm bạt kín nên cát và nước không vào được động cơ cũng như các bộ phận khác.
Và cũng thật lạ là chỉ sau khi ngớt mưa vài tiếng, cái sườn đồi ấy lại trở nên vững chắc như thường. Tuy nhiên, thủ phạm "trộm xe" cũng đã hiện nguyên hình.
Đó chính là đồi "cát non" khi bão hòa nước do mưa lớn sẽ "hóa lỏng", các hạt cát gần như không còn liên kết với nhau nữa nên không chịu lực được và vật nặng trên đó - ở đây là những chiếc xe tăng nặng hàng chục tấn sẽ từ từ bị chìm xuống.
Khi xe chìm xuống cát lại điền vào những chỗ trống và liền lại như cũ. Thật may là trận mưa không kéo dài thêm. Nếu nó kéo dài thêm vài tiếng nữa thì 8 chiếc xe tăng sẽ hoàn toàn không còn tí dấu vết nào trên mặt đất nữa.
Ngay sau đó đơn vị đã cho người vào gặp bà con quanh đó tìm hiểu. Bà con ở đây cho biết chuyện người với gia súc bị sa lầy trên đồi cát khi trời mưa cũng là chuyện bình thường nhưng chưa bao giờ bị lún sâu như thế.
Bà con cũng khuyên nếu muốn không bị lầy lún thì nên vào ở những chỗ có cây cối càng to càng tốt. Đúng là một bài học nhớ đời cho cán bộ chiến sĩ Đại đội xe tăng 3 nói riêng và anh em lính xe tăng nói chung.
(Ghi theo lời kể của Đại tá Vũ Công Chiến - nguyên chiến sĩ Đại đội xe tăng 3)
Nguồn: http://soha.vn/lu-doan-202-xe-tang-bi-mat-trom-va-cai-ket-bat-ngo-20161021161714272.htm
NKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét