Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

ĐỌC “BỐN MÙA” THƠ TRẦN NHUẬN MINH NXB VĂN HỌC HÀ NỘI 2011

(tiếp theo)


“THƠ TÌNH NGÀY KHÔNG EM”, “CHIỀU XANH”.


Thơ tình mà lại không em vì giờ đây :
“Thì em xa,
Em đã quá xa rồi…”

Những đổi thay dâu bể bao giờ cũng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Ta không hiểu được những gì rồi sẽ đến nên con người thường sống chơi vơi và đau khổ trong tình yêu. Những câu thơ ở đây nhẹ nhàng nhưng lại gieo giông bão vào lòng ta. Trần Nhuận Minh cứ liên tiếp đặt vào đây những trăn trở:
“Nếu biết rằng sẽ chẳng gặp lại nhau”
Và sau câu trăn trở đó, là sự xót xa ân hận của Nhà thơ – người tình:
“Anh đã chẳng buộc em vào tội lỗi”
Để đến nỗi:
“Em đứng lặng. Mặt úp vào bóng tối
Khổ thân em có nói được gì đâu”

Và cũng sau trăn trở ấy có lúc đã le lói một niềm hy vọng:
“Để quá khứ chỉ còn là thương nhớ
Và tương lai ít ra cũng ngọt ngào”

Cùng với “Thơ tình ngày không em” những bài thơ tình khác của Trần Nhuận Minh cũng mỏng nhẹ như sương khói nhưng lại có độ lắng sâu và rất dạt dào cảm xúc. Vì thế nó găm chặt được vào cõi người. Thơ tình của ông gieo vào lòng ta một nỗi buồn man mác, để lại trong ta một nỗi niềm tiếc nuối của một thời xưa cũ, nơi mối tình đầu của mỗi đời người chớm nở. Nó cứ như sợi heo may se lạnh đầu thu vấn vít vào hồn ta. Trong “Chiều xanh” Trần Nhuận Minh có những câu thơ thật hình tượng:
“Áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu”

Tình yêu của cô gái dậy thì, sức vóc lớn trước tuổi. Tình yêu ấy mới trong trắng làm sao, sao đẹp thế mà em lại phải e thẹn dấu vào trong áo. Để bây giờ em chẳng thể giấu nó vào đâu. Rồi thời gian cứ trôi đi:
“Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải
Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây”

Mây là thực, mây cũng là mái tóc mây của nàng trinh nữ biếng chải khi trăng lên. Trăng của thề hẹn lứa đôi nhưng giờ đây em đã lẻ bóng. Chỉ mình em, em chải tóc làm duyên cho ai ? Và tự nhiên lại vụt lên câu thơ tài hoa đến thế. Thơ là sự vụt hiện, sự lóe sáng của thiên tài:
“Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm bãi”
Sự kỳ ảo, vẻ đẹp của câu thơ này có nói đến cả đời cũng không hết được. Mỗi người sẽ tìm cho mình một cảm nhận về nó. Rồi tất cả lại chìm sâu vào quạnh vắng cũng chỉ bằng một câu thơ:
“Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu”
Mây trinh nữ thì lang thang trên trời, còn chim thì gọi bạn cuối đầm sâu. Sự kỳ ảo trộn lẫn với sự hoang vắng cho ta cảm nhận về một không gian thơ có cái gì khác lạ.
Và: “Tà áo mỏng bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay”

Bài thơ thì khép lại nhưng tà áo mỏng và cơn gió rét ấy cứ bay, cứ thổi, cứ thổi mãi đến nao lòng ta. Xin được trích vào đây một khổ thơ đọc nó lòng ta dịu lại trước khi ta bước vào hành trình đi đến với những kiếp người:
“Còn chăng hương xuân trong đôi hoa tay
Chạm vào môi em hoang vu khô gầy
Xoa lên má em xanh mờ hồn xưa
Vuốt trên mi em mặn nhòe hơi mưa...”


“MỢ HỮU”


Hữu ở đây trong chữ Hán là hữu – có chứ không phải là hữu – bạn. Trong thơ Trần Nhuận Minh thường xuất hiện những từ trái ngược như thế. Ta sẽ giật mình khi đọc hết bài thơ. Tên bài thơ như thắp lên niềm tin, nhưng đọc xong thơ ta lại thấy sự đổ vỡ.
Vợ chồng mợ làm ăn chỉn chu chính đáng, chồng mợ là người đàn ông sống có trách nhiệm với gia đình luôn coi chuyện an cư mới lạc nghiệp lên đầu. Đây chính là cái ham muốn quẩn quanh của con người. Rồi số phận khắc nghiệt đã giáng lên cái gia đình hạnh phúc ấy:
“Cậu xây xong nhà ba tầng
Người cứ dần dần héo quắt
Thế rồi một sớm tinh mơ
Cậu cứ lặng im mà mất...”

Từ cậu ở đây không để chỉ địa vị cao sang mà chỉ ngôi thứ anh chị em trong một gia đình. Có nghĩa là trên cậu và dưới cậu là chị gái và em gái. Điều đó mới là nguyên nhân của sự tan vỡ - đàn bà lắm chuyện, lắm ghét ghen và đố kỵ. Sự đố kỵ và ghét ghen của con người ở đây sao mà tàn nhẫn thế. Người chết vẫn nằm đó trong quan tài mà người sống thì đã:
“Cô bác từ quê ra viếng
Thấy mợ dịu dàng mảnh mai”

(Ôi cái dịu dàng mảnh mai cũng có tội ư ?)
“Mà nhà thì to đẹp thế
Biết rồi sẽ vào tay ai ?”

Và :
“Em chồng mắt lườm miệng nguýt
Vô tâm mợ có thấy đâu...”


“Cậu chết mợ thành người lạ
Bơ vơ trong chính nhà mình”

Hỏi có gì khổ đau hơn thế, họ hàng đơn bạc và thói đời đơn bạc. Ngày xưa khi tôi đọc câu thơ của Kha Ly Chàm: “Ừ nhỉ thói đời như mõm chó” đăng trên báo Văn nghệ Bình Dương tôi đã phê phán câu thơ đó. Giờ đọc thơ của Trần Nhuận Minh tôi mới thấy ân hận xót xa. Từ nơi xa này xin tạ lỗi với Nhà thơ Kha Ly Chàm. Mõm chó chỉ làm rách da rách thịt, còn thói đời ở đây đã hủy hoại những kiếp người.
“Như con thuyền nan không bến
Lênh đênh trong chính phòng mình”

Rồi Trần Nhuận Minh chỉ biết kêu trời mà chẳng thể làm gì được để bảo vệ hạnh phúc cho một kiếp người.
“Mợ đáng thương hay đáng trách
Trời ơi ! Tách bạch mà chi
Dòng sông muôn đời vẫn thế
Đục trong thì cũng trôi đi...”

Đi qua cuộc đời mợ Hữu ta lại bắt gặp một thân phận, một kiếp người:


THÍM HAI VUI:


Lại một cái tên trái ngược nữa mà Trần Nhuận Minh đặt cho nhân vật của mình.
Đời một người chinh phụ khi chồng ra đi chinh chiến lại coi đó là những năm mình được sống trong hòa bình. Có cái nghịch lý nào đau đớn hơn thế ?
“Thím bảo những năm ấy
Là những năm hòa bình”

Một mình thờ chồng nuôi con trong gian lao vất vả mà chẳng có một lời kêu ca trách móc:
“Có tin đồn chú mất
Thím thầm cắn chặt môi
Nuôi hai con ăn học
Cấy cày đến quắt người

Nhưng rồi:
“Bỗng đột nhiên chú về
Tung huân chương đầy chiếu
Thím cười mà như mếu
Nước mắt chả buồn lau”

Chân dung của một người anh hùng, công thần nhưng vô học và chân dung của một người phụ nữ khổ đau đã được Trần Nhuận Minh tóm gọn trong bốn câu thơ. Sự tài hoa ở đây đã đi đến tột đỉnh và sự đau thương mất mát ở đây đã đi đến tột đỉnh. Cái nhân cách của một vị anh hùng, công thần nhưng vô học đã được Trần Nhuận Minh tóm gọn trong 2 câu thơ nhưng thực ra chỉ trong một từ “tung”. Sau cái hành động ngạo mạn vô học ấy là tất cả đã đổ vỡ nát tan: danh dự, công lao, gia đình và hạnh phúc. Trong con người ấy bây giờ cái gì cũng nhất:
“Giặc nào chú cũng thắng
Có thua thua ông trời”

Một con người đã đổ xương máu cho bốn cuộc chiến tranh, chắc là thế: Chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, giờ còn lại là gì sau hành động “tung huân chương đầy chiếu” ấy ?
“Thế rồi … biết vì đâu
Yên lành không chịu được
Vợ con chú đánh trước
Xóm giềng chú đánh sau”

Khắc họa hình ảnh người anh hùng, công thần ấy Trần Nhuận Minh còn muốn gửi gắm cho cõi người này một thông điệp về tội ác chiến tranh, nó không chỉ hủy hoại xương máu mà còn hủy hoại nhân cách của cả một lớp người. Chiến tranh đã tạo dựng ra những lớp người khát máu không chỉ phía bên kia mà còn cả phía bên này. Cuồng tín và bạo lực. Nhưng ở đây vẫn chỉ là của một người theo tôi là vô học. Còn những kẻ có học thì tệ nạn công thần, địa vị còn tàn sát và dày xéo đất nước này tan hoang và kiệt quệ đi rất nhiều. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Tầng lớp công thần địa vị có học khôn ngoan hơn nhiều, mưu kế hơn nhiều và cũng hiểm độc hơn nhiều.
Tôi đã đọc một bài báo của Trần Nhuận Minh bàn về cơ chế quản lý khoáng sản của đất nước. Vì theo ông các công ty khai thác khoáng sản bây giờ gần với ông nhất là khai thác than ở Quảng Ninh thực chất là công ty của một gia đình, một dòng họ. Lợi nhuận thu được là của gia đình và dòng họ, thế mà họ không phải bỏ ra một xu, một cắc nào để mua khoáng sản của đất nước ? Thế là nghĩa làm sao ? Hay phải chờ đến đấng “Mê Tơi” trả lời : “Như thế là như thế”.
Thím Hai Vui đã phải sống một cuộc đời nhiều mất mát đến nỗi bị chồng ly dị, nhưng cái đau đớn nhất là bị chồng cướp đi đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, chắt chiu mồ hôi nước mắt để nuôi dạy nó khôn lớn thành người. Đó là nỗi đau lớn nhất của người mẹ. Chính vì thế:
“Thím hát như kẻ dại
Miệng mếu lại như cười”

Thím phải bỏ làng bỏ quê lên rửa bát cho các quán ăn trên tỉnh, nhưng có phải rửa bát thôi đâu mà còn trở thành người tình của các ông chủ, nên mới có cảnh:
“Những mặt phấn quần hoa”
Nhưng dù sao thì thím vẫn phải cố giữ lấy tiết hạnh của mình. Vì vậy khi gặp người quen thím đã phải:
“Thấy ai quen cũng lánh”
Nỗi đau của thím Hai Vui là nỗi đau đi trọn kiếp người.


“ÔNG HỦI”


Như tôi đã nói “Nhà thơ và hoa cỏ” là văn chiêu hồn của thời hiện đại. Ngoài khóc thương những kiếp người đang sống ông còn khóc thương những kiếp người đã chết. Bằng giọng thơ lục bát nhuần nhuyễn ta lại thấy một Nguyễn Du vĩ đại giàu nhân ái đang giang rộng vòng tay ôm trọn mọi kiếp người.
Tuy nhiên ngoài ý nghĩa nhân văn như ông đã viết:
“Lòng dân dù ở thời nào
Vẫn như mây nước thấm vào cỏ hoa”
Và nghĩa cử cao đẹp của ông:
“Câu thơ viết buổi thăm nhà
Đọc trong tâm tưởng gọi là viếng ông”
Thì đằng sau những ngôi mộ của ông Hủi không chỉ ở quê ông mà nó tồn tại khắp mọi cung đường của đất nước, trên cả những đỉnh đèo mây phủ còn lẩn khuất một điều mà có lẽ ông không muốn đề cập đến vì ông muốn dành riêng vào đây tất cả lòng nhân ái. Bài thơ còn gợi cho tôi một khía cạnh khác mà câu thơ đề tựa của ông ở đầu tập luôn nhắc nhở tôi một khía cạnh không tốt đẹp, đó là lòng ham muốn vô độ của con người. Chính vì thế mộ ông hủi đã bao lần san lấp và cũng chừng ấy lần mọc lên nguyên vẹn. Mỗi người đi đường qua đây đều ném vào đó một hòn đất, một hòn gạch, một nhành lá, một bông hoa và có khi là những nén hương thơm ngát. Rồi cứ lầm rầm khấn khứa: Xin được phù hộ cho tai qua nạn khỏi, cho buôn may bán đắt, cho phúc lộc dồi dào. Chỉ bỏ ra một hòn gạch, một cục đất mà ham muốn của con người lại vô độ. Chẳng hiểu những ông đống, ông hủi ấy có đủ lộc mà ban phát cho ham muốn của cõi người. Cảnh đến đền thờ bà Chúa Kho cũng thêm một minh chứng cho câu thơ “Trái đất quay trong hy vọng khôn cùng”. Bỏ lễ vật ra một đồng, một hào mà đi vay tiền tỷ để làm giàu. Theo tôi những ngôi mộ của ông đống, ông hủi đã được tạo dựng lên từ hai yếu tố đối nghịch – nhân ái và lòng tham vô độ của con người.


“BẠN CHƠI TỪ THUỞ QUÀNG KHĂN ĐỎ”


Khi viết về “Nhà thơ và hoa cỏ”, tôi coi nó là văn chiêu hồn của thời hiện đại. Trần Nhuận Minh khóc thương những kiếp người hiện hữu trong cõi người. Tôi chưa đọc và chưa đếm những hạng người trong bài thơ này. Đúng như tôi đã khẳng định, ở đây Trần Nhuận Minh đã khắc họa đúng 10 hạng người. Tất cả đã tụ họp về đây. Bài thơ kết dính những số phận của một thời – một thời tươi đẹp biết bao nhiêu. Thời của khăn quàng đỏ thắm chỉ bằng một bài thơ dài hai trang mà biết bao thân phận, bao trải nghiệm cuộc đời. Tất cả đã dồn tụ vào đây như một xã hội của một thế giới người. Bằng chất giọng của những câu hỏi xót xa, những câu hỏi ở đây và bao nhiêu bài khác nữa của Trần Nhuận Minh cứ xoáy sâu vào tim óc mỗi người, và rồi có ai tìm ra câu giải đáp nào đâu ! Những tâm hồn đẹp đẽ vậy mà thời gian, sóng gió cuộc đời đã làm đổi thay đi bao số phận. Mỗi số phận, Trần Nhuận Minh đã tóm gọn bằng một hoặc hai câu thơ. Đọc nó ta thấy được nguyên trạng một đời người. Cái tài năng nắm bắt thần thái cốt cách của đối tượng muốn miêu tả, muốn gửi gắm của Trần Nhuận Minh đã đạt đến độ thượng thừa. Nhân cách của một cai tù thời hiện đại được Trần Nhuận Minh tóm gọn trong một câu:
“Gặp nhau tay bắt lạnh như đồng tiền”
Đối với bạn thuở quàng khăn đỏ mà tâm hồn còn giá băng như thế còn đối với các tù nhân thì băng giá đến mức nào ? Đọc câu thơ đó gợi cho tôi một sự liên tưởng, ông cai tù thời hiện đại sao lại giống ông cai tù Đỗ Chu cách đây đã hai ngàn năm, kẻ đã thiến sử gia vĩ đại của nhân loại – Tư Mã Thiên đến thế. Những ông cai tù như thế làm sao có thể phục hồi nhân cách cho tù nhân để họ có thể hoàn lương. Xin đừng cho tôi lắm điều suy diễn vì những câu thơ của Trần Nhuận Minh cứ bắt tôi phải suy nghĩ, phải liên tưởng.
Trong thập loại chúng sinh đó có lẽ khổ nhất là người nghệ sĩ mà đại diện cho họ là anh đạo diễn văn công:
“Đứa làm đạo diễn văn công
Nỗi đau đời dấu vào trong tiếng cười”
Cái khổ nhất của đời người là không dám bộc lộ chính mình, không dám phơi trải gan ruột của mình ra với đời. Tất cả cứ nằm trong cái vỏ bọc mà mình không bao giờ muốn.
Vẫn còn đó một ông giáo già, đã là ông giáo chỉ biết dạy chữ, dạy nhân, dạy đức mà sao còn ham hố đi buôn nhà. Có lẽ vì ông quá nghèo khổ. Ông không biết đâu những gian manh lừa lọc trong đời này. Ngù ngờ như ông giáo đi buôn nhà phải ra tòa âu cũng là chuyện thường tình. Trần Nhuận Minh đặt nhiều lòng nhân ái cho hai hạng người này: Ông giáo và nghệ sĩ.
“Sự đời bác đến thế thì
Đã làm ông giáo còn đi buôn nhà
Sớm mai bác phải ra tòa
Khôn ngoan biết lấy chi mà đãi nhau”

Không hiểu sao tôi chỉ cầu mong ông giáo ấy có phải vào tù thì đừng rơi vào ông trưởng trại tù – bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ. Với một ông cai tù như thế vào đó chắc rằng ông sẽ bị thịt nát xương tan. Người bạn ấy sẵn sàng tỏ ra cái thế mạnh của mình kể cả đối với bạn bè. 


(Còn nữa) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét