Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014

THÀY TRÒ TÔI ĐÀM ĐẠO VĂN CHƯƠNG (14)


13/7/2010
Thưa thày!
Thực ra không nhất thiết khi viết văn tất cả phải là thật, cái chính là cuộc sống làm nảy sinh ý tưởng, xúc cảm và viết. Có thể chỉ là tưởng tượng, hư cấu nhưng lại gột tả chân thực cuộc sống, đó là cái tài của người viết. Và trò Hương nghĩ đó mới thật là giỏi, còn trò Hương thì chưa đạt được tầm đó. Riêng đối với trò Hương, hầu như truyện nào cũng đều có mẫu ở đời, và thêm tấm chân tình của người viết, vậy nên có lúc thày đã nhận xét là: bị gò bị ép. Cũng như thày, trò Hương rất thích đọc truyện ngắn, rồi tự nhiên viết thôi (cả chị Tô Hà, em Vân Anh, đều học Tổng hợp văn ra, nhưng chưa ai viết truyện ngắn cả, có lẽ họ không thích thể loại này lắm chăng?). Tuy trò Hương viết thiên về tự sự nội tâm, nhưng trò Hương rất thích lối viết ngắn gọn, hóm hỉnh như của thày. Và mới chỉ đọc một truyện ngắn của thày, nhưng trò đã nhận thấy cái hư hư, thực thực trong văn của thày, trò sẽ phải học thêm thày nhiều đấy ạ.
Sau khi thày đi du lịch Nha Trang, Tuy Hòa về, trò sẽ gửi thày vài bài thơ của trò, trò muốn được thày dạy thêm về cách làm thơ ạ, Trò làm thơ là cứ làm theo cảm xúc thôi, nhớ lý thuyết sơ sơ, vậy nên, bây giờ đọc mấy bài giảng của thày về vần, về thơ lục bát trò nhập tâm được ít lắm ạ. Nhưng trước hết trò Hương đã tự nhủ, phải học thày về sự đam mê. Không biết đến lúc 60 tuổi (thua thày bây giờ 10 tuổi), trò Hương có viết được gì nữa không?
Hiện giờ trò rất làm biếng, lo nội trợ xong là đi chơi lông bông, chuyện phiếm, chưa chú tâm cho chuyện viết của mình. Thày có thể khuyên trò gì không ạ?
Em chào thày ạ. 
Lấy mẫu trong đời thực cũng là một cách viết quan trọng đấy. Các họa sĩ phải có người làm "mẫu vẽ”, các nhiếp ảnh gia cũng phải có người "mẫu chụp” họ không thể chụp trí tưởng tượng được. Các họa sĩ thì tự do hơn nhiếp ảnh gia nghĩa là có thể vẽ được trí tưởng tượng. Văn chương thì tự do hơn hết cả là có thể hoàn toàn tưởng tượng cũng được. Nhưng bản chất của trí tưởng tượng là gì? Suy cho cùng cũng chỉ là một dạng mô phỏng hiện thực mà thôi. Nếu một con người hoàn toàn không có những nhận biết gì về đời sống, không có một kho hình ảnh được tích lũy ở trong ký ức thì bộ óc cũng không có nguyên liệu gì mà nặn ra trí tưởng tượng được. Trước sự phong phú đa dạng muôn hình muôn vẻ của cuộc sống, sự nhận biết của ta chỉ giống như môt camêra quay gián đoạn thôi. Vì thế khi viết văn ta không thể chỉ ghi chép nguyên xi cuộc sống được mà bắt buộc phải chọn lựa các chi tiết rời rạc ở những không gian và thời gian khác nhau rồi lắp ghép gắn kết chúng lại thành một thể thống nhất. Vai trò của cảm hứng và trí tưởng tượng chỉ giống như vai trò của một thứ keo dán mà thôi. Thiếu cảm hứng và trí tưởng tượng thì không có "văn” nữa nhưng thiếu chi tiết sống thì văn lại không có "chất” Hai yếu tố "văn” và "chất” luôn phải kết hợp với nhau một cách hài hòa "Văn chất bân bân” thì mới được.
Tô Hà và Vân Anh học ở Tống hợp văn ra thì viết sẽ khó hơn đấy. Vì trong một người viết văn luôn có hai nhà: nhà văn nghệ sĩ và nhà  lý luận phê bình. Hai nhà này phải cân bằng nhau thì mới tốt. Nếu nhà văn nghệ sĩ mạnh thì viết hăng nhưng tự thẩm định, tự đánh giá lại không chuẩn xác,anh ta rất dễ cho ra đời những tác phấm còn "dưới ngưỡng”. Nhưng nếu nhà lý luận phê bình mạnh hơn thì anh ta lại hãi mà không dám viết nữa. Những người học văn khoa ra hay rơi vào tình trạng này. Cố nhiên không phải là tất cả. Bản thân thày giáo có thời kỳ viết cũng rất khó khăn. Định chuyên hẳn sang nghiên cứu. Nhưng vì ở tỉnh lẻ, không đủ điều kiện tư liệu và vốn ngoại ngữ lại quá ít ỏi nên rất khó làm. Theo hướng này thày chỉ làm được một số cuốn sưu tầm và tập hợp tư liệu. Một ít bài giới thiệu thơ.Nhưng do thói quen thường cứ phải làm thơ, lại do yêu cầu của một số bạn bè và học trò nên có lúc lại phải viết hồi ký rồi truyện ngắn nữa. Thành thử vẫn cứ phải sáng tác. Nhưng nếu viết sáng tác được thì thày vẫn thích nhất. Thày Tuân chưa được đọc thơ của Minh Hương nên chưa biết kiểu thơ của Minh Hương là kiểu loại nào? Còn khuyên gì ư? Đam mê và siêng năng. Đấy cũng là lời thày Tuân tự khuyên mình đấy nhưng chưa thực hiện được mấy đâu. Có khi trò Hương còn thực hiện tốt hơn thày Tuân đấy.

3 nhận xét:

  1. Nếu không có đam mê thì khó có thể viết văn lắm... Thế mà bây giờ càng ngày trò càng lười biếng... Còn Thầy thì các bài viết cứ đầy ắp trên BLog... Thật là ngưỡng mộ thầy!

    Trả lờiXóa
  2. Phải đam mê và có cáii "cảm giác mắc nợ" với văn chương, với cuộc đời thì mới viết được. Cách đây 8 năm (2006) khi Thương Chi tốt nghiệp đại học thì thày Tuân mới thôi cái công việc "gác chùa Bà Đanh" (Trông coi CLB Côn Sơn). Lúc đó thày Tuân có viết một bài thơ LẠI VỀ VƯỜN:
    Sáu tư ta mới thật về vườn
    Cơm áo bây giờ thôi trải bươn
    Thân xác hom hem nhờ mẹ hĩm
    Tâm hồn thắc thỏm nợ văn chương
    Bánh trăng đêm sữa no nê mộng
    Rượu gió hoa vườn phảng phất hương
    Khuya sớm vân ra người đủng đỉnh
    Cùng ai ấm lạnh tháng năm trường...?
    Và ngay trong bài TỰ BẠCH thì hai câu quan trọng nhất:
    Văn chương dẫu chẳng nên cơm cháo
    Nghiên bút còn vương chút nợ nần
    thì cái cái "cảm giác mắc nợ" dường như vẫn cứ luôn canh cánh trong lòng thầy Tuân. Vì thế cứ viết thêm được một bài văn, in thêm được một cuốn sách là thày Tuân lại nhẹ lòng thêm được đi một phần...

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa