Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

CHÂU ÂU GÓP NHẶT- 24

Ấn tượng Pra- ha
Không biết từ bao giờ người dân Czech đã truyền tai nhau rằng thành phố Praha chính là công trình được xây dựng từ sau giấc mơ của nàng công chúa Libuse. Trong mơ, công chúa đã thấy một thành phố lộng lẫy đầy ánh hào quang bên dòng sông Vltava thơ mộng. Thế là đức vua cho xây dựng 2 pháo đài đầu tiên mang tên là Vysehrad và Hradcany. Cũng từ khu vực của 2 pháo đài này, những công trình kiến trúc độc đáo khác lần lượt được xây dựng dọc 2 bên dòng sông Vltava. Praha dần dần được hình thành và phát triển với vẻ đẹp lộng lẫy.
Điểm khác biệt của Pra ha so với đa số các thủ đô khác là Pra ha được xây dựng trên địa hình đồi núi. Thành phố được xây dựng trên một loạt quả đồi nên trừ khu vực “lõi” thì tương đối bằng phẳng chứ ra đến quận Pra ha 2 trở đi đã thấy phải lên dốc, xuống đèo rồi. Có lẽ chính vì vậy mà thành phố còn khá nhiều khoảng trống chưa xây dựng, thậm chí là cả khoảnh rừng trong thành phố luôn. Như cái KS mà đoàn nhà cháu ở xung quanh trông còn khá là hoang vu song đó cũng là Pra ha 3 đấy. Tuy nhiên, do hệ thống phương tiện giao thông công cộng khá phong phú, có đủ tàu điện ngầm, tàu điện, ô tô bus và tắc xi nên đi lại rất thuận tiện và nhanh chóng. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà nhiều công trình của Praha được xây dựng bằng đá, nhiều quảng trường và con đường được lát đá.
Thành phố Pra ha còn nổi tiếng vì có rất nhiều ngọn tháp: tháp của nhà thờ, của tháp canh, của lâu đài thành lũy cổ v.v... nên người ta đã ví von đó là “thành phố của nghìn ngọn tháp”. Chứng kiến điều đó, lại được giới thiệu về câu châm ngôn: “Hãy yêu nhau đi!” được khắc lên bức tượng đài nổi tiếng ở quảng trường “Con gà”, gặp gỡ những con người thân thiện, tình cảm ở đây... nhà cháu bật ra mấy câu ngẫu hứng:
Người ta nói Pra ha
Thành phố của nghìn ngọn tháp
Tôi thì nghĩ
Đó là nghìn ngọn bút
Đang viết lên trời
Những vần thơ bất hủ
Về tình yêu
và phẩm giá con người.

Vừa mới gặp nhau
Tôi đã phải lòng em
Praha ơi!
Buổi tham quan Pra ha của nhà cháu bắt đầu từ quảng trường Staromestske namesti (Old Town Square), còn bà con ta cứ nôm na gọi là QT Con gà. Sở dĩ người ta gọi như thế là bởi vì ở đó có Tòa thị chính mà một đầu nhà có tháp đồng hồ, trên bức tường của nó có cái 2 đồng hồ nổi tiếng: đồng hồ thiên văn chỉ vị trí các hành tinh trong hệ mặt trời và đồng hồ thời gian. Trên đó có 1 con gà bằng vàng (hay đồng không biết nhưng vàng chóe). Điều thú vị là cứ đúng mỗi giờ thì chú gà vàng đó lại rướn cổ gáy vang, sau đó là chuông đánh và 2 cửa sổ đang đóng kín được mở ra, lần lượt 12 vị thánh tông đồ diễu qua đó. Có lẽ vì đặc điểm đó mà khu vực này tập trung rất đông người vào từng đầu giờ.
Ngoài tháp đồng hồ, quảng trường Con gà còn đưọc bao bọc bởi các nhà thờ và nhiều ngôi nhà cổ kính khác. Sở dĩ như vậy, bởi Pra ha đã rất may mắn thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh nên hầu như còn giữ được nguyên vẹn các công trình có từ vài trăm năm trước. Một số ngôi nhà tầng một đã được tận dụng biến thành các cưả hàng, quán sá phục vụ du khách. Toàn bộ quảng trường lát loại đá đen. Những viên đá nhẵn thín dưới hàng triệu triệu bước chân người như những chứng nhân của lịch sử. Nằm nổi bật ở một cạnh quảng trường là tượng đài kỷ niệm một nhà triết học, nhà thơ nổi tiếng của dân tộc Séc với lời kêu gọi tha thiết: “Hãy yêu nhau đi!” (ấy là nghe cậu HDV nói vậy chứ nhà cháu cũng không biết tiếng Séc).
Cách QT Con gà không xa là một QT cũng nổi tiếng không kém, đó là QT Václav- mà dân Vịt ta gọi là QT Con Ngựa. Quân ta gọi thế là vì ở đó có một tượng đài khá lớn tạc một người cưỡi ngưa- đó là tượng đài kỷ niệm Svatý Václav, một nhân vật nổi tiếng của người Séc. Còn sở dĩ quảng trường này nổi tiếng bởi là nơi diễn ra cuộc “cách mạng nhung” đem lại sự thay đổi thể chế từ CHXHCN Tiệp Khắc thành CH Séc như ngày nay.
Gọi là QT song thực ra có thể coi QT Con Ngựa là một đại lộ thì chính xác hơn. Với chiều dài hơn 1 km và chiều rộng cỡ trên dưới 100 mét, ngoài phần hè phố, đường đi hai bên thì ở giữa là một dải phân cách rất rộng, trên đó là các thảm cỏ, bồn hoa, đôi chỗ là những dãy ghế nghỉ chân cho người đi bộ... Vì vậy, nếu tập trung đầy nơi đây thì nó có thể chứa được hàng triệu người chứ không ít!
Điểm đến tiếp theo của đoàn nhà cháu là cầu Các lơ- dân Vịt ta thì gọi tóm tắt là cầu Tình. Sở dĩ cầu có tên như thế là bởi nó mang tên thánh Các lơ, còn Dân ta gọi như thế bởi ở cầu này cũng có đoạn các đôi yêu nhau đem khóa đến đây để thề non, hẹn biển. Cầu bắc qua con sông Vlata, nối giữa khu phố cổ và Cung điện Hoàng gia. Dọc theo thành cầu là 30 bức tượng với những sự tích khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là tượng thánh Các lơ. Tương truyền ai chà tay vào bức tượng đó sẽ được trở lại Praha. Thì chà, mất cái gì của bọ! Dọc theo cầu là các quầy bán đồ lưu niệm, một vài nghệ sĩ đường phố biểu diễn, một vài họa sĩ hành nghề vẽ chân dung và có cả ăn xin... Với đặc điểm như thế, cầu Tình cũng đông đặc du khách.
Lúc quay về quảng trường Con gà để ăn trưa, anh em nhà cháu tranh thủ chui vào cửa hàng giới thiệu sản phẩm pha- lê ngay cạnh đó. Séc nổi tiếng là quê hương của pha lê Bô hê mia nên các sản phẩm ở đây vô cùng phong phú. Tuy thế nhà cháu chưa duyệt được món nào ưng ý! Tất nhiên không phải do nó xấu!
Buổi chiều, đoàn nhà cháu tham quan khu cung điện Hoàng gia và nhà thờ Vitus nằm ở phía bên kia con sông Vlata. Có thể nói đây là một quần thể các di tích lịch sử với kiến trúc hết sức đa phong cách và cũng rất đẹp. Hiện nay, chính phủ Séc vẫn sử dụng một số dinh thự ở đây làm nơi làm việc. Dinh Tổng thống cũng ở đây. Tuy vậy- cũng như ở Áo- dinh Tổng thống mở rộng cửa với mọi người dân. Có lính gác đấy song họ đứng y như hai pho tượng trang trí, còn dân chúng thì vô tư qua lại.
Từ cung điện đoàn nhà cháu tới TTTM Sa Pa và dùng cơm chiều ở đó. Đây là trung tâm buôn bán lớn nhất của người Việt ở Séc. Nghĩa là chả thiếu thứ gì ở đây- kể cả thịt chó, mắm tôm. Tuy nhiên, đã vào cuối giờ nên hầu hết cửa hàng đã đóng. Đoàn vào ăn cơm Việt tại nhà hàng Đông Đô. Cơm rất ngon với những món ăn thuần Việt, tất nhiên trừ bia là của Séc.
Không biết có phải do cảm tình với những người đồng đội hay không nhưng Pra ha có lẽ là nơi nhà cháu thấy có cảm tình nhất trong những nơi mình đã từng đi qua! Đẹp, cổ kính, dễ thương, thân thiện, bình an và sạch sẽ- đó là những gì mà nhà cháu cảm thấy ở đây.
Vì hôm sau sẽ có 6 người tách đoàn (2 anh em cháu và 2 cặp vợ chồng) nên một bữa tiệc đêm nho nhỏ đã được tổ chức để chia tay với vang và bia. Mặc dù như nhà cháu vẫn đùa: trong đòan có 3 giai cấp rất khác nhau, đó là đại gia bao gồm 2 cặp vợ chồng và gã đầu bạc, số còn lại là trung lưu và dân nghèo là hai anh lính già nhà cháu song phải nói cả đoàn đã sống với nhau rất thân thiện, thông cảm và sẻ chia với nhau. Giờ phút chia tay thật bịn rịn, ai cũng mong có ngày gặp lại!









Quảng trường Con Gà












Tháp đồng hồ




Nhà thờ Vi tus




Hoàng cung nhìn từ cầu Tình






Dinh Tổng thống




Một kẻ ăn xin trên cầu Tình




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét