Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

ĐẠI TÁ THIẾT KỴ VNCH KHÔNG NGỜ CÓ NGÀY ĐƯỢC ĐI XE THIẾT GIÁP CỦA QGP


                                Xe tăng Lữ đoàn 273 huấn luyện chiến đấu. Ảnh minh họa/QĐND

Thảm bại, Đại tá thiết kỵ VNCH Nguyễn Trọng Luật bị những người lính bộ binh cơ giới của Trung đoàn xe tăng 273 và Trung đoàn bộ binh 24 quân giải phóng bắt sống tại trận.


Sáng 11.3.1975, ngày thứ hai của trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, các đơn vị Quân giải phóng có xe tăng, thiết giáp dẫn đầu hợp lực tiến công Bộ Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 23 Quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH), đầu não chỉ huy lực lượng bố phòng tại đây.
Cuộc phản công bất thành
Bị bao vây và tiến công từ cả 4 phía, lực lượng đồn trú trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 23 VNCH dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Trọng Luật, tỉnh trưởng Đắk Lắk quyết định tổ chức phản công để mở đường máu thoát ra ngoài theo hướng Tây.
Tại đây, chúng chạm trán với  hướng thọc sâu của Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 3 (thiếu) và Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư bộ binh 10. Lợi dụng vườn cây rậm rạp, các xe tăng và thiết giáp phía VNCH bí mật cơ động tìm vị trí có lợi phục kích chờ xe tăng, xe thiết giáp của Quân giải phóng vào gần sẽ nổ súng.
Theo trung úy Đoàn Sinh Hưởng (sau này là Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết Giáp - năm 1993 và Trung tướng Tư lệnh QK4 - năm 2005) - người chỉ huy phân đội Tăng thiết giáp trong trận đó, thì khi phát hiện thấy ngọn cây trong vườn dao động mạnh, xác định đối phương có tăng thiết giáp đi cùng anh đã nhắc bộ đội hết sức cảnh giác, tập trung quan sát.
Đại tá thiết kỵ VNCH không ngờ lại có ngày được đi xe thiết giáp của Quân Giải phóng - Ảnh 2.
Giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu/Báo Phú Yên.
Vì vậy, khi vừa phát hiện được mục tiêu các xe đã nhanh chóng nổ súng và tiêu diệt 1 xe M41, 1 xe M113. Mất chỗ dựa, quân địch chạy tứ tán. Trung úy Hưởng cho bộ binh trên các xe thiết giáp K63 xuống xe truy lùng. Một tù binh (tên là Chu) khai ra trong đám tàn quân đó có đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật.
Hưởng chỉ huy cho 3 xe càn thẳng vào vườn cây truy đuổi. Quân lính VNCH hoảng sợ liên tục đầu hàng, trong đó có một tên đã đứng tuổi mặc bộ quân phục bạc màu, đi cùng một tên lính thông tin mang máy vô tuyến điện.
Đó chính là đại tá Nguyễn Trọng Luật - tỉnh trưởng đồng thời là Chỉ huy trưởng Tiểu khu Đắk Lắk. Sau khi báo cáo và có lệnh của Sở chỉ huy, Hưởng cho 1 xe thiết giáp K63 cùng 1 tiểu đội bộ binh áp giải Luật về Bộ Tư lệnh chiến dịch ngay lập tức.
Bẻ gãy mũi phản kích, hướng thọc sâu củng cố đội hình cùng các đơn vị bạn tiếp tục tiến công vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 23. Đến 10.30 ngày 11.3.1975, Bộ Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 23 hoàn toàn thất thủ.
Nguyễn Trọng Luật là ai mà lại được đi xe thiết giáp Quân giải phóng?
Là tỉnh trưởng đồng thời là Tiểu khu trưởng Tiểu khu Đắk Lắk, đương nhiên Nguyễn Trọng Luật là một tù binh cấp cao và quan trọng. Điều đặc biệt ở đây còn ở chỗ, Luật vốn là lính thiết kỵ (xe tăng) "nòi", đã từng giữ chức vụ Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Kỵ binh 1 VNCH.
Tốt nghiệp Võ khoa Thủ Đức khóa 1 chuyên ngành kỵ binh (tăng thiết giáp) năm 1956, từ chỉ huy chi đội thiết kỵ, Nguyễn Trọng Luật đã leo lên đến vị trí Tư lệnh Lữ đoàn 1 Kỵ binh năm 1971. Đây là lữ đoàn kỵ binh trực thuộc Quân khu 1, Quân đoàn 1 VNCH - nơi đối đầu ác liệt nhất giữa hai bên nên được trang bị rất mạnh.
Lữ đoàn 1 Kỵ binh gồm có 5 thiết đoàn: Thiết đoàn 20 chiến xa trang bị xe tăng M-48, 3 thiết đoàn 4, 7, 11 chiến xa trang bị xe tăng M-41 và Thiết đoàn 17 trang bị thiết giáp M-113 và cũng đã có nhiều dịp đọ sức với xe tăng QGP.
Đầu năm 1971, chính Nguyễn Trọng Luật đã được tướng Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh Quân khu 1 kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1 chỉ định làm chỉ huy trưởng Chiến đoàn đặc nhiệm bao gồm Lữ đoàn 1 Kỵ binh và Lữ đoàn 1 Dù là đội quân xung kích trong Chiến dịch Lam Sơn 719.
Chiến đoàn này có nhiệm vụ hành quân dọc đường Chín đến Sê Pôn (Lào) nhằm cắt đứt mọi con đường tiếp vận từ Bắc vào Nam của Quân giải phóng. Tuy nhiên, Luật đã dính đòn phản công của Mặt trận B70 và phải ôm đầu máu chạy về sau khi bỏ lại hàng trăm xe tăng, thiết giáp và hàng nghìn lính thương vong tại Nam Lào.
Năm 1972, với chiến thuật "Trâu rừng" của tướng Abrams - đưa xe tăng ra tuyến đầu phòng ngự - Lữ đoàn Kỵ binh 1 đã thu được một số thắng lợi nhất định khi đối phó với cuộc Tổng tiến công chiến lược của Quân giải phóng. Tuy nhiên, sau đó chiến thuật này bị Quân giải phóng "tương kế tựu kế" phá vỡ và trở nên vô dụng.
Mặc dù thành tích bê bết như vậy, nhưng Nguyễn Trọng Luật vẫn được lính thiết kỵ VNCH tung hô là "Patton* Việt Nam" và được thăng chức Tỉnh trưởng Đắk Lắk kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu Đắk Lắk - một địa bàn quan trọng ở Tây Nguyên từ năm 1973.
Nhưng số phận đã an bài, trong trận thảm bại tháng 3.1975, đại tá thiết kỵ VNCH Nguyễn Trọng Luật lại bị những người lính bộ binh cơ giới của Trung đoàn xe tăng 273 và Trung đoàn bộ binh 24 Quân giải phóng bắt sống.
Và có lẽ muốn nhanh chóng khai thác các tư liệu cần thiết về lực lượng Tăng thiết giáp của VNCH từ nhân vật được tung hô là "Patton Việt Nam" nên Bộ Tư lệnh chiến dịch đã yêu cầu đưa Luật về gấp. Và thế là đại tá thiết kỵ VNCH được "vinh dự" ngồi trên chiếc thiết giáp K63 của Quân giải phóng.
* Patton: Đại tướng Hoa Kỳ, xuất thân lính xe tăng, từng giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn Thiết giáp 1 Hoa Kỳ, Tư lệnh Tập đoàn quân XV trong Thế chiến 2.
Nguồn: http://soha.vn/dai-ta-thiet-ky-vnch-khong-ngo-lai-co-ngay-duoc-di-xe-thiet-giap-cua-quan-giai-phong-20170306105002363.htm
Khắc Nguyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét