Khi đặc công nổ súng trong thị xã, xe tăng sẽ xuất kích và ủi đổ cây để mở đường và cơ động với tốc độ cao nhất để có mặt đúng giờ hiệp đồng.
Trong cuộc sống cũng như trong chiến tranh có những sự trùng hợp không dễ lý giải. Sự trùng hợp đó có thể do khách quan mang lại, cũng có thể do con người tạo nên. Nhưng dù thế nào đi nữa nó cũng mang lại những điều hết sức lý thú và để lại nhiều câu hỏi mà hậu thế phải nghiền ngẫm tìm cách trả lời.
Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, trận tiến công điểm cao 543 (Đường Chín - Nam Lào 1971) và trận tiến công Buôn Ma Thuột (chiến dịch Tây Nguyên 1975) có một sự trùng hợp dù không lớn nhưng đã tác động khá nhiều đến kết quả trận đánh.
Nằm trên đỉnh cao chót vót cũng không thể thoát
Tháng 2 năm 1971, nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam, dưới sự cố vấn của các tướng lĩnh Mỹ, quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) quyết định mở chiến dịch Lam Sơn 719 đánh sang Nam Lào.
Tổng quân số tham gia cuộc hành quân mang tên Lam Sơn 719 này lên tới hơn 3 vạn quân chủ lực VNCH cùng với một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh: 460 xe tăng, thiết giáp, 250 khẩu pháo, 700 máy bay trong đó có 300 máy bay lên thẳng. Nhiệm vụ tiếp vận, yểm trợ cho cuộc hành quân vẫn do quân đoàn 24 Hoa Kỳ đảm nhiệm.
Thành phần chính của cuộc hành quân Lam Sơn 719 do chiến đoàn 1 Ðặc Nhiệm đảm trách, gồm lữ đoàn 1 Dù và lữ đoàn 1 Thiết Kỵ tăng phái, có nhiệm vụ tiến dọc đường số 9 về hướng Tây để chiếm mục tiêu chính là Sê-Pôn. Cánh quân hỗn hợp này được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Trọng Luật.
Để bảo vệ mặt Bắc cho cuộc hành quân, lữ đoàn 3 Dù dưới quyền chỉ huy của đại tá Nguyễn Văn Thọ có nhiệm vụ thiết lập một số căn cứ hỏa lực ở phía Bắc đường số 9 để yểm trợ cho lực lượng chính. Trong đó điểm cao 543 (phía VNCH gọi là "Căn cứ hỏa lực 31") do 1 tiểu đoàn trấn giữ và cũng là nơi đặt Sở chỉ huy lữ đoàn.
Điểm cao 543 nằm ở tây - bắc Bản Đông, cách đường Chín khoảng 7 km, cách đường 16A - con đường chạy theo hướng bắc - nam và giao nhau với đường Chín tại Bản Đông khoảng 2 km.
Nằm ở đó điểm cao 543 có khả năng khống chế mọi hoạt động trên đường 16A, ngăn chặn các cuộc chuyển quân của Quân giải phóng tiếp cận Bản Đông để bảo vệ an toàn cho sườn bắc lực lượng xung kích.
Do vậy ngay khi chiến đoàn 1 Đặc Nhiệm chuẩn bị vượt biên giới phía VNCH đã cho trực thăng đổ bộ Lữ đoàn 3 Dù xuống đây cùng với một khối lượng lớn trang bị và vật tư các loại.
Với một đại đội công binh trong tay, chỉ sau vài ngày điểm cao 543 đã thực sự trở thành một cứ điểm vững chắc với hơn 200 công sự chiến đấu bằng gỗ đất, 7 hầm ngầm dành cho sở chỉ huy lữ đoàn, một trận địa pháo với 6 khẩu lựu pháo 105 mm, một trận địa 4 khẩu cối 106,7 mm và một sân đỗ cho máy bay trực thăng.
Xung quanh cứ điểm địch đã thiết lập được 3 hàng rào dây thép gai, trên các hướng quan trọng có bãi mìn và một số vật cản chống tăng. Ngoài việc chốt giữ trong cứ điểm hàng ngày lực lượng trú phòng còn xua quân đi lùng sục xung quanh nhằm phát hiện lực lượng và đánh phá các kho hàng của Quân giải phòng ở khu vực này.
Nhiệm vụ tiến công điểm cao 543 được Bộ Tư lệnh B70 giao cho Trung đoàn BB 64, Sư đoàn 320 được tăng cường Đại đội XT 9, Tiểu đoàn 198 và một số đơn vị binh chủng khác. Qua trinh sát thực địa thấy rằng điểm cao 543 là điểm cao nhất trong một dãy 5 điểm cao trải dài theo hướng Tây Bắc- Đông Nam.
Để đưa được xe tăng lên điểm cao 543 chỉ có một con đường duy nhất là từ hướng Đông Nam và phải vượt qua 4 mỏm khác có độ cao thấp hơn. Tuy nhiên, con đường đó bị cản trở bởi rất nhiều cây to mà nếu hạ trước thì sẽ bị lộ hướng tiến công. Đó là bài toán khó đặt ra trước các chỉ huy trận đánh.
Nhưng cái khó đã ló cái khôn! Các chiến sĩ công binh đã đưa ra sáng kiến không hạ cây mà chỉ cưa khoảng 3/4 đường kính cây ở phía hướng xe tiến. Đến giờ xuất kích xe tăng sẽ ủi đổ cây và càn lướt đi để cơ động.
Cho đến giờ, cũng không biết tác giả của sáng kiến này là ai song nó đã phát huy tác dụng. Trưa 25.02.1971, các xe tăng của Đại đội xe tăng 9 xuất kích và dẫn dắt bộ binh tiến công địch theo đúng kế hoạch.
Xe tăng PT-76 số hiệu 555 đã tung hoành trong cứ điểm, quần thảo trên nóc hầm chỉ huy khiến cho đại tá Nguyễn Văn Thọ, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 3 Dù cùng toàn bộ Bộ tham mưu hoảng sợ xin hàng.
Lịch sử có lặp lại?
Mùa Xuân 1975, để chuẩn bị tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, xe tăng của Trung đoàn xe tăng 273 cùng các lực lượng bộ binh và binh chủng kỹ thuật khác đã bí mật cơ động đến vị trí tập kết ở phía tây thị xã này với khoảng cách 20-30 km và tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh.
Bởi đây được coi là trận then chốt quyết định của chiến dịch nên công tác bảo đảm bí mật cho trận đánh này được đặt lên hàng đầu. Vì thế, mọi hoạt động chuẩn bị chiến đấu đều phải chấp hành hết sức nghiêm túc, chặt chẽ.
Trong đó, bài toán: làm thế nào để mở được đường cơ động cho xe tăng và các phương tiện kỹ thuật mà không làm lộ bí mật hướng tiến công lại được đặt ra trước Bộ Tư lệnh chiến dịch.
Sở dĩ nói như vậy bởi địa hình Nam Tây Nguyên tuy khá bằng phẳng, ít đèo dốc cao, lại đang giữa mùa khô... việc mở đường khá thuận lợi. Tuy nhiên, đại ngàn Tây Nguyên vẫn bao quanh thị xã bởi rất nhiều cây lớn mà nếu một cây bị đốn hạ sẽ lập tức gây sự chú ý cho quân trú phòng ngay.
Và rồi một sáng kiến đã được đưa ra: Cưa sẵn 3/4 đường kính cây nhưng không cho cây đổ. Khi đặc công nổ súng trong thị xã, xe tăng sẽ xuất kích và ủi đổ cây để mở đường và cơ động với tốc độ cao nhất để có mặt đúng giờ hiệp đồng.
Mọi chuyện đã diễn ra đúng như kế hoạch.
Vào lúc 2 giờ sáng ngày 10 tháng Ba năm 1975, khi lực lượng đặc công và phân đội pháo phản lực nổ súng tiến công sân bay cùng một vài mục tiêu khác trong thị xã thì cũng là lúc các phân đội xe tăng nổ máy, bật đèn pha, ủi đổ cây to cưa sẵn, càn lướt vượt qua cây nhỏ để rồi rạng sáng hôm đó có mặt tại vị trí xuất phát tiến công.
Và chỉ đến trưa hôm sau - ngày 11 tháng Ba, thị xã Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn bị Quân giải phóng làm chủ, tạo nên một cơn địa chấn làm rung chuyển Quân khu 2 cũng như toàn miền Nam.
Vậy là sau 4 năm, lịch sử đã lặp lại sáng kiến này và đã đem lại một kết cục tuyệt hảo! Và cho đến nay, cũng không ai biết đích xác tác giả của sáng kiến này là ai?
Phải chăng, có một chiến sĩ công binh đã từng mở đường lên điểm cao 543 ngày trước đã có mặt ở Buôn Ma Thuột 4 năm sau? Hay đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử? Nhưng dẫu sao thì đó cũng là một sự trùng hợp lý thú và có hậu!
Nguồn: http://soha.vn/hai-tran-thang-vang-doi-cua-xe-tang-vn-su-trung-hop-ngau-nhien-hay-lich-su-lap-lai-20170306094802504.htm
Khắc Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét