Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 14 tháng 6, 2017

PHÁO "LỒNG" TRONG PHÁO- TIẾT KIỆM CẢ ĐỐNG TIỀN



Đưa xe tăng T-54 nâng cấp đi thử nghiệm.


Huấn luyện bắn nói chung và huấn luyện bắn vũ khí trên xe tăng nói riêng - đặc biệt là bắn pháo là những nội dung huấn luyện rất tốn kém.


Do vậy, người ta đã phải tìm rất nhiều biện pháp để giảm thiểu sự tốn kém đó đi. Một trong những biện pháp được lựa chọn là "lồng" vào trong nòng pháo những loại pháo, súng có cỡ nhỏ hơn để bắn thay pháo. Giải pháp đó được gọi là "kẹp nòng".
Tốn kém nhưng vẫn phải bắn
Có một nguyên lý trong huấn luyện (HL) bắn là muốn bắn giỏi phải thực hành bắn nhiều và thường xuyên rút kinh nghiệm sau mỗi lần bắn. Người ta đã tổng kết thành khẩu hiệu: "Khổ luyện thành tài, chai tay bắn giỏi" để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ về điều đó.
Tuy nhiên, đó không phải là điều dễ thực hiện bởi sự tốn kém của nó. Nguyên nhân ư? Rất đơn giản - đó là giá thành của đạn pháo khá cao. Theo thời giá năm 2016 thì một viên đạn pháo 100 mm có giá chừng 2.000-3.000 USD (tương đương 40-60 triệu VNĐ).
Thế mà để đào tạo một pháo thủ cấp 1 sơ sơ cũng phải mất ngót chục viên thì quả là đắt đỏ! Ngoài ra, nó còn kéo theo các chi phí về tuổi thọ nòng pháo, thiết bị trường bắn, bia bảng v.v... và tiềm ẩn rất lớn nguy cơ mất an toàn bởi ở nước ta thường xuyên phải dùng đạn chiến đấu để bắn.
Không phải chỉ có những nước nhỏ và còn nghèo như nước ta mới sợ tốn kém mà ngay cả các nước phát triển, giàu có cũng e ngại điều đó. Chính vì vậy người ta đã nghĩ ra cách chế tạo các thiết bị kẹp nòng (TBKN) để bắn thay pháo khi huấn luyện.
Đại tá xe tăng VN: Pháo lồng trong pháo - Tiết kiệm cả đống tiền! - Ảnh 1.
Một số loại xe tăng, pháo tự hành có trong biên chế QĐNDVN.
Tuy nhiên, để thực sự mô phỏng được phát bắn gần như bắn pháo thì TBKN cần đáp ứng một số yêu cầu sau:
- Có quỹ đạo đường đạn tương đối giống với quỹ đạo đường đạn pháo - đặc biệt là trong tầm bắn 2.500 m trở lại. Đây là yêu cầu cơ bản.
- Có tiếng nổ và chớp lửa đầu nòng tương đối giống khi bắn pháo.
- Mô phỏng được động tác nạp đạn pháo.
- Đảm bảo an toàn cho nòng pháo và các thiết bị khác.
- Tháo lắp dễ dàng, nhanh chóng.
Từ tính toán đường đạn người ta thấy đối với pháo xe tăng 100 mm thì đường đạn của pháo 23mm là giống nhất, quỹ đạo đường đạn của nó với pháo tăng 100 mm gần như trùng nhau từ 0 đến 1.500 m. Ngoài ra khi bắn nó tạo ra tiếng nổ và khói lửa đầu nòng khá lớn cũng gây cảm giác bắn pháo cho người tập.
Do số lượng xe tăng T-54, T-55 (lắp pháo 100mm) sản xuất ra là khá lớn nên Liên Xô đã xây dựng hẳn một dây chuyền sản xuất TBKN cho pháo Đ10T... và đạn chuyên dùng cho nó.
Đặc điểm của loại đạn này là: vỏ bằng đồng, gờ hất vỏ đạn to hơn đường kính đuôi vỏ đạn (trông giống như viên đạn thể thao). Đây là một đặc điểm quan trọng để cho khâu hất vỏ đạn có thể hất nó ra ngoài khi mở khoá nòng pháo.
TBKN này có kết cấu khá đơn giản. Cụ thể gồm có:
1. Gốc nòng: có hình dáng gần giống như đuôi một quả đạn pháo, xung quanh có gờ để chống tiến, có rãnh đặt các then chống lùi, chống xoay, có lỗ để lắp nòng và then hãm nòng.
2. Nòng pháo: Là nòng cỡ 23 mm nhưng chế tạo riêng cho TBKN (không lắp lẫn với pháo cao xạ 23 mm được), ở loa che lửa có thêm một vòng định tâm.
3. Khâu (vòng) hất vỏ đạn: Nó được gá trên gốc nòng và tiếp giáp với đuôi nòng kẹp. Đường kính của khâu này bằng đoạn đuôi vỏ đạn và tất nhiên là nhỏ hơn gờ hất vỏ đạn. Nó có hai tai liên kết với cần hất vỏ đạn của khóa nòng.
4. Then hãm nòng: để liên kết nòng với góc nòng.
5. Kim hỏa chuyên biệt (gần như kim hỏa pháo nhưng phần đầu nhỏ hơn), lò xo cũng nhẹ hơn.
6. Chày tống đạn: Dùng để nạp đạn cho an toàn.
Khi lắp thiết bị người ta đưa nòng 23 ly vào nòng pháo trước nhưng để thò một đoạn đuôi ra, sau đó liên kết nó với gốc nòng bằng then hãm nòng. Tiếp đó đưa cả bộ vào trong nòng pháo, lắp then chống tụt, then chống xoay bằng vít. Thế là TBKN đã có thể bắn được.
Để chuẩn bị bắn, pháo thủ số hai mở khóa nòng, đút viên đạn 23 mm vào buồng nòng rồi dùng chày tống thúc mạnh vào đáy nó. Gờ đáy đạn thông qua vòng hất vỏ đạn ép vào hai cần hất vỏ đạn làm khóa nòng đóng, kim hỏa đối chính với hạt lửa. Pháo kẹp nòng đã sẵn sàng bắn.
Khi pháo thủ bóp cò, kim hỏa được giải phóng lao lên đâm vào hạt lửa, hạt lửa nổ làm đạn nổ đẩy đầu đạn về phía trước, tạo thành tiếng nổ và chớp lửa đầu nòng.
Tuy nhiên, do lực lùi quá nhỏ so với khối lùi của pháo nên không làm cho pháo lùi được. Để tháo vỏ đạn, pháo thủ số hai phải dùng tay mở khóa nòng, hai cần hất vỏ đạn tác động vào vòng hất vỏ đạn và đẩy vỏ đạn 23 mm ra ngoài.
Đại tá xe tăng VN: Pháo lồng trong pháo - Tiết kiệm cả đống tiền! - Ảnh 2.
Bộ đội xe tăng huấn luyện chiến đấu và thực hành bắn đạn thật.
Nhìn chung, đây là bộ TBKN khá đơn giản và hoạt động tin cậy, phát huy rất tốt hiệu quả trong HL bắn pháo. Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, Liên Xô cũng viện trợ cho Quân đội Việt Nam một số bộ TBKN đặt tại các trường bắn xe tăng.
Do sử dụng nhiều nên đến đầu những năm 80 thì các TBKN này đã xuống cấp một cách nghiêm trọng: các rãnh khương tuyến trong nòng mòn vẹt, các vít cố định phần lớn bị "chờn ren"... Đặc biệt, đạn chuyên dùng cho nó cũng cạn kiệt.
Trước tình hình đó ta đã đề nghị bạn giúp đỡ song do bạn đã chuyển sang sử dụng loại xe khác (T-64, T-72,...) nên dây chuyền sản xuất kẹp nòng và đạn kẹp nòng 23 mm dùng cho pháo tăng 100 mm đã bị dẹp bỏ từ lâu và không giúp gì cho ta được.
Trong khi đó, đây là giai đoạn lực lượng xe tăng phát triển rất mạnh nên cường độ huấn luyện rất cao. Mỗi tháng, tại Trường bắn Cam Lâm (Vĩnh Phúc) của Binh chủng Tăng - Thiết giáp tiêu thụ hàng nghìn viên đạn pháo.
Khu vực bố trí mục tiêu trở thành "kho" sắt phế liệu khổng lồ cho dân chúng địa phương vào đào bới mỗi đêm và ngành quân khí các cấp đã "báo động đỏ" về nguồn cung cấp đạn.
Thực tiễn đó đặt trước Binh chủng Tăng - Thiết giáp một bài toán sống còn: cần thiết phải có một TBKN khác để thay thế cho bộ TBKN đã cũ! Nhiệm vụ đó được giao cho các giáo viên Khoa Vũ khí và Bắn - Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp.
Thành công chỉ đến với những người biết kiên trì, nhẫn nại
Từ thực tế số nòng và đạn pháo phòng không 23 mm trong kho của binh chủng đang còn rất nhiều nên hướng đi ban đầu của các nhóm nghiên cứu đều nhằm tới việc cải tiến số nòng pháo này theo mẫu TBKN cũ do Liên Xô viện trợ.
Tuy nhiên, do cấu tạo phần đuôi và gờ hất vỏ đạn của viên đạn cao xạ khác hẳn với viên đạn chuyên dùng cho TBKN trước đây nên tất cả các cải tiến đều rơi vào bế tắc ở khâu "hất vỏ đạn" và đi đến thất bại.
Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu quyết định phải thay đổi một cách cơ bản kết cấu của TBKN.
Sau một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nhóm nghiên cứu đã thiết kế chế tạo thành công bộ TBKN bắn thay pháo tăng 100 mm từ pháo cao xạ 23 mm. Bộ TBKN này có cấu tạo khác hẳn bộ TBKN kiểu cũ do Liên Xô viện trợ. Cấu tạo của nó gồm các bộ phận chính sau:
Đại tá xe tăng VN: Pháo lồng trong pháo - Tiết kiệm cả đống tiền! - Ảnh 3.
Ảnh: Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.
1. Gốc nòng: Để lắp nòng 23 mm vào và liên kết các bộ phận với nhau. Đó là một ống thép có đường kính khoảng 80 mm, giữa khoét lỗ lắp nòng, có phay lỗ chứa then hãm nòng và lỗ lắp chốt định vị ống hất vỏ đạn.
2. Then hãm nòng: Có cấu tạo dạng nêm, dùng để liên kết nòng với gốc nòng.
3. Côn chống tiến: Có cấu tạo hình côn, vừa khít với phần côn trong buồng đạn, ở giữa có lỗ để nòng xuyên qua. Tác dụng: tỳ vào mặt côn của buồng đạn để chống tiến về phía trước cho TBKN.
4. Vòng định tâm: lồng vào gốc nòng để định tâm phần đuôi nòng pháo 23 mm với nòng pháo 100 mm.
5. Lò xo vòng định tâm: tác dụng để lúc nào cũng đẩy vòng định tâm đến vị trí cao nhất có thể.
6. Ống bảo vệ nòng và chống lùi: Đó là hai đoạn ống thép 65-70 mm, có ren 2 đầu để nối với nòng 23mm, còn đầu kia có 1 ê-cu lắp vào đầu nòng pháo để giữ nòng 23 mm không bị lùi. Nó còn có tác dụng định tâm và bảo vệ nòng pháo tăng trước ảnh hưởng của khói thuốc phóng.
7. Ống hất vỏ đạn: là đoạn đuôi của vỏ đạn pháo 100mm (loại bằng sắt). Trên đó được khoét rãnh định vị và gắn một "móng" hất vỏ đạn hình móng ngựa. Tác dụng vừa để hất vỏ đạn, vừa để tập động tác nạp đạn pháo.
8. Chốt định vị ống hất vỏ đạn: lắp trên gốc nòng. Tác dụng: hạn chế chuyển động và chống xoay cho ống hất vỏ đạn.
9. Bộ phận cân bằng: đảm bảo cho pháo cân bằng. Đó chỉ là một khối thép, có thể dùng mắt xích thay thế cũng được. Tác dụng: đảm bảo cân bằng cho pháo thao tác được dễ dàng.
Đại tá xe tăng VN: Pháo lồng trong pháo - Tiết kiệm cả đống tiền! - Ảnh 4.
Ảnh: Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt.
TBKN này có nguyên lý làm việc khá đơn giản song rất tin cậy:
1. Nạp đạn: Đưa viên đạn 23 mm vào buồng đạn và đẩy nhẹ, viên đạn sẽ được nâng dần lên, đuôi đạn ăn khớp vào móng hất vỏ đạn. Đến lúc này dùng cùi tay trái đẩy mạnh vào phía sau ống hất vỏ đạn như động tác nạp đạn pháo.
Gờ của ống hất vỏ đạn ấn vào càng hất vỏ đạn giải phóng khóa nòng pháo. Khóa nòng đóng lại. Kim hỏa đối chính với hạt lửa. Pháo ở trạng thái chờ bắn.
2. Bắn và hất vỏ đạn: Khi bóp cò, kim hỏa được giải phóng chọc vào hạt lửa làm đạn nổ. Vừa nghe tiếng nổ pháo thủ số hai làm động tác mở khóa nòng. Thân khóa nòng đập mạnh vào hai cần hất vỏ đạn hất ống hất vỏ đạn về phía sau.
Móng hất vỏ đạn tỳ vào gờ đít đạn rút vỏ đạn ra khỏi buồng nòng. Khi lùi hết hành trình rãnh định vị ống hất vỏ đạn đột ngột dừng lại. Vỏ đạn 23 mm vẫn lao theo quán tính bị rãnh nghiêng ở đuôi đạn và do tác dụng của trọng lực nên rơi ra ngoài.
Phát bắn đã hoàn thành. Đánh giá một cách khách quan, TBKN do Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp nghiên cứu chế tạo có so với TBKN của Liên Xô thì có nhiều ưu điểm hơn. Cụ thể:
- Mô phỏng được động tác nạp đạn gần như nạp đạn pháo: Ở TBKN kiểu cũ phải dùng chày tống đạn vì sợ khóa nòng đóng sẽ chém vào tay. Còn TBKN này vì cái ống hất vỏ đạn chính là đuôi của một quả đạn pháo nên cứ nạp như bình thường.
- Định vị nòng 23 mm trên pháo 100 mm chắc chắn hơn. Thực tế cho thấy các then chống tụt, then chống xoay của TBKN cũ sau một thời gian sử dụng thường bị trục trặc vì các vít cố định bị "chờn ren".
Còn TBKN này nhờ côn chống tiến, ống hộ nòng và ê-cu khóa ở đầu nòng nên cố định chặt luôn nòng 23 mm với nòng pháo 100 mm.
- Không cần kim hỏa chuyên biệt, bắn bằng kim hỏa pháo cũng được.
- Bảo vệ nòng pháo tốt hơn nhờ 2 ống hộ nòng ngăn cách không cho khí thuốc phóng tiếp xúc và ảnh hưởng tới mặt trong nòng pháo..
- Tháo lắp dễ hơn, nhanh hơn. Ở TBKN kiểu cũ việc tháo lắp khá là khó khăn, thường do giáo viên lắp (phải quay pháo ra phía sau, đưa nòng 23 mm về phía cửa lái xe rồi luồn vào - chỉ có đúng một góc có thể làm được việc này). Còn ở TBKN này việc tháo lắp cực kỳ đơn giản, ở bất kỳ góc pháo nào cũng tháo lắp được.
Sau một thời gian thử nghiệm, TBKN bắn thay pháo tăng 100 mm bằng pháo cao xạ 23 mm đã chứng tỏ những ưu điểm, sự tin cậy của mình và được đưa vào sản xuất hàng loạt để trang bị rộng rãi cho các đơn vị Tăng - Thiết giáp toàn quân.
Chỉ là một sáng kiến nhỏ song hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước, Quân đội nhiều tỷ đồng. Và điều quan trọng nhất là vẫn đảm bảo chất lượng huấn luyện bắn cho bộ đội.
Nguồn: http://soha.vn/dai-ta-xe-tang-vn-phao-long-trong-phao-tiet-kiem-ca-dong-tien-20160712114615996.htm
Khắc Nguyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét