Thật bất ngờ, 2 xe tăng "Bảo vật quốc gia" 843 và 390 được trưng bày tại Hà Nội lại đang ở Bắc Giang, nằm trong đội hình Lữ đoàn xe tăng 203 anh hùng có nhiều chiến công oanh liệt.
Chuyện 2 chiếc xe tăng 843 và 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Trung úy Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh, Trung tá Bùi Văn Tùng thay mặt Quân Giải phóng tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh… thì đã được báo, đài nhắc đến nhiều.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những chiếc xe tăng ấy, những con người ấy đều thuộc cùng một đơn vị, đó là Lữ đoàn xe tăng 203.
Những chuyện không phải ai cũng biết
Vâng, những kỳ tích, những chiến công của Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang) không chỉ có như vậy! Được thành lập ngày 22/6/1965, nhưng chiến công đầu của đơn vị lại hoàn toàn không phải sở trường.
Giữa lúc đế quốc Mỹ đang leo thang, sử dụng không quân đánh phá dữ dội trên phạm vi toàn miền Bắc, theo lệnh trên, Lữ đoàn tổ chức niêm cất xe tăng để thành lập 5 đại đội trang bị các xe cao xạ tự hành ZSU-37-2, ZSU-57-2.
Nhiệm vụ chính của Lữ đoàn lúc bấy giờ là bảo vệ sân bay Đa Phúc (Nội Bài bây giờ), cầu Việt Trì và một số mục tiêu xung quanh Hà Nội.
Mặc dù chỉ là “nghề tay trái” song chỉ sau một số trận đánh các đơn vị đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, được Bác Hồ tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; được Bộ Tư lệnh PK-KQ tặng danh hiệu “Đơn vị Cồn Cỏ đất liền”.
Tiếp đó, tháng 10/1967, Tiểu đoàn 198 của Lữ đoàn nhận lệnh đưa xe vào chiến trường để tham gia chiến đấu tại mặt trận Đường 9 - Khe Sanh.
Vượt qua muôn nghìn gian khổ, ác liệt, bằng trí thông minh sáng tạo… Tiểu đoàn 198 đã đánh thắng địch tại Tà Mây - Làng Vây, mở ra truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của binh chủng TTG.
Đồng thời khẳng định “hoàn toàn có thể sử dụng xe tăng, thiết giáp ở chiến trường miền Nam một cách có hiệu quả nếu có cách đánh thích hợp”. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Lữ đoàn tiếp tục lập công lớn.
Trận tiến công điểm cao 543 (căn cứ hỏa lực 31), xe tăng 555 đã tả xung hữu đột làm rối loạn đội hình phòng ngự của địch, lao thẳng lên nóc hầm sở chỉ huy, tạo điều kiện cho quân ta bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ Ban tham mưu Lữ đoàn dù 3 VNCH.
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Lữ đoàn đã tham gia đánh nhiều trận, góp công lớn giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, đồng thời giữ vững vùng giải phóng trước và sau khi Hiệp đinh Paris có hiệu lực.
Năm 1975, trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Lữ đoàn 203 lập công xuất sắc. Sau khi tham gia giải phóng Huế ngày 25/3, Lữ đoàn đã cùng bộ binh tiến công Đà Nẵng từ 2 hướng:
- Hướng bắc Tiểu đoàn 4 vượt “Đệ nhất hùng quan” Hải Vân đánh vào quân cảng và thương cảng Bạch Đằng.
- Hướng tây Tiểu đoàn 1 vượt đèo Mũi Trâu, đánh chiếm căn cứ Sư đoàn 3 tại Hòa Khánh rồi sang chiếm bán đảo Sơn Trà ngày 29/3.
Tiếp đó, cả lữ đoàn làm cuộc hành quân thần tốc về phương Nam. Với phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” Tiểu đoàn 4 và 5 của lữ đoàn đã cùng bộ binh chọc thủng lá chắn thép Phan Rang.
Ngày 26/4, Tiểu đoàn 2 bắt đầu công phá tuyến phòng thủ vòng ngoài để rồi sáng 30/4, cả lữ đoàn dẫn đầu đội hình thọc sâu tiến về Sài Gòn và làm nên những kỳ tích đã nêu trên.
Nhưng chưa hết! Năm 1978, khi bè lũ Pôn Pốt trở mặt tiến công Biên giới Tây Nam nước ta.
Ngày 19/12, từ vị trí đóng quân ở Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), Lữ đoàn xuất phát bằng nhiều phương tiện và chỉ 6 ngày sau toàn đơn vị đã có mặt tại An Giang sẵn sàng đánh địch.
Và rồi, tháng 3/1979, khi bọn phản động Bắc Kinh phát động cuộc chiến tiến công 6 tỉnh Biên giới phía Bắc nước ta, Lữ đoàn lại một lần nữa “thần tốc” ra Bắc.
Cũng chỉ mất hơn 1 tuần, toàn bộ người và trang bị của Lữ đoàn đã tập kết đầy đủ ở Thái Nguyên, sẵn sàng tung "những đòn trời giáng" nếu chúng còn ngoan cố.
Là đơn vị có trang bị vũ khí rất nặng nề mà trong vòng 4 năm trời đã làm 3 cuộc hành binh “thần tốc” suốt dọc chiều dài đất nước như vậy, hẳn là vua Quang Trung có sống lại chắc cũng sẽ mỉm cười khen ngợi.
Cả 2 xe tăng Bảo vật quốc gia đều ở Bắc Giang?
Ở đâu đó người ta lãng quên quá khứ. Còn ở đây, từng mẩu nhỏ của quá khứ đều được trân trọng, nâng niu.
Ngay trước hội trường của đơn vị, tượng đài 2 chiếc xe tăng “bảo vật quốc gia” 843 và 390 sừng sững như một lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn: “Hãy sống xứng đáng với những người đi trước”.
Có chút chuyện vui về 2 chiếc xe tăng này. Chả là anh bạn cùng đi với tôi vốn là một cán bộ kỹ thuật “nòi”, khi thấy hai chiếc xe tăng với màu sơn mới tinh đặt trên bệ cao, anh lẩm bẩm ra chiều không đồng ý:
“Xây dựng tượng đài cũng là một ý tưởng tốt, song để 2 chiếc xe tăng đẹp thế kia mà phơi mưa, phơi nắng như vậy thì phí quá!”.
Vì đã biết trước đó là 2 mô hình được đắp bằng xi măng nên tôi phải đưa anh ta đến tận nơi và cho sờ vào “hiện vật”. Đến lúc này anh ta mới thốt lên: “Giống quá! Làm cho tôi cứ tưởng là xe thật”.
Dưới gánh nặng của truyền thống
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Chính ủy Lữ đoàn chia sẻ với chúng tôi: “Được kế thừa một truyền thống vẻ vang, một bề dày lịch sử huy hoàng như vậy đối với chúng tôi đó là một vinh dự lớn lao.
Vì vậy, chúng tôi luôn giáo dục cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ biết trân trọng, nâng niu những truyền thống oai hùng đó”.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203
Thật vậy, khi tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn chúng tôi thấy anh em rất tự hào với truyền thống của đơn vị mình.
Thật vậy, khi tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn chúng tôi thấy anh em rất tự hào với truyền thống của đơn vị mình.
Họ nhớ vanh vách về những trận đánh oai hùng, những chiến tích vẻ vang của các bậc tiền bối của đơn vị đã làm nên và cũng rất hiểu về trách nhiệm của chính mình trước quá khứ đó.
Còn Đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Đức Bổng thì có vẻ thực tế hơn: “Truyền thống vẻ vang là điều rất đáng tự hào song cũng là một gánh nặng đối với chúng tôi.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ các bác, các anh đã làm nên những chiến công hiển hách như vậy. Vậy thì thế hệ chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với sự tin cậy của các thế hệ đi trước”.
Đại tá Nguyễn Đức Bổng - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng 203
Tôi biết đó không phải là một lời nói suông. Liên tục nhiều năm qua lữ đoàn đã được Bộ tư lệnh quân đoàn và Bộ tư lệnh TTG công nhận là “Đơn vị huấn luyện giỏi”.
Không chỉ vậy, các anh còn thường xuyên chú trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, rèn luyện nề nếp chính quy và bảo quản, khai thác tốt trang bị kỹ thuật.
Những chiếc xe tăng đã trải qua trăm trận giờ vẫn được giữ gìn, bảo quản tốt và vẫn sẵn sàng xuất kích khi có lệnh lên đường.
Luôn trân trọng giữ gìn quá khứ, luôn tự hào với truyền thống vẻ vang… chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng Lữ đoàn xe tăng 203 sẽ tiếp tục viết nên những kỳ tích mới trong thời đại mới.
Nguồn: http://soha.vn/quan-su/tai-sao-2-xe-tang-bao-vat-quoc-gia-lai-o-bac-giang-2015062909595467.htm
Khắc Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét