Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Bài thơ của một ông lão hàng xóm

     

Đó là bài “Vườn xuân” của bác Cao Đức Lương. Bác Cao Đức Lương người xã An Lạc. Vì có vợ con công tác trong Trường cơ khí, nên năm 1992, khi về hưu bác mới về khu tôi ở. Nhà bác ở rất sâu, mãi tận xóm trong sau trường cơ khí. Mùa xuân năm 1994 bác có nộp tôi một bài thơ để tham gia sinh hoạt CLB. Đó là bài Vườn xuân:
Trải qua một vụ đông tàn
Ngày xuân lại đến nắng tràn vườn xuân
Đồng tiền tươi nở trước sân
Đầu nhà cây quéo tầng tầng trổ bông
Mít non ríu rít như sung
Bám đầy cành cội hay không hỡi bà ?
Chặt hồng vải nhãn thêm ra
Đội quân chủ lực cây na đầy vườn
Ông bà sớm tối chăm nom
Bón phân làm cỏ cho vườn xinh tươi
Đợi mùa hái quả mà vui
Có tiền cải thiện thêm tươi tuổi già
Lại thêm thả một đàn gà
Phần thu hoạch trứng còn là sinh sôi
Đón xuân gà béo hoa tươi
Chén mừng ngồi ngẫm vui đời là đây.
                                Ngày 5/2/1994
                                Cao Đức Lương
Bài thơ tả rất thực cảnh vườn nhà bác: khóm đồng tiền trước cửa, cây quéo đầu nhà, cây mít sau bếp…và chủ yếu là na dai. Và như một lẽ tự nhiên, bác cũng đã vô tình tự họa chân dung bác: một ông già dắt vợ đi thăm vườn, chỉ trỏ vừa như tính toán kế sách làm ăn, nung nấu một “mô hình sản xuất” lại vừa hy vọng vui chờ ngày hái quả. Nhưng điểm bừng sáng nhất của bài thơ nằm ở hai câu kết:
Đón xuân gà béo, hoa tươi
Chén mừng ngồi ngẫm vui đời là đây
Thịt gà thì thật ngon, hoa tươi thì thật đẹp và nhất là niềm vui được thụ hưởng thành quả lao động do chính tay mình làm ra của con người thì vừa tràn đầy, vừa thánh thiện. Cái hình ảnh đầy thơ ấy đã đọng mãi trong ký ức tôi không phai nhạt nữa.
Năm 1995, bác chuyển ra phố ở, khu vườn nhà trong xóm bác chuyển nhượng cho một người thân họ hàng gì đó bên đằng vợ, mới ở miền Nam chuyển cư ra. Cũng từ đó tôi không thấy bác đi sinh hoạt thơ và tôi với bác cũng không có điều kiện gần gũi nữa.
Ngày 17/1/1998 bác qua đời mới ở tuổi sáu mươi. Chúng tôi biết tin thì đã muộn, không trực tiếp đi viếng bác được. Nhưng nhớ tới bài thơ của bác,một buổi chiều  mùa xuân năm ấy (1998) tôi có dạo qua thăm lại vườn bác. Căn nhà bác thì vẫn như cũ nhưng cảnh vườn thì đã hoàn toàn đổi khác: hàng rào tre hóp dây trước cửa không còn. Nó được thay bằng tường gạch. Cây quéo đầu nhà không còn, vườn na cũng không còn…Chủ lạ nên tôi không vào nhà, chỉ đứng ngoài đường vẩn vơ nhìn ngắm. Chiều đó trời lại mưa nên càng buồn.Đêm đó tôi thao thức không ngủ, có viết bài “Thăm lại vườn xuân”, xem như một lời ai điếu viếng vọng hương hồn bác:
Bác ra phố ở lâu rồi
Vườn xưa đã chuyển tay người thân quê
Âm thầm lặng lẽ bác đi
Mảy may không góp thêm gì cho thơ
Yêu vần thơ đẹp năm xưa
Thăm vườn tôi đứng ngẩn ngơ bên đàng
Chiều xuân không thấy nắng tràn
Lưa thưa mưa bụi giăng màn trời cao
Đời người như giấc chiêm bao
Năm xưa thế ấy nay nào còn chi
Hỡi người Phật quốc an quy
Vườn xuân năm cũ có đi theo người ?
Trong tôi bác mãi mỉm cười
Chén mừng đọng một niềm vui khôn tàn.
                                    Xuân 1998
                                  Đỗ Đình Tuân
Cũng tương tự như trường hợp bác Bùi Ngọc Quyết, bác Cao Đức Lương vốn là người ít tiếp xúc với văn chương và chắc cũng không nghĩ có ngày mình sẽ làm thơ và làm được thơ hay. Ấy vậy mà các bác ấy vẫn viết được những vần thơ khá đẹp khắc sâu mãi  trong ký ức của tôi. Qua trường hợp bác Lương, bác Quyết tôi chợt nghĩ: hình như trong mỗi con người đều có ít nhất một bài thơ đẹp.

11/3/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét