Trong
khi chờ vào đại học, tôi lại nhàn rỗi, nhưng không làm linh tinh nữa.
Tôi nhờ bố tôi xin làm tạm ở công ty nơi ông đang làm, với bất cứ việc
gì. Người ta bảo chỉ có thể rửa bát cho một cửa hàng ăn thôi. Tôi đồng ý
ngay, vì bao nhiêu việc nặng tôi còn làm được thì rửa bát chỉ là chuyện
nhỏ. Hôm ấy, một sáng chủ nhật đẹp trời, lại đúng ngày có giỗ. Cả nhà
đang làm cỗ với bao nhiêu món thật ngon, có những món đặc biệt do dì kế
nấu (bà rất giỏi nấu ăn), tôi chạy lăng xăng làm phụ giúp người lớn. Mâm
cỗ được bày để chuẩn bị cúng. Rồi mọi người thắp hương, tôi theo người
lớn chắp tay lễ. Một tuần hương, hai tuần hương…Rồi cũng đến lúc hạ cỗ
để người dương hưởng lộc. Tôi khoái chí ngồi vào một mâm với đũa bát,
rượu thịt sẵn sàng. Đúng lúc đó, chưa kịp gắp miếng nào vào miệng, có
tiếng gọi ngoài cửa ”Bác Dậu ơi, tôi ở công ty đây, bác cho cháu Thư đi
làm ngay nhé, cửa hàng số 10 phố Lương Văn Can. Bảo cháu ra đây tôi chở
đi để biết chỗ và biết việc”. Tôi ngơ ngác, nhưng chợt nhớ mình từng
năn nỉ xin đi làm, nên không thể trì hoãn được. Cả nhà thương tình xin
cho tôi ăn cơm xong rồi người nhà đưa lên cửa hàng, nhưng ông ấy không
chịu, bảo phải đi ngay. Tôi thay quần áo và chào cả nhà rồi đi liền. Lên
cửa hàng, tôi vào việc luôn. Tôi ngồi trên một ghế cao, trước mặt là
bồn rửa cặp đôi, một bên rửa một bên tráng, có vòi nước nóng nước lạnh,
có bột xà phòng để sẵn. Tôi chỉ việc rửa và để sang bên cạnh thành từng
chồng bát hoặc đĩa. Có người khác mang bát đĩa bẩn đến và có người mang
bát đĩa sạch đi. Vậy là một dây chuyền mà tôi ở đoạn giữa, ngồi yên mà
rửa. Tôi nghĩ thầm, thế là tốt rồi, mình không phải bưng bê gì, lỡ chưa
quen đánh vỡ thì nguy. Tôi hăm hở rửa, tráng, tháo nước, vặn nước, làm
liên tục vì cứ ngưng một chút là bát đĩa bẩn ùn ùn kéo đến, rồi người
mang bát đĩa sạch đi phải chờ đợi. Tôi hiểu rằng, mình phải làm thật đều
tay, bao giờ tới giờ nghỉ (?) mới được nghỉ. Mà chẳng thấy ai báo nghỉ,
nên tôi đành cố gắng mãi. Đến tối mịt khoảng 7 giờ, mấy chị mới bảo tôi
dừng tay ăn một bát phở hay mì vằn thắn gì đấy. Nhưng tôi lắc đầu. Tôi
cảm thấy buồn nôn mà không dám nói. Tôi tiếp tục rửa bát đĩa định hết
giờ mới ăn luôn thể. Nhưng thật tồi tệ, đến khi nghỉ hẳn, chừng 10 giờ
đêm, tôi nôn thốc nôn tháo thật. Các chị dỗ dành bằng bao đồ ăn thức
uống, nhưng càng ngửi đồ ăn bốc khói nghi ngút, tôi càng kinh sợ, tôi
lắc đầu quầy quậy, “em không thể…các chị ơi…em mệt lắm, hãy để cho em
nằm yên một chút!” Thế rồi, tôi đòi về nhà, mặc cho các chị khuyên can.
Tôi xấu hổ quá, ai đời mới đi làm có một ca mà đã lăn ra như thế.
Tôi lảo đảo ra về. Phố Lương Văn Can tôi đâu lạ gì. Vậy mà giờ đây, tôi
chẳng biết theo lối nào để ra hồ Hoàn Kiếm rồi từ đó đi thẳng tiếp về
chợ Trời. Tôi loanh quanh, rẽ phố nọ sang phố kia, rất lâu sau mới ra
khỏi mê lộ của 36 phố phường Hà Nội. Khổ thân tôi, trời đổ cơn giông, và
mưa như tát nước vào mặt. Tôi đi người không, có áo mưa nón mũ gì đâu.
Tôi quên cả mệt. Tôi bắt đầu sợ hãi. Gần 12 giờ đêm, đi đường con gái
một thân một mình, lỡ có chuyện gì thì sao. Sợ vậy thôi, chứ lúc này,
trời mưa tầm tã, làm gì có ai đi đường chứ. Bọn xấu chắc ngủ rồi. Tôi
rảo bước, người lạnh run, chỉ mong về đến nhà. Tới phố Huế, chỗ rạp Đại Nam,
bỗng nhiên tôi nhận ra có bóng người đang trùm áo mưa đi về phía mình.
Ôi đúng rồi, me tôi, me cầm áo mưa đi tìm đón tôi. Tôi sung sướng đến
phát khóc, tôi muốn ôm chầm lấy me hoặc được me ôm chầm lấy mình, nhưng
chẳng có ai ôm ai cả, me gọi “Thư đấy à? sao về muộn thế?” và đưa cho
tôi áo mưa rồi hai mẹ con đi về.
Tôi ốm đúng một tuần
mới trở dậy được. Suốt ngày tôi nôn kèm theo chóng mặt. Tôi buồn lắm.
Tôi xấu hổ vì chẳng làm được gì nên hồn. Có mỗi chuyện rửa bát mà không
xong, thì sau này ra trường, làm gì được nhỉ. Không phải tôi lười nhác,
không phải tôi không biết rửa bát. Tôi rửa rất gọn gàng, sạch sẽ. Trong
khi rửa, tôi luôn thay đổi từng động tác nhỏ để rửa nhanh hơn, xếp bát
đĩa cẩn thận hơn, tiện cho người ta mang đi. Ôi thế chỉ vì sức khỏe ư?
Tôi yếu vậy sao? Tại sao giữa chừng tôi không cố ăn một ít cho có sức?
sao tôi cứ muốn tỏ ra mình rửa nhanh, đáp ứng được dây chuyền? để người
ta cho làm ư? Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập đến, dồn dập đi. Thôi vậy là
hỏng chuyện rồi, chả ai có thể nhận vào một con bé mới làm một ngày đã
ốm một tuần như thế.
Lại đành làm vài việc linh tinh.
Tôi mò sang nhà bà Bản gần đó và nhận sợi về làm. Bà là mẹ bạn Tuất, hay
chơi với chị em tôi. Bà cho mượn bộ guồng quay, mắc con sợi vào, rồi
quay sang một ống. Tay quay không khó
nhưng tay dẫn sợi vào ống thì phải nhanh và đều. Rồi phải tập nối sợi
cho nút thật nhỏ khi sợi đứt giữa chừng. Việc này giống như kiểu đan
len, túc tắc làm nếu có chóng mặt nhức đầu thì nghỉ một lúc, không chịu
áp lực như rửa bát đâu.
Trích từ Hồi kí NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
( Hết chương I )
Bùi Thị Kim Thư
Ghi chú: Đây không phải là bản giấy
can cuối cùng trước khi in sách mà MQ đã trực tiếp chữa, vì thế có thể
còn sót một số lỗi chính tả, hoặc lỗi hình thức nào đó so với sách. MQ
mong được thông cảm.
Làm liên tục,không kịp ăn gì là bị TỤT HUYẾT ÁP,RẤT NGUY HIỂM .Ở tuổi 17 bẻ gẫy sừng trâu,nên chỉ ốm có một tuần .Cao tuổi là ĐI rồi đấy .!
Trả lờiXóaTội nghiệp con bé quá. Cỗ ngon thế mà không được ăn. Rồi suốt ngày, suốt tối hôm ấy còn phải nhịn đói và rửa bát liên tục. Rồi trên đường về lại gặp mưa nữa chứ. Đúng là một ngày rủi với con bé. Có một điều lạ là tuy mồ côi từ sớm,nhưng ở bé Kim Thư chỉ tỏ ra là một cô gái nghị lực, có ý chí nhiều hơn chứ không biểu hiện ở phía gan bướng và dễ tủi thân như nhiều đứa trẻ mồ côi khác. Có thể là do yếu tố bà "ME". Chính bà ME đã làm cho bé Kim Thư ít cảm thấy bơ vơ và đơn độc đi nhiều.
Trả lờiXóaBé Kim Thư có cá tính-Cá tính lúc nhỏ có thể coi là bướng bỉnh,nhưng lớn lên lại là là lòng tự trọng và nghị lực.
Trả lờiXóa