Suốt những năm hoc
cấp 1, cấp 2, tôi chả có bạn thân nào. Ở cấp 1, không có bạn vì tôi học
chưa kịp quen thân với ai thì đã chuyển sang lớp khác. Còn ở cấp 2, các
bạn lớn quá, không thích chơi với tôi. Giờ ra chơi, tôi lủi thủi một
mình, nên hay ngồi lì trong lớp, hoặc tranh thủ làm bài tập gì đó. Các
bạn còn ghi nhớ hình ảnh của tôi là một cô bạn ít tuổi nhất, học giỏi,
hay chữa bài tập toán, chứ không hề biết tính tình tôi ra sao, vì có mấy
khi họ nói chuyện với tôi đâu. Chỉ sau này, tụ tập thành hội cựu học
sinh trường Cộng hòa Kiến Thiết, tôi mới được vui vẻ hòa đồng với mọi
người.
Ngày ấy tôi được tiếng là học giỏi, nhưng thực ra
không giỏi. Toán hình và quĩ tích tôi cố làm thôi chứ sợ phát khiếp. Vật
lí thì ngại nhất phải tự làm thí nghiệm, làm cái ròng rọc, quả lắc,…
Tôi lụi hụi làm một cách thầm lặng vụng về, và không hỏi ai cả. Môn sinh
vật thì phải tìm các loại lá, cây, chả có bạn nào rủ đi cùng, làm cùng
nên tôi hiểu rất lơ mơ. Bố tôi bận đi làm. Me tôi bận bán hàng. Các chị
lớn áo dài tha thướt học những gì cao siêu (?) ở trường Trưng Vương, tôi
bé chả hiểu. Tôi chỉ nhớ chị Thùy Trinh hơn tôi bốn tuổi, xinh xắn
trắng trẻo, hay bận rộn tập múa và học hành kết bạn với các anh chị lớn ở
khác trường.
Có một lần lớp 7 trường tôi xuống xã gặt lúa
giúp dân. Tôi bé quá, nên thầy chủ nhiệm không cho đi. Tôi khóc, cứ
chạy theo các bạn và lên xe. Tới một vùng ở ngoại thành, tôi lẽo đẽo đi
theo mọi người, bắt chước đủ thứ, nhưng không biết làm, chỉ chực đến bữa
ăn được ăn cơm nóng trắng tinh với rau cải luộc chấm tương ngon kinh
khủng. Khi trở về, tôi bị thầy viết sổ liên lạc phê bình vô tổ chức kỉ
luật. Bố tôi phải nhận khuyết điểm về mình rằng không quản lí con sát
sao. Thi thoảng đi lao động nghĩa vụ xây dựng công viên Thống nhất, tôi
gồng lên cố vác đất to to một tí để các bạn đừng coi thường mình còn bé.
Bù lại tình cảnh không có bạn ở trường, tôi kết thân, thật thân với một
bạn gái cùng tuổi từ ngày học vỡ lòng. Bạn tôi là “bạn đường phố”. Tôi
không nhớ bạn học ngang tôi hay trên hay dưới, có cùng trường với tôi
không. Bạn ở đầu phố Huế, tôi ở cuối Hàng Bài, vậy chúng tôi phải đi qua
đường Hàm Long để đến với nhau. Hình như sợ phụ huynh ngăn cấm, bọn tôi
hay sang nhà nhau, nhưng không phải để nói chuyện nhiều, mà chủ yếu chỉ
là tặng bạn quà rồi chạy về ngay. Khi thì cái cặp tóc mai, lúc lấy sợi
len cuốn thành cuộn len nhỏ xíu, hoặc là cái bánh, cái kẹo gói vào thật
cẩn thận trong một tờ giấy báo, bên ngoài dán mảnh giấy đề “bạn Kim Thư
thân tặng bạn Kim Chi” hoặc “bạn Kim Chi thân tặng bạn Kim Thư”. Cái câu
thân tặng này được cả nhà tôi thuộc lòng; bà mẹ chồng của dì ruột tôi
(dì Diễm) cũng biết và thuộc luôn. Cứ mỗi lần bố cho tôi đến thăm dì, bà
lại đon đả từ xa ”A chào bạn Kim Thư của bạn Kim Chi. Ôi trời, bạn Kim
Thư đến chơi này”. Bà vui tính quá, nhưng bà không phải là bà thật của
tôi. Tôi quí bà nhưng tôi yêu bà thật của tôi cơ. Đấy là bà ngoại sinh
ra mẹ tôi. Cả ông ngoại nữa. Tôi chỉ được gặp ông bà đúng một lần mà tôi
nhớ như in. Bố tôi bảo ông ngoại tôi là Quân Y sĩ, làm ở Phú Thọ. Ông
mặc quần áo bộ đội tay chống một cái ba toong, hình như ông yếu rồi. Bà
ngoại có vẻ khỏe hơn nhưng già lắm. Bà bế tôi ngồi lòng, xoa đầu bảo
thương tôi quá, mẹ mất khi cháu còn bé tí. Bà nói nhỏ nhẹ. Ông và bà đều
rất hiền từ. Hình như ông bà từ Phú Thọ về chơi nhà cậu ruột tôi ở phố
Quang Trung. Rồi sau đó ông bà mất mà tôi không nhớ hay không biết gì về
đám tang của ông bà. Nói tóm lại, sau khi mẹ tôi mất, quan hệ của gia
đình tôi với họ ngoại cứ xa xa, ngoại trừ gia đình dì Diễm. Tôi không
thấy các dì cậu đến thăm các cháu bao giờ, cũng không thấy bố dắt mình
đi thăm các cậu các dì. Chỉ có khi nào các cậu dì làm đám cưới thì bố
tôi luôn có mặt và cho tôi đi theo. Tôi ngồi trên cái ghế nhỏ gắn vào
thanh ngang phía trước xe đạp của bố, khi về mang theo bao nhiêu là kẹo
bánh, vì thi thoảng tôi nhón một cái bỏ túi, chứ không ăn. Mãi đến sau
này khi lớn lên rồi, chị em chúng tôi mới tìm, thăm hỏi, qua lại với họ
ngoại, thân thiết hơn một chút.
Về chuyện học, sau khi hết
cấp 2, tôi thi và có bằng tốt nghiệp nhưng không được thi vào cấp 3,
vẫn vì nhỏ tuổi quá. Tôi mới 11 tuổi. Lần này đơn từ đưa lên Sở Giáo dục
là vô hiệu. Tôi trở thành đứa trẻ lang thang thất học. Suốt ngày,
tôi chơi bi-chơi khăng-chơi đi trốn tìm-chơi ù với bọn con trai con gái ở
chợ Trời. Trong nhà, tôi chơi đánh chắt đánh chuyền-chơi ô ăn quan-chơi
giả vờ bán hàng với chị Thùy Trinh. Khi chơi bán hàng với bao nhiêu
cuộn len nhỏ xíu, những cái bánh tự cắt tròn tròn, vài cái cặp tóc mai
cặp ba lá, tôi lại nhớ Kim Chi đến thẫn thờ. Tôi chẳng có bạn để tặng
quà nữa. Bạn theo gia đình chuyển đi đâu từ lâu rồi mà chẳng bảo tôi một
lời. Mà nhà tôi cũng về chợ Trời đấy thôi, biết đâu chả có lần Kim Chi
tìm tôi ở nhà cũ Hàng Bài và không thấy tôi đâu nữa.
Đành
vậy, tôi đang có những cuốn hút mới này. Đó là mỗi khi trời mưa
xong, chị em tôi cùng lũ trẻ cùng phố chạy ào ra đường mải mê nhặt hạt
cườm đủ màu sắc nổi trên mặt đất. Chả là gần đó có nghĩa địa tây, người
ta đặt nhiều vòng hoa sắt kết bằng hạt cườm. Lâu ngày, vòng hoa hỏng và
rã dần, nước mưa cuốn trôi tản hạt cườm trên những con đường quanh đó.
Ngày ấy, đường phần nhiều là đường đất chưa trải nhựa.
Chơi
mãi cũng chán, tôi đi tìm hứng thú trong những “trò chơi kiếm tiền” và
giúp đỡ việc vặt cho me tôi. Tôi đan thuê, lúc đầu là những giải quai
mũ sợi, sau là cả cái mũ có pha hình con chim hoặc bông hoa, rồi đan len
từ cái gấu tay, đến gấu thân rồi cổ áo. Ngoài đan, tôi còn làm nhiều
việc khác nữa. Ngày ngày tôi lên cửa hàng kem Tràng Tiền, không phải vì
thèm muốn ăn kem. Tôi chỉ luôn tay nhặt que người ta ăn vứt bừa ra đấy.
Tôi mang hàng đống que về nhà, rửa sạch rồi xếp cẩn thận mang bán lại
cho nhà hàng kem. Tôi đi nhặt hạt táo trên đường phố, mang về chà sát
chỗ nhầy lẫn đất cát, rồi rửa đãi nhiều lần cho sạch xong phơi khô đem
bán.theo từng kg hạt. Tôi hay lang thang quanh chợ Trời, nhặt nhạnh trên
đường khi thì cái chai vỡ, lúc mẩu sắt, mẩu nhôm, và thú nhất là những
mẩu đồng vụn. Tôi luôn mài thử chúng xem có ánh sắc nâu đỏ không để biết
đó là đồng và phân loại riêng, bán được đắt tiền hơn sắt, hơn nhôm. Tôi
còn đi nhặt củi và hót lá rụng sau mỗi kỳ bão hoặc mưa lớn, đi xin mọt
cưa chui vào gầm các máy cưa để bốc vét hót từng rổ mang về cho me đun,
đi xếp hàng gánh nước máy trong đêm khuya với đôi thùng thật to, lúc đầu
chỉ gánh nửa thùng sau dần dần tăng lên gần đầy, đi mua gạo mua củi
bằng xe đẩy với me, rồi đi mua gạo và gánh bằng đòn gánh, theo me xuống
chợ Mơ mua buôn xà phòng giặt mang về bán ở chợ Trời. Chưa hết, tôi chăn
một đàn ngỗng, chiều chiều cho đi ăn cỏ và tắm ở ao cách xa nhà chừng
mấy trăm mét vì hồi ấy, khu chợ Trời còn nhiều ao hồ, bãi cỏ lắm. Khi
ngỗng đẻ trứng, quả trứng thật to, me rán một quả là đủ cho bữa ăn cả
nhà. Thi thoảng trở trời, cá ở hồ Hai bà Trưng bị chết nổi đầy mặt nước,
tôi ra vớt cá mang về me làm nước mắm. Hồi ấy sao tôi bạo dạn thế, cứ
xắn quần men theo hồ, lấy gậy khều cá và bỏ vào rổ mang về, đi hết đợt
này đến đợt khác. Có lẽ vì có nhiều người vớt nên tôi yên chí không sợ
chết đuối khi lỡ ra ngã xuống(!) Mùa hè nắng to, nhà tôi có một gian phụ
lợp tôn nóng bỏng. Tôi xin me mua khoai lang để luộc lên, thái ra phơi
trên mái tôn cho khô, chị em tôi ăn dần. Ăn khoai khô thích lắm, nó cứ
dai dai ngọt ngọt. Thi thoảng tôi còn phết thành những bánh đa rồi nướng
lên nữa.
Trong những "trò chơi" kiếm tiền kể trên, khi
có được dù chỉ một hào nhỏ, tôi đều đưa me mà không bao giờ tiêu cho
mình. Me tôi hình như rất thích tiền, và tôi thì thích làm ra tiền để
đưa me. Sống với me, tôi luôn khao khát tình cảm trìu mến, vỗ về nhưng
me tôi bận lắm. Bà mải mê buôn bán, rồi bao việc nội trợ nữa nên chỉ
chăm cho chúng tôi như một cái máy, đến bữa cho ăn, đến đêm cho ngủ,
thấy con mải chơi ngoài đường thì ra la hét quát tháo gọi về. Nhưng tôi
vẫn yêu thương me lắm. Khi ngủ, tôi thường nằm cạnh sát me. Me quay lưng
lại chứ không bao giờ quay vào tôi. Tôi rón rén ôm lưng me rồi nhẹ
nhàng sờ vào cặp vú to mềm mại của me và chỉ có như thế tôi mới ngủ say
đến sáng. Tôi không còn mẹ nữa, tôi chỉ có me thôi, đấy là mẹ chứ có
khác gì đâu? Cứ mỗi lần me đi vắng sang Bắc Ninh thăm vợ chồng cậu Mai,
hay về quê Hưng Yên, sẩm tối mà chưa thấy me về là tôi ra đường, tôi
nhất định không ăn cơm không làm gì hết, chỉ ngóng trông và hai hàng
nước mắt lặng lẽ chảy cho tới khi đón được me mới thôi. Bố tôi có lần
giận và trách tôi:”Vì sao bố là bố đẻ của con mà con không gần bố, con
chỉ nhớ thương người đã không đẻ ra con thôi?”. Tôi chẳng biết nói sao,
chỉ im lặng. Tôi không biết nói rằng, mỗi đứa trẻ đều có bản năng khát
khao tình mẫu tử. Thêm vào đấy, tuổi thơ đã mách bảo tôi rằng, hình như
bố có điều gì không phải. Mẹ đã mất rồi, có me, có bao nhiêu con rồi,
sao bố còn lấy vợ nữa thế? Mãi sau lớn thêm một chút, tôi mới ngờ ngợ
nhận ra rằng, bố có các con gái nghĩa là chưa phải có con, bố cần lấy vợ
để có con trai mà.
Phải
nói rằng, bố tôi đã lấy me tôi theo kiểu “nữ thập tam nam thập lục”.
Ông bà nội gọi bố tôi về quê cưới vợ khi còn rất nhỏ. Rồi me tôi bị vô
sinh. Bà chạy đi chạy lại lúc ở Hà Nội lúc về quê. Bố tôi giỏi giang
lịch lãm, dáng vẻ thư sinh nói năng nhẹ nhàng từ tốn, còn me tôi thì
nóng nảy phổi bò, nên dường như hai người không hợp nhau. Có một lần, bố
tôi ngồi làm sổ sách trong một cửa hiệu, một ông người Tàu đi qua dừng
lại nhìn và bảo: “Này ông! Ông nghỉ ngơi tí đã! Tôi sẽ nói cho ông nghe
nhiều điều thật lạ, nhìn tướng ông…” Bố tôi cắt lời “Xin lỗi, tôi đang
bận”. Ông khách tỏ ra bực tức mà phải kiềm chế “Ông không tin tôi hả?
thôi thì tôi chỉ nói thử một điều cho ông nghe: Trong túi quần ông có
cái ví tiền, đúng không nào? Nhưng tôi dám chắc ông chỉ biết đại khái
chứ không biết rõ ông có bao nhiêu tiền trong đó. Còn tôi, tôi biết
chính xác đến từng xu! Ví ông đang có một trăm chín bảy đồng tám hào bốn
xu. Ông kiểm tra xem!”. Bố tôi tần ngần, và tò mò, liền giở ví ra xem
và ông khách nói đúng 100%. Bố tôi kinh ngạc thán phục nhưng sợ nên xua
đuổi tiếp “Cảm ơn ông, ông đoán biết thật tài. Nhưng tôi bận lắm, mời
ông đi nơi khác cho!”. Ông khách chưa buông tha:”Ông nói vậy thôi, chứ
tôi biết thừa là ông không tin tôi. Nhưng thôi tôi sẽ đi, có điều trước
khi đi tôi nói cho ông biết một chuyện của tương lai. Hiện giờ như ông
thấy đấy ông đang có vợ, nhưng rồi ra ngoài Tết ông sẽ lấy vợ nữa.”. Đến
thế thì quá lắm làm sao mà tin lão được, bố tôi thầm nghĩ. Ông khách
còn nói thêm “Ông cứ ngẫm xem nhé. Nếu đúng vậy mà ông cần gặp tôi thì
đến tại địa chỉ này, số nhà…phố…”.
Thời
gian vụt trôi qua, bố tôi quên chuyện gặp gỡ ông khách lạ. Vậy mà trong
một dịp đặc biệt, bố tôi gặp mẹ tôi, một nữ sinh trường Đồng Khánh Hà
Nội thắt đáy lưng ong, hiền dịu, đã phải lòng và không dám nói rằng mình
đang có vợ. Mẹ tôi thấy bố lịch thiệp đẹp trai trẻ trung có vẻ lắm tài
nên yêu rồi sắp cưới mới biết bố đã có vợ. Cực chẳng đã, mẹ tôi đành
phải làm vợ lẽ. Lễ cưới được tổ chức đúng là ngoài tết năm ấy. Bỗng
nhiên nhớ lại ông khách nọ, bố tôi đâm hoảng liền kể chuyện này với một
người bạn thân và hỏi ý kiến bạn xem có nên tìm đến địa chỉ nọ không.
Ông bạn khuyên:“Mình biết, có những người có tài “bắt sát” như vậy đó,
nhưng cậu không nên đến gặp lão, sẽ phiền hà lắm. Biết được rồi lão nói
những gì nữa? Thôi hãy quên đi và gắng giữ cuộc sống yên bình!” Mẹ tôi
và gia đình bên ngoại đều có ý nghĩ thoảng qua rằng mẹ tôi bị “lừa”. Mẹ
tôi khóc rất nhiều, nhưng thực tình, khi chung sống thì hai người yêu
nhau lắm và rất hạnh phúc, ý hợp tâm đồng nói chuyện không bao giờ biết
chán. Me tôi không ghen, mà rất quí mẹ tôi. Cũng vì thế, me tôi về quê ở
hẳn. Khi cả nhà tôi tản cư từ Hà Nội về Hưng Yên, cả “hai bà một ông”
sống cùng trong một mái nhà với đàn con gái không có gì căng thẳng. Chỉ
đôi khi me tôi sốt ruột, hỏi “sao các người nói chuyện gì mà nói lắm
thế?” hoặc có lần giật tờ báo mẹ tôi đang đọc (cùng với bố) vứt đi.
Nghe người thân kể lại, ngày ấy gia đình tôi khá giả vì bố đi làm rất
nhiều tiền, vừa làm kế toán, mở trường dạy kế toán, dạy tiếng Pháp, chủ
bút báo, rồi kinh doanh nữa, trong nhà thuê cả lái xe, vú em, người
giúp việc. Bố tôi chỉ làm tư thôi, không làm cho tây, không hoạt động
chính trị hay đảng phái nào. Sống cùng vợ hai (mẹ đẻ tôi) và đàn con gái
ở Hà Nội, bố tôi vẫn thi thoảng tự lái xe con về làng thăm me, rồi tích
góp mang tiền về tậu ruộng hoài những mong me tôi đỡ buồn. Không ngờ đó
là tai họa. Me tôi thích làm ruộng và làm giỏi, chăm chỉ lắm nhưng
không làm được hết, nên cho các chị em ruột của chồng (tức là các bác
các cô tôi) cấy bớt. Rồi đến vụ lúa, các bác các cô trả cho một ít thóc
gọi là có, chứ thực tình chỉ là giúp đỡ thôi. Khi lớn lên, tôi tìm hiểu
và nhận ra rằng, trả thóc ít hay nhiều thì chị em trong gia đình biết
với nhau, còn bên ngoài nhìn vào thì việc đó mang màu sắc "phát canh thu
tô"! Khi mẹ tôi không may mất sớm, me ra Hà Nội ở hẳn và trông nom chị
em tôi đồng thời làm đại lí sơn, bán tạp hóa. Bố tôi đi làm và đi dạy
suốt ngày. Trong cải cách ruộng đất, ở quê chẳng còn ai, nhà và vườn để
trống. Bố me tôi có nhiều ruộng bị qui là địa chủ công thương. Ruộng đất
xung công, còn ngôi nhà cùng với ao vườn (mà me tôi ở) bị tịch thu một
phần dùng làm công trình công cộng, một phần chia cho ba gia đình nông
dân. Sau cải cách, me tôi về quê nhiều lần để đòi lại nhà cửa vườn tược,
người ta giải thích rằng mọi sự đã lỡ rồi, ông bà có sống ở quê nữa đâu
thì chả nên đòi làm gì. Bố tôi cũng khuyên me tôi đừng về mất công. Thế
rồi từ đó, thi thoảng tôi theo me về quê, tôi không bao giờ nhìn đến
ngôi nhà nhưng vẫn biết chắc rằng có nó đứng đấy, ngay giữa làng trong
một vị trí gần như đẹp nhất. Cái ao nay trở thành nhà văn hóa. Còn ba
gia đình thì chỉ có một gia đình ở, họ xây một nhà mái bằng; hai gia
đình kia bỏ hoang không ở. Vào khoảng những năm 1970, ở quê có chủ
trương trả nhà cho những chủ cũ và phân đất dãn dân cho những người đang
ở, nhưng chủ cũ phải về viết đơn xin xem xét. Anh họ tôi kể lại tình
hình và khuyên bố tôi về viết đơn, nhưng ông tự ái nhất định không về và
không cho me tôi về. Ông mang trong mình nỗi buồn khó tả, và hiếm khi
thể hiện. Cách đây chín năm, tôi mua lại ngôi nhà cũ và mảnh vườn thuộc
sở hữu của hai gia đình không ở để làm kỷ niệm. Tôi chẳng oán trách ai,
tôi hiểu đó là những gì đã qua của lịch sử, nhưng tôi cần kỷ niệm, nên
mua lại sòng phẳng mà thôi. Giá tôi mua sớm hơn thì đã mua được của cả
ba gia đình rồi.
Sau khi mãn tang mẹ tôi, bố tôi lấy vợ
ba, ở nhà riêng cùng phố, còn me và chị em tôi ở một nhà. May mắn sao,
lần này dì kế sinh ra em trai, tên là Vinh. Bố và dì chiều em lắm. Mỗi
lần sang chơi, tôi phải múa hát bày trò cho em chơi em cười. Tôi làm
nhưng không thích. Tôi tức nữa nhưng không nói ra được. Tôi ghen tị với
em nhưng không dám biểu lộ, không dám đòi những thứ mà em có. Dù sao,
đối với bố, tôi biết bố rất thương tôi, bố còn tự hào vì tôi học giỏi
nữa. Thi thoảng, bố dẫn tôi và em Vinh đi ăn phở mặc dầu khi đó gia đình
tôi sa sút lắm rồi. Tôi lớn lên tận mắt chứng kiến cảnh bao nhiêu tủ
gương, bộ bàn ăn tròn bằng gỗ đánh bóng, sập gụ tủ chè trạm trổ đủ kiểu,
những bộ bàn ghế đá thật lớn cứ lần lượt đội nón ra đi. Tiền thu vén
còn lại bố tôi đổ vào xây nhà ở chợ Trời, hàng ngày thì đi làm nhân viên
kế toán cho công ty ăn uống của nhà nước lương ba cọc ba đồng. Me tôi
thôi làm đại lí sơn và quay ra bán hàng vặt ở chợ Trời, bán ít bát đĩa,
nồi niêu xoong chảo nhôm, xà phòng giặt, rồi sau này bán hàng nước. Tôi
là trẻ con, nên thích bánh kẹo như các bạn, và tôi thường được thỏa
mãn. Đó là thi thoảng bố tôi ở công ty ăn uống được mua hay được chia
tôi không rõ một đám kẹo bi bị chảy nước, màu sắc của các viên kẹo cứ
nhập nhằng sang nhau. Mà chị em tôi thì ăn say sưa tấm tắc khen ngon
hoài, và đặc biệt không bao giờ bị đau bụng tiêu chảy vì những cái
kẹo đó.
Trích từ hồi kí NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
( Còn nữa)
Bùi Thị Kim Thư
Lời văn giản dị,tình cảm chân thành nhưng cuốn hút người đọc.
Trả lờiXóaTôi cho rằng THỨ "VĂN HỌC KHÔNG HƯ CẤU" (chữ của NHÀ VĂN LÊ HOÀI
Trả lờiXóaNAM) như tác phẩm NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI này NÓ CÓ SỨC HẤP DẪN RIÊNG ở chỗ NÓ CHÍN TRONG KÝ ỨC và NÓ THẬT TRONG MÔ TẢ,NHẬN ĐỊNH .Tất nhiên,người cầm bút cũng phải CÓ CHÚT ĐAM MÊ & TAY NGHỀ NHẤT ĐỊNH !
Kim Thư tuy học toán nhưng trong quá trình làm việc cô ấy thường xuyên phải soạn giáo trình, viết tài liệu hướng dẫn... nghĩa là đã có quá trình làm quen với bút mực. Cô ấy cũng lại kế thừa được cái gen di truyền của bố thông binh lịch lãm, làm kế toán, dạy nghề và còn là chủ bút một tờ báo tư nhân? Về phía độc giả thì người thời nay người ta thích những chuyện viết thật hơn hư cấu. Cố nhiên chuyện hư cấu nào cũng phải dựa trên chuyện thật, nhưng vừa thật vùa bịa thường hay xẩy ra những khiên cưỡng, gò ép, vô lý...còn nếu viết thật cả thì không. Hồi ký có sức hút có lẽ là vì thế chăng?
Trả lờiXóaMQ rất hạnh phúc vì được các anh, chị, bạn bè đọc bình luận và chia sẻ.
Trả lờiXóa