Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

CHÂU ÂU GÓP NHẶT- 22

Lãng man thành Viên

Từ Graz đến thủ đô Viên chỉ có 217 km nhưng như đã nói- cả cái xe và người lái đã bị lập trình nên nó vẫn dạt vào một điểm dừng chân cách Viên chỉ độ 20 km mà không chịu chạy cố về thủ đô. Nhưng chính nhờ dạt vào đó mà mọi người lại có dịp tìm hiểu thêm về một nét văn hóa toilet ở đây. Thật chẳng hổ danh Thủ đô của âm nhạc thế giới.
Điểm tham quan đầu tiên ở thủ đô Viên là cung điện mùa hè của vương triều Habsburg (Tiếng Việt xin đọc là Háp- xbua) nằm ở ngoại thành (như kiểu hành cung dã ngoại ấy). Đây là một dòng họ hùng mạnh đã từng thống trị nước Áo nói riêng và các liên minh Áo- Hung- Phổ v.v... hàng mấy trăm năm trước đây. Lâu đài hình chữ U, có tới 1.440 phòng, phía sau có một vườn thượng uyển. Điểm đặc biệt là sàn nhà ở đây đưọc lát bằng các thớt gỗ hình lục lăng (gọi là thớt bởi các miếng gỗ này cưa ngang thân cây chứ không phải xẻ dọc. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì độ xa hoa của vương triều này không thể so sánh với vương triều Rô ma nốp ở Nga hay Buốc bông ở Pháp.
Buổi chiều, đoàn nhà cháu vào trung tâm thành phố thăm thú một loạt công trình như Công viên trung tâm, Nhà hát hàn lâm, Nhà hát bình dân... và dinh Tổng thống. Cũng giống như Giơ ne vơ, TĐ Viên có khá nhiều công viên- rừng rất rộng ngay tại trung tâm thành phố. Lại là thủ đô âm nhạc của thế giới nên ở đây người ta dựng rất nhiều tượng các nhạc sĩ lừng danh như Johan Straox, Moza v.v... và rất nhiều danh nhân văn hóa khác như Gớt cùng vài vị khác. Ngoài ra, vì là một dân tộc thượng võ nên cũng khá nhiều tượng đài tôn vinh các võ tướng trên mình ngựa chiến. Có điều, cũng như các nước chấu Âu khác vì văn hóa phát triển sớm, người ta đã sớm có các bức họa ghi lại chân dung của vua chúa và các danh nhân từ hàng nghìn năm trước nên tượng vị nào ra vị ấy chứ không như ở ta có thể bê cụ ở bên này Bờ Hồ sang đặt vào chỗ cụ ở bên kia cũng được.
Điều khá đặc biệt ở đây là sự tự do, cởi mở đối với dân chúng ở dinh Tổng thống. Không như ở ta, ở TQ... nơi ở của các lãnh đạo quốc gia được canh phòng nghiêm ngặt, dinh Tổng thống ở đây mở cửa cho mọi người tự do ra vào và dạo chơi trong khuôn viên, chỉ có khu vực hạn chế ngay trước chỗ ông ta ở và làm việc mà thôi. Nghĩ cũng lạ: ở đây không có các “thế lực thù địch” như ở ta hay sao? Chả lẽ chính quyền “của dân, do dân, vì dân” của ta lại lắm thế lực thù địch thế? Nhà cháu trộm nghĩ một cách dân dã: một cá nhân hay một tập thể tồn tại trên đời mà lắm kẻ thù như thế thì cũng cần phải xem lại mình trước đã, phải không các cụ? Ở đây còn có một điểm đặc biệt nữa là vòi nước công cộng để lấy nước uống đwọc làm mát!
Mặc dù số lượng người Việt ở thủ đô Viên không đông lắm- chỉ hết đầu ngón tay ngón chân thôi nhưng ở đây lại có 2 nhà hàng Việt mang dấu ấn của hai thành phố lớn nhất nước: HN và SG. Và cũng chỉ có ở Viên mà đoàn nhà cháu đwọc ăn cả hai bữa trong ngày bằng món Việt. Có chút xúc động trước những người bà con làm ăn xa xứ nên cảm thấy rất ngon.
Buổi tối ở Viên trong đoàn lại có hai sự lựa chọn khác nhau: hoặc là đi nghe hòa nhạc, hoặc là về KS rồi đi thăm sông Đa nuýp- con sông nổi tiếng chảy qua 10 nước châu Âu. Xin nói thêm, đến đây đoàn nhà cháu lại gặp lại người quen cũ- Ibis. Tuy nhiên, hơi lạ là 2 thắng nằm cạnh nhau nhưng 1 thằng thì 3***, còn thằng kia chỉ có 2**. Có 5 người đi nghe hòa nhạc, một số đi thám hiểm đường phố ban đêm, còn nhà cháu chọn sông Đa nuýp.
Rủ mãi ông bạn lính không đi, nhà cháu cùng gã đầu bạc, đoàn trưởng LBN đi với nhau vậy. Cũng may, từ KS đến sông không xa lắm, chỉ chưa đầy 1 km nên cái chân đau của nhà cháu vẫn chịu được. Mà cũng lạ, chỉ có ăn với đi chơi mà cũng mệt ra phết!
Thực tình, đối với nhiều người thì một con sông chảy qua thành phố thì có gì đặc biệt lắm đâu song với nhà cháu thì cảm thấy có một cái gì đó rất khó tả khi nhìn thấy dòng sông nổi tiếng này. Đó không chỉ là một dòng sông lớn chảy qua hàng chục nước mà nó còn là dòng sông của âm nhạc, của thi ca và cũng gắn với những nhân vạt, những tác phẩm âm nhạc bất hủ. Với nhà cháu, ngoài những lý do trên thì cũng có chút kỷ niệm rất riêng về nó- ấy là những năm học sĩ quan, chàng học viên tài hoa Vũ Quang Hòa đã dạy cháu tập tọng chơi đàn và một trong những bản nhà cháu ưa thích nhất và cũng chơi khá đạt chính là Đa nuýp xanh. Tuy nhiên, chàng sĩ quan tài hoa ấy đã sớm ra đi vì bạo bệnh. Cho nên, mối khi nhắc đến dòng Đa nuýp thế nào nhà cháu cũng chạnh nhớ về người bạn vắn số của mình. Và cũng vì thế mà nhà cháu nghiến răng chịu đau lê từng bước để gặp bằng được con sông đó. .
Bờ sông Đa nuýp đwọc xây dựng thành một công viên trải dài cho người đi dạo, ngồi chơi- đồng thời cũng là bến cảng cho những con tàu du lịch. Mặc dù sông không lớn lắm- chỉ độ 400 mét nhưng nhưng những con tàu du lịch đang đậu ở đây cũng to lớn chẳng kém gì các tàu du lịch biển. Chắc do chế độ thủy văn của nó ổn định và quanh năm đày nước. Trên một con tàu người ta đang tổ chức khiêu vũ, từ đó vang lên những tiếng nhạc dập dìu hòa cùng tiếng sóng làm đêm Đa nuýp càng sinh động. Ba anh em ra bờ sông đwọc một lát thấy 2 cô nhà báo cùng cô họa sĩ kiêm thợ may cũng ra. Họ thi nhau chụp ảnh và đùa bỡn như những đứa trẻ. Kể cũng vui!
Gần chỗ ba anh em nhà cháu ngồi hút thuốc và ngắm sông có một cô gái ngồi. Không nhìn rõ mặt nhưng qua dáng ngồi có thể nhận ra cô gái đang rất buồn. Dường như cô đã hẹn ai đó ở đây mà người ấy ko đến. Về đến KS nhà cháu bật ra mấy dòng sau:


Bên dòng Đa- nuýp

Đa- nuýp vẫn xanh như huyền thoại
Thành đô Viên vẫn cổ kính trầm tư
Nghe đâu đây tiếng vĩ cầm réo rắt
Phải hồn Mô- da vẳng lại tự ngàn xưa?


Em gái thành Viên mắt xanh như trời nước Áo
Suối tóc vàng óng ả như mây
Em chờ ai mà mắt buồn thăm thẳm
Làm lòng ai cũng ngất ngây say!


Vừa mới gặp đã xa rồi sông nhỉ
Cầu mong sông cứ mãi như xưa
Và em gái, xin em đừng buồn nữa
Người em yêu rồi sẽ trở về!

Trạm dừng chân ngoại ô Viên





Cung điện mùa hè của vương triều Háp xbua








Một nhà hát của Viên




Johan Straox- tác giả Đanuýp xanh nổi tiếng




Và đây là Mo za




Tòa thị chính




Dinh Tổng thống








Còn đây là cụ Gớt








Trên bờ sông Đa nuýp




1 nhận xét:

  1. Khi có tâm trạng thì người ta cũng dễ cảm xúc hay đồng cảm với cảnh vật, con người quanh mình. Anh KN cũng là người đa cảm nhỉ!

    Trả lờiXóa