Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Điểm diện nhà văn nhà thơ 70: Dương Thu Hương

70. Dương Thu Hương

Tay em cầm bông bần ly
Bờ cây đỏ thắm làm chi não lòng
Chuyện tình kể trước lúc rạng đông
Hoàng hôn ảo vọng vẫn không tới bờ
Thiên đường thì quá mù mờ
Vĩ nhân tỉnh lẻ vật vờ bóng ma
Hành trình thơ ấu đã qua
Hỡi người hàng xóm còn ta với mình.
                             Xuân Sách
Sự cứu rỗi cuối cùng.
(Tham luận của nhà văn Dương Thu Hương tại hội nghị Văn bút Quốc tế (PEN) tổ chức tại New York (Mỹ) ngày 26/04/2005)

  Nhu cầu được cứu rỗi có lẽ là nhu cầu sớm nhất của nhân loại. Nó xuất hiện cùng lúc với con người đầu tiên đi bằng hai chân, lưng thẳng đứng, quyết định rời bỏ cánh rừng để tiến về chân trời phía trước. Chân trời hoang vắng kia chính là định mệnh của loài người, vừa cám dỗ vừa hàm chứa hiểm nguy, đem lại cùng một lần hy vọng và lo âu, say đắm và khắc khoải. Chính bởi con đường dẫn đến tương lai bao giờ cũng được cắm mốc bởi những bất an, nên con người cần có sự cứu rỗi. Nhu cầu về sự cứu rỗi là một hằng số, kể từ con người đầu tiên, đầu tóc đầy chấy rận, che thân bằng lá rừng cho đến nhân loại ngày hôm nay, một năm tiêu thụ hàng chục triệu lọ thuốc nhuộm tóc và hàng chục vạn tấn quần jean.
Trên con đường dài đặc của lịch sử, tấm áo giáp tinh thần đầu tiên che chắn cho tâm hồn mong manh của con người chính là niềm tin. Một quyền năng tối cao phải ra đời để mang đến cho họ sức mạnh đặng có thể vượt qua mọi thử thách, đứng vững trước những chân trời giông bão, trước những ngọn sóng thần, những hỏa diệm sơn, những bệnh dịch ma quái và những cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt. Nhưng vì đã có tháp Baben để con người chịu lời nguyền chia rẽ về ngôn ngữ nên phải có một thứ Baben khác để con người chịu lời nguyền thứ hai: Sự chia rẽ về niềm tin. Đấng Omnipussant xuất hiện dưới những gương mặt khác nhau, mặc những thứ trang phục khác nhau, đòi những món ăn khác nhau trong ngày lễ và sau rốt, ra những chỉ định khác nhau cho con chiên của họ. Vì những khác biệt này, sự cứu rỗi của nhân loại đã trở thành duyên cớ cho biết bao cuộc chiến tranh kinh khủng, tàn độc trong lịch sử.
Vì cớ gì Chúa của người Do Thái khác Chúa của người Thiên Chúa giáo, từ những dữ kiện nào, được ghi nhận vào năm tháng nào, và do ai chịu trách nhiệm về tính chân thật?...Dường như không có lời giải đáp. Vậy mà trong gần hai mươi thế kỉ, những cuộc tàn sát người Do Thái diễn ra không ngưng nghỉ cho đến tận ngày Giáo Hoàng Paul II chính thức nói lời đề nghị tha thứ trước toàn thể dân cư trên hành tinh.
Thêm nữa, dưới chỉ định nào của Jesus mà suốt mấy trăm năm những người Thiên Chúa giáo dồn những người theo đạo tin Lành lên các vùng núi trong một cuộc chiến tranh tàn khốc cho đến nỗi những giáo dân Tin Lành chỉ được quyền làm bánh mì một lần trong năm, chỉ được ăn bánh mới một ngày độc nhất trong 365 ngày. Nhiều thế kỉ đã trôi qua, nhưng ngày hội bánh mới vẫn còn và những ngôi nhà của người Tin Lành trên các vùng núi nước Pháp vẫn nguyên vẹn với những bức tường dày hơn cả tường của các pháo đài xưa cũ.
Giờ đây, nếu nhìn lại quá khứ, liệu có lý thuyết nào xứng đáng để biện minh cho những tầng xác chết của giáo dân vùi dưới lòng đất, những con người cùng đeo thánh giá, cùng múc những nguồn cảm xúc tinh thần trong Kinh Phúc Âm và cùng quỳ gối trước một ông thánh bị đóng đinh?
Chỉ có thể lý giải: Mọi niềm tin đều có khả năng điên rồ và chúng đã dẫn tới sự điên rồ.
Có lẽ vì mệt mỏi với những cuộc chiến tranh tôn giáo, con người tìm nguồn cứu rỗi trong lý trí trong sự khôn ngoan, trong các loại biện chứng pháp, và sức mạnh thần kỳ của nền kĩ trị. Vào thế kỷ 18 và 19, đã có lúc con người của chủ nghĩa duy lý tin rằng họ là những Pha-ra-on cuối cùng của nhân loại và từ nay về sau, mọi chân trời đều khép kín, hạnh phúc đã vĩnh định trong các sơ đồ vẽ sẵn.
Từ năm 1968 cho tới gần đây, nhiều giáo sư triết học Pháp đã hớn hở tìm những vấn đề trong tương lai còn khiến dân chúng quan tâm. Nói cách khác, họ đặt từ cuối cùng cho nhân loại: Người thì tin rằng từ đó là Tiện Nghi, người gọi từ tối hậu là Sex…Họ tin chắc rằng sau cuộc cách mạng tình dục, nước Pháp sẽ không còn con bệnh tâm thần, và mọi cuộc cởi trói sẽ biến xã hội Pháp thành cõi thiên đường nơi hạ giới…
Nhưng ngày hôm nay, người ta có thể gặp những người mất thăng bằng tinh thần, những con bệnh tâm thần thực thụ ngay trên đường phố Paris, ấy là chưa kể đến những khu vực bidon-ville ở ngoại ô.
Như vậy là sự thông minh cũng có thể nhầm lẫn, cũng có thể hàm hồ. Những hy vọng thái quá ở sức mạnh của lý trí cũng dẫn đến một sự điên rồ khác. Sự điên rồ của nền kĩ trị, sức tàn phá không thể so sánh của nó trong việc hủy hoại môi sinh và sỉ nhục con người. Những vấn đề ấy không còn là mới mẻ.
Vậy chúng ta sẽ sống ra sao đây giữa hai làn đạn chéo? Sự điên rồ của niềm tin và Sức mạnh phá hủy của sự duy lý?...Chúng ta sẽ sống ra sao đây giữa các tầng mây nhiễm phóng xa và tiếng gào thét của những phần tử cực đoan đạo Hồi?
Liệu chúng ta có thể lấp đầy vực thẳm phân ly giữa niềm tin và lý trí? Câu hỏi này có vẻ như ngớ ngẩn bởi dù đức tin hay lý trí, chúng cũng đều xuất phát từ con người, cấu thành một phần bản thể Người.
Đức tin khi bị dẫn dắt bởi sự vị ngã sẽ dẫn nhân loại tới sự suy đồi, độc ác. Bởi lúc đó, dù là đấng Tối cao của người Do Thái, chúa Jesus, hay thánh Allah thì họ cũng chỉ là những cái cớ sang trọng để biện minh cho sự phóng chiếu bản năng gốc của con người. Nhân loại cần những ông thánh để hợp lý hóa sự tham tàn của họ, nhu cầu thù ghét tha nhân mà họ được nuôi dưỡng từ thuở hồng hoang khi phải tranh cướp con mồi. Bản năng xâm kích song sinh với bản năng tình dục, một kẻ dẫn đường không kém phần uy lực trong suốt cuộc tồn sinh.
Lý trí khi bị dẫn dắt bởi vị ngã cũng dẫn con người tới cùng một vực sâu như đức tin, vì nó là thành phẩm của con người, do con người sáng chế, nó không thể tránh khỏi vòng quay ma quỷ của dục vọng. Dục vọng được biểu tượng như một chiếc túi không có đáy. Với số đông, ý thức được sự vô bờ bến của dục vọng dường như quá khó khăn.
Nhưng có lẽ nhiệm vụ của những người cầm bút là ở nơi khó khăn này.
Họ cần phải thức tỉnh lương tâm con người. Bởi lương tâm thường mệt mỏi và luôn thiu thiu ngủ. Họ cần kêu gọi lòng từ ái, bởi trước những bản năng sâu xa nhất tồn tại vĩnh cửu nơi con người, lòng từ ái, sự hy sinh quả là điều rất đỗi mong manh.
Nếu như cả đức tin lẫn lý trí đã chứng minh khả năng tàn phá, hủy diệt với tất thảy những chiều kích của sự điên rồ, thì chỉ còn lại phẩm chất duy nhất có thể cứu rỗi chúng sinh, ấy là lòng tốt. Một mai đây, nếu hành tinh này còn có thể tồn tại được, chắc chắn là nhờ ơn phước của những con người từ ái, cao thượng, những người có Trái tim vàng, chứ không thể là các lãnh tụ tôn giáo hoặc các kĩ trị gia.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin được mượn lời Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam:
 
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét