Đang lau nhà, bất chợt nhìn lên đốc lịch treo trên tường, tôi lẩm bẩm: lại quên chưa bóc lịch. Hôm nay đã là ngày 22 tháng 9 rồi, vậy mà tờ lịch thì hiện rõ mồn một con số 19 tím ngắt. Biết mình quên cái gì thì phải làm ngay khi phát hiện ra, đó là một cách khắc phục phần nào “cái sự hay quên” của mình, tôi liền bỏ cây lau nhà xuống, đến bên đốc lịch. Theo thói quen, tôi đọc những dòng chữ nhỏ dưới con số 19. Bây giờ người ta hay ghi những câu ngạn ngữ trên các tờ lịch lắm. Tôi nheo nheo mắt, dịch mãi mới được 3 dòng chữ nhỏ li ti:
Vô lại trên núi thì trừ dễ
Xấu xa lòng người khó vượt qua.
(Ngạn ngữ Nhật bản).
Lướt qua mấy tờ lịch của các ngày 20, 21 nhưng không có gì ấn tượng, tôi bỏ tất cả vào thùng giấy nháp, chỉ gấp tờ lịch ngày 19 lại cho vào túi áo và tiếp tục công việc. Vừa lau nhà, tôi vừa ngẫm nghĩ: “Lòng người ở đâu nhỉ? Rồi lại tự trả lời: Lòng người thì nằm trong con người chứ ở đâu! Rồi lại tự hỏi: Nằm trong con người, nhưng mà nó nằm ở chỗ nào trong con người, ở bụng, hay ở ngực, ở đầu…?
Thực ra, mấy hôm nay tôi đang có nhiều nỗi niềm trong lòng nên đọc câu ngạn ngữ trên thì đâm ra nghĩ ngợi vậy thôi. Chứ từ xa xưa, ở Việt nam, người đời vẫn thường dặn miệng lại với nhau: Sông sâu còn có kẻ dò/ lòng người ai tỏ mà đo cho tường là gì (cũng có người đọc là lòng người nham hiểm ai đo cho tường hoặc Đố ai lấy thước mà đo lòng người).
Trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong thơ văn, sử sách, người ta có rất nhiều cách nói về lòng người để thể hiện tâm tư, tình cảm, cảm xúc của mình cũng như thể hiện thái độ trong giao tiếp ứng xử giữa con người với nhau. Khi vui thì: lòng mừng rỡ; lòng khấp khởi; lòng hân hoan; lòng sung sướng; lòng hoan hỉ; reo vui trong lòng; phấn chấn trong lòng; mừng rơn trong lòng… Khi nhớ nhung thì: lòng nhớ khôn nguôi; lòng nhớ cồn cào; lòng nhớ nôn nao… Khi tức giận thì: Lòng sôi sùng sục; lòng bực tức, lòng căm thù; lòng hận thù, … Khi yêu thích, ham muốn thì: lòng thích thú; lòng đam mê, lòng say đắm, lòng cuồng si, lòng mê mẩn, lòng mơ ước, lòng khát khao; còn ngược lại là lòng chán chường, lòng chán ngán, lòng rã rời, lòng nặng nề; lòng trắc ẩn…Đặc biệt, khi con người buồn lo, đau khổ thì: lòng buồn da diết; lòng buồn thăm thẳm; lòng buồn rười rượi; lòng buồn man mác; lòng rối như tơ vò; lòng não nề; lòng quặn thắt; lòng đau như cắt; đau âm ỉ trong lòng; xót xa trong lòng; cay đắng trong lòng… Để đánh giá lòng người thì: lòng hiếu thảo, lòng nhân hậu, lòng bao dung; lòng vị tha; lòng độ lượng; lòng từ tâm; lòng từ bi, lòng quả cảm, lòng kiên trung… lòng ích kỷ, lòng xấu xa; lòng ti tiện; lòng nham hiểm; lòng thâm hiểm; lòng độc ác; lòng ghen tị, lòng hiềm khích, lòng phản trắc … Đấy, thấy chưa! Mới chỉ liệt kê sơ sơ vậy thôi mà đã thấy đủ các trạng thái của lòng người. Có khi người ta chẳng nhắc đến chữ “lòng” nhưng vẫn biết đó là trang thái cảm xúc trong lòng rất đặc sắc, chẳng hạn như: Nở từng khúc ruột; đau thấu tận tim gan; nỗi buồn vò xé ruột gan; đau thắt tim… đau đến đứt từng khúc ruột; đau như cắt ruột; ruột gan rối bời; bồn chồn trong dạ; xót xa trong dạ; buốt tận tâm can; đau đầu nhức óc; điên hết cả đầu…
Vậy lòng người ở đâu nhỉ? Cứ trực quan mà nhìn thì hình như lòng người có ở những nơi nhậy cảm nhất của cơ thể con người. Nhưng mà ngẫm cho kỹ thì không phải vậy. Lòng, dạ, tim, gan, đầu óc… chỉ là những phần xác được trí óc nằm trong bộ não có suy nghĩ, tư duy của con người mượn làm nơi gửi gắm những nhận thức, trí tuệ, cảm xúc của mình trong cuộc sống tinh thần mà thôi. Thực ra, lòng người theo tôi nghĩ nó nằm trong tâm khảm, hồn cốt của mỗi con người...
Tôi bật cười một mình. Ái dà! Sao hôm nay mình lại ra dáng triết lý thế! Lại thân làm khổ đầu đây! Nhưng mà cái đầu nó cứ giật tưng tưng lên thì phải nghĩ theo thôi… Cất cây lau nhà, tôi lấy gạo vào rá và chuẩn bị cho bữa cơm chiều, đầu vẫn không dứt khỏi suy tư.
Tôi cho rằng lòng người tốt, xấu chính là ở cái Tâm, cái Đức của mỗi người. Không ai là hoàn hảo cả, nhưng nếu mình tâm niệm sống tốt, sống thiện, chịu khó tu rèn thì sẽ có bản lĩnh để vượt qua những suy nghĩ đen tối, xấu xa trong lòng mình. Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, cùng với nhân cách và vốn sống, sự hiểu biết của mỗi người mà Lòng người có những diễn biến, trang thái, cung bậc khác nhau như đã liệt kê ở trên. Nhưng đó là lòng người đã được bộc lộ thông qua ngôn ngữ. Còn những điều thầm kín ẩn dấu trong lòng mỗi người thì sao? Đúng là Lòng người ai tỏ mà đo cho tường! Những suy tư trong lòng người, nếu tích cực thì không cần nói nhiều, nhưng nếu tiêu cực thì thật khó lường. Mà thường thì người ta hay dấu những điều xấu xa trong lòng, ở mức độ nhỏ thì chỉ là lòng ganh ghét, đố kỵ, nhỏ nhen, ích kỷ. Còn ở mức độ lớn hơn thì trở nên nham hiểm, thâm độc, hơn nữa thì thành âm mưu, thủ đoạn…Những điều đó nếu cứ cất giữ trong lòng sẽ làm cho người ta sống trong dằn vặt, toan tính, thù hận… sẽ là “mầm ủ”. Nếu không được ngăn chặn thì đến một lúc nào đó, có cơ hội “mầm ủ” sẽ nảy sinh tội lỗi, hơn thế nữa là tội ác.
Đã sống hai phần ba cuộc đời, tôi nghiệm rằng mọi sự xấu xa của lòng người đều xuất phát từ lòng tham, lòng ích kỷ mà ra cả. Cái tham vọng lớn là được làm bá chủ toàn cầu, dẫn đến biết bao xung đột đầu rơi máu chảy chiến tranh liên miên giữa các quốc gia, dân tộc. Sau đó là tham tiền tài, danh vọng. Cái tham nhỏ hơn là tham nhục dục, tửu, sắc, tham hưởng thụ… Tất thảy những cái đó hễ ngấm vào ai, tùy mức độ, điều kiện, bản năng của mỗi người đều gây lên hậu quả xấu hoặc gây thành thảm họa. Nhỏ thì cho chính bản thân mình, hơn nữa thì cho gia đình người thân, và lớn hơn nữa là cho nhân loại. Từ việc anh em giết nhau, vợ giết chồng, con cái ngược đãi bố mẹ, tranh chấp tài sản, bạn bè lường gạt, phản bội nhau… trong cuộc sống cho đến những cuộc mua danh, mua chức, mua quyền, bán nhân cách…rồi những cuộc chiến tranh, những đối đầu chính trị…đều là cái giá khủng khiếp của lòng tham. Thường đã tham lam thì hay ích kỷ. Đã ích kỷ thì dẫn đến nhỏ nhen, ghen tỵ, hiềm khích, thù hận…Những xấu xa đó cũng có thể gây nên những bi kịch thảm khốc mà trong cuộc sống ta vẫn thường phải chứng kiến.
Đúng là không thể biết được lòng người cao thấp, rộng hẹp, nông sâu thế nào. Nhưng nếu ta biết tin vào cuộc sống và sống vươn đến Chân - Thiện - Mỹ, thì không những giúp cho bản thân ta được thanh thản, hạnh phúc mà còn góp phần cùng với mọi người xung quanh ngăn chặn không cho những điều xấu xa trong lòng mỗi người có cơ hội bộc phát. Và quan trọng hơn, sau những lần kìm chế được những xấu xa trong lòng, người ta có được thời gian, cơ hội nhìn lại lòng mình, xấu hổ với chính mình, để rồi ngộ ra những điều tốt đẹp hơn, thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn, và quan trọng nhất là: sống tốt hơn.
Có một điều rất thường tình ở đời hầu như ai cũng biết mà vẫn mắc phải, đó là: Nhìn khuyết điểm của người khác thì dễ, mà nhìn được khuyết điểm của chính mình thì thật khó. Tự nhận ra khiếm khuyết của mình thường đã rất khó, tự mình vượt qua được nó càng khó hơn nhiều. Nó đòi hỏi bản thân mình phải tự phủ nhận mình, tự xỉ vả mình, và phải có nỗ lực mới vượt qua được. Chính vì lẽ đó mà Người Nhật cho rằng: Vô lại trên núi thì trừ dễ/ Xấu xa lòng người khó vượt qua. Trong cuộc đời mỗi người, hẳn chẳng có ai không phải trải qua sự giằng co giữa điều hay, điều phải với những điều xấu, điều dở trong lòng mình. Để rồi có những hành động đúng, sai tùy thuộc vào ý chí vượt lên chính mình của mỗi người, dẫn đến sự tự hào,vinh dự, thanh thản hay nỗi dằn vặt, mặc cảm cắn rứt lương tâm về hành động đó. Tôi đã đọc đâu đó một câu danh ngôn: Mỗi người đều là kẻ thù mạnh nhất và là người thi hành án của chính mình.
Nhưng mà, thật là may mắn, cuộc sống vẫn luôn mỉm cười với tất cả chúng ta. Và đáng quý biết bao vì Lòng người trong sáng, cao đẹp đã luôn lan tỏa và chế ngự, lấn át Lòng người xấu xa qua những thăng trầm của quá trình phát triển nhân loại. Vạn vật vẫn vần xoay, và Lòng người cũng vậy! Khi vui, khi buồn, khi bao dung độ lượng, khi giận dữ, nhỏ nhen, tàn bạo… nhưng bất cứ ở đâu, lúc nào Người đời vẫn luôn cần những tấm lòng nhân ái, cần đến tình người nhân hậu. Nhất định là như vậy rồi. Có cần gì phải nói nhiều, bởi vì: Mọi lý thuyết đều màu xám, Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi (Goethe) và đây nữa, trên trang bìa của Blog TRI ÂN CUỘC ĐỜI có một dòng chữ nhỏ: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương. Đó chính là những thông điệp “vàng” để lòng người xích lại gần nhau hơn trong cuộc đời này.
Nha trang - 22/9/2011
MH
Cám ơn nhà triết lý HƯƠNG
Trả lờiXóaCho LÒNG NGƯỜI mãi thân thương cùng ngươi !
Nỗi niềm chi rứa Minh Hương
Trả lờiXóaMà bài viết cứ vấn vương nỗi niềm?
Nỗi niềm dâu bể đầy vơi
Trả lờiXóaNhớ Ba, nhớ má, nhớ người tri âm
bực mình lực bất tòng tâm
Thương em thất nghiệp, việc làm khó khăn
Thương PHẬN NGHÈO mãi gian nan
Xót Người tài đức chịu phần thiệt thua...
Đời người số phận đẩy đưa
Biết là như vậy vẫn MƯA trong lòng.