Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

PHẬN NGHÈO

          Hồng Minh sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh thật éo le. Ba là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (thời chiến tranh chống Mỹ) và có thời gian dài sống ở Nông trường chè Chí Linh, Hải Dương. Như rất nhiều cán bộ miền Nam tập kết, ông phải xa vợ con sống đơn thân nơi đất Bắc, lòng không nguôi nhớ về quê hương. Nỗi nhớ thương càng day dứt khi ông hay tin đứa con gái duy nhất của ông đã mất khi mới lên 3 tuổi. Sau 18 năm khắc khoải chờ mong, dù đã nhẫn lòng đợi ngày trở về đoàn viên, nhưng chiến tranh dai dẳng, buộc ông phải phụ tình với người vợ hiền đang chung thủy chờ chồng ở quê nhà, chỉ với một niềm mong ước có con nối dõi tông đường. Vào một ngày mùa đông năm 1973, Hồng Minh - đứa con trai mong ước của ông đã cất tiếng khóc chào đời (tại thôn Tiền Định, xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và chỉ 2 năm sau đó thì đất nước thống nhất. Rồi Hồng Tâm ra đời, ông đành lỗi hẹn với quê hương, ở lại mảnh đất Chí Linh sinh sống với vợ con.
Cuộc sống không mỉm cười với gia đình Hồng Minh. Đất nước đã hòa bình, nhưng cả cha mẹ đều đau ốm, nhất là mẹ lại thêm chứng bệnh thần kinh không bình thường, lúc tỉnh lúc ngơ (ba anh gặp mẹ anh trong hoàn cảnh rất đáng thương). Năm 1982, biết mình không còn có thể sống bao năm nữa, ba của Hồng Minh đành gửi lại người vợ bệnh tật nhờ mẹ vợ chăm sóc, quyết định đưa hai anh em Hồng Minh trở về quê hương Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam để các con biết quê Cha đất Tổ. Về quê sau gần 30  năm xa cách, với lưng vốn gần như tay trắng cùng 2 đứa con trai Hồng Minh và Hồng Tâm mà ông coi đó là hai “cục vàng”, tài sản duy nhất mình có được trong cuộc đời, ông tạ lỗi với người vợ già vẫn một hình một bóng suốt bao năm trời, nhờ bà chăm sóc nuôi dưỡng hai con trai…
 Cái khoảng thời gian sau chiến tranh ấy, đất nước khó khăn cùng cực. Ở cái đất chỉ có cát và nắng mà dòng tộc Lê Tăng của ông đã sinh sống bao đời, với bốn người, hai già yếu, hai con trẻ chưa đủ lớn thì cuộc sống lại càng khốn khổ. Họ đã gắn kết, nương tựa vào nhau để sống trong cái nghèo truyền kiếp. Vì nhà quá nghèo, hai anh em Hồng Minh không được học hành tử tế. Rồi Ba bệnh triền miên và qua đời năm 1989. Lúc này Hồng Minh 16 tuổi, Hồng Tâm 14 tuổi phải phụ Má kiếm sống qua ngày… 
 Từ nhỏ anh em Hồng Minh đã được Ba dạy dỗ rất kỹ về nhân cách, đạo đức, nhân nghĩa ở đời. Những đêm trăng sáng, ông thường trải chiếu trước sân nhà kể chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn và đọc thơ cho các con nghe. Khi Ba mất đi, tuy nhỏ tuổi nhưng Hồng Minh đã biết mình phải thay Ba chăm sóc em trai, chăm sóc Má. Dù với cuộc sống nhọc nhằn, đã rất ít học (đang học lớp 6 thì phải nghỉ), lại không có điều kiện để bút nghiên, thơ phú, nhưng có lẽ là duyên nợ, anh rất ham đọc sách báo và viết nhiều thơ tự sự với chính mình, với những người thương yêu của mình, với cuộc sống xung quanh mình. Anh có thể viết lời cho những làn điệu dân ca quê nhà, khi làng xóm có hội hè là anh lại hát để góp vui. Mỗi lúc buồn đau, anh lại có những dòng tâm sự rất cảm động. Có thể thấy rất rõ điều này qua một số bài thơ, chẳng hạn khi nói về cái khó của gia đình mình, anh có bài TỰ TRÀO:

Mẹ cha trồng mãi lúa khoai
Sinh con ra cứ ươm hoài thơ văn
Vần hay, ý lạ, tứ khan
Rồi ra thiếu cả cái ăn… giật mình!
         
Hồng Minh hiểu Ba là người rất khí khái. Bởi vậy, cuộc đời ông có nhiều uẩn khúc. Ông dạy con dù nghèo cũng phải sạch, dù khó cũng phải hiên ngang, ngẩng đầu mà sống… Tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh éo le, Ba anh đã không thực hiện được ý nguyện của mình là cho các con được ăn học đến nơi đến chốn… 
Sau khi Ba mất, anh em Hồng Minh được Má tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng. Nhưng cuộc sống vẫn cứ khó khăn, Má cũng ngày một già yếu, anh em Hồng Minh thì không biết làm nghề gì. Một ngày kia hai anh em dắt díu nhau lên Đắc Lắc kiếm kế sinh nhai. Năm 1995, hai anh em mới dành dụm được chút tiền về thăm quê ngoại, thăm Mẹ sau nhiều năm ly biệt. Nhưng đau lòng lắm, vì mẹ vẫn cứ dửng dưng như vậy, cứ lặng lẽ nhìn hai con với sự hờ hững của người vô cảm. Trong khi đó các cậu, các dì và người thân thì mừng khôn xiết. Ngậm ngùi, tủi phận, anh viết bốn câu tứ tuyệt   

Trở lại quê hương, ước cánh diều…
Nhà nghiêng bóng mẹ nắng liêu xiêu
Khóc đoàn viên tản, con hờn gió
Sương đọng hoàng hôn đổ ngược chiều.
                                                      (VÔ ĐỀ)
Biết trách hờn ai đây trước cảnh gặp lại gia đình, gặp lại mẹ  cắt lòng như vậy? Chỉ biết hờn với gió, khóc trong hoàng hôn mà nước mắt nào có tuôn rơi! Giá mà nước mắt cứ trào ra được thì có thể nhẹ đi, vơi đi một phần nỗi cay cực trong lòng chăng? Nhưng nghiệt ngã lắm, Hồng Minh khóc thương mình, thương mẹ mà nước mắt chỉ đọng thành những giọt sương chiều, đổ ngược vào lòng. Phải thấm đến tận cùng nỗi đau đớn, xót xa trong tâm can mình thì mới có thể viết được như vậy.

Qua thời gian dài vất vả, kiếm sống ở Đắc lắc, mới tạm ổn định việc làm, hy vọng có cuộc sống đỡ phần vất vả thì anh hay tin Má ở quê bị bệnh nặng. Anh đành bỏ lại tất cả để về phụng dưỡng. Với anh, Má tuy không sinh thành nhưng đã nặng công dưỡng dục anh nên người. Sau 3 năm được anh tận tâm nâng giấc, tuổi già sức yếu, Má anh đã mãi mãi đi xa. Xót thương cuộc đời cay đắng và kính nể sự hy sinh thủy chung, nhân hậu của Bà, anh đã viết tặng Má bài thơ SẮT SON (Bài thơ này đã được anh thuê đánh máy vi tính và treo bên bàn thờ Má):
                
Non nước đâu còn cảnh chiến tranh
Mà tơ duyên đứt nối không thành!?
Dòng sông ai đặt mùa thương nhớ
Để suốt đời nghe gió tiễn canh.
Bông lúa vàng so lời hẹn ước
Thủy chung lòng sánh bóng trăng xanh.
Nồi Rang* một sớm  thuyền lơi bến
Cửa Đại* ngàn năm sóng bủa gành.
(*: Nồi Rang, Cửa Đại là những địa danh của xã Duy Nghĩa)

Rồi em trai Hồng Minh bị bệnh, không phải bệnh ngơ ngẩn, trầm uất như mẹ, mà bệnh lúc nhớ, lúc quên, lúc thao thao bất tuyệt. Bao nhiêu tiền bạc hai anh em dành dụm được lại lo vào việc chữa bệnh cho em. Em đỡ bệnh rồi thì lo cho em học nghề… Và khi mẹ mất ở Chí Linh (2008), dù muốn ngàn lần, hai anh em cũng không làm sao về được. Sau ngày mãn tang (2010), họ mới đưa nhau về thăm mộ mẹ ở Chí Linh. Nhớ lại nguồn cơn, anh lại viết CON VỀ THĂM MẸ vừa là để tạ lỗi với Mẹ, mà cũng vừa như là kiểm lại lòng mình vậy:
                         
Xa cách đôi trời thương nhớ quanh
Con về thăm mẹ giữa đồng xanh
Thờ ơ thêm khổ tâm Dì, Cậu
Hờ hững càng đau dạ Chị, Anh.
Xứ Quảng đã đền ơn dưỡng dục.
Hải Dương cam phụ nghĩa sinh thành.
Mẹ ơi! Lượng thứ cho con trẻ
Nam Bắc hồn thơ lệ thất thanh.

Đứng trước thềm tuổi bốn mươi, trải qua bao gian truân vất vả, giờ đây Hồng Minh cùng vợ và con gái 3 tuổi sống rất đạm bạc trong căn nhà Tình nghĩa trên dưới hai mươi mét vuông do quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã xây cho. Nền nhà tráng xi măng, mái lợp tôn xi măng, không có trần.  Một chiếc tủ đứng nhỏ bằng gỗ đã bạc thếch được kê giữa gian trước để làm tủ thờ Ba Má. Chiếc giường mộc một mét hai làm chỗ ngủ cho cả 3 người được kê ở gian dưới. Quần áo mới, cũ đều mắc tất cả trên dây. Bước ra ngoài thềm trước là sân toàn cát trắng, bước ra sau vườn cũng toàn cát trắng… Vợ chồng anh vừa làm ruộng, vừa nuôi heo. Anh còn là thợ cắt tóc, nếu có ai kêu thì chạy xe ôm phụ thêm tiền cho sinh hoạt gia đình. Hồng Minh biết rất rõ hoàn cảnh khó khăn của mình. Ba anh là Trưởng tộc, anh là con trai đích tôn nhưng lại ít tuổi hơn anh em dòng họ rất nhiều (ba sinh anh lúc đã hơn 45 tuổi). Hàng năm vợ chồng anh phải lo bao nhiêu đám giỗ của họ tộc, lại còn bệnh tình của em trai lâu lâu tái phát…. Phận nghèo thiếu trước, hụt sau, nhưng anh không bi quan, sống khép mình như ba anh trước đây. Anh tham gia vào các hoạt động xã hội ở thôn xóm, vui mừng với sự đổi thay từng bước của quê hương và hy vọng rồi đây cuộc sống của gia đình anh sẽ đỡ chật vật hơn. Anh viết:

Duy Nghĩa hôm nay sáng điện đường
Ngời gương anh dũng đẹp quê hương
Ruộng đồng xao xuyến bao công xưởng
Làng xóm bâng khuâng những phố phường.
Cửa Đại cầu xây tình xứ sở
Thu Bồn lụa dệt nghĩa yêu thương
Đời dân hạnh phúc vui no ấm
Quê cát giờ đây ngập ánh dương.
                                    (SANG TRANG)

Và mới đây nhất, như là một tiếng reo vui, tươi sáng trong tâm hồn được thốt lên vào một sớm mai, trên chuyến đò qua sông Thu Bồn, Hồng Minh đã viết:

Gió dậy Thu Giang sóng Thuận Tình
Con đò vẫn cập bến hư vinh.
Ô kìa! Ai đã sang bờ giác
Vui cõi chân không vẫy gọi mình!
                (QUÁ GIANG) 
        
Mong sao, đời không phụ lòng người. Cầu chúc cho Hồng Minh sẽ gặp được nhiều may mắn và niềm vui trong cuộc sống. 

Nha Trang - 16/9/2011
MH

1 nhận xét:

  1. Người QUẢNG NAM vốn có truyền thống kiên cường,quật khởi.Truyền thống ấy hình thành trên vùng cát trắng MIỀN TRUNG mà tôi đã từng được biết
    qua những tác phẩm về ĐẶNG THÙY TRÂM và qua lần cùng NGUYỄN KHẮC NGUYỆT vào ĐIỆN NGỌC-ĐIỆN BÀN-QUẢNG NAM tìm mộ em trai ruột.Miền cát trắng ấy cây cối thì cằn cỗi ,nhưng ý trí và tình cảm con người thì đầy sức sống mạnh mẽ.Thật buồn vì"THÁNH NHÂN ĐÃI KẺ KHÙ KHỜ".Những người như HỒNG MINH chưa có được gặp may.Phải có sự thông cảm sâu sắc mới có thể viết
    lên CẢM ĐỘNG như MINH HƯƠNG được.Cám ơn NHÀ VIẾT KÝ CHÂN DUNG NHÂN VẬT đã cống hiến cho LÀNG-TRI-ÂN một bài ký chân thực,cảm động !

    Trả lờiXóa