Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Ý và tứ trong thơ?

        Còn nhiều người chưa có sự phân biệt rạch ròi. Họ coi ý và tứ là tương đương nhau. Nên lúc thì dùng ý, lúc thì dùng tứ. Điều đó cũng không hẳn là hoàn toàn sai nhưng chưa vươn tới độ chuẩn xác.Thời chúng tôi còn là học trò, những học trò yêu văn chương, thì cũng thấy có những độc giả đặt vấn đề này ra hỏi các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Cũng có nhiều nhà trả lời. Bây giờ thì tôi cũng không nhớ những nhà nào đã trả lời như thế nào và ở tài liệu nào nữa. Nhưng sau khi đọc, nghiền ngẫm, nhập tâm rồi quên đi tất cả, thì cái còn lại trong cách hiểu của tôi là có sự phân biệt giữa ý và tứ, tuy chúng đều là những nội dung chứa ở bên trong chữ và lời cả. Nếu xem chữ và lời giống như cái bị, cái túi xách thì ý và tứ đều là những đồ vật chứa ở trong bị, trong túi xách ấy cả. Nhưng ý thì trần trụi, xôi là xôi, thịt là thịt, bánh là bánh… cứ vứt trực tiếp vào bị, vào túi xách ấy thôi. Mở bị, mở túi xách ra là thấy, có thể bốc bải, cấu véo mà nhắm được ngay.Còn tứ thì lại khác, nó là những đồ vật được bọc gói kỹ lưỡng, kín đáo và đẹp đẽ nữa là đằng khác,rồi mới vứt vào bị, vào túi xách. Mở bị, mở túi xách ra chưa biết nó là gì. Chỉ thấy gói là gói. Lại phải tiếp tục bóc gói ra một lần nữa. Gặp những người cẩn thận, kỹ tính, còn phải loay mãi mới “mở gói” ra được. Cố nhiên người tinh khéo bóc nhanh hơn, còn người vụng về thì chậm chạp mà có khi còn làm sứt sát cả đồ vật…

Sự khác nhau giữa ý và tứ ở trong thơ cũng tương tự như thế. Chẳng hạn, một chàng trai muốn tìm hiểu một cô gái để kết duyên trăm năm, thì điều đầu tiên anh ta muốn biết là cô gái ấy đã có bạn tình chưa? Có anh thì hỏi thực:
Mình ơi ta hỏi thực mình
Còn không hay đã chung tình với ai?
                                    (Ca dao)
Nhưng cũng có anh lại chỉ ướm hỏi một cách rất kín đáo:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
                                    (Ca dao)
Nội dung các câu thơ trên giống y xì nhau. Nó chỉ khác nhau ở cách nói. Anh chàng thứ nhất thì hỏi thực “ta hỏi thực mình” và nói ý “Còn không hay đã chung tình với ai?”. Còn anh chàng thứ hai thì chỉ mới là ướm hỏi “mận mới hỏi đào” . Nó kín đáo hơn nhưng cũng ỡm ờ hơn. Đồng bộ với lời ướm hỏi là một cách nói tứ “Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Những mận, đào, vườn hồng, ai vào chỉ là những hình ảnh ẩn dụ bọc gói các ý ta, mình, còn không, đã chung tình với ai mà thôi. Như vậy có thể hiểu tứ chính là ý được gói trong một hình ảnh ẩn dụ. Nói một cách khác tứ là những ý đã được cư ngụ trong một hình ảnh cụ thể .
Sáng đi bóng hãy còn dài
Trưa về bóng đã nghe ai bóng tròn.
                                    (Ca dao)
Cũng là một tứ thơ đấy. Bởi đọc câu thơ này ta chưa “nhận ra” được một ý gì cả mà chỉ “nhìn thấy” có mỗi một cái bóng: buổi sáng dài ngoẵng, trưa về đã ngắn tũn. Muốn hiểu được ý nghĩa câu thơ thì phải giải mã được cái bóng này. Trước hết hãy đặt câu hỏi đây là lời của ai? Còn ai vào đây nữa nếu không phải là lời của cái hình: Cái hình ta nói về cái bóng ta. Cái hình ta sáng cao mét rưỡi thì trưa về vẫn cao mét rưỡi. Lòng dạ thủy chung trước sau như một. Nhưng bóng ta thì khác. Buổi sáng hắn có thể dài hàng con sào nhưng đến giữa trưa thì lại biến đi đâu mất? Trong trường hợp cụ thể này dường như giữa hình và bóng  đã từng có một lời thề bồi, đính ước với nhau rồi. Vì thế nên hình mới có cái giọng điệu trách cứ “ Nghe ai bóng tròn?”. Sự dài ngắn của cái bóng đâu còn thuần túy là sự thay đổi kích thước nữa mà đã thành sự thay lòng đổi dạ, một sự bội ước rồi. Có nhiều khả năng đây chính là lời của một cô gái trách cứ người bạn tình của mình vì nghe người ngoài xúi bẩy dèm pha mà thay lòng đổi dạ với cô. Cho nên lời trách nghe có vẻ cũng nhẹ nhàng thôi, nhưng câu thơ thì cứ thấy ngùi ngùi son sót, chua chát lắm.
Ở một tầm độ khác cũng có thể xem câu thơ như một sự khám phá của dân gian về một đặc điểm của tình yêu lứa đôi: gắn bó đấy nhưng sự thay đổi thì cũng thật khó lường. Cũng có thể vì thế mà tình yêu hay bị “mất uy tín” mà nhiều định chế xã hội trước đây không dám xây dựng chế độ hôn nhân trên cơ sở tình yêu chăng? Nhưng như thế thì tình yêu lại bị đối xử bất công quá. Vì thế  mà không biết bao nhiêu bi kịch tình yêu đã xẩy ra . Nhiều thiên diễm tình ai oán để lại đến ngày nay vẫn cứ làm thổn thức lòng người. Những “chợ tình Khau Vai”, những  “Hội nõ nường” chỉ là một vài hình thức “xả stress” ít nhiều cho tình yêu đôi lứa mà thôi. Ngày nay trong xã hội hiện đại, hôn nhân đã hoàn toàn xây dựng trên cơ sở tình yêu tự do. Nhưng nó lại phải chấp nhận một hậu quả hiển nhiên là nhiều gia đình bị đổ vỡ hơn các xã hội trước đây. Đó chẳng phải thêm một minh chứng cho sự thay đổi khó lường của tình yêu trai gái hay sao? Có thể nói tình yêu lứa đôi chỉ làm tốt được cái nhiệm vụ gắn kết ban đầu hai con người lại với nhau. Còn để duy trì sự gắn kết ấy, ngoài tình yêu, còn cần thêm nhiều thứ nữa mà ta có thể kế thừa từ văn hóa truyền thống và du nhập thêm từ các nền văn minh hiện đại.
Trên đây là tứ thơ của một câu. Có rất nhiều tứ thơ lại xuyên suốt trong cả một bài. Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm chẳng hạn
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!
            Bài thơ kể về một câu chuyện tình giữa Em với Chị. Nhưng Em luôn bị Chị đánh lừa đi tìm một thứ không có trên đời này “Lá Diêu Bông”. Vì yêu Chị, Em cứ tin vào lời Chị và mải mốt đi tìm. Còn Chị, Chị lại đi xây dựng hạnh phúc với người khác. Số phận Em cuối cùng bơ vơ và vô vọng: “Từ thuở ấy / Em cầm chiếc lá / Đi đầu non cuối bể./ Gió quê vi vút gọi./ Diêu Bông hời... ới Diêu Bông!”. Không biết bao nhiêu người đã bình bài thơ này trên bình diện một bài thơ tình. Cố nhiên là không sai, nhưng chưa hết. Nhưng khi tôi được một người bạn, rất thân và rất hiểu Hoàng Cầm bật mí: “ Đây không phải chỉ là câu chuyện tình. Đây còn là bị kịch đổ vỡ niềm tin của một lớp nghệ sĩ bị cuộc đời đánh lừa”. Nghe xong thì tôi chợt giật mình về tầm độ ghê gớm của bài thơ. Tôi  chợt hiểu ra rằng câu chuyện tình giữa Em và Chị cũng chỉ là một tứ thơ thôi. Tứ thơ thường làm cho câu thơ, bài thơ thêm vẻ bí hiểm nhưng cũng thênh thang và  sâu sắc hơn nhiều là như thế đó.

21/10/2011
Đỗ Đình Tuân 

1 nhận xét:

  1. Một cách phân tích rất giản dị, dễ hiểu về ý và tứ trong thơ. Cám ơn nha!

    Trả lờiXóa