Thấy
tôi lang thang vừa chơi vừa làm lắm việc linh tinh thế, bố tôi sót ruột
và nghĩ ra việc dạy tôi học tiếng Pháp rồi từ từ tính tiếp chuyện học
hành. Tôi nghe lời bố, hàng tuần tôi sang học mấy buổi tối cho đỡ buồn.
Tôi tập phát âm không đến nỗi nào, và đọc lưu loát những câu thông dụng.
Nhưng tôi chóng chán và chẳng hiểu học tiếng Pháp để làm gì. Những năm
cấp 2, tôi đã học tiếng Trung rồi. Tôi nghịch ngợm và láu cá lắm, cứ
viết phiên âm la tinh ra bàn tay chữ nhỏ tí tẹo rồi đọc. Bây giờ học
tiếng Pháp, bố tôi là thầy, chỉ có một thầy một trò với nhau, tôi lì lì
chẳng thể nghĩ ra trò gì nữa. Tôi chỉ muốn đến trường đi học bình
thường như các bạn.
Thế rồi cả nhà đành cho tôi sang Bắc
Ninh ở với chị cả và giúp chị trông cháu. Chị tôi dạy trường cấp 2, sinh
con gái đầu lòng. Hàng ngày, tôi bế cháu chơi ở sân trường để chị đi
dạy mà lòng buồn vô hạn, và rất hay cau có bực tức.Vậy là tôi bị nghỉ
học suốt hai năm. Cho tới khi tôi 13 tuổi, chị chuyển về dạy cấp 2 ở Từ
Sơn, thì tôi theo về. Tại đây, tôi vẫn thiếu tuổi vào cấp 3 và đã xong
kì thi tuyển, các bạn trúng tuyển bắt đầu vào năm học, nên chị xin cho
tôi học đặc cách. Vì quen thuộc nể nang, thầy giáo hiệu trưởng cấp 3
nhận tôi vào học lớp 10. Ngày đó tôi uốn tóc quăn. Vì thế tôi trở thành
một đứa kỳ dị trước mắt mọi người. Chà “một con bé người Hà Nội sao lại
sang đây học với bọn mình?”, họ tự hỏi nhau vậy. Những giờ lao động gánh
bùn, đào xắn đất, gánh gạch thoạt đầu họ không làm chỉ đứng nhìn tôi
làm. Nhiều đôi mắt như thách bảo xem cái con bé Hà Nội tóc phi dê lạ kỳ
kia liệu có tránh được những trận cười chế diễu không. Nhưng rồi thực tế
chẳng có trận cười nào hết mà chỉ có nỗi kinh ngạc vì con bé gánh bùn
rất dẻo dai. Nó không sợ bùn bẩn, nó cầm xẻng sắn đất sét, xúc bùn nhẹ
nhàng như không có chuyện gì xảy ra. Khi cần bê bằng tay, nó hùng hục
vận chuyển một mình thật thản nhiên. Nó không sợ phải đi chân đất trên
con đường gánh gạch đầy những dăm đâm vào bàn chân bé nhỏ. Nó xếp gánh
mỗi bên sáu viên gạch giống các bạn, nó đi phăm phăm lặng lẽ một mình,
chiếc đòn gánh lăn trên vai và nhịp nhàng theo bước chân dứt khoát.
Chẳng ai biết nó gánh được vì đã từng gánh quen ở nhà: gánh nước, gánh
gạo trong những ngày buồn tẻ phải tạm rời ghế nhà trường! Nhưng riêng
xúc bùn xắn đất thì chính nó không hiểu sao nó làm được “ngon lành” như
thế. Chắc chỉ có thể giải thích rằng, nó mang trong lòng một "bồ" tự ái
tự trọng gì đấy thật ghê gớm và được ông trời thấu hiểu nên đã ban cho
nó sức mạnh, sức mạnh để hòa đồng được trong một môi trường bạn bè mới
lạ, và để dập tắt được những nụ cười chế diễu từ trong trứng nước.
Sau
nỗi ngạc nhiên về con bé từ Hà Nội sang học ấy, các bạn bắt đầu làm
quen và thích chơi với tôi, rồi còn chế ghép đôi tôi với bạn này bạn
khác. Tôi chỉ thấy buồn cười vì tôi còn quá nhỏ. Có bạn tự cạo trọc đầu
vì không làm thân được với tôi, sao mà trẻ con đến vậy. Hành động đó
khiến tôi để ý đến bạn, bạn ở ngay cạnh nhà tôi ở trọ. Cứ mỗi sáng ra
lấy nước ở bể để đánh răng rửa mặt tôi lại lén nhìn sang sân bên kia xem
bạn đâu, bạn đang làm gì. Rồi khi tới lớp, hai đứa gặp nhau đều quay
mặt đi. Có bạn hát hay đàn giỏi, tôi thích nghe bạn hát lắm, lúc học bài
xong tôi thường bế cháu sang nhà bạn chơi để nghe hát! Bạn gái cùng lớp
thì tôi chơi thân nhất với Thuần vì bạn cùng nhỏ tuổi. Gọi là thân thôi
chứ không mấy khi đến nhà nhau. Bạn gái khác lớp thì tôi thân với Di.
Chúng tôi hay ôn bài với nhau nhất là kì thi tốt nghiệp. Ngày ấy đêm đến
chỉ leo lét ngọn đèn dầu, chúng tôi ra trường ngồi học. Chúng tôi không
bao giờ thấy mỏi mệt vì học, và không phải học thêm ở đâu cả. Với những
bạn học kém thì các thầy cô yêu cầu đến học thêm tại trường. Các bạn
gia đình đều nghèo, không phải nộp thêm tiền học. Các thầy cô thì tâm
huyết và chẳng bao giờ được nhận thù lao bồi dưỡng gì trong khi đời
sống vô cùng khó khăn.
Tôi học ở trường cấp ba Từ Sơn ba năm. Hàng tuần cứ chiều thứ bảy tôi
đáp tàu hỏa về Hà Nội, để thăm bố tôi, và sống tại ngôi nhà quen thuộc
của mình. Rồi sáng sớm thứ hai lại đi tàu sang và đi bộ một quãng khá xa
từ ga tới trường. Lần nào tôi cũng gặp các thầy giáo của mình vì các
thầy phần lớn đều từ Hà Nội sang dạy chứ không phải người địa phương.
Tôi luôn chào hỏi các thầy cho phải phép rồi lánh đi một mình.
Tôi
được chọn học lớp bồi dưỡng giỏi Văn và lớp bồi dưỡng giỏi Toán. Nhiều
khi các buổi học trùng nhau, các thầy đều gọi nên tôi phải từ chối môn
Văn vì thích Toán hơn. Tôi đã thi Toán giỏi của tỉnh, không được giải cá
nhân (tôi chỉ được điểm 11/20), nhưng đồng đội chúng tôi được giải vì
không có điểm dưới trung bình. Ngoài học lớp bồi dưỡng Toán, tôi tham
gia một số hoạt động ngoại khóa: thầy giáo Văn giao cho tôi sưu tầm và
lên chuyên san về ca dao con cò, tượng trưng cho người nông dân Việt
nam. Thầy giáo Ngoại ngữ giao cho tôi đọc diễn văn bằng tiếng Nga trước
toàn trường ngày bế giảng năm học. Tôi còn đóng kịch vai con gái viên
đại úy, mặc áo dài rất điệu, trong một vở kịch do nhóm lớp tôi tập tành
và trình diễn. Tôi hay đi lao động gặt lúa giúp dân. Tôi đã biết thế nào
là gánh đòn sóc hai đầu, đi một mạch hàng mấy cây số không được nghỉ vì
sợ rụng lúa. Tôi đi cắt rạ, làm đụn rạ và gánh về từng gánh thật to che
hết cả người, chân cứ bước đại mà đi thôi. Tôi cắt lúa mùa bằng liềm và
lúa chiêm bằng hái. Tôi tự chiến đấu với hàng đàn đỉa to, gạt đi và bôi
vôi vào vết thương bị nó hút máu. Tôi cắt lúa rất nhanh đến nông dân
phải thán phục. Công việc nhà nông chỉ mỗi cấy lúa là tôi vụng về chậm
chạp, cấy không thẳng hàng lại còn hay đổ. Tất nhiên việc cày và bừa tôi
chỉ thử chơi chứ không phải làm thật bao giờ.
Tôi ở trọ
làng Đình Bảng, với chị Hiền Trang và me tôi sang đây trông cháu cho chị
tôi dạy học. Thi thoảng tranh thủ lúc cháu ngủ, me tôi bện thừng, bện
võng đay để bán. Me tôi chăm chỉ lắm. Lao động và kiếm tiền là hai thứ
me tôi say mê không bút nào tả xiết. Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng của me về
hai việc này, nhưng rất khác me trong cách nghĩ về kiếm tiền. Sự khác
biệt này có lúc khiến tôi lâm vào tình trạng cực khổ nhưng thôi không
dài dòng sớm để từ từ tôi sẽ hồi tưởng sau. Chúng tôi ở trọ nhà
bà Nhuận. Nhà to, sân to, đồng hồ to nốt. Tôi học trên một cái hòm đựng
thóc của bà dùng tạm làm bàn. Một lần hòm thóc có nhiều con mạt quá, nó
đốt tôi sưng toàn thân và để lại lắm nốt như ghẻ. Mỗi lần, nhìn đôi chân
dài trắng trẻo của mình nham nhở sẹo, tôi lo lắm không biết rồi có khỏi
không. Thực tế thì vài năm sau chúng biến mất, trả cho tôi nguyên vẹn
đôi chân như cũ và sau này lên miền núi sơ tán, tôi được miễn dịch chả
bao giờ bị loài bọ loài mạt nào cắn nữa trong khi các bạn thì ghẻ kềnh
càng.
Tôi sinh hoạt, ăn ở giống các bạn, nghĩa là ăn bằng
nước giếng khơi, giặt dũ ở ao, thi thoảng đi nhặt phân trâu nộp nghĩa vụ
cho nhà trường. Nhưng riêng khoản ăn thịt chuột thì tôi đầu hàng. Có
một lần, đi học về, tôi được chị để phần cơm. Tôi thấy có món canh thịt
băm viên hành dăm thơm phức. Tôi tưởng là canh thịt bò, nhưng không
phải. Chị bảo cứ ăn đi rồi biết. Tôi đói quá, ăn xoàn xoạt mấy bát liền
chan canh đầy oặc, miệng khen ngon rối rít. Vậy mà khi ăn xong, chị tôi
mới nói đó là thịt chuột, thế là tôi chạy ra ngoài vườn nôn thốc nôn
tháo. Chị bảo cả làng này ăn thịt chuột, họ bán đầy chợ nên chị thử mua
và nấu ngon chứ có sao đâu. Một lần khác, xảy ra đám cháy ở một gia đình
nuôi nhiều gà tây. Gà chết cháy thui, nhưng chủ nhà tiếc rẻ đem bán.
Chị tôi mua một con vì tham rẻ, mang về bỏ đi những phần cháy, còn lại
thịt gà vẫn trắng nhưng dim lên đắng ngắt sặc đầy mùi khói. Chót mua
rồi, cả nhà cứ phải nhắm mắt nhắm mũi ăn cho khỏi ...phí! Sau lần ấy,
trong đời tôi cứ nói đến gà tây là tôi không sao quên được cái vụ ăn
thịt gà cháy này và ớn hết chịu nổi.
Ngoài giờ dạy và học,
chị em tôi tranh thủ tăng gia. Chị tôi mượn một mảnh ruộng dân không
làm hết rồi làm đất và trồng khoai lang, đậu xanh, đậu đen, lạc. Nhờ
vậy, tôi được làm quen với cuốc đất bằng cuốc, đập đất bằng vồ cho nhỏ
tơi ra, đánh luống. Tôi rất khoái chí khi đi rỡ lạc, lựa củ non đem luộc
lên ăn, còn già thì phơi khô bóc ra làm thức ăn dự trữ, rất thích tách
vỏ đỗ lấy hạt đem phơi. Chỉ có khoai lang là quen thuộc từ mấy năm trước
nên luộc ăn cho đỡ đói chứ không thích phơi phóng gì nữa. Chị tôi còn
trồng rau muống trên mảnh đất nhỏ. Tôi thường pha nước tiểu loãng rồi
tưới rau. Trồng rau muống cạn nhưng rau lên xanh um tốt lắm, và mỗi khi
cắt ra để nấu ăn thì phải cắt hàng loạt rồi nhặt cho sạch chứ không ngắt
lẻ từng ngọn.
Tôi học giỏi, tham gia hoạt động của lớp rất
tích cực, nhưng khi các bạn ở chi đoàn thanh niên gợi ý tôi phấn đấu
làm cảm tình, đối tượng, tôi từ chối phắt và bảo tôi còn nhỏ chỉ học
thôi, sau này hãy hay. Đến khi vào Đại học tôi mới thấy mình lẻ loi quá,
mọi người đều vào Đoàn từ hồi phổ thông rồi! Khi học xong cấp 3, tôi
thi tốt nghiệp và đậu loại xuất sắc được giấy khen. Năm ấy tôi thi sáu
môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Địa, Sinh vật. Nhưng khốn khổ tôi không được
làm hồ sơ thi đại học vì thiếu tuổi. Suốt ngày đêm tôi khóc, ngơ ngẩn
nhìn các bạn hỏi nhau thi trường này trường kia. Các trường đều yêu
cầu 17 tuổi trở lên, riêng Sư phạm từ 18 tuổi, mà tôi thì chưa tới 16.
May mắn làm sao, một hôm anh rể tôi, anh Nghiệp– chồng chị Hiền Thục từ
Hà Nội sang và bảo tôi được thi vào Đại học Tổng hợp. Trường này cho
phép học sinh ít tuổi thi nhưng với điều kiện phải đậu phổ thông xuất
sắc, và điểm tổng kết phải có hai phần ba là điểm 5, một phần ba còn lại
là điểm 4, không có điểm 3 nào. Thật hú vía, tôi vừa đạt điều kiện ấy.
Thế là tôi cuống quít làm hồ sơ nộp trước ngày thi có mấy ngày. Trước
ngày thi, danh sách thí sinh vẫn không có tôi. Phải đúng hôm đi thi mới
có danh sách viết thêm bằng tay vào cuối trang đánh máy.
Vậy là tôi thi Đại học Tổng hợp ngành Toán, không được ôn thi. Ngày đó,
tôi phải thi Toán Văn Lý Hóa và Ngoại ngữ cộng điểm khuyến khích. Tôi
làm môn Văn môn Hóa đều tốt nhưng môn Toán bỏ mất câu cuối của bài thứ
năm. Tôi làm hơn một giờ đồng hồ thì bị chóng mặt nên không cố làm nữa,
xin về nửa chừng. Tôi chán nản định bỏ thi Lý vì nghĩ rằng mình thi
ngành Toán mà Toán không làm hết thì “teo” rồi. (về sau mới biết hóa ra
các bạn đều bỏ câu đó vì nó khó quá). Cũng nhờ anh Nghiệp khuyên, tôi
mới thi tiếp. Xong xuôi, tôi chẳng nghĩ mình đậu vì năm ấy thi rất khó,
và là năm cuối cùng trước khi bỏ thi Đại học. Nhưng rồi số trời đã định,
tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học trong khi đang chơi nhảy dây
ngoài đường.
Trích từ Hồi kí : NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
Bùi Thị Kim Thư
( Còn nữa )
Thời Pháp có chế độ HỌC NHẢY LỚP dành cho HS có NĂNG KHIẾU ĐẶC BIỆT là RẤT HỢP LÝ .Thật tiếc cho K.T đã "đầu thai nhầm thế kỷ" !
Trả lờiXóaKhông đâu ạ, người khác thì không biết chứ KT học nhảy thấy bất ổn quá.
XóaKim Thư có cuộc sống phong phú ngay từ lúc nhỏ. Chẳng biết có xinh gái hay không ? Chỉ biết có người mê đến mức không được làm thân đã gọt đầu đi tu. Không rõ là cái "ông" gọt đầu đi tu ngày ấy bây giờ đã "hoàn tục" chưa? Và không hiểu bây giờ còn có ai gọt đầu đi tu vì Kim Thư nữa không?
Trả lờiXóaChắc là CÓ đấy !
XóaMQ đã hỏi nhà văn rồi, anh ấy bảo chưa đọc anh ạ, vì đang bận làm nhà mà. Chắc anh ấy đọc sau thôi, chứ bây giờ thì đang hồi "gay cấn".
XóaMQ viết là "tự cạo trọc đầu", mà anh Đình Tuân lại bảo "gọt đầu đi tu"...Phản ứng của trẻ con mà anh. Chứ làm gì có ai phải đi tu vì KT đâu hi hi...
XóaCác anh chị đọc và bình luận nhiệt tình thì MQ vui lắm.
Một đoạn đời đầy gian nan,nhưng có lẽ chính nhờ đó mà KT sau này sẽ vững vàng hơn.
Trả lờiXóa"Tự cạo trọc đầu" với "gọt đầu đi tu" có khác gì nhau đâu. "Tự cạo trọc đầu" của Kim Thư thì không có "véc tơ"
Trả lờiXóacòn "gọt đầu đi tu" của Đỗ Đình Tuân thì có "véc tơ" hẳn hoi. Vì thế nó "văn nghệ" hơn. Nó làm cho người đọc "hứng thú" hơn. Ngay Kim Thư đọc cũng thấy thích thú hơn còn gì. Biết điều thì "nhận tội" đi cho sớm.