Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

“LÁ ĐỎ”- NGUYỄN ĐÌNH THI, DỰ CẢM VIỆT NAM CHIẾN THẮNG

     
      Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ lớn, một tài năng toàn diện đặc biệt bởi năng lực sáng tạo và thành công trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ông viết tiểu tuyết, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình văn học, viết kịch, soạn nhạc và sáng tác thơ. Ở thể loại nào cũng tạo được dấu ấn đặc sắc.
       Riêng với thơ, Nguyễn Đình Thi là một trong số những người luôn đi tiên phong trong việc thể nghiệm tìm kiếm khai phá con đường mới cho thơ Việt Nam. Kết hợp nhuần nhuyễn sáng tạo giữa thơ truyền thống với hiện đại, thơ Nguyễn Đình Thi đằm thắm, tinh tế, giàu nội tâm nhưng cũng sắc sảo đầy thuyết phục bởi tư duy trí tuệ.
       Cảm hứng chủ đạo trong thơ Nguyễn Đình Thi là cảm hứng về đất nước. Ông viết về đất nước gian khổ đau thương quật khởi và ngời sáng với chiều sâu lịch sử và mang tính khái quát bởi tầm cao thời đại. Và chính những bài thơ đất nước đã làm nên vóc dáng nhà thơ.
       “Lá đỏ” là một trong số những bài thơ như thế được viết trước khi những đoàn quân Việt Nam bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam nhưng đã tiên cảm được thắng lợi tất yếu của dân tộc.

LÁ ĐỎ


Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc, quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa
Chào em,em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.
                                  Nguyễn Đình Thi

       Chỉ bằng tám câu thơ mà Nguyễn Đình Thi đã tái hiện cả một cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc – cuộc hành quân trên đường Trường Sơn, tiến vào Sài Gòn, giải phóng Miền Nam , thống nhất đất nước. Nguyễn Đình Thi như có duyên nợ với Trường Sơn. Vào những thập niên 30 của thế kỷ này, gia đình ông ở Luang Prabang Lào, đã vượt từ Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn trở về Việt Nam sinh sống. Và, theo ghi chép trong cuốn sổ tay ông để lại: vào cuối năm 1974 đầu năm 1975 ông được đi dọcTrường Sơn đến đất Nam Bộ. Nêu lên chi tiết này để thấy rằng bài thơ “Lá đỏ”được viết khi nhà thơ trực tiếp đến và sống với Trường Sơn, nó minh chứng cho sự chân thực và sống động của “chất liệu Trường Sơn” trong bài thơ “Lá đỏ”.
       Trường Sơn theo cảm nhận của Nguyễn đình Thi trước hết là một thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ

       Nhà thơ đứng trên đỉnh Trường Sơn “lộng gió”, nơi không gian khoáng đạt, ở một thế đứng có thể mở được tầm nhìn rộng lớn, bao quát. Nhà thơ Tố Hữu từng viết “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Nước non ngàn dặm). Thì đây , Nguyễn Đình Thi đã đứng ở trên cao của dải Trường Sơn, không chỉ “rõ mình” ông còn nhận ra sức mạnh của dân tộc Việt Nam, nhận ra thiên nhiên Trường Sơn đẹp lạ lùng: “Rừng lạ ào ào lá đỏ”. Bao nhiêu người làm thơ về Trường Sơn. Bao nhiêu tâm tính, vẻ đẹp, sắc màu Trường Sơn đã được nhiều nhà thơ khai thác. Vậy mà những chiếc lá đỏ rực nổi bật giữa màu xanh điệp trùng của đại ngàn Trường Sơn lại chỉ “bay” vào thơ của Nguyễn Đình Thi. Thật kỳ diệu và ngỡ ngàng. Cơn cuồng phong đã làm nên trận mưa lá đỏ ào ào tuôn đổ hào phóng và mãnh liệt như sức sống của Trường Sơn. Màu đỏ của lá phối lên bức tranh thiên nhiên nên thơ và hoành tráng, khảm vào tâm cảm chúng ta, lay động miền sâu thẳm tình yêu đất nước. Trường Sơn trở thành một địa chỉ thiêng liêng vì đó cũng là con đường dân tộc Việt Nam ra trận.
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa

       Con đường ấy đầy gian khổ, khắc nghiệt. “Đoàn quân vẫn đi vội vã” với muôn bướcchân mạnh mẽ điệp trùng, hối hả, nối dài như rung chuyển núi rừng, làm “nhoàt rời lửa”, đạp bằng khó khăn, vượt lên nắng nôi, lửa đạn để tiến lên phía trước. Câu thơ diễn tả quang cảnh cuộc hành quân hào hùng thần tốc, gợi lên một không khí sử thi ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng hoàn toàn miền Nam.
       Trong bối cảnh chung đó hiện lên một hình ảnh đẹp, một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân –“em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai, mà lẽ ra họ sinh ra để được sống yên bình.
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc, quàng súng trường

       Thơ ca những năm chống Mỹ đã khắc hoạ nhiều tư thế dáng đứng của người Việt Nam, như: dáng đứng của anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất tạc vào thếkỷ ( thơ Lê Anh xuân). Tư thế của “O du kích nhỏ dương cao súng, Thằng Mỹ lênhkhênh bước cúi đầu” (Thơ Tố Hữu). Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đi dọc TrườngSơn, gặp cô gái tiền phương đứng ở bên đường, ông vội vàng ghi lại bằng thơ cái hình ảnh rất tiêu biểu, rất đặc trưng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Cái hình ảnh “vai áo bạc, quàng súng trường” rất đỗi bình dị gần gũi, thân thương như hình ảnh quê hương. Hình ảnh ấy cũng là tâm điểm nổi bật giữa rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ, như một dấu son lịch sử.
      Nhưng đoàn quân nối dài vô tận không ngừng nghỉ, nhà thơ – người chiến sĩ chỉ kịp ghi nhận cái hình dáng quê hương rồi gửi lời chào và hẹn gặp:
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn

       Người đứng lại bên đường như cột mốc, như điểm tựa và đoàn quân ra đi mang theo niềm vui phơi phới, niềm tin tất thắng. Sài Gòn, cái đích của cuộc tiến công đã rất gần, con đường đi đến chiến thắng chẳng còn bao xa. Sài Gòn, điểm hẹn của bao thế hệ Việt Nam. Lời chào, lời hẹn ấy chứa đựng nhiệt huyết của tuổi trẻ, của lý tưởng độc lập tự do, của niềm lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.
      Bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ rất thành công trong hệ thống những bài thơ viết về đất nước của ông và của cả nền thơ. Các yếu tố nghệ thuật chính làm nên thành công của “Lá đỏ” là hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ.
       Về hình ảnh: Bài thơ nêu ba hình ảnh: lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân như những tâm điểm và đặc tả, có sức khái quát cao về vẻ đẹp của đất nước con người Việt Nam. Đặc biệt hình ảnh lá đỏ tạo cảm giác mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng cho những dự cảm, dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc.
       Về nhịp điệu: Trong 8 câu thơ có 7 câu là thể lục ngôn ( 6 âm tiết) vì vậy về cơ bản là nhịp điệu của bước chân hành quân dồn dập, vững bền, chắc khoẻ. Riềng câu thứ ba có 7 âm tiết, khiến bài thơ chuyển nhịp đột ngột giữa chừng, tạo nên âm vực trầm tĩnh lắng sâu trong giây lát, như thể bước chân hành quân sững lại, ngỡ ngàng khi bất chợt gặp người em gái giữa Trường Sơn, rồi người chiến sĩ lại hoà vào đội ngũ, hối hả lên đường, vì mục tiêu cuối cùng là hướng về Sài Gòn.
       Về ngôn ngữ: Câu chữ của bài thơ rất chân thực. Cuộc sống chiến trường sôi động, khắc nghiệt nhưng cũng rất trữ tình hiện lên một cách tự nhiên không một chút bóng bẩy, hào nhoáng. Bởi những lời thơ ấy đi ra từ một con người nặng lòng với đất nước quê hương.
       Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nước non liền một dải. Con người Việt Nam đang cuốn vào nhịp sống hiện đại phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế với bao bận rộn, lo toan. Mỗi khi đọc lại bài thơ “Lá đỏ”, hay nghe ca khúc do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ từ bài thơ này của Nguyễn Đình Thi, lại thức dậy trong chúng ta những tình cảm thiêng liêng cao đẹp: Tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào về truyền thống cha ông. Tình cảm ấy chính là nội lực để người Việt Nam bước tiếp vững vàng trên chặng đường mới hôm nay.

                                                            
LÊ KHÁNH MAI
Báo Văn nghệ Hội Nhà văn VN, số 18+19, Ngày 1- 5- 2010


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét