Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Điểm diện nhà văn nhà thơ 61: Phạm Huy Thông

61. Phạm Huy Thông
      (1916-1988)

Nếu Trương Lương không thổi địch sông Ô
Liệu Hạng Vũ có lên ngôi hoàng đế
Nhưng buồn thay đã đánh mất Ngu Cơ
Đời chẳng còn gì và thơ cũng thế.

                                          Xuân Sách
Dưới bóng người cha
Ngôi nhà 86 Hàng Bạc nằm lặng lẽ, khiêm nhường dưới những tán cây xanh giữa phố cổ Hà Nội sầm uất. Nơi đó - trụ sở của Ban Chỉ huy Trung đoàn thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp - là chiếc nôi nuôi dưỡng một gia đình tư sản yêu nước
Một dịp tình cờ, tôi bắt gặp tại Phòng Báo chí Tuyên truyền - Văn phòng Bộ Tài chính một bức ảnh chụp các doanh nhân thủ đô tham gia lễ đấu giá bức tranh vẽ chân dung Bác Hồ trong Tuần lễ vàng năm 1945.

Tìm hiểu về những người trong ảnh, tôi được biết vị doanh nhân đeo kính, trang phục “khăn xếp áo the” truyền thống bên ảnh Bác là cụ Phạm Chân Hưng, chủ hiệu vàng Chân Hưng danh tiếng tại nhà 86 Hàng Bạc.

Làm giàu và yêu nước

Chủ hiệu vàng Chân Hưng là nhà tư sản Phạm Chân Hưng (quê gốc Hưng Yên), người giàu có tiếng ở phố Hàng Bạc trước Cách mạng Tháng Tám. Cụ Chân Hưng có ba người vợ, cả ba đều giỏi buôn bán.

Nhờ đó, nhà họ Phạm trở thành một trong những gia đình tư sản giàu có nhất Hà Nội thời đó. Giàu có là thế nhưng chí hướng của ông không dừng lại ở việc kinh doanh. Từ những năm 1920 thương gia Chân Hưng đã tham gia “Lớp học yêu nước” Đông Kinh Nghĩa Thục của chí sĩ Lương Văn Can, rồi sớm tiếp xúc với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh để củng cố tư tưởng ái quốc.

Trước cảnh nước mất, nhà tan bởi gót giày thực dân Pháp, ông đã sớm giác ngộ tư tưởng yêu nước và độc lập dân tộc. Cuối những năm 1920 đầu 1930, ông lên đường sang Pháp, rồi sang Mỹ để nhận thức rõ hơn về thời cuộc.

Về nước, cuối những năm 1930, cụ Phạm Chân Hưng mở tờ báo Nông - Công - Thương, đặt trụ sở tại nhà mình. Những năm 1940, phong trào yêu nước ở các khu phố cổ Hà Nội diễn ra sôi nổi. Nhờ uy tín lớn, nhà tư sản Chân Hưng được bầu làm chủ tịch khu Đông Kinh Nghĩa Thục (bao gồm phố Hàng Bạc và nhiều khu phố lân cận).

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước còn nhiều khó khăn, vào đầu tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ vàng nhằm kêu gọi đồng bào đóng góp tài sản cho ngân khố quốc gia.

Nhà tư sản Phạm Chân Hưng được giao giữ chức chủ tịch Tuần lễ vàng. Gia đình ông đã cống hiến nhiều tài sản có giá trị, đồng thời vận động các hộ giàu có ở khu phố cổ Hà Nội đóng góp cho cách mạng.

Tinh hoa của đất nước

Tiếp tôi, giáo sư Phạm Huy Dũng, người con út của cụ Phạm Chân Hưng hiện đang sống tại nhà 86 Hàng Bạc, mở đầu câu chuyện: “Bố tôi sinh năm 1890 trong một gia đình nho giáo.

Làm giàu nhờ kinh doanh nhưng bố mẹ luôn giáo dục chúng tôi phải lấy học hành làm gốc”. Quả nhiên, “tài sản” tinh túy nhất mà gia đình tư sản này dành cho đất nước chính là những người con trí thức lớn.

Giáo sư - viện sĩ Phạm Huy Thông, người con cả của gia đình họ Phạm, không chỉ là một trí thức lớn, một nhà thơ tài danh (có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân) mà còn là một nhà cách mạng ưu tú, có thời gian dài gần gũi với Bác Hồ và những nhà cách mạng tiền bối như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Giáo sư Phạm Huy Dũng kể về người anh cả đầy tự hào: “Khi tôi còn bé, bố mẹ tôi luôn lấy tấm gương học tập và yêu nước của anh Thông để răn dạy anh em chúng tôi”.


Đại gia đình cụ Phạm Chân Hưng tại ngôi nhà 86 Hàng Bạc vào Tết năm 1976.
 Ảnh do giáo sư Phạm Huy Dũng cung cấp


Năm 1937, Phạm Huy Thông lên đường sang Pháp du học và tốt nghiệp thạc sĩ sử - địa, rồi tiến sĩ luật; năm 31 tuổi được phong giáo sư và giữ chức ủy viên hội đồng giáo dục tối cao của Chính phủ Pháp.

Năm 1946, tại Hội nghị Fontainebleau, ông được Bác Hồ chọn làm người phiên dịch, soạn thảo văn bản cho Người và Chính phủ ta tại hội nghị. Năm 1949, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, đảm nhận chức Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam yêu nước ở Pháp và không ngừng đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập tại Pháp.

Năm 1952, ông bị thực dân Pháp trục xuất về Sài Gòn. Năm 1953, trong nhà tù đế quốc tại đây, ông gia nhập Đảng Lao động Việt Nam. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, chính quyền Sài Gòn đã phải thả ông.

Ra tù, ông tiếp tục cùng luật sư Trịnh Đình Thảo, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bước vào cuộc chiến đấu chống lại sự can thiệp của đế quốc trong phong trào đấu tranh vì hòa bình tại Sài Gòn. chính quyền Sài Gòn run sợ đã đẩy ông và những người bạn chiến đấu ra Hải Phòng.

Năm 1956, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm giáo sư trong đợt đầu tiên và đảm nhiệm chức hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đến năm 1965. Từ năm 1965 đến năm 1986, ông là Viện trưởng Viện Khảo cổ học và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Năm 1996, Đảng và Nhà nước truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên. Một con đường đẹp của thủ đô, bao quanh hồ Ngọc Khánh, nay được mang tên Phạm Huy Thông.

Người con thứ hai của cụ Chân Hưng là ông Phạm Huy Thái, sang Nhật Bản cuối những năm 1930, tốt nghiệp y khoa tại đây trước khi trở thành một nhà tư bản giàu có ở xứ Phù Tang.

Ông không tham gia chính trường song có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực kinh tế, “ghi công” với Chính phủ Nhật Bản trong xây dựng kinh tế thời hậu chiến và sau này với nhiều nước Đông Âu trong giao thương.

Ông Phạm Huy Thái từng được Chính phủ Tiệp Khắc, Ba Lan và Hungary trao tặng huân chương công trạng vì có công với nền kinh tế của họ. Nhiều lần về nước, là bạn cũ thuở học sinh trung học, gia đình ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp riêng. Người Mỹ có lần mời ông Thái ngồi vào vị trí trọng yếu trong chính quyền Sài Gòn nhưng ông thẳng thừng từ chối.

Người con thứ tiếp của cụ Chân Hưng là Phạm Huy Nhung, từng là tiểu đội trưởng Đội Việt Minh bảo vệ phố cổ. Sau này, ông trở thành giáo sư kinh tế học ở Nhật Bản. Những người con khác của cụ cũng tiếp bước truyền thống cha anh, học hành bài bản và trở thành giảng viên các trường đại học trong nước. Người con út của cụ, ông Phạm Huy Dũng, là giáo sư Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Thăng Long.     

Con nhà tông

Trước cửa nhà 100 năm tuổi của cụ Chân Hưng (hiện gia đình giáo sư Phạm Huy Dũng đang ở) có tấm bia đỏ, ghi: “Nơi đây là trụ sở của Ban Chỉ huy Trung đoàn thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, tháng 11-1946 đến tháng 2-1947”.

Cũng nơi đó, những nhà cách mạng tiền bối như Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp từng có thời gian sống và làm việc. “Bác Phạm Văn Đồng cưới vợ tại nhà tôi. Mẹ tôi mua tặng bác một đôi chiếu hoa.

Đám cưới rất giản dị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có thời gian học và làm việc ở nhà tôi vì ông là bạn của anh Thông thời học sử” - giáo sư Phạm Huy Dũng nhớ lại.

Ông Dũng cho biết thêm: “Cụ tổ nhà tôi là Phạm Quang Chiếu từng đỗ Đại khoa thời Lê (Hoàng giáp tiến sĩ, năm 1676), được khắc tên trong bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Theo gốc gác được ghi trong gia phả, chúng tôi là hậu duệ đời thứ 24 của Phạm Ngũ Lão”.

Từ hậu duệ của một danh tướng thời Trần đến một nhà tư sản giàu lòng tự tôn dân tộc, con cháu của gia đình họ Phạm tiếp tục kế thừa di sản yêu nước của ông cha.

Mạnh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét