Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

HÀNH TRÌNH TRI ÂN



Đầu năm 2007, tôi đi dự Liên hoan Truyền hình toàn quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh và "tìm" được Đặng Trung Kiên, chàng trai hào hoa của Trường Cấp III Chí Linh những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Đặng Trung Kiên nhiều lần nhắc với tôi về một người bạn học cùng lớp 10A của anh: “Lớp anh có Thảo hay hỏi thăm về em, hình như trước khi vào Nam, Thảo gặp em ở Bến Bình, sau đó vào chiến trường lại là lính của ba em…” Tôi nhờ Kiên tìm số điện thoại của anh Thảo và hai anh em liên lạc được với nhau. Sau cuộc chuyện trò gần cháy cả hai cái điện thoại ở hai đầu, đúng một tuần sau, anh - Nguyễn Xuân Thảo - từ Trảng Bom tỉnh Đồng Nai ra Nha Trang thắp hương cho ba má tôi.
Nếu không ai nhắc lại thì kỷ niệm cuộc gặp anh tại Bến Bình cũng sẽ chìm lấp trong tầng tầng lớp lớp thời gian. Cùng anh về dĩ vãng, tôi nhớ lại cảm giác ngỡ ngàng khi có một người không quen biết gọi tên mình rất thân thiết: “Tô Hà”. Tôi đang dắt xe đạp trên con dốc xuống phà, một anh bộ đội cao lớn và rất đẹp trai nhảy xuống từ cabin chiếc xe tải quân sự. Tôi bị bất ngờ vì một người lạ biết tên mình, nhưng còn bị bất ngờ hơn khi nghe anh bảo: “Anh sắp đi Nam, em cho anh địa chỉ quê mình trong ấy để anh tìm…”
Có lẽ chỉ thời buổi ấy mới có những chàng trai lãng mạn đến như thế. Tôi là con gái miền Nam, được sinh ra và lớn lên trên đất Bắc. Quê hương đối với tôi là một khái niệm mơ hồ qua trích ngang lý lịch mà tôi khai mỗi khi làm học bạ mới. Quê cha: “Xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên”. Quê mẹ: “Xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên”… Tôi hoàn toàn không hình dung được gì về quê hương mình. Vậy mà anh bảo anh sẽ tìm đến quê tôi, cứ như chàng hiệp sỹ trong tiểu thuyết ấy. Tôi cũng nói với anh địa chỉ quê ba má tôi, trả lời câu hỏi chẳng có vẻ gì là hiện thực của anh. Có lẽ ý nghĩ ngây thơ mà rất chân thành của anh được Thượng đế đánh giá cao nên Người đã cho anh được toại nguyện: anh về đơn vị của ba tôi trên đường dây 559.
Tôi còn nhớ niềm xúc động những ngày đầu gặp anh… Tôi từ Tuy Hòa về Nha Trang, anh Thảo từ Trảng Bom đi xe khách ra, Đặng Trung Kiên từ Sài Gòn đi tàu ra. Điện thoại reo dọc hành trình: “Anh đến đâu rồi…” Và quá nửa đêm thì tôi cùng em Trung đi taxi lên Ngã ba Thành đón anh. Nhìn thấy một ông cao to oai vệ trong bộ quân phục sỹ quan, tôi đoán chắc là anh rồi. Đúng là anh! Xiết bao xúc động. Anh em tôi thân thiết như tự thuở nào đã là anh em. Tôi cảm ơn anh rất nhiều vì những tình cảm trân trọng mà anh dành cho ba tôi. 5 giờ sáng thì Đặng Trung Kiên cũng đến nơi. Chị em tôi được quây quần cùng các anh, như đang ở giữa quê nhà Chí Linh. Từ ngày ấy, chúng tôi như con một nhà.
30 tháng Tư năm 2008, tôi cùng đoàn cán bộ tỉnh Phú Yên đi thăm Trường Sa. Khi biết tôi sẽ đi ô tô qua Trảng Bom, anh một mực mời cả đoàn ghé nhà anh. Trời mưa, anh đứng đón xe chúng tôi, chiếc áo trắng nổi bật giữa màu xanh của hàng cây bên đường. Nghĩ là nhân chuyến đi, ghé vào cho biết nhà anh, nào ngờ cả đoàn mười mấy người ngốt lên vì la liệt cỗ bàn, toàn những món độc đáo. Chị Di vợ anh trổ tài nấu nướng, các cô con gái rượu của anh nồng nhiệt tiếp khách. Tôi hạnh phúc và hãnh diện với mọi người được có người anh tuyệt vời như thế. Đường xa đói bụng gặp toàn món ngon, cả đoàn công tác ăn rất nhiệt tình mà ăn mãi vẫn còn đầy thức ăn. Sau này mọi người trong đoàn còn nhắc mãi về sự đón tiếp nồng hậu của gia đình anh.
Cũng nhờ chuyến đi Trường Sa mà anh Hoàng Minh Thạo - cũng là lính của ba tôi – đã tìm được tôi qua bài thơ của tôi được một người trong đoàn công tác gửi đăng trên báo Tuổi Trẻ một năm sau chuyến đi đó. Thế là năm 2009, chúng tôi hẹn gặp nhau tại nhà anh Thảo ở Trảng Bom. Bố con anh Thạo đi xe máy từ Tân Phú (Đồng Nai) xuống, Hữu Trung từ Nha Trang vào, mẹ con Vân Anh đi thi ở Biên Hòa đến, Minh Hương đi từ nhà bạn ở Đắc lắc về Sài Gòn rồi cùng tôi và Đặng Trung Kiên ra. Từ cuộc gặp đó, anh Thảo lại nhắc nhiều đến anh Thế và anh Phong, những người gần ba tôi nhất. Sau đó một tháng, anh Hà Phong từ Bắc Giang cùng anh Nguyễn Văn Thế từ Chí Linh đã vào Nha Trang thắp hương cho ba má tôi. Lại một lần nữa chị em tôi được đón những người lính của ba. Chúng tôi có thêm những người anh thân thiết.
Tôi tự hào vì ba tôi có những người lính nặng nghĩa tình như thế. Ba đã sống thật tốt nên mới nhận được sự kính trọng của các anh. Tôi nghĩ ba tôi thiệt thòi rất nhiều so với nhiều đồng chí đồng đội của ba trong đời sống vật chất, nhưng trong đời sống tinh thần ba là người hạnh phúc vì ba đã được những người lính cũ từ rất xa về thắp hương tưởng nhớ. Khúc Tri ân đã được cất lên, để rồi với sự đỡ đầu của Dự án 1044, Tri Ân hội ngộ đã thành công mỹ mãn với đồng lúa Tuy Hòa và sóng biển Nha Trang từ ngày 21 đến ngày 25/7/2010. Và một lần nữa, anh Thảo làm tôi bất ngờ: gặp anh ở sân bay Tân Sơn Nhất để cùng về Tuy Hòa, tôi được làm “nhân vật” của anh… Tôi đã không nghĩ đến việc ghi hình chuyến đi, vậy mà anh tìm được một máy quay và đã ghi toàn bộ hành trình Tri Ân. Nhờ đó cuộc hội ngộ tháng 7/2010 không những được lưu giữ trong tâm trí mọi người mà sẽ được lưu cả trên Blog của chúng ta.
Xin cảm ơn các thày cô giáo đã dạy dỗ những lớp người sống đầy tính nhân văn, trọng tình trọng nghĩa, xin cảm ơn những người lính của ba tôi. Đặc biệt xin cảm ơn tấm thịnh tình của Dự án 1044 và các thành viên đã nối dài mãi Khúc Tri Ân. Xin chúc Blog của chúng ta ấm mãi lửa Tri Ân.
Và xin chia sẻ với Xóm Tri Ân trích đoạn LÍNH TÂM TÌNH mà anh Thảo đã viết trong những ngày chuẩn bị đi Nha Trang thắp hương cho thủ trường cũ. (Bật mí: anh Thảo làm rất nhiều thơ).

LÍNH TÂM TÌNH (Trích)

Tác giả: Nguyễn Xuân Thảo

Ngày vào Nam chiến đấu

Gặp em nơi bến phà

Xin địa chỉ quê Ba

Giữa miền Nam khói lửa


Em cười rồi còn quở:

Quê hương xa lắm anh

Miền Nam rộng mênh mông

Làm sao anh tìm thấy…


Duyên tình ai sắp đặt

Gặp Ba thật em ơi

Đúng Ba em đây rồi

Người bằng xương bằng thịt…


Giữa đạn bom mù mịt

Niềm tin anh vững thêm

Ba nói giọng miền Nam

Rằng: “Thương thằng lính trẻ...”


Ôi nhân tình thế thái

Buộc anh phải chống chèo

Cố vượt qua đói nghèo

Như tay không bắt giặc


Dám đâu mà tự đắc

Bằng lòng với hôm nay

Dù còn phải chạy xoay

Cũng đủ cơm ba bữa


Biết nói gì đây nữa

Em hiểu nhé Tô Hà

Dù cách mặt quê xa

Nhưng lòng anh gần lắm.

Trảng Bom, 30/10/2007


Đoạn kết
Giỗ ba tôi năm nay, chị em tôi được đón anh Hoàng Minh Thạo và anh Nguyễn Xuân Thảo từ miền Nam ra và đón vợ chồng anh Nguyễn Duy Nghị từ Thanh Hóa vào. Những người lính cũ của ba tôi lại về thắp hương cho người. Tháng 9 năm ngoái, chị em Tô Hà-Minh Hương và cháu Trang con gái anh Thảo đã về thăm gia đình anh Nghị ở xã Thanh Thủy huyện Tĩnh Gia. Chị em tôi không thể quên anh Nghị vì lúc ba tôi bị tai biến mạch máu não, anh đang là lái xe của người. Chính anh đã cõng ba tôi ra xe đưa vào bệnh viện quân đội. Năm ấy, tôi là chị lớn nhất mới 21 tuổi, hoàn toàn chưa trải qua một biến cố nào của gia đình. Buổi sáng đó má tôi đi công tác không có nhà nên sự có mặt của anh Nghị là chỗ dựa tinh thần của chị em tôi. Anh Nghị và anh Thạo cùng ở Sư đoàn 470 Binh đoàn Trường Sơn, là lính của ba tôi. Những ngày này chị em tôi cùng anh Thạo và anh Thảo chuẩn bị lên Đà Lạt dự lễ cưới của con gái út anh Nghị. Khúc Tri Ân đang được viết tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét