THÀY SỐ...- 3
Hè năm 77- kỳ nghỉ hè của năm thứ nhất, tôi được về phép. Vừa về nhà, mẹ tôi đã khoe: “Thằng T. nó có con rồi đấy! Một thằng cu, khỏe mạnh lắm, lại giống bố như đúc”. Bà còn đay đả thêm: “Còn anh, cũng phải liều liệu đi thôi”.
Tôi chưa kịp xuống chúc mừng hắn thì một cơn bão nổi lên. Trận bão hè năm 77 khá mạnh, chả thế mà cây bàng cổ thụ cạnh nhà tôi bị gãy một cành làm sập một mảng mái ngói. Chính mẹ tôi nhớ ra cảnh nhà hắn đầu tiên, bà giục: “Anh chạy xuống nhà thằng T. xem tình hình thế nào chứ gió mạnh lắm, nhà nó có khi bị đổ đấy”.
Khoác vội tấm áo mưa, tôi lao đầu chạy đi trong làn gió mạnh, nước mưa táp vào mặt rát ràn rạt. Lội bừa qua những đám ruộng ngập nước, tôi đến nhà hắn và ngỡ ngàng: trên mái nhà là cái bóng mảnh mai của vợ hắn. Trong nhà, tiếng trẻ con gào khóc át cả tiếng gió rít. Tôi hét lên: “Xuống ngay!”. Vợ hắn vẫn ở trên mái nhà, hổn hển: “Mái bị tốc, em phải dặm lại đã”. Trời đất, mới đẻ 15 ngày mà đội mưa thế này thì không được. Tôi bảo: “Cứ để đấy! Xuống đây đã!”. Đỡ con vợ hắn xuống, tôi bảo: “Bế con về nhà anh ngay, còn nhà đây cứ để đấy. Mà hắn đi đâu?”. Vợ hắn vừa dỗ con vừa lập cập: “Nhà em thấy cây đổ nhiều nên đang đi nhặt”. Thì ra, gió mạnh quá nên làm đổ khá nhiều cây bạch đàn dọc đường 18, hắn đang đi “thu hoạch”.
Áp tải vợ con hắn về trên nhà rồi, tôi lại lao ra đường đi tìm hắn. Mất gần 1 km mới gặp hắn đang lặc lè kéo một xe cải tiến (xe ba gác) đầy những thân và cành lá bạch đàn ngược gió về nhà. Hai thằng hợp lực đưa được xe gỗ về đến nhà thì mệt lử, mặt mũi hắn xanh lét như tàu lá nhưng lại nở một nụ cười đầy mãn nguyện: “Đủ củi đun được mấy tháng”. Lúc này, rạ trên mái nhà hắn đã bị tốc gần hết. Hai thằng che tạm mấy tấm ni- lon lên rồi chằng buộc tạm và chống 4 cái cột vào 4 góc cho nó khỏi đổ. Xong xuôi rồi, chui vào nhà nổi một đống lửa lên để sưởi và lại cạch 2 bát… rượu chống rét. Đến lúc này hắn mới thật tình: “Cứ tưởng về nhà vực kinh tế gia đình lên nhưng khó quá. Ông bố thì già rồi, không thể làm nghề được nữa. Trong khi đó, mình thì “học không hay, cày cũng dở”. Hồi xưa chỉ làm phụ, có được làm chính đâu nên tay nghề của hắn chưa đủ đảm đương được vai trò thợ cả. Trong khi đó, mang tiếng con nông dân song là mẹ hắn làm chứ hắn có biết cày cấy, trồng trọt gì đâu. Đã thế, lại vợ con bìu rín cho nên đụng vào đâu cũng thấy bí rì rì”. Nghe bạn nói, tôi cũng thấy thật sự khó khăn nhưng cũng chẳng biét góp ý với hắn thế nào vì về chuyện này thì mình cũng chỉ i- tờ mà thôi. Chỉ biết động viên hắn: “Sông có khúc, người có lúc. Cứ quyết tâm, bền chí rồi cũng sẽ có ngày hết khổ”.
6
Không còn cách nào khác, hắn cày thật lực. Được cái vốn sức khỏe trời cho, lại thông minh lanh lợi và trải qua những thử thách rèn luyện của đời lính nên những khó khăn chồng chất trước mặt hắn dần dần được tháo gỡ từng bước. Vợ hắn, tuy nhỏ người nhưng cũng khỏe và rất đảm, lại là nông dân chính hiệu nên rất thạo việc nhà nông. Vì vậy, kinh tế gia đình ít nhiều cũng dã khởi sắc. Dẫu chưa bứt phá hẳn lên nhưng cũng đã trông thấy tương lai. Đúng lúc ấy, cuộc chiến tranh BGPB nổ ra, hắn có lệnh tái ngũ.
Dạo đó, khóa chúng tôi cũng ra trường sớm đi huấn luyện cho 4 tiểu đoàn T55 để thành lập 2 sư đoàn BBCG 304 và 308. Tôi được điều đi làm trợ lý tham mưu của đoàn. Vì một lý do đặc biệt, các thủ trưởng đoàn cho tôi nghỉ phép 1 tuần để cưới vợ. Khi tôi về đến nhà, gặp nhau hắn ảo não: “Mẹ kiếp! Mình cứ tưởng sẽ mãi mãi không phải khoác áo lính nữa. Thế mà…”. Sự nghiệp vực kinh tế gia đình vừa mới bắt đầu lại phải bỏ dở. Hắn lại ra đi bỏ lại đằng sau một vợ và hai thằng con nheo nhóc.
Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may. Đã từng 4 năm làm lính nên vừa tái ngũ hắn liền được cử đi học Trường Quân chính quân khu và ra trường được phong quân hàm chuẩn úy. Chắc cấp trên cũng chiếu cố hoàn cảnh của hắn nên sau khi ra trường đã điều hắn về làm công tác QSĐP ở ngay huyện đội CL. Biết tin này tôi cũng mừng cho hắn. Công tác gần nhà thế hắn có điều kiện giúp đỡ gia đình nhiều hơn. Và đúng như thế thật.
Với tư chất thông minh thiên phú của mình, lại ít nhiều được đào tạo chính quy tại TSQ đã hơn 1 năm, hắn nhanh chóng làm quen với công việc mới và hoàn thành rất tốt mọi nhiệm vụ được giao, lại còn được kết nạp đảng nữa cơ chứ. Gặp nhau, tôi thấy hắn có vẻ phấn khởi lắm và nói nhiều đến chuyện nghiệp vụ ở cơ quan. Tôi đùa: “Thôi, mày cứ tằng tằng ở đây rồi lên đến huyện trưởng cũng được”. Hắn cười, lắc đầu: “Mày không biết, công tác ở địa phương thì công việc không có gì khó quá nhưng lại có rất nhiều thứ phức tạp”. Hắn không nói ra cụ thể nhưng tôi biết đó là cái gì. Tuy nhiên, bất chấp mọi sự phức tạp hắn vẫn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ và vì vậy, cứ đến niên hạn hắn lại được thăng quân hàm.
Nói chung, công việc cơ quan QSĐP cũng có lúc bận, lúc nhàn, lại ở gần nhà nên cũng tranh thủ giúp đỡ gia đình được ít nhiều. Ngoài thời gian làm việc cơ quan, cứ chủ nhật và những lúc xin nghỉ được về hắn lại cặm cụi lo toan mọi việc nhà. Thời gian này hắn đã xin chuyển đến một khu đất khác rộng rãi và cao ráo hơn và tính đến chuyện dựng một cái nhà tươm tươm một chút cho vợ con đỡ vất vả. Và thế là một kế hoạch lớn được hắn vạch ra.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét