Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

"TIỀU ẨN" THỜI NAY- 1

Sở dĩ gọi hắn thế là có mấy lý do. Lý do thứ nhất là bởi hắn quê ở Văn An, chính là mảnh đất mà cụ Tiều Ẩn Chu Văn An về ở ẩn khi xưa. Còn một số lý do khác thì dần dần tự mọi người khắc biết.

Xã Văn An quê hắn, tên cổ là tổng Kiệt Đặc, nơi có dãy núi Phượng Hoàng nổi tiếng mà thày giáo Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ” đã về đó ở ẩn và mở trường dạy học. Xã này cũng là quê hương của bà Nguyễn Thị Duệ- nữ tiến sĩ đầu tiên trong Lịch sử khoa cử Việt Nam. Đại khái là vào thời nhà Mạc, bà Duệ giả trai đi thi và đỗ đầu. Đến lúc các tiến sĩ tân khoa vào cung để nhà vua trực tiếp ván đáp thì bị lộ. Tuy mắc trọng tội nhưng do bà xinh đẹp lại giỏi giang nên nhà vua không trị tội mà còn tuyển vào cung cho làm quan dạy các cung nữ, sau lấy vua và được phong là Tinh Phi (vì vậy dân gian còn gọi là Bà chúa Sao Sa). Sau này, khi quân Lê- Trịnh đánh bại quân Mạc, bà bị chúa Trịnh bắt nhưng vẫn được trọng dụng. Cho đến khi về hưu ở quê bà vẫn tham gia chấm thi, có sách báo ngày nay còn phong cho bà làm tổ sư của việc dạy học từ xa! Nói chung, đây là một miền đất khá nổi tiếng, trong Chí Linh bát cổ (8 di tích cổ ở CL) thì xã này có đến 3: “Tiều Ẩn cổ bích” (Bức tường cổ nhà Tiều Ẩn- Chu Văn An), “Tinh Phi cổ tháp” (Tháp mộ bà Tinh Phi) và Huyền Thiên cổ tự (Chùa cổ Huyền Thiên). Những năm gần đây, Nhà nước và nhân dân CL đã xây dựng đền thờ 2 vị này rất hoành tráng- đặc biệt là đến thờ CVA đã trở thành nơi hành hương cho giáo giới và học trò toàn quốc. Cũg vì vậy, sau CMT8 cái tên Văn An được đặt cho xã này.

Với truyền thống như vậy, phong trào học tập ở xã này rất cao. Suốt những năm tôi học cấp 1, cấp 2 thì Trường Văn An luôn là một trường tiên tiến, đứng đầu về các loại phong trào, được nêu gương suốt cho các trường khác học tập. Tuy nhiên, nói cho công bằng thì về sức học của HS trường đó cũng không thật xuất sắc cho lắm. Có lẽ do bọn nó quá bận bịu với các phong trào này khác chăng? Hắn cũng vậy, khi vào cấp 3 hắn học cũng vào loại trung bình khá mà thôi. Đã thế, hắn lại bé con con, nói năng thì nhỏ nhẹ như con gái, chẳng biết đá bóng hay văn hóa văn nghệ gì nên không có gì nổi bật cả.

Vì hắn nhỏ con như vậy nên khi đến tập trung ở xã Chí Minh để nhập ngũ thì tôi hơi ngỡ ngàng, cứ tưởng hắn đi tiễn đứa nào cơ. Đến lúc hắn bảo cũng nhập ngũ đợt này và cũng về xe tăng mấy thằng tôi cùng ngớ cả người ra. Thằng Thành còn bào: “Mày thì đi xe tăng thế đếch nào được. Chắc chỉ vài hôm là họ cho về thôi”.

Nhưng không phải thế. Sau thời gian HL tân binh, hắn được ở lại học thông tin cùng với T, L và khá đông quân Chí Linh bọn tôi. Từ đó, tôi chỉ gặp lại hắn tối hôm tôi đi xem phim ở ebộ và ngủ lại ở c13TT trước khi đi chiến trường. Sau đó là bặt tin, chẳng biết hắn đi đâu.

Tháng 8 năm 75 tôi về trường SQTG để học. Lên đây một vài tuần rồi tôi xin phép đi tranh thủ về HN chơi thăm người nhà. Chiều hôm ấy, trên chuyến tàu khách HN- Vĩnh Yên đông nghịt, tôi đang loay hoay chen lên chỗ đầu toa (lại còn phải hết sức cảnh giác với bọn lính mổ nữa, mới đi có một lần mà tôi đã bay con Pôn Jốt)) thì chợt thấy có ai gọi tên mình. Lúc đầu, cứ tưởng có người nào đó trùng tên nên tôi cứ phớt lờ. Cho đến tận khi một cánh tay vỗ vào vai tôi mới quay lại và nhận ra hắn. Xa nhau mấy năm, giờ hắn đã “lớn” ra nhiều, béo hơn nhưng vẫn thấp nên trông khá đậm người. Trên mình hắn là bộ quân phục bạc màu với đôi quân hàm học viên đỏ chói. Trò chuyện với nhau một lúc thì tôi biết: hắn đang học ĐH Quân sự. Số là, năm 73- sau khi HĐ Pa ri ký kết, hắn được gọi về Trường VHQĐ ôn thi và thi đỗ vào ĐHQS. Hiện hắn đang học năm thứ hai, khoa Hữu tuyến điện. Hắn còn bảo: “Nhà trường đề nghị các học viên giới thiệu những học sinh phổ thông xuất sắc hiện đang công tác tại các đơn vị để họ xin về đào tạo. Tao cũng đã giới thiệu mày đấy. Hay bây giờ họ mới gọi mày về?”. Tôi bật cười: “Có thấy quái gì đâu. Chắc họ chỉ gọi bọn ngoài bắc thôi chứ bọn tao đang ở chiến trường thì hơi đâu mà họ gọi. Còn bây giờ, tao đã là học viên của Trường SQTG rồi”. Đến Vĩnh Yên, hai thằng chia tay nhau và hẹn thỉnh thoảng tới thăm nhau.

Hẹn hò là thế nhưng thực ra mấy năm học ở đó chúng tôi cũng chỉ đến thăm nhau được vài lần. Tuy 2 trường không xa nhau lắm- chừng chục km là cùng nhưng cuộc sống học viên SQ cả hai đều rất bận rộn. Học tập cả tuần, đến chủ nhật lại lao động: lấy củi, tăng gia, xây dựng doanh trại, bãi tập v.v… nên làm gì có thời gian mà đi chơi. Thế rồi, năm 78 hắn ra trường và được điều động về Đặc khu Quảng Ninh. Tình hình biên giới đang căng thẳng, tôi cũng thấy lo cho hắn.

Bẵng đi phải đến gần chục năm, chúng tôi không được gặp nhau và cũng chẳng có tin tức gì. Thế rồi đùng một cái, quãng năm 90, trong một lần về tranh thủ tôi gặp hắn và được hắn cho biết: “Tao đã về hưu!”. Tôi tròn mắt ra không tin nổi vào tai mình, một kỹ sư thông tin vừa mới ra trường được mấy năm lại về hưu nghĩa là sao? Hắn cười nhỏ nhẹ: “ người ta cho về thì mình về thôi”.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét