Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI


TIỀU ẨN THỜI NAY- 3


Tôi thật sự ngỡ ngàng. Vậy là hắn đã về hưu!

Hai thằng tỷ mẩn nói chuyện. Thì ra, hồi đó tình hình biên giới cũng đã khá ổn, đặc khu QN giải thể để sáp nhập vào qk3 nên nhân sự dôi ra khá nhiều. Có lẽ cái hệ thống thông tin hữu tuyến ở đó cũng không cần đến vài kỹ sư như hắn. Lại nữa… tính cách như hắn chắc chẳng vào ngoàm, vào đố gì đó với ai nên người ta cũng chẳng thiết. Lại… đã đủ 20 năm công tác nên khi người ta gợi ý hắn về hưu theo NQ47, hắn đồng ý liền. Thế là hắn được về hưu với quân hàm đại úy ở cái tuổi hơn 40 một tý. Nói cho công bằng thì đó là một sự phí phạm đối với Nhà nước, đối với quân đội. Một kỹ sư quân sự mất bao công của mới đào tạo được mà phủi tay một cái là xong. Nhưng biết làm sao được.

Cũng cần nói rõ hơn, đó cũng là thời kỳ mà đời sống cả nước nói chung và sĩ quan nói riêng rất khó khăn. Trong quân đội hồi ấy lưu truyền câu ca: “Vợ già, nhà dột, con dốt”. Thì chẳng phải thế sao. Người vợ, mòn mỏi trông chồng, một mình lo toan mọi việc thì sao chẳng chóng già. Vắng cánh tay đàn ông, cái mái nhà cũng không ai “dọi” cho thì dột là phải. Mà cũng may không có thằng hàng xóm tốt bụng nào sang “dọi” hộ, chứ nếu có thì nó “dụi” luôn cả vợ nữa. Và khi người cha vắng bóng, người mẹ tối mắt tối mũi mưu sinh thì con dốt là phải. Chính vì thế mới có tình trạng “trẻ muốn ra, già muốn ở”. Bọn còn trẻ muốn ra là để mưu sinh, học lấy một nghề gì đó kiếm được đồng tiền tìm cách cứu nhà, để thoát cái cảnh… như đã nói trên. Còn mấy cụ già rồi, nếu có về cũng chẳng làm được gì nhiều thì cố bám lấy cái ghế để níu kéo được ngày nào hay ngày ấy. Hồi ấy, hắn cũng đã cưới vợ và có 2 con- 2 thằng con trai. Vợ hắn học sau bọn tôi 1 lớp, không xinh lắm nhưng được cái khỏe mạnh, tính tình thì vô tư, rất quý bạn bè của chồng và đặc biệt là rất hay cười. Thị mà đã cười thì ai cũng phải cười theo. Vợ hắn là giáo viên cấp 2, lương cũng thấp lại đang phải nuôi 2 con nhỏ nên hắn quyết chí về là phải.

Cũng may, hồi đó nếu là CB- GV thì còn được chia đất nên vợ chồng hắn cũng được chia một mảnh đất ở gần chợ trung tâm TT Sao Đỏ (tất nhiên chỉ là trong ngõ thôi). Ấy là cũng nhờ một ông anh họ đang làm cán bộ huyện nên mới được vào chỗ ấy chứ cứ như tôi là “lên lưng chừng đồi” mà ở. Dồn góp tất cả trợ cấp về hưu và vay mượn thêm hắn xây được ngôi nhà mái bằng chừng 50 m2. Tuy nhiên, cũng chỉ cố được cái xác nhà, còn cửa giả chưa có, phải che tạm bằng mấy tấm cót. Đó cũng là nơi hội xe tăng 12.71 tổ chức gặp mặt lần đầu tiên kỷ niệm 20 năm ngày nhập ngũ.

Làm được cái nhà tàm tạm rồi, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của hắn là kiếm kế sinh nhai, tìm việc làm thêm để phụ vợ nuôi con.

Công việc đầu tiên hắn lựa chọn là sửa chữa ti vi, đài đóm và thiết bị điện tử. Nói chung, đó là một sự lựa chọn cũng được vì dù hắn học hữu tuyến nhưng những vấn đề cơ bản về điện tử thì cũng đã được học cả. Những năm ra đơn vị cũng thực hành chọc trạch nhiều nên cũng có kinh nghiệm sửa chữa. Tuy nhiên, do nhà ở trong ngõ nên không trưng được biển hiệu, chủ yếu là thông qua sự giới thiệu của mọi người. Chắc tay nghề của hắn cũng tạm được, giá cả lại rẻ nên vẫn đông khách. Thế là cái nhà của hắn cứ như một cái kho đồ cũ ấy. Đủ các thứ nhưng nhiều nhất vẫn là mấy cái Nép- tuyn cổ lỗ sỹ.

Nhưng rồi nghề này càng ngày càng khó kiếm ăn. Máy móc thì càng ngày càng đổi mới, ít hỏng hóc, lại rẻ nữa. Nhiều nhà hỏng phát là vứt đi mua máy mới luôn. Với lại, làm nghề này cũng phải linh lợi và có mánh khóe một chút. Thay cho người ta một cái linh kiện cũng phải tính ra ra một tý, mua 1000 thì phải tính lên thành 2000. Thậm chí hỏng ít phải xít ra nhiều. Tôi có một thằng em đồng hao cũng làm nghề này tôi biết. Máy móc điện tử mấy ai thông thạo cả đâu, vì vậy thợ nói thế nào thì biết như vậy thôi. Có khi cháy mỗi cái tụ nhưng bọn chúng cũng ngâm của người ta cả tuần để nghiên cứu và “hót” hỏng đủ thứ. Đại loại như vậy. Đàng này, hắn thuộc loại “chân chỉ hạt bột” nên chỉ lấy công làm lãi mà thôi. Thu nhập vì thế chẳng được bao nhiêu nên làm một thời gian thì hắn phải chuyển nghề.

Hồi ấy, tên Phạm Bá L. đã ấp trứng vịt lộn được một thời gian nhưng đã thấy chán. Hắn thấy vậy yêu cầu L. “chuyển giao công nghệ” cho. Kể ra, chỗ nhà hắn làm cái này sẽ thuận lợi hơn vì hắn ở ngay thị trấn, lại gần chợ. Dân tình ở đây kinh tế cũng khá giả nên ăn nhậu mạnh hơn, việc mua chịu cũng không phổ biến như chỗ nhà L… Với những thế mạnh ấy, thời gian đầu sau khi học nghề về hắn làm ăn cũng khá có lãi. Hắn mua được cái Kích xanh chuyên trị đi nhận và giao trứng. Ngoài việc ấp trứng lộn, hắn còn quây mảnh vườn lại, mua vài chục con gà về nuôi thả vỗ béo, bán dần nên đời sống cũng tương đối ổn.

Nhưng có lẽ cái tính quá vô tư, dễ dãi của vợ chồng hắn đã hại hắn. Chẳng cần biết lỗ lãi thế nào, cứ mỗi khi có bạn bè đến chơi hay khách ở quê lên là một vài chục trứng lại được cho vào nồi áp suất luộc thật nhanh. Con vợ hắn thì cười phe phé: “Chẳng mấy khi các bác đến chơi. Của nhà làm được ấy mà!”. Không chỉ mất trứng, lại còn tốn cả rượu và bia nữa chứ. Không chỉ bạn của chồng, bạn của vợ mà cả bạn của con nữa, đến là hắn chiêu đãi tất. Thành ra, sau một năm ấp trứng lộn, hạch toán lại thì bị âm vào vốn mất khá nhiều. Hắn lại quyết định phải chuyển hướng khác.

Sau này nghĩ lại, bản thân tôi thấy mình cũng vô ý quá- ít nhất cũng đã chén trứng lộn ở nhà hắn vài ba lần. Thì cũng nghĩ đơn giản như vợ hắn nói: “Của nhà trồng được” mà. Có ngờ đâu, đâu phải chỉ mình mình như vậy, còn bao nhiêu đối tượng khác nữa chứ, và có cả những đối tượng rất tích cực đến để được ăn ghé nữa. Tích tiểu thành đại, thằng bạn mình âm là cái chắc.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét