Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

THÀY ... SỐ- 4

      Để làm được một ngôi nhà trong điều kiện của hắn những năm đó thực ra không hề đơn giản bởi thu nhập của vợ chồng hắn chỉ tạm đủ nuôi con, có dư cũng chỉ dư chút ít nếu thật là tằn tiện. Vì vậy, điểm mấu chốt trong cái ké hoạch ấy là phát huy cao độ sức lực của mình, càng ít phải mua càng tốt, đại khái là “tăng xin giảm mua, tích cực lao động”.
Trong các thứ vật liệu dựng nhà thì cái đầu tiên và tốn kém nhất là gạch, sau đó là ngói, tre gỗ, xi- măng, cửa giả. Ngói và xi măng thì buộc phải mua rồi (không làm được, chứ nếu làm được chắc hắn cũng sẽ làm). Cây que xin đằng nhà vợ trong làng Ngái. Làng Ngái có tiếng nhiều tre pheo nên chắc cũng xin được vài chục. Thợ thuyền thì lão anh vợ có thể giúp một tay, kéo thêm vài an hem nữa cũng đủ dựng được nhà.. Tóm lại, khoản nặng nề nhất trong kế hoạch làm nhà của hắn là gạch xây.. Tiền để mua gạch nung thì dĩ nhiên là hắn không có nên hắn quyết định sẽ đóng gạch ba- banh để xây nhà (cho đến giờ tôi cũng không hiểu xuất xứ của tên gọi đó?).
Theo tính toán của hắn, để làm ngôi nhà 2 gian cần khoảng hơn 1000 viên (gạch ba- banh- loại gạch đóng bằng vôi+ cát, kích thước khá to, chừng 20x30x15 cm). Nếu mỗi tuần tranh thủ đóng được 50 viên thì khoảng 4 đến 5 tháng sẽ đủ gạch. Vật liệu làm gạch thì bao gồm vôi xỉ với cát, vôi xỉ thì phải mua thôi nhưng cát thì có thể tự kiếm được.
Thế là 2 cái hố vôi to đùng được đào lên và mấy tấn vôi được tống xuống đó. Tiếp theo là công việc lấy cát. Cũng may cho hắn là ở quê tôi thì cát cũng không đến nỗi khó kiếm. Hai con suối chảy ngang đường 18 chỗ cầu Ma và cầu Ngái là hai cái mỏ cát dường như vô tận (từ hồi tôi còn bé đã thấy người ta khai thác cát ở đây và cho đến giờ cũng vẫn thấy người ta moi cát ở đó lên!). Hàng ngày, sau khi xong việc đồng áng, vợ hắn lại cắp theo cái xẻng và cái rổ xảo ra đó xúc cát đổ lên bờ. Đống cát cứ to dần lên. Đến chủ nhật hắn về, hai vợ chồng lại đứa kéo, đứa đẩy vài chục chuyến xe ba gác. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, sau vài tháng đống cát ở sân nhà hắn đã ngồn ngộn lên đến vài chục khối. Lúc này, vôi tôi cũng đã ngấu. Sự nghiệp đóng gạch của viên sĩ quan huyện đội đã có thể bắt đầu.
Không biết trong chúng ta đã có ai trải nghiệm cái công việc đóng gạch ba- banh chưa, còn tôi thì cũng đã từng phải đóng khoảng 300 viên để xây cái bếp. Và cho đến giờ, mặc dù đã gần 30 năm trôi qua nhưng cái cảm giác ê ẩm của cái lưng, của đôi vai cũng như đôi chân vẫn như còn hiển hiện.

      Nói chung, tất cả các công đoạn của món này  đều hết sức nặng nhọc: từ đánh vữa, đóng gạch, lên kiêu… công đoạn nào có cái khổ của công đoạn ấy.
Trước hết là khâu đánh vữa: Gạch ba banh chính ra nó chỉ là một cục vữa để khô đi thôi mà, cho nên mác của nó là cực thấp. Vì vậy, để tăng độ cứng vững của nó người ta phải đánh vữa thật khô, sau đó khi nhồi vữa vào sẽ dùng chày giã thật lực. Có làm được như vậy các thành phần của vữa mới liên kết chặt với nhau và viên gạch mới chắc được. Chứ còn nếu đánh vữa loãng toẹt, khi đóng rất dễ dàng thì viên gạch cũng sẽ dễ dàng bị vỡ. Ấy nhưng đánh vữa khô mới thật là mệt vì không thể cào và trộn được như đánh vữa xây. Cứ phải khọm lưng mà cuốc rồi đảo từng tý một rồi đắp lên đó ủ vài ngày cho khô bớt nước đi mới đóng.
Đến công đoạn đóng thì như đã nói trên, xúc vữa đổ đầy khuôn xong dùng chày thúc, càng mạnh tay càng tốt, sau đó lấy bay hay dao gạt cho bằng. Nhưng thế chưa mệt bằng cái đoạn phải bê cái khay gạch đến vị trí phơi gạch. Để cho bền và dễ đóng, khay đóng gạch được hàn bằng thép, tấm đáy cũng bằng thép nên bản thân của nó đã nặng gần chục kg, lại thêm khối vữa ướt được lèn chặt trong đó nữa, tổng cộng chừng hơn 20 kg. Thế mà phải bê nó đến cách đó vài chục mét để phơi thì còn gì là lưng với tay nữa. Sau khi bê nó đến chỗ phơi lại phải úp cái khuôn xuống, chân dận lên tấm đáy và 2 tay nắm 2 tay nắm ở khuôn, dùng lực của cơ lưng kéo mạnh cái khuôn lên. Không đóng chặt thì gạch dễ vỡ, mà lèn chặt thì lôi được cái khuôn ra cũng tướt mồ hôi. Nói chung cái lưng quá vất vả trong công đoạn này.
Gạch đóng xong để đó phơi vài ngày sẽ khô. Đến lúc đó phải xếp lên “kiêu” để còn lấy chỗ để phơi loạt khác. Lúc này lại phải còng lưng mà bê thôi.
Nói chung là mệt! Ấy thế nhưng vẫn phải chiến đấu thôi, biết làm thế nào bây giờ.
Kế hoạch mà hắn vạch ra là: hàng tuần vợ hắn ở nhà phải tranh thủ đánh một “cối vữa” thật to rồi “ủ” vào đó (vữa vôi ủ độ vài ngày càng ngấu). Sau đó, đến chủ nhật hắn về sẽ đánh lại rồi hai vợ chồng cùng đóng gạch. Gạch đó sẽ phơi trong cả tuần, đến thứ 7 vợ hắn phải lên kiêu. Cái chu kỳ đó cứ thế mà lặp đi, lặp lại.

      (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét