Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN CÁI LÊNH ĐÊNH- 8

Có lẽ rồi cuộc đời của hắn sẽ cứ bám chặt lấy mảnh đất làng Nội quê hương nếu như không có một sự cố xảy ra. Ấy là một ngày mùa Xuân năm 1985. Lúc này vợ hắn đang có bầu đứa con thứ hai. Mặc dù bụng đã chửa vượt mặt song D. vẫn tham công tiếc việc lắm. Trời rét căm căm, mưa phùn giăng khắp trời đất mà nàng vẫn phăm phăm gánh phân ra đồng. Không may, nàng trượt chân ngã xuống ruộng. Khi được mọi người dìu về đến nhà thì nàng đã ngất đi, phải cấp cứu mãi mới tỉnh. Nhìn vợ toàn thân tím tái, hắn nghĩ rằng không thể tiếp tục thế này mãi. Hắn thề rằng sẽ phải một lần nữa “hành phương Nam” để cứu nhà.

Lúc này, anh V.- ông anh kết nghĩa của hắn đã chuyển công tác vào Sài Gòn. Anh được bổ nhiệm PGĐ của Thảo cầm viên và hai anh em vẫn giữ liên lạc với nhau. Biết ý định của hắn, V. động viên và hứa sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Ngoài ra, hắn vẫn giữ chìa khóa căn hộ số 24 trên tầng 4 cư xá Thái Bình. Một ý nghĩ hết sức ngây thơ xuất hiện trong đầu hắn là biết đâu người ta vẫn chưa phân cho ai. Nếu vậy, hắn sẽ có chỗ trú thân trong đó. Thế là hắn bán bớt một ít gạch đi lấy tiền giắt lưng và lên tàu vào SG một lần nữa.

Vào SG, nơi hắn đến đầu tiên là căn hộ số 24 của cư xá Thái Bình. Nhưng than ôi, căn hộ giờ đây đã có chủ mới. Hắn cũng chẳng dám hỏi ai phân cho họ vì hắn cũng có giấy tờ, quyết định gì đâu. Bây giờ vào đây mà nhận lại thì chẳng có căn cứ gì, lôi thôi lại ăn đòn. Chưng hửng, quay ra hắn tìm đến ông anh kết nghĩa.

Gặp nhau, tay bắt mặt mừng sau mấy năm xa cách. Hắn kể hết mọi chuyện với V. và ý định của mình. V. đồng ý với hắn là trong này dễ làm ăn hơn ngoài Bắc. Tuy nhiên, chuyển cả đại gia đình vào thành phố sẽ rất khó khăn, nhất là chỗ ở và côn ăn việc làm cho từng đấy con người. Theo anh, tốt nhất nên về nông thôn mua đất canh tác. Nhân đó, anh V. giới thiệu cho hắn một người quen ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Lên đó chơi, thấy đất đai mênh mông, phì nhiêu, cây cối cứ tốt um cả lên mặc dù chẳng phải bỏ công sức chăm bón nhiều lắm, giá lại rẻ nữa… hắn biết đây là địa bàn lý tưởng cho đại gia đình của hắn. Sau khi tham khảo giá cả, hắn điện về bảo mẹ bán hết nhà cửa, đất đai và số gạch còn lại gửi tiền vào cho hắn.

Có lẽ cũng đã rất tin tưởng vào thằng con trai cả nên bà mẹ hắn thực hiện đúng như điện của hắn gửi về. Bà bán tất cả nhà cửa, đất ở và hơn 1 vạn gạch được một cục tiền gửi qua bưu điện vào cho hắn. Nhận được tiền, hắn đi mua đất luôn. Tổng cộng, hắn mua được hơn 5 ha đất cả thổ cư lẫn canh tác.

Tháng 5.1985- một cuộc đại cách mạng đã diễn ra đối với gia đình hắn. Cả đại gia đình gồm bà mẹ, 7 đứa em trai, 2 đứa em gái cùng vợ con hắn lên tàu vào Nam. Thực ra, không phải tất cả các thành viên trong gia đình đã hoàn toàn nhất trí với quyết định đó. Tuy nhiên, hắn với sự ủng hộ tích cực của bà mẹ vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng và tất cả phải chấp hành, mặc dù chưa thật tin tưởng.

Tất nhiên, vạn sự khởi đầu nan. Những ngày đầu đặt chân đến một vùng đất lạ đối với những người chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng như mẹ hắn và các em hắn hẳn là vất vả và nhiều trăn trở. Song trời đã chẳng phụ lòng người. Đất đai miền Đông Nam Bộ mênh mông, màu mỡ, ánh nắng mặt trời thì hào phóng vô tư, cộng với đặc tính cần cù của những con người lao động và ít nhiều những kinh nghiệm hắn dã tích cóp được… ruộng rẫy nhà hắn cứ tốt bời bời. Gia đình hắn trồng đủ thứ theo cách lấy ngắn, nuôi dài, đủ cả lúa, ngô, cà phê, cây ăn quả… mà thứ gì cũng tốt. Những tấn lúa, tấn ngô đầu tiên thu được đã cho gia đính hắn thấy một tương lai no đủ đã mở ra trước mắt. Từ nay, họ không còn phải ăn bữa nay, lo bữa mai nữa. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, tất cả các thành viên trong gia đình đã hoàn toàn tin tưởng vào quyết định đúng đắn của hắn và mẹ hắn. Không khí gia đình vì thế trở nên rất phấn khởi, vui vẻ. Uy tín của hắn cũng tăng lên rõ rệt. Mà gỗ lạt, tre luồng ở đây cũng rẻ nên việc làm nhà cũng đơn giản. Chỉ hơn một năm sau, đời sống đại gia đình đã ổn định và có hướng phát triển tốt.

Tin tức bay về quê, một vài người làng vào thăm đồng thời xem xét tình hình. Mục sở thị cảnh làm ăn ở vùng đất mới, họ quay về bán nhà đi theo hắn. Chỉ vài năm sau, hơn 30 gia đình làng Nội đã quay quần ở Thống Nhất, Đồng Nai lập thành một làng Nội mới nơi đất phương Nam. Nghiễm nhiên, hắn trở thành một VIP trong cái cộng đồng đó (tôi thì bảo hắn: “Có khi sau này mày được tôn làm Thành hoàng làng đó cũng nên”).

Nhà cửa ổn định, kinh tế vững vàng, ruộng rãy đã có các em lo... Nói cho công bằng thì gia đình hắn đã thoát nghèo. Nhưng thói đời, khi đã có được cái “thực” rồi người ta lại hay nghĩ đến cái “danh”. Hắn cũng không phải là ngoại lệ. Dẫu sao, giá được làm anh cán bộ nhà nước thì dẫu có lương thấp cũng còn hơn chán vạn cái anh nông dân cổ cày vai bừa. Mà cái ăn cái ở bây giờ không còn là nỗi lo thường trực nữa. Thế là hắn quyết chí phải tìm mọi cách để vào biên chế Nhà nước.

Nhờ vào các mối quen biết, cộng với bỏ ra ít tiền chạy chọt, hắn xin được vào biên chế của xí nghiệp chế biến thực phẩm của huyện TN. Hàng ngày, rong ruổi theo các chuyến xe đi thu mua nông sản quanh huyện. Lương lậu cũng khá, lại nhàn. Thế là vừa có tiếng, vừa có miếng. Hắn phấn khởi lắm.

Nhìn chung, cho đến lúc ấy đối với hắn đã là thành công. Những mục tiêu chung cho đại gia đình và bản thân cũng đã đạt được phần lớn nên hắn phấn khởi và yên tâm làm việc lắm. Ấy thế nhưng có vẻ như số hắn vẫn chưa hết long đong thì phải. Mọi chuyện bắt đầu khi làn gió đổi mới thổi đến. Những cái xí nghiệp như của hắn đang công tác vốn sống bằng bầu sữa bao cấp, làm ăn theo kế hoạch từ trên dội xuống… không phù hợp với cơ chế thị trường nên ngày càng lụn bại, thua lỗ nặng nề. Tháng 8.88, xí nghiệp chính thức giải thể, hắn lại một lần nữa bơ vơ. Đang là một cán bộ nhà nước nay lại quay về làm anh nông dân thì hắn chẳng muốn chút nào. Đúng lúc đó, vợ hắn đã sinh đứa con thứ ba, cũng là con gái như hai chị nó nên hắn lại càng buồn và quyết tâm phải tìm con đường khác.

Cũng may, nhờ mấy năm làm cán bộ ở cái xí nghiệp ấy, hắn cũng đã có được những mối quan hệ tốt đẹp ở địa phương, quen biết cũng nhiều. Vì vậy, khi XN giải thể một thời gian, hắn xin sang làm bảo vệ cho Bệnh viện của huyện và đựoc chấp nhận ngay. Mặc dù tiếng là BV huyện nhưng đây là BV của khu vực nên cũng lớn, có đến 200 giường. Với lý lịch bản thân là bộ đội xuất ngũ, lại có quan hệ tốt nên chỉ một thời gian ngắn hắn đã được bổ nhiệm làm đội trưởng đội bảo vệ.

Không chỉ thế, năm 90 hắn còn được thăng chức Trưởng phòng Quản trị- Hậu cần của bệnh viện. Đó là một vị trí khá “oách” vì phạm vi công việc của nó. Hắn phụ trách hàng trăm con người từ bảo vệ, lao công, tạp vụ cho đến tài chính, hộ lý, nhà bếp… Hắn lại còn được phân cho một mảnh đất gần 300 m2 ngay cạnh cổng BV nữa. Nói cho công bằng, trong vụ việc này hắn có phần được ông Giám đốc- một đồng hương Hải Dương ưu ái. Tất nhiên, cũng vì hắn là người rất có trách nhiệm với công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhưng dù sao, việc bổ nhiệm hắn vào vị trí đó cũng làm cho nhiều người cay cú.

Được cấp đất rồi, hắn dựng lên một căn nhà rồi đưa vợ con ra đấy ở, còn toàn bộ ruộng vườn giao cho các em canh tác. Vốn năng nổ, lại biết tính toán nên vợ hắn không chịu ngồi không. D. nhận thầu luôn cái căng tin của bệnh viện (tất nhiên có cái uy là vợ Trưởng phòng Quản trị- Hậu cần), bán đủ thứ. Từ đồ ăn, thức uống đến đồ dùng lặt vặt phục vụ cho bệnh nhân và nhân viên trong BV. Ngoài ra, nàng còn bắt hắn xây một dãy chuồng lợn ở phía sau để chăn nuôi. Nàng nuôi lơn mát tay lắm, lúc nào trong chuồng cũng có vài chục con lợn đủ loại, đủ cỡ. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình hắn cũng khá. Có thể nói đã bắt đầu mát mặt, có của ăn của để.

Năm 1990, vợ hắn sinh đứa con thứ tư. Hắn hơi buồn vì đó lại là một nàng công chúa.

(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Bác Nguyệt ơi bác đang viết về bố Thảo con phải hông ạ?

    Trả lờiXóa