Chẳng biết tự bao giờ, hoa phượng đỏ đã thành biểu tượng mùa thi. Phượng mãi đỏ trong ký ức của bao lớp học trò, trong đó có cả những người sẽ là thày cô giáo. Đọc bài thơ Mùa hoa phượng của thày Đỗ Đình Tuân, tôi lại thấy xốn xang nhớ về những mùa hè đầy xao động thời thiếu nữ. Và tôi nhớ những giờ học văn cấp III, nhớ thày dạy Văn mà tôi hằng kính yêu.
Lớp 8D của tôi được thầy Tuân dạy môn Văn. Tôi vẫn nhớ nét chữ thày viết to trên bảng: “Văn học là nhân học” trong giờ Văn đầu tiên với bài học nhập môn. Tôi không còn nhớ vì sao thày chọn tôi vào đội tuyển Văn, chỉ nhớ những buổi học thêm mà thày dày công dạy dỗ chúng tôi. Ba cô học trò tinh nghịch: Tô Hà – Hồng Minh – Trang Kim đã tiêu tốn bao tâm sức và thời gian của thày. Ngoài những giờ học trên lớp, những buổi học thêm của đội tuyển, thày còn đưa ba chúng tôi đi nghe nhà văn Nguyễn Đình Thi nói chuyện, đưa chúng tôi sang Nam Sách đến nhà của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, đi dọc đê Bến Bình đến Vạn Kiếp rồi Côn Sơn. Dọc đường đi thày nhắc chuyện Hội nghị Diên Hồng, chuyện Trần Quốc Toản. Thày chỉ nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đóng quân… Đến Côn Sơn, khi ấy chùa Hun còn vắng vẻ thanh tịnh, thày chỉ cho chúng tôi thấy giếng Ngọc. Thày nói nhiều về Nguyễn Trãi với cuộc đời thăng trầm đầy bi tráng. Qua An Mô, thày kể sự tích đền Mẫu, đền Hóa. Cứ như thế, thày đã dẫn dắt chúng tôi từ những bài học trong trang sách bước ra cuộc đời. Tôi thêm yêu mảnh đất Chí Linh vì tình Văn – tình Người mà thày đã truyền lại.
Không biết ngày ấy, có phải thày đã phát hiện ra giọng đọc của tôi hay không mà trong những buổi học thêm của đội tuyển, thày luôn bắt tôi tập đọc diễn cảm. Có lần thày bảo tôi đọc bài “Con chị Lộc”, tôi đọc mãi mà vẫn không thể hiện được bài văn. Thày cứ lắc đầu nhưng thày cũng không sao nói cho tôi hiểu được phải đọc như thế nào. Lúc đó có lẽ tôi còn quá dại, không hiểu hết tình cảm của chị Lộc trong bài văn nên câu chữ cứ tuột đi, không cảm xúc. Sau này, khi làm truyền hình, tôi đã gặp rất nhiều thể loại văn bản. Và tôi nhận ra một điều: Chỉ khi nào thực sự hiểu và rung động với văn bản thì mới có cảm xúc để thể hiện đầy đủ tác phẩm. Mỗi khi gặp một văn bản khó, tôi lại nhớ đến cái lắc đầu của thày. Và dù không phải là một phát thanh viên chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn tự đòi hỏi mình rất cao trước mỗi văn bản. Trong công việc của mình, tôi không chỉ đọc mà còn nghe rất nhiều người khác đọc. Tôi phân biệt rất rõ giữa một giọng đọc kỹ xảo và một giọng đọc truyền cảm thực sự. Và tôi hiểu, khi ấy thày tôi yêu cầu tôi phải thật sự truyền được cảm xúc của mình đến người nghe.
Nhân ngày sinh của thày Đỗ Đình Tuân, tôi xin chia sẻ một vài kỷ niệm về những ngày được là học trò của thày, như một lời TRI ÂN với người thày đã cho tôi những bài học Văn và học làm Người.
Xin kính chúc thày mạnh khỏe và tiếp tục tỏa ấm Blog Triancuocdoi với những trang viết đầy ắp tình người. Và dẫu rằng: “Hoa phượng tiếp mùa hoa phượng/ Học trò lớp lớp sang sông/ Tung cánh bay đi khắp hướng” thì đò thày vẫn không “đậu bến không”. Bao lớp học trò sang sông, trong đó có em vẫn nhớ bến đò xưa, nhớ người chở đò đầy tâm huyết. Mong thày thật nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét