Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

NHẬN BIẾT VÀ CẢM THỤ THƠ 

Đỗ Đình Tuân

Bài 1

BÀN VỀ THƠ CON CÓC
                                     

          Muốn hiểu thế nào là thơ con cóc, trước tiên phải đọc lại mẩu chuyện về bài thơ con cóc trong kho tàng tiếu lâm Việt Nam. Mẩu chuyện ấy như sau: “Có ba ông vẫn tự đắc là mình hay thơ Nôm. Một hôm, rủ nhau đi chơi chùa, để cùng làm thơ tức cảnh. Nhưng đến chùa, không biết làm thơ gì, mới bảo nhau hãy đưa tiền cho ông tự đi mua rượu và đồ nhắm về đánh chén đã: hễ rượu vào rồi, thì tự khắc thơ sẽ ra tuồn tuột! Đồ nhắm được mua về, ba ông ngồi bắt chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ. Chợt thấy con cóc ở trong xó, nhảy ra. Một ông mới ngâm rằng:
   Con cóc trong hang,
   Con cóc nhảy ra.

Ông thứ hai  đọc tiếp:
   Con cóc nhảy ra,
   Con cóc ngồi đấy.

Ông thứ ba:
   Con cóc ngồi đấy
   Con cóc nhảy đi.

Ba ông cùng vỗ đùi, cười ồ cả lên khen rằng:
- Hay! hay! hay thật!
Cười chán rồi, một ông bảo rằng:
- Thơ ta tuyệt cú! mà ta xuất khẩu thành chương như thế thì tôi e lắm, hai Tiên sinh ạ. E rằng Thánh nhân người có dạy: ai mà linh khẩu lắm thì chẳng kẻo chết non. Vậy ta phải nên liệu trước.
Hai ông kia lấy làm phải lắm, bèn mời ông tự ra, nói hết đầu đuôi; rồi đưa tiền nhờ mua hộ ngay cho ba cỗ ván.
Ông tự cầm tiền đi mua. Một chốc đem về bốn cái áo quan. Ba ông hay thơ mới hỏi:
- Sao lại mua những bốn cái thế ?
- Thưa các Ngài, tôi mua thêm một cái để cho tôi, bởi vì tôi buồn cười quá, cũng đến chết mất.”
Thật là sâu sắc và hóm hỉnh. Ngẫm nghĩ trước câu chuyện này ta sẽ hiểu được thơ con cóc trước hết là sản phẩm của những “nhà thơ” mà đầu óc trống rỗng, không có hiểu biết gì, nhưng luôn luôn ngộ nhận về mình, tự nghĩ mình là loại “giỏi thơ Nôm”, nên họ rất  tự đắc. Rồi từ “tự đắc” đến tự tin họ mới rủ nhau ra chùa để cùng thực hành  “làm thơ tức cảnh”. Nhưng chết nỗi là cùng với đầu óc trống rỗng thì trong tâm tư của họ cũng chẳng có một “rung động” gì trước ngoại cảnh. Với họ thì có lẽ cái “tâm hồn ăn uống” mạnh hơn cái “cảm hứng làm thơ”. Cho nên khi đã ra đến chùa mà vẫn “chưa biết làm thơ gì” thì họ nghĩ ngay đến “đánh chén đã”. Họ hiểu một cách rất thô thiển rằng “ Cứ rượu vào rồi thì tự khắc thơ sẽ ra tuồn tuột”. Hình ảnh ba “nhà thơ” ngồi “bắc chân chữ ngũ, gật gù uống rượu, rung đùi nghĩ thơ” thật ra vẻ và đúng mốt. Nhưng thực ra họ cũng có nghĩ ra được cái gì đâu. Giữa lúc đó thì may thay có một con cóc từ trong xó nhảy ra cứu nguy cho họ. Cả ba “nhà thơ” như người chết đuối vớ phải bọt và họ quay ông kính hướng cả vào con cóc để chụp lấy chụp để:
Ông thứ nhất chụp được cảnh:
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Ông thư hai chụp được cảnh:
Con cóc nhảy ra
Con cóc đứng đó
Và ông thứ ba chụp được cảnh:
Con cóc đứng đó
Con cóc nhảy đi
Bài thơ tức cảnh đã hoàn thành và đúng là nó đã “ra tuồn tuột”.  Sáu câu thơ gợi ra hai bước nhảy của một con cóc rất chân thực và sinh động. Câu kết thúc của bài thơ lại là một câu thơ rất động “con cóc nhảy đi” đã khiến cho người đọc có cảm giác con cóc kia vẫn còn tiếp tục nhảy chứ chưa dừng lại cùng với bài thơ. Thơ tức cảnh như thế là rất giỏi về mặt miêu tả ngoại giới. Nhưng chết nỗi cái đó lại không phải là nhiệm vụ chính của thơ. Trong thơ “ngoại giới” chỉ là cái cớ nhà thơ mượn nó để biểu hiện cái “nội giới” của mình. Bài thơ con cóc, chẳng có cái “nội giới” cóc khô gì nên nó không phải là thơ. Ngay cả ở loại thơ gọi là thơ “hướng ngoại” hay thơ “tả thực”, “tả chân” gì đi nữa, thì cũng cứ phải “dính” ít nhiều cái “nội giới” của con người vào nó mới thành thơ được. Chẳng hạn cũng viết về con cóc nhưng dân gian lại viết “ Cóc chết bỏ nhái mồ côi / Chẫu ngồi chẫu khóc chàng ơi là chàng” thì lại là một câu thơ ghê gớm. Cả họ hàng nhà cóc, nhái chẫu chàng…đã hiện ra khóc thương nhau, nhưng vờ vĩnh quá, người chết một đằng, người khóc một nẻo. Đúng là trò thương vay khóc mướn, làm người ta phải bật cười. Nó không còn là câu thơ tả thực thuần túy và vô cảm nữa mà đã “dính” thái độ phê phán của người viết vào đấy rồi, dính cái “nội giới” của con người vào đấy rồi. Nó thành thơ là vì lẽ đó

Bài 2
ĐƯỜNG ĐẾN "QUÁN THƠ"


Trong bài “Bàn về thơ con cóc”, ta đã chạm tới vấn đề cốt lõi của thơ là phải biểu hiện “nội giới” của con người. “Nội giới” là chữ rút gọn của “thế giới nội tâm” tồn tại trong tâm hồn sâu kín của con người. Khác với “ ngoại giới” là “thế giới hiện thực  khách quan” tồn tại ở bên ngoài tâm hồn con người. Hai thế giới này cố nhiên là có quan hệ và tương tác lẫn nhau. Thế giới bên ngoài gồm có  môi trường thiên nhiên và cộng đồng xã hội. Còn cái thế giới nội tâm, người xưa từng khái quát trong “thất tình-lục dục” (bảy thứ tình cảm và sáu sự ham muốn”.
Sáu điều ham muốn của con người gồm: 1.Sắc dục: mắt thèm nhìn cái đẹp; 2. Thính dục: tai thèm nghe những âm thanh êm ái; 3. Hương dục: mũi thèm ngửi những mùi thơm tho; 4. Vị dục: miệng thèm nhai những thức ăn ngon; 5.Xúc dục: thân xác thèm được sung sướng; 6. Pháp dục: ý nghĩ thèm được thỏa mãn. Còn bảy thứ tình cảm của con người thì các sách tổng kết có so le nhau một chút: 1. Phật học từ điển là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 2. Kinh lễ của nho giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ, muốn); 3.Đại thừa chân giáo là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ); Dưỡng chân tập là: hỷ, nộ, ai, lạc, ưu, khủng, kinh ( mừng, giận, buồn, vui, lo, sợ, hoảng); Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục ( mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn). Nếu cộng cả lại thì phải thành mười một thứ tình cảm. Nhưng xét ra những cái "cụ" với "khủng" và "kinh" thực ra chỉ là một bởi chúng chỉ khác nhau về mức độ chứ cũng đều là "sợ "cả. Cụ-Khủng-Kinh gộp vào là một thứ cũng không hề sai. Cho nên nói “Thất tình” cũng chỉ là một thói quen, một giáo điều, chứ đúng ra phải là “Cửu tình”(chín thứ tình cảm) mới đúng. Cụ thể gồm: hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục, ưu, cụ (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn, lo, sợ). Riêng sách “Thuyết đạo của Đức Hộ Pháp còn phân chia “thất tình” ra ở ba cấp độ tích cực và tiêu cực khác nhau để khuyên con người phát huy những tình cảm tích cực và chế ngụ những tình cảm tiêu cực. Ba thứ tình cảm thuộc loại tích cực là hỷ, ái, lạc (mừng, thương, vui). Ba thứ tình cảm này con người cần phát huy. Cố nhiên vẫn ở mức độ cần thiết cho phép. Bốn thứ tình cảm còn lại đều thuộc loại tiêu cực nhưng ở hai mức độ khác nhau. Ở mức độ trung bình có ố và dục (ghét và muốn) con người cần phải chế ngự nó ở mức độ vừa phải. Ở mực độ cao có nộ và ai (giận và buồn) thì con người phải chế ngự nó một cách mạnh mẽ.
Chưa kể trong thế giới nội tâm, ngoài phần “ý thức” mà con người tương đối kiểm soát được, còn có phần “vô thức” nữa. Mà đã là “vô thức” thì ta đâu có nhận ra nó và cũng không thể điều hành được nó. Nó nằm ở trong ta nhưng ẩn sâu nấp kín. Với rất nhiều những con người “tỉnh táo” thì cái anh chàng “vô thức” này hoàn toàn tê liệt. Nhưng ở một số người, có thể rất bình thường, thậm chí có thể hơi ngớ ngẩn, còn chập chập cheng cheng  nữa là đằng khác…Nhưng cái anh chàng “vô thức” của anh ta lại hay quẫy đạp, thỉnh thoảng nó lại “đốc chứng” vùng lên, thức dậy…Khi ấy tâm hồn anh ta sẽ rơi vào cái trạng thái “lên đồng”, “thăng hoa”. Nếu có ý thức viết anh ta dễ có khả năng “xuất khẩu thành chương”, “nhả ngọc phun châu” ra những câu thơ lạ lùng, kỳ diệu mà những người “tỉnh táo” trong chúng ta có thể mất cả đời cũng không nghĩ ra được. Nhưng những hiện tượng “trời cho” như thế thường rất ít. Đa phần những người làm thơ xưa nay thường khởi điểm từ lòng đam mê, yêu thích hoặc khắc khoải một nỗi niềm bày tỏ mà cầm bút. Rồi vừa làm vừa mầy mò tự học, tự tích lũy, làm phong phú và khôn lớn con người tinh thần của mình. Đến một mức nào đó bỗng “thành tài”. Có thể cũng trở thành những tác giả danh tiếng hẳn hoi. Trong rất nhiều những người đi con đường này tìm đến “quán thơ” cũng chỉ hiếm hoi lác đác vài người “ghé đít” được vào quán thôi chứ đâu có nhiều. Nhưng có sao đâu? Chính lúc họ đi trên đường, chính lúc họ cầm bút, họ mầy mò tự học…là niềm hạnh phúc của cuộc đời họ đấy. Nói như Trần Nhương:
Ta đắm đuối với câu thơ, bức hoạ
Cũng vớ vẩn thôi nhưng ta được là ta…
Cỏ cứ mướt chân đê ngày tháng mới
Hoa cứ tàn bạc cánh lối người qua
...
Cho nên dù có “khả năng” hay “không có khả năng” nếu yêu thơ xin cứ mạnh dạn mà cầm bút. Thơ ta bây giờ có thể mới chỉ là thơ con cóc. Nhưng biết đâu đấy sẽ có ngày nó lại thành trái ngọt hoa thơm …và đó là một khả năng  hoàn toàn thực tế. Trong CLB thơ văn Cánh Phượng có một “nữ sĩ” cách đây chừng 10 năm, thơ cô ấy viết cũng thật thà như đếm, cứ có sao nói vậy thôi. Chưa biết chọn lọc và biến hóa gì.  Câu thơ vì thế thiếu hẳn sự lung linh cần thiết. Ấy  vậy mà đến vài ba năm gần đây, cô ấy bỗng viết những bài thơ ám ảnh và rưng rưng lạ. Bài nào cũng là một bức tranh thuần túy tâm trạng đầy biến ảo và thao thiết lắm. Xin dẫn ra đây một bài cô ấy vừa mới viết:-bài Ký ức học đường:
Mượn cây bàng chiếc ô che
Xưa cùng chơi dưới lửa hè nắng chan
Xế chiều ngược bến thời gian
Mượn chùm hoa phượng sưởi làn heo may

Mượn câu lục bát cầm tay
Để tôi tìm lại những ngày ấu thơ
Sân trường tôi đứng ngẩn ngơ
Lắng nghe lớp trẻ ngây thơ học vần

Muôn bàn tay lá ân cần
Lao xao vẫy đón bước chân tôi về
Tìm trong ký ức trường quê
Chúng tôi vui học say mê một thời

Tôi đi tìm những nụ cười
Bạn tôi bỏ lại trong thời chiến tranh.

            Riêng tôi, tôi cứ tin rằng, những người chơi thơ chúng ta, ai cũng có thể làm được thơ hay cả, khiêm tốn nhất là một bài và có thể còn nhiều hơn thế, nếu chúng ta biết lắng nghe mình, biết tự trang bị cho mình một vài công cụ để sẵn sàng “chộp giật” lấy nó  khi nó vừa hé lộ trong cõi lòng sâu kín của ta.                                                                                                                                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét