Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

TRI ÂN ĐỒNG ĐỘI

Bài viết này như một nén tâm nhang của tôi với các đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến vì sự thống nhất đất nước.

Entry gồm những hình ảnh từ máy ảnh, lưu lại những địa danh mà đã được đến thắp hương tưởng niệm. Minh họa cho những tấm ảnh là những bài thơ và lời bình của nhiều tác giả mà tôi tâm đắc.

Cứ mỗi dịp 27/7 tôi lại thấy mình có lỗi. Món nợ mà tôi đã hứa với lòng mình, sau trận đánh vào Thị Xã Con Tum  6/ năm 1972. ‘’ Viết cho anh em, Cán bộ chiến sĩ C3 D10 F2 - Những người đã hy sinh trong trong trận tập kích vào Biệt khu 24 “ mà tôi chưa trả được.
 

I. NGÃ BA ĐỒNG LỘC





“Những vầng trăng Đồng Lộc” của Bình Nguyên đăng trên báo Văn nghệ Ninh Bình số 5-2006 là bài thơ mang hương vị ca dao dân ca. Bài thơ viết về mười cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh vì độc lập dân tộc ở Ngã ba Đồng Lộc - một địa danh mà người dân cả nước và không ít bạn bè quốc tế biết đến như một tượng đài chiến thắng của nhân dân Nghệ Tĩnh và cả nước.

“Những vầng trăng Đồng Lộc” có thể coi là một bó hoa tưởng nhớ mười cô gái thanh niên xung phong mà hồn phách của các chị đã hóa vào vũ trụ để thành các vần trăng ngao du theo mỗi tháng .

Mây bay Đồng Lộc trắng trời
Khói mây thấp thoáng bóng người hiện lên

Cô Giêng Hai tóc xanh mềm
Sớm ra đứng ngẩn bên thềm tiếng chim
Có gì thổn thức con tim
Trong chiêm bao cứ lặng im cất lời

Cô Tháng Ba hay trông trời
Hễ mưa là nhắc áo tơi mẹ già
Bao lần ngó bóng mây xa
Sau bom nổ giở thư nhà chuyền tay

Cô Tháng Tư hay giãi bày
Nhớ mùa chớm hạ nắng đầy sân rêu
Qua rằm vào tuổi đang yêu
Mỗi trang gấp mở bao nhiêu thẹn thùng

Cô Tháng Năm hay ngượng ngùng
Mà qua bao trận bão bùng lạ chưa
Lớn thầm trong nắng trong mưa
Biết thương từng luống cày bừa nhà nông

Cô Tháng Sáu cặp má hồng
Tóc bồ kết gội gió nồng nã thơm
Nhớ vàng sợi nắng trong rơm
Trận mưa đầu vụ bát cơm cuối mùa

Cô Tháng Bảy thích thêu thùa
Tấm khăn gửi kín bốn mùa đấy thôi
Mưa ngâu trời đất sụt sùi
Lại thương hai phía hai người xa nhau

Cô Tháng Tám mắt dao cau
Bao đêm ngồi hát sông Cầu trao duyên
Nhớ về từng trận lũ lên
Sông quê neo bóng con thuyền và ai

Cô Tháng Chín dáng mảnh mai
Câu thơ lén gửicho người chưa quen
Bao giờ... ai hẹn mà lên
Đêm đêm trăng sáng bình yên lạ thường

Cô Tháng Mười mắt như gương
Se se nắng gió bụi đường bao năm
Cứ vời trông phía xa xăm
Gặp ai cũng gửi lời thăm quê người

Cô Một Chạp miệng hay cười
Hồn nhiên chẳng sợ gió trời buốt đêm
Nhớ ai tay hái tay liềm
Chợ quê cái lạt buộc mềm mớ rau

Các cô đấy các cô đâu
Nén nhang cháy đỏ xuống màu cỏ non.

Những cái tên Xuân, Tần, Cúc…khắc vào bia đá, nhưng ở bên kia thế giới tâm linh các chị là Tháng giêng Hai , tháng ba... tháng tám. Mười vầng trăng trong thơ là chính các chị lần lượt , lặng lẽ hạ giới thắp sáng thêm niềm tin hơn vào tương lai của đất nước sau chiến tranh.
…..
Sự hóa thân vào đất trời, vào thời gian, hiển hiện dưới những cái tên Giêng Hai, Tháng Ba, Tháng Tư, … Một Chạp của các chị như trong truyện cổ tích kể về các Nàng tiên trở về trời sau khi hoàn thành công việc nơi hạ giới.

Mười cô gái thanh niên xung phong - anh hùng liệt nữ hóa thân vào vũ trụ, thiên nhiên, gió, mây, thời gian năm tháng bốn mùa, núi sông, đất đai, cánh đồng, vào những trăn trở lo toan của cuộc sống thường nhật không ngừng đổi mới, đi lên... chính là “ đắc địa “ nhất của bài thơ

Nén tâm hương của nhà thơ cầu khấn sự khôn thiêng của các chị đã khép lại bài thơ đã làm nên sự linh thiêng huyền bí.

Các cô đấy các cô đâu
Nén nhang chảy đỏ xuống màu cỏ non











II THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ






Đò lên Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"

Cuộc sống hàng ngày của mỗi con người ở dải đất miền Trung đơn giản mộc mạc như con đò trôi trên dòng Thạch Hãn, đấy là dòng đời, dòng sông thời gian.
Lê Bá Dương ví von cuộc sống như con đò, chứ không phải con thuyền. Vì hàng ngày con người miền Trung vẫn dùng sức mình đẩy con đò đi. Khi đò dọc, lúc đò ngang. Nơi nông- khó khăn thì dùng sào chống, đẩy. Nơi nước sâu-thuận dòng thì dùng mái chèo. Có nghĩa là sự vươn lên trong cuộc sống vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động của mình. Cuộc đời của người miền Trung chưa phải là con thuyền căng buồm dựa vào gió lộng. Sự vận động nhẹ nhàng đó thế mà cũng khua động đến ký ức của cuộc đời lưu giữ trong dòng sông Thạch Hãn. 

" Đò lên Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm"
 Đáy sông vẫn và mãi mãi hiện hữu bạn bè đồng đội nằm trong miền ký ức chứ không phải là mất, là khuất núi theo nghĩa tử trần trụi. Bởi vậy, anh cứ sẽ sàng nhắc những ai qua lại, ngược xuôi dòng sông Thạch Hãn dẫu có vô tình hững hờ quên thì anh sẽ nhắc: hãy gượng nhẹ mái chèo, bởi đáy sông còn đó những người còn nằm dưới lòng sông. 

Nào có ai dám quên đâu. Chỉ có điều là không muốn nói đến thôi. Nhưng lời anh nhắc đã làm cho sự hoài cảm về quá khứ quay lại. Đau đáu, tiếc thương về sự tổn thất vô bờ bến, những người bạn của anh ở lứa tuổi thanh xuân ngã xuống trong chiến tranh.
Người được nhắc, có nghĩa là người đọc bài thơ, biết thế thôi. Nỗi đau khôn nguôi và lặng lẽ giữ nó lại trong lòng mình, không dám bộc bạch cùng ai.

Với hai câu thơ kết giàu biểu cảm:
"Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
Lê Bá Dương đã thổ lộ hộ tâm tình của chúng ta rằng, cái bờ ở đây đã lớn hơn, rộng hơn hẳn cái bờ bị khuôn hẹp của một dòng sông hiện hữu. Nó là cỏ cây, là bờ cát trắng, nó là dòng chảy của con sông Thạch Hãn đã hóa vào dòng chảy tâm linh dạt dào sóng nước tuổi hai mươi. Mãi mãi nỗi mất mát của một thời đại bi hùng quá khứ ấy, không và mãi mãi không bị lãng quên. Rằng với những người đã khuất. Họ vẫn ở lại với chúng ta, họ đồng hành với chúng ta và họ vĩnh hằng tươi trẻ với lứa tuổi Hai mươi.

 Người lính từ chiến tranh trở về với mái nhà của mình rất lâu rồi, mái tóc xanh năm xưa của người lính cũng đã hoa râm. Tiếng súng nổ chiến tranh cũng đã lùi vào dĩ vãng. Thời gian trôi đi và lặng lẽ bỏ lại rất nhiều trong quá khứ. Nhưng nỗi đau mất mát về những con người trẻ tuổi vẫn còn đó, chừng nào chúng ta còn khoắc khoải nhớ tới họ. Nỗi tiếc thương về những con người trẻ tuổi bất tử đó đã vĩnh viễn hóa thân vào bài thơ LỜI GỌI BÊN SÔNG - Một bài thơ không chỉ nổi tiếng thời đại, mà hơn thế, nó còn là một bài thơ có giá trị đánh thức mọi thời đại của Lê Bá Dương.”




III NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN










Viết ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn
Bài thơ không có tiếng khóc than nức nở, không có những giọt nước mắt ngắn, dài nhưng xuyên suốt bài thơ là cảm xúc của một người em gái khi viếng mộ liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn. Tác giả đã khéo léo gắn kết cả quá khứ (viếng mộ liệt sỹ) với hiện tại (chuyện những thương binh không tàn, không phế). Khi nói về những liệt sỹ, tác giả đắn đo "không dòng nào ghi những chiến công" nhưng khi nói về những thương binh thì tác giả lại khẳng định "vẫn cho đời bao sức lực, niềm tin". Phải chăng, đó là dòng mạch chiến công chỉ có ở những người lính Cụ Hồ? Bài thơ là những lời tâm tình được chắt ra từ chính cái tâm của một thế hệ trẻ sau chiến tranh trước những hy sinh, mất mát của biết bao người con yêu, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Không có những nhịp điệu, tiết tấu cầu kỳ, không có những triết lý khúc trắc, từ câu đầu đến câu cuối là cả một mạch cảm xúc chứa chan tình người về hôm qua, hôm nay và ngày mai, biết kế thừa và phát huy truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Không kịp mua huệ, cúc, sen, hồng
Chúng tôi đến thăm các anh
Với bó hoa rừng vừa hái
Con đường đến mênh mông nắng trải
Khoảng trời xanh màu xanh bình yên.

Chiến tranh qua lâu rồi
Mặt đất đã dịu êm
Nơi các anh nằm
Rừng thay lá mới
Nghĩa trang Trường sơn lần đầu tôi tới
Cứ ngỡ ngàng như lạ như quen:
Đây những Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên...
Cùng tên các anh trên từng bia mộ
Những dòng chữ khiêm nhường bé nhỏ
Không dòng nào ghi những chiến công...

Biết hồn thiêng đã hoá núi sông
Biết công ơn đời đời tạc dạ
Sao gặp đây rồi mà xa cách quá
Khói hương mờ, nước mắt tuôn rơi
Muốn nói cùng anh bao chuyện trên đời:
Về những con đường, những nhà máy mới
Ánh điện lung linh, rừng xanh vời vợi
Những chiếc cầu bắc đến tương lai
Những con người từ hạt lúa, củ khoai
Trên đỉnh OLYMPIA đã mang
vòng nguyệt quế
Chuyện những thương binh
không "tàn", không "phế"
Vẫn cho đời bao sức lực, niềm tin
Cuộc sống còn bộn bề,vất vả, ưu phiền
Vết thương cũ khi trở trời buốt nhói
Những nỗi đau lặng thầm không thể nói
Chuyện đời thường mà đâu ít gian nan...
Chỉ tấm lòng còn mãi với thời gian
Xưa máu xương, nay mồ hôi lại đổ
Tiếng thao thức đập dồn khuôn ngực nhỏ
Lòng bồi hồi ước gì được sẻ chia...

Mai tôi về Yên Bái, ngoài kia
Xin gửi lại nén hương lòng cháy mãi
Ôi Trường Sơn, Trường Sơn xa ngái
Có một ngày tôi đã về đây....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét