Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

TIỀU ẨN THỜI NAY- 4

Hồi ấy, phong trào trồng vải đã lan rất rộng ở huyện Chí Linh. Tất cả những quả đồi trọc trước đây bỏ hoang hoặc trồng bạch đàn đã được dân trồng vải hết. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vải có nhiều khó khăn, giá cả lại thất thường. Cứ được mùa thì giá hạ. Mà cái giống này nó chín rộ chỉ trong vòng nửa tháng nên nếu tiêu thụ không nhanh thì rất khó bảo quản. Chính vì thế mới xuất hiện nghề sấy vải thành vải khô để bán dần. Món này, lúc đầu thị trường TQ rất chuộng. Vì vậy, cũng đã nhiều người xây lò sấy vải và khá lên trông thấy. Không đến nỗi “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” nhưng hắn cũng bị cuốn vào phong trào này. Thế là cái vườn nhà hắn được quy hoạch thành mấy cái lò sấy vải. Chiếc xe hồi trước chuyên chở trứng thì nay chạy vải hết chuyến này đến chuyến khác. Ở nhà thì lò than lúc nào cũng đỏ lửa, mùi khói than khét mù.

Làm được một vụ, tính ra thấy cũng có lãi tuy không nhiều lắm nhưng cũng làm cho vợ chồng hắn phấn khởi và quyết tâm hơn. Đến vụ tiếp theo, hắn quyết tâm “làm ăn nhớn”. Chẳng biết ai cố vấn cho song hắn đi vay tiền lãi cao mua mấy vườn vải liền (tức là mua từ khi vải mới ra hoa, sau này kết quả thế nào người mua tự chịu. Nếu gặp may thì lãi sẽ rất cao).

Nhưng không ai học hết chữ ngờ. Vụ đó, hắn thất thu nặng. Vải thì năng suất, sản lượng đều kém. Đã thế, không biết có phải bọn TQ chơi đểu hay không- mấy năm trước giá vải khô cao ngất ngưởng thì nay họ hạ xuống đến thảm hại, chỉ cao hơn vải tươi có chút xíu. Hy vọng dần dần giá sẽ lên, hắn găm lại mấy chục bao tải vải khô. Nhưng giá chẳng lên mà cũng chẳng ai hỏi mua cho nữa, vải để mốc cả ra. Hồi ấy, đến nhà hắn chơi thì muốn xúc bao nhiêu vải khô cũng được. Vải tươi lỗ đằng vải tươi, vải khô lỗ đằng vải khô. Hắn chính thức bị vỡ nợ với món nợ gần trăm triệu và đang hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con (Những năm đó đây là một món tiền rất lớn. Năm 93, tôi bán nhà có 9 triệu).

Không chịu nổi sức ép của các chủ nợ, lại cũng không đủ trơ lỳ trước miệng lưỡi thế gian cộng với sự thúc giục của lòng tự trọng của một người lính, hắn quyết định bán nhà trả nợ.

Ấy là sau này nghe bọn hắn nói chuyện mới biết vậy chứ thỉnh thoảng về quê, ghé thăm vợ chồng hắn vẫn thấy hai vợ chồng cười phe phé. Mà có biết cũng chẳng giúp được gì, may ra được lời động viên thôi chứ mình cũng đang rách như tổ đỉa mà.

Bán nhà, trả nợ!

Có thể nói, đó là một quyết định hết sức đau đớn của người CCB và chắc là hắn đã phải trăn trở rất nhiều trước cái quyết định đó. Cái nhà trên khu đất hơn 100 m2 đang là tổ ấm của 4 con người bây giờ đem bán được 70 triệu để trả cho những chủ nợ chính, còn anh em bà con tiếp tục xin khất. Thực tình, hồi đó tôi cũng ít về nên lúc nghe tin thấy choáng luôn. Cũng thấy buồn vì mình chẳng giúp được gì cho bạn cả. Tuy nhiên, tôi ủng hộ quyết định của hắn. Tôi biết, chính lòng tự trọng của người lính đã dẫn hắn đến cái quyết định hết sức đau đớn ấy.

Bán nhà xong, vợ dẫn hai con vào ở nhờ khu tập thể của nhà trường. Cũng may, hồi ấy hầu hết GV trường SĐ đã có nhà riêng nên khu tập thể còn dư chỗ. Lương mẹ nuôi con, còn hắn, một mình “về vườn” làm lại cuộc đời. Ở đây là về vườn theo nghĩa đen đấy. Chả là, bố mẹ hắn có nhận khoán một vườn đồi khoảng 2 ha dưới chân dãy Phượng Hoàng, hiện đã trồng được mấy chục gốc vải, còn lại vẫn là đồi trọc. Bây giờ, hắn hai tay không trở về, các cụ quyết định giao cho hắn làm kế sinh nhai. Đây chính là lý do để gọi hắn là "Tiều Ẩn thời nay". Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng cứ nhìn vào cái thực tế thì tạm gọi như vậy cũng được.

Việc đầu tiên hắn làm là dựng một cái nhà trên đỉnh đồi. Gọi là nhà cho oai chứ thực ra nó như cái chòi canh nương của đồng bào thôi, thua xa cái nhà của chị Dậu, lại tít mít trên đỉnh đồi, không đào được giếng (nếu đào chắc phải độ 30- 40 m mới có nước), không ti- vi, không điện thoại, chỉ có một cái ra- đi- ô TQ con tý cho có tiếng người.... Cũng may, quả đồi của hắn cũng không xa xóm làng lắm, có gì chỉ cần hú một tiếng thế nào cũng sẽ có người nghe thấy. Có chỗ trú thân rồi, hắn bắt đầu sự nghiệp “bới đất, lật cỏ” . Ông cựu đại úy, kỹ sư thông tin với cái cuốc chim và con dao phát trong tay ngày ngày cần mẫn chặt cây, phát cỏ, đào hốc, cuốc đất… Hắn làm mỗi ngày đến 15, 16 tiếng đồng hồ. Dường như hắn đang tự hành xác, hắn làm để cái đầu không phải nghĩ gì nữa thì phải, để đến đêm khi đặt mình xuống là ngủ được luôn.

Với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài” hắn kết hợp trồng sắn với trồng vải, trồng xoài, nhãn. Ngoài ra còn nuôi chó và nuôi gà. Đến thăm hắn hồi này, thế nào cũng được chừng 1 tiểu đội xhó mấy thế hệ ra đón chào nhiệt liệt với một dàn đồng ca rất chi là tưng bừng.

Dạo ấy, trong một lần về quê tôi lên thăm hắn. Nhìn thằng bạn gày sắt lại, nước da đen đúa… trong cái lều tạm bợ tôi liên tưởng tới những bà con dân tộc Pa Kô mà tôi từng gặp những năm ở chiến trường Trị Thiên và thấy man mác buồn. Trái lại, hắn tỏ ra bình thản và vui vẻ hay cố tỏ ra như vậy không biết, nhưng hình như là thật. Tôi bảo: “Mày làm vừa thôi. Kiểu gì cũng phải chú ý giữ gìn sức khỏe đã”. Hắn thủ thỉ: “Thì tao vẫn khỏe đấy chứ, thậm chí còn khỏe hơn hồi ở SĐ nữa. Hồi trước, trằn trọc mãi không ngủ đựoc, còn bây giờ đặt lưng xuống là ngủ liền. Hồi trước, đánh vật mãi mới được hai lưng cơm, giờ tao mỗi bữa đánh thẳng cẳng bốn bát”. Có lẽ đúng vậy, đúng là đằng sau cái vẻ ngoài đen sạm và lam lũ ấy, hắn khỏe hơn thật.

Rồi thì công sức hắn cũng được đền đáp. Sau một năm, đã có những thu hoạch đầu tiên. Ngoài sắn thì những cây vải trồng từ trước nay được chăm bón tốt cũng đã cho quả. Cứ như thế hắn tích cóp dần, cộng với sự giúp đỡ của anh em bè bạn, sau mấy năm hắn làm được 3 gian nhà nho nhỏ, lắp đặt máy bơm nước, làm cái bếp… đại khái đủ dùng cho một gia đình (tất nhiên là ở mức khiêm tốn). Có nhà rồi, xin cho vợ chuyển trường về Văn An để tập trung về một mối. Từ ngày đó, cuộc sống của hắn quy củ và đỡ tạm bợ hơn. Hàng ngày, vợ đi dạy học, trưa về qua chợ mua bán mớ rau, con cá… gì đó cho bữa ăn (gà thì nhiều nhưng ăn mãi cũng chán- vợ hắn bảo thế). Còn hắn lại tiếp tục sự nghiệp của mình. Phải nói, hắn cũng mát tay nên trồng cây gì cũng tốt, cũng sai quả. Vườn nhà hắn, ngoài sắn, vải là hai thứ cây chủ lực thì còn xoài, nhãn, mít, na mỗi loại một ít để ăn chơi.

Bây giờ, có khách đến lại thấy con vợ hắn cười phe phé, hết mời ăn sắn luộc lại mời thưởng thức món quả nào đó của vườn nhà. Nếu ở lại ăn cơm thì một vài chú gà, hoặc thậm chí một chú chó sẽ được hóa kiếp (nếu đông đông người). Lại còn khoe, từ ngày về đây em thấy khỏe ra, hết hẳn cái bệnh hen suyễn mạn tính. Cái đó thì rõ rồi, mỗi ngày cứ trèo lên trèo xuống quả đồi ấy một lần thì cũng bằng vài ba vòng chạy quanh hồ HK, làm gì chả khỏe.

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét