Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

THÀY ...SỐ- 1


Làng Chi Ngại, xã Cộng Hòa, Chí Linh, HD là một làng quê khá nổi tiếng (không tin bạn thử vào hỏi bác Gúc mà xem). Sở dĩ làng đó nổi tiếng vì nó là quê hương bản quán của AHDT- DNVH thế giới Nguyễn Trãi. Làng có có tên Nôm là làng Ngái và đi vào dân gian quanh vùng với câu: “Trai làng Ngái, gái làng Sui” (hay làng Thiên cũng được, đó là 2 làng mà các cô gái rất xinh, còn trai làng Ngái thì thường khá phương phi, cao lớn, ngang tàng và hay đánh nhau). Đó là một làng cổ, thuần nông, nằm trải dài theo chân dãy núi Đồn như một con chim đại bàng đang sải cánh, chiều dài của nó phải đến hơn 2 km.       Dân làng Ngái rất tự hào về cái làng mình, nhất là từ khi Nguyễn Trãi được UNESCO vinh danh.
          Nằm cạnh làng Ngái, bám vào quốc lộ 18 là một dãy phố nhỏ cũng được gọi là phố Ngái. Về mặt hành chính, phố Ngái từ xưa luôn được coi là một bộ phận (một xóm) của thôn Chi Ngại, có lúc còn mang tên phố Hòa Bình (chẳng biết xuất sứ từ đâu, có lẽ tên đó hình thành vào quãng hòa bình lập lại trên miền Bắc). Ở đây có một cái chợ khá lớn từ hồi KC chống Pháp vì là đầu mối giao lưu giữa vùng núi rừng phía bắc với miền đồng bằng phía đông nam. Người phố Ngái đa số từ các nơi khác nhau về quần cư tại đây với nghề nghiệp là “bán nông, bán thương”, nghĩa là có một số làm ruộng, còn lại số ở mặt đường thì buôn bán và làm một số nghề thủ công như thợ may, thợ rèn, sửa chữa xe đạp v.v… Dưới thời PK, dân phố Ngái bị coi là dân ngụ cư và bị dân chính gốc làng Ngái coi thường như một lẽ đương nhiên. Đến thời VNDCCH, nhất là thời cải tạo XHCN thì dân phố Ngái đa số thuộc thành phần tiểu thương, tiểu thủ công nghiệp… nên vẫn bị người làng Ngái nhìn với con mắt khinh khi- thành phần không cơ bản. 



          Dẫu vậy, phố Ngái đã có thời rất ầm uất và nổi lên như một trung tâm kinh tế của khu vực vì có cái chợ to nhất huyện, có kho lương thực trung tâm, có cửa hàng bách hóa tổng hợp lớn của công ty cấp 3, có hiệu sách nhân dân, phòng thuế v.v… Rất tiếc, khi chiến tranh phá hoại nổ ra, chợ Ngái phải sơ tán rồi dần dần mất chợ. Lại do thị trấn Sao Đỏ mở ra, trở thành trung tâm huyện nên phố Ngái mất dần vị thế. Đến đầu những năm 70 nó mất hẳn vẻ sầm uất, chỉ còn lèo tèo vài chục gia đình làm những nghề vặt vãnh.. trông thật buồn. Tôi với hắn cùng lớn lên ở cái phố nhỏ đó (tôi ở đó từ 1 tuổi). Ông già tôi làm thợ may, còn ông già hắn làm nghề thợ rèn. Hai nhà cách nhau chừng vài chục mét. Cùng là cảnh cơm hàng, gạo chợ nên hoàn cảnh hai nhà cũng na ná nhau, không giàu cũng chẳng nghèo. Khi cải tạo công thương nghiệp, một HTX thủ công được thành lập, quy tụ tất cả các loại thợ thủ công trên địa bàn xã và mang tên HTX Tiến Lợi thì ông già tôi tham gia Ban quản trị, ông già hắn là xã viên. Gọi là HTX nhưng thực ra việc ai nấy làm, ủy viên BQT cũng chẳng có lương lậu gì cả.

5.2- Tôi với hắn phải nói là có khá nhiều cái cùng: cùng quê- dĩ nhiên rồi bởi tôi đã coi đó là quê hương của mình. Chúng tôi cùng trà lứa nên cùng được gia đình gửi học vỡ lòng với thày Ân, một thày giáo “bình dân học vụ” từ hồi CMT8. Thày Ân có bộ râu dài, trông hơi giống Cụ Hồ. Trong nhà thày có một tấm ảnh Cụ Hồ ký tặng “chiến sĩ diệt dốt”. Thày tự hào về phần thưởng này lắm. Tuy nhiên, tôi cũng không hiểu sao lại đi học lớp 1 trước hắn và từ đó về sau thì hắn học dưới tôi 1 lớp (Hình như hôm nhập học vào lớp 1 hắn đánh nhau và bị đuổi về thì phải). Chúng tôi lại cùng hội “bế em”: nhà tôi có 3 đứa em, hắn cũng 3 đứa nên cứ hết bế đứa này lại đến bế đứa khác. Thế rồi khi lên cấp 3 lại cùng đội bóng và đến lúc đi bộ đội lại cùng đi với nhau.
          Về chuyện hắn đi học sau tôi có lẽ không phải vì hắn dốt mà có lẽ do hắn quá nghịch ngợm thì phải. Chứ còn hắn vốn là một tên thông minh và láu cá. Suốt thời học phổ thông, hắn luôn là một học sinh giỏi Toán vào loại đứng đầu khối. Cùng có một đam mê là học Toán nên dù hơn kém nhau một lớp song chúng tôi vẫn hay trao đổi với nhau về bài vở, kiếm được bài toán hay lại cùng nhau giải và bàn luận. Hồi đó, sách vở đâu có nhiều như bây giờ. Thỉnh thoảng vớ được tờ báo “Toán học và tuổi trẻ” quý như vớ được vàng. Còn các bài tập khó chỉ do các thày cho chép mà thôi. Theo đánh giá của tôi, hắn có một bộ óc thông minh, khả năng tư duy lô- gíc và suy luận rất cừ khôi. Những bài toán khó thông thường theo bài bản người ta giải bằng cách lập phương trình hoặc vận dụng các định lý, tiên đề này nọ… thì hắn cứ suy luận theo kiểu số học thôi, đại loại là nếu cái ấy thế này thì cái kia thế kia, loanh quanh một hồi rồi cũng ra kết quả. Chẳng hạn bài toán “vừa gà vừa chó…” hắn lý luận thế này: “Giả sử mỗi con gà cũng có 4 chân thì số chân của chúng sẽ là 36x4= 144. Vậy đích thị 44 là số chân thừa ra của bọn gà nên chắc chắn số gà là 22 và số chó là 14”. Vụ này bây giờ đầy sách tham khảo người ta bày cho trẻ con rồi nhưng những năm 60 tự nghĩ ra được thế không phải ai cũng làm được.  Với đầu óc ấy, nếu được học hành tử tế thì ít nhiều cũng làm nên một cái gì đó. Chả thế, năm 95- khi tôi vào thăm thày Cảnh vốn làm chủ nhiệm lớp hắn hồi cấp 3 đang sống ở Nha Trang thì HS duy nhất trong lớp thày chủ nhiệm mà thày nhớ là hắn. Còn bọn học cùng lớp thì suy tôn hắn là "thày số...học".
          Hắn học được nhưng cũng cực kỳ nghịch ngợm. Đá bóng thì băm bổ, theo đúng phong cách “chém đinh, chặt sắt” của con nhà thợ rèn. Hắn không to nhưng người rắn chắc, chắc là do được tôi luyện qua những năm tháng phụ bố quai búa lò rèn nên thằng nào lớ ngớ xông vào hắn phang cho sưng chân ngay, cái cùi chỏ của hắn vừa nhọn vừa cứng và tôi cũng đã có lần được thử.
          Không chỉ học giỏi, hắn chơi cờ cũng được. Ngày ấy, cái hiên rộng của phòng thuế phố tôi thường là nơi giao đấu cờ tướng của các cao nhân mỗi khi chiều về. Trong đám đó, chú Hôi- người Quảng Ngãi tập kết nổi lên như một ngôi sao. Ấy thế mà có lần đã bị thằng trẻ ranh vắt mũi chưa sạch là hắn đánh bại. Chú cay mũi lắm nhưng không dám tái đấu vì biết chắc mình thua.
          Học giỏi, đá bóng được, lại nghịch ngợm nên hắn cũng… yêu khá sớm. Trong khi mặc dù học trên hắn mà tôi vẫn lớ ngớ chưa có mảnh tình vắt vai thì hắn cũng đã kịp có mấy mối tình trước khi đi bộ đội, trong đó cuối cùng và sâu nặng nhất là KTT- một hoa khôi của trường, cùng lớp với hắn. Nói chung ở TC3 CL hồi đó, KTT nổi lên như một ngôi sao. Em nó vừa xinh, lại học giỏi Văn, lại thông minh, khéo léo nên hai đứa kết với nhau thật là “một cặp trời sinh”.  

       (Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét