Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI


BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN CÁI LÊNH ĐÊNH- KỲ CUỐI

Nhưng hình như kiếp nạn của hắn chưa hết. Vừa mới lên chức chưa được bao lâu thì hắn lại bị giáng chức xuống làm đội trưởng bảo vệ như cũ. Vụ này, không phải do hắn có khuyết điểm gì mà do có sự đấu đá nhau trong BGĐ bệnh viện. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Ông giám đốc đồng hương bị mất chức, phải chuyển đi. Ban GĐ mới lên, lấy cớ sắp xếp lại tổ chức và hắn đương nhiên bị sờ đến đầu tiên. Những lý do đưa ra thì vô cùng hợp lý: nào là không có bằng cấp, nào là không phải đảng viên, rồi thì vừa mới vào biên chế được có mấy năm v.v.. Đó là năm 1993.

Đang có quyền, có thu nhập nay quay về cái vị trí đầu binh, cuối cán hắn đâm chán. Ngoài ra, mất chức trưởng phòng nên vị thế của hắn và vợ hắn yếu đi, không giữ được quyền thầu cái căng- tin nữa. Với vợ hắn thì không sao cả. Không thầu căng tin thì D. mở hàng bán tại nhà, cũng đông khách chẳng kém, lại có điều kiện chăm lo đàn lợn hơn. Nhưng với hắn thì đó là một sự hụt hẫng lớn. Hắn cảm thấy không còn mặt mũi nào mà ở lại đó nữa (cái cục “sĩ” của hắn càng ngày càng to thì phải?).

Thấy đàn lợn của vợ mình thỉnh thoảng bị ốm đau cứ phải mời hội bác sỹ thú y đến, hắn quan sát xem ra bọn này kiếm tiền cũng dễ và trách nhiệm cũng không nặng nề. Chích một phát, cho uống vài viên thuốc… xong bảo bao nhiêu là gia chủ móc tiền ra trả bấy nhiêu mà chẳng cần biết người ta tiêm thuốc gì, cho uống thuốc gì. Lại nữa, chữa bệnh cho người sơ xuất một tý là bị kiện lên kiện xuống, còn chữa bệnh cho lợn thì dẫu sau đó nó có chết lăn quay ra đấy cũng chẳng sao, có khi lại còn được mời đánh chén nữa. Thế là hắn quyết chí theo nghề thú y, ít nhất là để chăm sóc cho đàn lợn của nhà mình và anh em mình đã. Hơn nữa, Đồng Nai là vùng đất của nông nghiệp sản xuất lớn, rất nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã mọc lên ở đây. Ngoài ra, chăn nuôi gia đình cũng rất phát triển với quy mô kha khá. Vì vậy, nếu giỏi nghề thú ý cũng sẽ kiếm ăn được. Vào lúc đó, có thể nói đó là một quyết định rất có lý của hắn. Hắn đâm đơn xin nghỉ không lương để đi học Thú y. Đương nhiên là BGĐ đồng ý ngay lập tức vì có một chỗ trống để họ tuyển người, cái chân đội trưởng bảo vệ tuy bé nhưng cũng khối thằng thèm. BGĐ vừa chấp thuận một cái là hắn khăn gói lên Trường TC Nông nghiệp Đồng Nai theo học luôn.

Sau 2 năm đèn sách, cuối cùng hắn cũng có cái bằng Trung cấp Thú y và tấp tểnh hành nghề.

Nhưng như người ta thường nói: “Học thì dễ, Hành mới khó”. Cái bằng trung cấp mới toanh của hắn không thể cạnh tranh với đội ngũ bác sỹ thú y đông như ruồi ở cái vùng đất ấy. Vả lại, tay nghề còn non, kinh nghiệm còn ít nên hắn cũng thiếu tự tin. Khám bệnh cho người còn hỏi được bệnh nhân xem đau ở đâu, trong người thấy thế nào v.v… Còn khám cái lũ này phải rất có kinh nghiệm mới được. Vừa ra trường, làm gì có kinh nghiệm nên hắn thiếu tự tin cũng là chuyện thường tình. Thế là hắn đành ở nhà chuyên tâm phụ việc cho vợ bán hàng, nuôi lợn và tích lũy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, được vài tháng thì hắn thật sự chán cái cảnh bị vợ sai khiến, lại suốt ngày tù túng, bó chân bó cẳng ở nhà. Lại thấy nhà mình nuôi lợn nái mà cứ đến kỳ động dục lại phải đi nhờ cậy bọn thú y đến thụ tinh cho, hắn quyết định mua một con heo nọc (lợn đực giống) vè nuôi. Có kiến thức về thú ý, có kinh nghiệm nuôi lợn nên hắn chọn được một con heo nọc đẹp lắm, vừa to, vừa khỏe. Tuy nhiên, một con heo nọc này mà chỉ phục vụ cho 5 mụ heo nái của nhà thì quá phí phạm, không hết công suất. Tính đi, tính lại, hắn quyết định sẽ đi “thả nọc” (phối giống) rong. Dù sao, hắn cũng có chuyên môn về thú y mà nên động tác rất thành thạo. Còn cái nghề này tuy hơi “chướng” một tý nhưng thu nhập cũng khá.

Thế là hắn sắm một chiếc xe ba gác loại tốt (bánh hơi, có cả nhíp xe), trên đó lắp một cái cũi sắt có cửa khóa cẩn thận. Xe này được nối vào yên sau chiếc xe Cub 82 như một chiếc rơ- mooc (yên xe 82 cũng phải lắp thêm một cái ngõng trục để cố định). Hàng ngày, hắn lùa con heo nọc lên xe rồi chụp cái mũ phớt lên đầu, đeo lên mắt đôi kính đen và lên đường. Lúc đầu thì hắn còn ngượng nhưng rồi cũng quen dần, lại thấy khoái nữa chứ.

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, con heo nọc của hắn to khỏe lắm, phải cỡ gần 3 tạ. Các cơ quan đoàn thể thì cái nào ra cái ấy. Hay tại bởi “người làm sao, của hao hao làm vậy” như các cụ nói không biết? Nó thật sự là “người hùng” trong lĩnh vực này và hắn nhanh chóng trở nên đắt hàng. “Công cụ sản xuất” của hắn nổi tiếng trong phạm vi toàn huyện và lan sang cả vùng bên cạnh. Bây giờ, hắn không phải chở đi rao nữa mà chỉ ngồi nhà nhận điện thoại rồi lên lịch xếp kế hoạch làm việc. Đến hẹn, hắn chở công cụ đến đúng địa điểm. Phục vụ xong, thu tiền rồi lại chở công cụ về nhà. Thu nhập cứ đều như vắt chanh. Song công việc “thả nọc” của hắn càng tấn tới thì cũng là lúc nảy sinh lắm chuyện phức tạp trong gia đình.

Năm 98, tôi và thằng M. công an cùng vào công tác trong đó. Khi 2 thằng tôi xuống nhà hắn thì đã thấy nhà được ngăn đôi (mặt tiền nhà hắn khá rộng, tầm 10 mét nên đã làm thành 2 khuôn, thông với nhau bằng một ô cửa, bây giờ hắn chỉ ngăn cái cửa ấy lại thôi là thành một căn hộ riêng). Hắn lại sắm sửa đủ một bộ bếp, trạn bát… và tuyên bố sẽ ăn riêng. Sắm sửa như vậy chứ thực ra hắn có nấu nướng và ăn ở nhà mẫy đâu. Đi “làm” thì gặp đâu, ăn đấy, còn tối về thì bù khú bạn bè ngoài mấy quán bia.

Là đồng hương cùng xã với nhau, D. lại cùng học với chú em thứ hai của tôi nên nàng quý và tin tôi lắm, tôi cũng coi nàng như em gái. Thấy tình hình gia đình bạn thân và cô em gái như vậy, bọn tôi quyết ra tay. Tôi và M. túm cô em đồng hưong lại gạn hỏi. Theo như vợ hắn cho biết thì hắn không chỉ cho heo đi “thả nọc” mà chính hắn cũng “thả nọc” cho một số bà chủ. Về nhà, vợ nói thì chối băng, lại còn sắm sửa các thứ rồi ngăn nhà ra ở riêng, đang đòi “ai đi đường nấy”. Thế nhưng hỏi kỹ là quan hệ với ai thì nàng ngắc ngứ, bảo em nghe họ đồn rầm lên thế.

Chúng tôi lại túm lấy hắn để tra hỏi thì hắn bảo D. toàn nghe tin đồn rồi về ghen lấy, ghen để (chẳng biết hắn có nói thật không?). Tức mình thì hắn làm thế này để “dọa” nàng thôi chứ không có ý định ly hôn. Kể ra, một thằng trai Bắc, trắng trẻo, đẹp trai, cái miệng lại dẻo quẹo.. như hắn lại đi làm cái nghề này thì cũng khó tránh khỏi điều tiếng. Vì vậy, bọn tôi cũng chẳng truy hỏi sâu thêm về sự thật (mà chắc đếch gì hắn đã nói thật) và chỉ góp ý với hắn là nên chuyển hướng, bỏ cái nghề ấy đi. Trên TPHCM chúng tôi cũng có một thằng bạn có xưởng sản xuất thuốc thú ý, nếu hai thằng cộng tác được với nhau thì tốt. Còn chuyện nhà, giải quyết như hắn là không ổn. Hắn nghe ra và cơ bản nhất trí với chúng tôi.

Thằng M. vốn thẳng ruột ngựa nên giật đổ luôn cái trạn, đạp đổ bức vách ngăn cái cửa thông hai phòng rồi xách cái bếp ga vứt về bếp cũ. Tối hôm ấy, chúng tôi bắt cả nhà ăn cơm chung và sau đó mọi chuyện cũng xuôi. Hắn bỏ nghề chăn heo nọc, lên SG làm với bạn một thời gian sau đó về mở cửa hàng bán thuốc thú y riêng kiêm tiêm chích, chữa bệnh cho gia súc. Hiện nay, hắn đã huấn luyện cho vợ đứng được ở một cửa hàng, còn hắn đi sâu vào gần hồ Trị An mở một cửa hàng khác. Nói chung, tay nghề của hắn được phát huy và các cửa hàng khá đắt hàng. Một điều nữa làm hắn rất phấn khởi là sau 4 nàng công chúa, D. đã hạ sinh cho hắn một chàng hoàng tử. Vốn khát những thứ mà mình không có, hắn đặt tên con là Quyền.

Có vẻ như cuộc đời của hắn đã đến bến đỗ bình yên rồi thì phải.

Giữ lời hứa với tôi, hắn giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè. Hắn cũng trở thành một thành viên tích cực trong nhóm bạn học đang ở phía Nam. Năm 2001, lần đầu tiên hắn về dự Hội khóa kỷ niệm 30 năm ra trường. Nhóm bạn bè phía Nam bọn hắn mang ra bộ tranh khảm trai “Vinh quy bái tổ” tặng nhà trường như một lời báo cáo thành tích. Nhìn hắn phổng phao, tươi hơn hớn giữa bạn bè tôi hiểu hắn đã xóa được cái mặc cảm vốn đã hằn sâu trong đầu mấy chục năm.

Tháng 5 vừa rồi, chúng tôi kỷ niệm 40 năm tốt nghiệp. Cả nhóm phía Nam có mình hắn ra được. Vượt gần 2000 km ra gặp thày cô, bạn bè ấy thế mà khi được giới thiệu lên phát biểu hắn lại nghẹn ngào không nói lên lời, mặc dù bài thơ tặng thày cô và các bạn đã được học thuộc từ ở nhà.

Không chỉ vậy, năm 2008 hắn còn tìm được địa chỉ của TH- người con gái một cán bộ miền Nam tập kết năm xưa hắn đã gặp ở Bến Bình, xin địa chỉ quê em nó để vào chiến trường sẽ tìm đến. Như đã nói, khi hắn vào chiến trường lại ở đúng đơn vị của bố TH. Thế rồi, thời gian trôi qua, cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã làm cho hắn quên đi nhiều thứ, trong đó có cả địa chỉ của cô bé học dưới 2 lớp kia. Nhưng rồi sự dun dủi của số phận đã cho hắn tìm lại được em. Hắn đã đến Nha Trang- nơi gia đình TH đang sống. Chỉ tiếc, cụ thân sinh ra em, người chính ủy trung đoàn của hắn đã mất. Nhưng dù sao hắn cũng được an ủi là đã đến được tận quê em, thắp cho ba em- người thủ trưởng cũ của mình một nén nhang. Tháng 7 năm ngoái, hắn cũng từ phía Nam ra để họp mặt cùng hội chúng tôi ở Tuy Hòa, Nha Trang. Âu cũng là một cái kết có hậu.

Trước khi bay về Nam, hắn lên nhà tôi một ngày đêm. Lúc đầu, tôi cũng định hô bạn bè đến off nhưng sau đó thấy hắn đã thấm mệt, vả lại cũng muốn chuyện trò nhiều hơn để có chuyện kể mọi người nghe nên thôi.

Nằm bên nhau, khi tôi bảo hắn “Tổng kết” những cái được, cái mất của đời mình và có gì nuối tiếc hay không thì hắn cười: “Hắn mất cũng nhiều nhưng được cũng nhiều. Tất nhiên, cuộc đời cũng vùi dập hắn không thương tiếc song bằng nỗ lực bản thân, với sự giúp đỡ của anh em bạn bè hắn đã vươn lên được, đã đổi đời cho cái đại gia đình nghèo nhất làng Nội. Cái được lớn nhất của hắn bây giờ là gia đình êm ấm, con cái khỏe mạnh (trừ 2 đứa vợ hắn mang thai ngoài Bắc thì hơi thấp, từ đứa thứ ba trở đi đều cao trên 1,7 mét), học hành tử tế, anh em, bạn bè, đồng đội… thì quý mến. Thế là hắn được quá nhiều rồi”. Có điều lạ, sau bao sóng dập mưa dồi, lên voi xuống chó như thế mà hắn vẫn giữ được bản mặt hồn nhiên như thời còn trẻ, và đã xấp xỉ sáu chục cái xuân xanh mà tóc hắn vấn đen nhánh, chẳng có sợi bạc nào.

Không nói ra nhưng tôi thật sự khâm phục cái khát vọng đổi đời, cái ý chí vươn lên đầy bất khuất của hắn. Cũng định để dành tư liệu viết một cuốn sách với hắn là nguyên mẫu song cũng biết là chẳng nhà XB nào nó in cho. Giá như hắn là một VIP nào đó, chắc chắn sẽ có một cuốn sách “Từ cậu bé … trở thành …”. Nhưng biết đâu đấy!

Và hắn đó- chắc mọi người đều biết!

1 nhận xét:

  1. Chàng trai khôi ngô tuấn tú này có vẻ bề ngoài đánh lừa người khác. Thì ra đúng là chìm nổi lênh đênh. Vậy mà đến giờ anh vẫn tươi hơn hớn, còn tự hào hơn hẳn Nguyệt, Mơ về thành tích chạy việt dã...
    Cái sự sướng khổ ở đời thật khó nhìn ngoài mặt mà biết được. Mong rằng khổ tận cam lai, anh sẽ được nhàn nhã như anh hằng mong ước.

    Trả lờiXóa