LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI
Đỗ Đình Tuânphần mười
Hương vị làng quê
Tôi không còn nhớ được hương vị sữa mẹ. Nhưng tôi chắc là hương vị sữa mẹ phải thơm ngon và đặc biệt lắm. Bởi cứ trông những đứa trẻ khi đói mà thấy bầu sữa mẹ là nó ngoạm vào ngay rồi mút lấy mút để. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy ngừng một nhịp để lấy hơi: “ử…”. Một tay nó mân mê cái đầu vú bên kia và đôi mắt thì trìu mến nhìn mẹ ra chiều biết ơn lắm. Vơi bầu này nó lập tức ngoạm sang bầu bên kia. Chỉ đến khi đã no nê cái bụng, nó mới nhả vú quay ra, toe toét cười .Viên mãn lắm. Nhưng chẳng một đứa trẻ nào giữ được cái cảm giác ấy cho đến lúc trưởng thành. Có lẽ khi chưa có ngôn ngữ, chưa biết nói thì cảm giác cũng chưa có túi đựng, nó cứ tràn trề trong tâm tư rồi lẫn vào trong vô thức? Nhưng tôi còn nhớ được hai thứ hương vị gắn liền với người mẹ. Thứ nhất đó là mùi bánh khúc. Vào một ngày xuân, ngoài trời lác đác mưa, tôi vừa mới ngủ dậy thì đã thấy mẹ tôi đang ngồi bên một cái chõ nghi ngút bốc hơi xới xới đánh đánh một thứ gì đó. Cả mấy gian nhà ngang xực nức một mùi xôi lạ. Mẹ tôi đưa cho tôi một cái bánh trông giống như cái lưỡi lợn xung quanh dính đầy những hạt xôi và bảo rằng đó là bánh khúc. Tôi ăn và cảm thấy cái dẻo dẻo của bột nếp, dai dai của rau khúc và một mùi thơm tổng hợp của xôi nếp và rau khúc. Loại bánh khúc mẹ tôi làm chắc là chế biến còn thô sơ. Chỉ ngào bột nếp lẫn vào với rau khúc, nặn thành bánh, xếp vào chõ, lớp gạo, lớp bánh rồi đem đồ chín. Nhưng chính sự chế biến thô sơ ấy lại làm cho cái hương vị của bánh khúc có vẻ đậm đà và đặc trưng hơn. Sau này khi lớn lên, cứ mỗi lần thấy mưa xuân lác đác hay nghe dì Khiêm hát những câu hát buồn: “Buồn về một nỗi tháng giêng / Bánh chưng chấm mật nằm nghiêng thở dài / Buồn về một nỗi tháng hai / Mưa xuân lác đác hoa nhài nở ra…”, là tôi lại nhớ đến hương vị bánh khúc. Nhưng dì Khiêm không thấy làm bánh khúc bao giờ. Mà ở ngoài đời bánh khúc cũng là một thứ ít gặp. Cho nên cứ ở đâu nghe thấy có bánh khúc và vào những lúc đang có tiền là thể nào tôi cũng nếm thử. Nhưng bánh khúc người đời làm khác. Tôi không thấy có rau khúc mà chỉ thấy một thứ bột mầu xanh xanh có mùi rau khúc. Chắc là họ đã xay nhuyễn rau khúc ra hay chỉ vắt lấy nước rau khúc rồi đem ngào bột. Họ cũng không nặn dài dài như lưỡi lợn mà lại nặn tròn tròn như quả bóng bàn và bên trong còn có cả nhân đỗ mỡ với hành nữa. Ăn bánh khúc họ làm tôi thấy hương vị của nó gần với bánh hấp hơn, chứ ít cái hương vị đặc trưng như bánh khúc như mẹ tôi làm.
Thứ hai là hương vị của mốc tương. Lần ấy nhà tôi đã có ngôi nhà năm gian kẻ truyền chồng chóp rồi. Ba gian giữa cửa bức bàn và hai gian buồng ổ khóa hai bên. Nhà lại đang có một tốp thợ nề lát sân gạch. Tôi chỉ được quanh quẩn chơi ở trên hiên quãng giữa hai cửa buồng chứ không được xuống sân. Cứ đến gần phía buồng mẹ tôi là lại thấy mùi mốc tương ngọt ngào sực nức. Tôi thèm, thỉnh thoảng cũng ấm ích đòi bố. Nhưng bố tôi đang hí húi bên tốp thợ ngoài sân chỉ quay vào gắt: “ Đòi gì? Không được!”. Mãi đến khi mẹ tôi đi chợ về, thấy bà cụ quẩy quang thúng vào bếp là tôi chạy xuống theo ngay. Tôi vừa mới đến cửa ngách buồng xuống bếp thì bà cụ cũng vừa quay lên. Tôi bám váy và chỉ lên nong mốc tương ấm ích. Bà cụ hiểu ý, vội vào nắm một nắm chim chim và đưa cho tôi. Chao ôi, sao nó mềm nhuyễn và ngọt lạ. Mốc tương thì năm nào chẳng có và năm nào tôi cũng đều nếm thử nhưng cứ thấy nó khô khô chua chua chứ không tìm lại được cái mềm nhuyễn của nắm mốc tương cũ nữa.
Tương là một thứ nước chấm rất phổ biến ở làng quê. “Tương cà gia bản” mà. Ở làng tôi cà chỉ ăn mùa, ăn vụ. Hình như không có nhà nào có vại cà nén để ăn quanh năm như một số vùng làng quê khác. Nhưng tương thì nhà nào, năm nào cũng làm. Kỹ thuật làm tương cũng hơi phức tạp. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố: rang đỗ , ngâm nước đỗ, thổi xôi và ủ mộc tương…Tất cả các khâu ấy đều phải đạt một chuẩn nhất định thì tương mới ngon. Còn không thì phi chứng nọ cũng tật kia: hoặc chua, hoặc tức. Thành thử tuy nhà nào, năm nào cũng làm tương nhưng ít nhà làm được tương thật ngon. Tương làng tôi chủ yếu dùng để chấm rau muống luộc và kho cá. Thứ rau muống làng tôi ưa dùng là rau muống trắng, cấy ruộng. Rau muống đỏ người làng tôi chê nó cứng và chát. Người làng khác lại khen là bùi và đậm. Rau muống bè người làng tôi lại chê là nồng nên cũng ít dùng. Người làng tôi hầu như nhà nào cũng cấy một bạt rau muống trắng. Giữa bạt rau muống thể nào cũng phải có một khóm rau ngổ. Người làng tôi xem rau ngổ như một thứ rau thơm ăn cùng với rau muống luộc. Có người thì để ăn sống, có người thì cho vào luộc chín cùng với rau muống. Nhưng dù ăn sống hay luộc chín, đều phải ngắt bớt cái nõn non đi để cho khỏi đắng. Ngày ấy chưa có phân đạm u rê. Giống rau muống ưa nhất là khoản “tro đái”. Mùa cấy rau muống nhà nào cũng thường có một thúng tro bếp để đi tiểu tiện vào. Đến khi thúng tro bếp thấm đẫm nước giải thì đem ra bón cho bạt rau muống. Chỉ vài hôm sau bạt rau muống sẽ xanh đen xanh thẫm. Nếu lại gặp một trận mưa rào thì ngọn sẽ kéo ra tua tủa và non mỡ màng. Thứ rau muống này mà hái về luộc chín tới rồi chấm với tương mới ngả thì mỗi bữa một vài chai tương phải đi bay.
Món tương lại đặc biệt dậy mùi và hợp vị với món cá rô hấp. Tôi thường nghe người lớn ca tụng cái món ăn này lắm nhưng chưa một dịp được thực hành. Tương thì dễ rồi. Lá gừng cũng không khó kiếm. Khó nhất là chọn được loại cá rô để đem hấp. Cá rô ron, người làng tôi chỉ đem rán ròn hoặc vần cháy cạnh. Cá rô nhỡ thường chỉ được dùng để nấu canh bánh đa rau rút hoặc nấu canh rau cải. Chỉ có cá rô xù, loại to bằng bàn tay, bằng lá mít mới dùng để hấp tương gừng. Tình cờ một hôm tôi vác cần câu ra cống Ao Rồng thả chơi. Ngồi đã ê cả đít mà chẳng thấy động tĩnh gì. Tôi đã đứng dậy vươn vai chống mỏi và ngáp dài ngao ngán. Vừa định cuốn cành câu đem về thì thấy phao câu chìm ngỉm và đang bị kéo đi lừng lững ở dưới nước. Tôi vội vàng giật cần câu lên thì may quá lại được ngay một chú rô xù. Thế là tôi nghĩ ngay đến món hấp tương gừng. Tôi sỏi vẩy, cậy mang, mổ ruột rửa sạch rồi cũng khía ngang hai bên con cá đem để vào một cái bát chiết yêu. Thái thêm mấy chiếc lá gừng rồi lấy tương đổ vào cho sấp sảnh. Khi ghế cơm xong, tôi để bát cá rô vào hấp. Bữa tối hôm ấy tôi mới được kiểm chứng thế nào là cái thơm, cái béo kỳ lạ của cá rô hấp với tương gừng. Một món ăn rất đơn giản vậy thôi, nhưng với tôi mãi mãi nó cứ là đặc sản.
Hương vị làng quê thường trở nên đậm đà và khó quên nhất là vào những ngày mùa vụ. Vụ gặt lúa chiêm là vất vả nhất. Thời tiết thì đã bắt đầu nắng oi mà còn hay gặp những trận mưa rào, mưa dầm. Những năm lũ về sớm, còn phải bì bũm gặt mò, gặt chạy ở những chân ruộng trũng. Gặt chiêm không cắt lấy phần gốc rạ mà chỉ cắt lấy phần bông lúa. Ở những chân ruộng cấy hai vụ thì phần gốc rạ này sẽ để “cày vận rạ”. Người ta cứ để nguyên gốc rạ rồi cho trâu cày. Đất lật lên và thân rạ úp xuống. Cứ để thế ngâm chừng một tháng thì rạ sẽ thối. Lúc ấy người ta mới đem bừa ngả rồi lại tiếp tục ngâm thêm ít bữa nữa thì rạ sẽ thối hoàn toàn thành một lớp phân bón lót. Những chân ruộng trũng chỉ cấy được một vụ thì cứ bỏ mặc gốc rạ đấy, nó sẽ tiếp tục nảy nhánh, trổ bông gọi là “lúa chau”. Bông lúa chau thường ngắn, hạt lép nên ruộng chau làng tôi chủ yếu dùng để thả trâu cho nó kiếm ngọn. Chỉ những năm “gạo châu, củi quê” mới thấy những nhà nghèo cho người đi tuốt lúa chau. Dụng cụ để cắt lúa chiêm gọi là “cái hái”. Cái hái gồm có một “lưỡi hái” trông gần giống như một chiếc lược nhưng to và bầu bĩnh hơn một chút. Phần cong cong của lưỡi hái được mài mỏng và rẽ răng cưa sắc để cắt cổ bông lúa. Hai đầu lưỡi hái có hai cái chân nhọn để cắm chắc lưỡi hái vào với thân hái. Thân hái chỉ là một thanh gỗ dài dài vuông vuông: dày chừng một phân, rộng chừng năm phân và dài chừng năm mươi phân. Trên thân hái có ba lỗ đục. Đầu tiên là một lỗ đục dùng để luồn dây treo hái và khi gặt thì luồn cổ tay phải vào đây giữ hái. Lỗ đục thứ hai cắm một cái chốt ngang để cho bàn tay phải nắm chắc lấy thân hái. Đầu cùng phía ngoài thân hái có một lỗ đục thứ ba để gắn “mũi hái” vào với thân hái. Mũi hái là một thanh tre (hoặc gỗ) dài dài cong cong nhòn nhọn. Khi được gắn vào với thân hái, nó sẽ tạo thành với thân hái một “góc hái” để giữ cổ bông lúa lại. Phần cong cong của mũi hái quay ôm vào phía lưỡi hái. Khi thường phần mũi hái chính là thanh bảo hiểm. Nó loại trừ khả năng va quệt chân tay vào lưỡi hái dễ gây thương tích. Khi gặt nó lại là “cánh tay” nâng và gom các bông lúa dồn vào góc hái. Lúc ấy tay trái sẽ nắm lấy cổ bông và tay phải sẽ đặt lưỡi hái vào đẩy ra một cái “xoẹt”. Cứ ba bốn nắm như thế là sẽ được một lượm lúa.
Lúa chiêm ướt nặng, bờ ruộng chiêm lại ướt trơn, nên gánh lúa chiêm từ đồng về nhà quả là một công việc cực nhọc. Người lớn khỏe cũng chỉ gánh chừng ba mươi lượm. Còn bọn trẻ con chúng tôi, gò vai rụt cổ cũng chỉ mươi, mười hai lượm. Thế cũng đã mồ hôi mồ kê nhễ nhại và mồm tranh mũi thở rồi. Gặp những ngày nắng ráo còn đỡ. Gặp kỳ mưa dầm thì thật là bức xúc. Những cầu lúa chưa đập cứ xếp đấy gội mưa. Những đống thóc chưa phơi cứa đắp đống ở ngoài sân chờ ngày mọc mậm…Còn con người thì cứ ngồi trông mà bồn chồn ngao ngán. Trong những ngày mùa vụ như thế bữa cơm quê lại càng đạm bạc. Có được bát canh cua đã là ngon rồi. Còn không, lại chỉ rau muống luộc chấm tương hoặc nước cáy. Để cải thiện, chúng tôi thường đi bắt châu chấu. Cứ trời mưa là bọn trẻ con chúng tôi quần đùi, áo cộc, nón mê, mỗi đứa một cái chai chạy ra đồng vồ châu chấu. Trời mưa châu chấu bị ướt cánh nên không bay xa được. Mùa này cũng đúng “mùa tình ái” của châu chấu nên cô nào cũng cõng chồng trên lưng càng dễ bắt hơn. Nói vậy thôi chứ “các cô” cũng tinh quái lắm. Không bay được xa thì các cô cứ cõng chồng như thế mà nhao xuống nước, ngụp lặn và tìm chỗ kín để ẩn mình. Nhưng cũng chỉ quẩn quanh cái gốc rạ ấy thôi nên thể nào chúng tôi cũng tóm được. Cứ đầy chai hoặc tan mưa thì chúng tôi mới về. Tôi thường nút kín chai châu chấu để vào trong bếp, chạy sang ao nhà ông Hội Thỉnh nhảy ùm xuống đã. Quần áo ướt nên chúng bí hơi và căng phồng cả lên. Mà nước ao thì ấm lạ. Chẳng khác nào tắm nóng lạnh ngày nay. Ngâm mình trong nước ao lúc ấy thật là dễ chịu. Tôi cũng thường bơi ra ngọn cây ủi tầu để lần ủi. Đôi khi cũng được một vài quả ương. Tắm xong tôi mới về nổi lửa để “làm lông” châu chấu. Đun một nồi nước sôi lên, mở nút chai châu chấu ra, xóc mạnh cho châu chấu rơi vào nồi nước sôi. Khi châu chấu đã chết cả thì đổ nó ra rổ vặt cánh, vặt chân. Làm lông xong thì cho châu chấu vào nồi hoặc vào chảo tra mắm muối rang lên. Khi cạn thái thêm mấy cái lá chanh rồi rưới thêm một thìa mỡ lợn. Mùi châu chấu rang sẽ dậy lên ngay. Món châu chấu rang cũng là một món ăn ngon. Nó vừa giòn, vừa bùi, vừa thơm, vừa ngậy. Người làng tôi mệnh danh nó là “tôm bay”. Chỉ cần cơm chan nước rau muống luộc và ăn kèm với châu chấu rang thì cũng khó mà biết no, biết chán.
Dịp này thì ông Ủn và một số người làm nghề buôn bán ở làng tôi cũng thường “năng động” lên chợ Phả Lại hoặc đón thuyền ở ngoài sông Kinh Thày mua món cá khô “phèn chỉ” về đem “đổi đồng”. Phèn chỉ là tên một loại cá khô ngon thời ấy. Mỗi con to chừng hai đầu ngón tay và dài chừng mười lăm phân. Hai bên mình cá có hai đường chỉ to đậm chạy suốt từ mang đến đuôi, phân biệt rõ phần lườn và phần bụng cá. Còn “đổi đồng” là hình thức mua bán đặc biệt của làng quê trong những ngày mùa vụ. Người ta không mua bán bằng tiền mà lại bằng những lượm lúa. Tùy thời giá mà mỗi chục con phèn chỉ sẽ tương đương với mấy lượm lúa chẳng hạn. Những khi ấy thì làng tôi cứ khói bếp là lại dậy mùi cá khô rán, cá khô nướng.Vụ gặt chiêm nào cũng phải có một vài lần dẵm phải ba ba. Bắt được ba ba thì bố tôi lại đem làm thịt nấu với chuối xanh và đậu phụ. Thịt ba ba có một vị béo ngon riêng. Ba ba nấu thường gia vị thêm lá tía tô và thính đỗ tương nên mùi vị cũng rất đặc trưng. Tuy ngon thật nhưng người làng tôi vẫn nghĩ là ăn nó độc: “Thịt gà, cá chép, ba ba / Ăn vào lại bảo là ma nó làm”.
Tết mồng năm tháng năm thì mùi rượu nếp lại thơm nức cả làng. Cứ khoảng mồng hai tháng năm là nhà nào cũng thổi một vài ống gạo nếp lức rắc men ủ vào một cái rá để làm rượu nếp. Ủ vài hôm thì rượu nếp ngấu. Đúng sáng mồng năm thì ăn “tết giết sâu bọ”. Nhà nào cũng chuẩn bị ít hoa quả có vị chua như đào, mận, quéo…Ăn hoa quả xong thì mới ăn rượu nếp. Hoa quả chua ít người chuộng, thường chỉ ăn qua loa làm phép. Còn rượu nếp thì tha hồ. Bởi nhà nào cũng làm hàng rá. Ăn không thể hết được. Lại phải đem cho lẫn nhau. Nhà tôi đem cho nhà bác Hương, chú Đặng. Nhà bác Hương, chú Đặng lại đem cho nhà tôi. Chưa kể trong “cụ Vú” nhà gì Khiêm năm nào cũng đem ra cho nữa. “bà Vú” bây giờ đã già, dân làng đã nâng cấp lên hàng “cụ Vú”. Lưng bà cụ đã còng. Đầu cạo trọc, không đội khăn nên những chân tóc bạc mọc ra trông lởm chởm như một bông hoa gáo. Bà cụ mặc một cái váy đen mầu thâm đất và thường sắn cạp váy để kéo gấu váy cao lên đến lưng ống chân. Dễ đi lại. Cụ vẫn mặc cái yếm nâu che ngực và khoác cái áo cánh nâu bạc không mấy khi cài cúc.Vì đi xa nên cụ không bưng bát mà thường đổ rượu nếp vào một cái lá khoai ăn dọc, buộc túm lại. Tay phải chống gậy, tay trái cầm đùm rượu nếp, cụ lòng khòng lững thững đem ra cho các cháu. Sau này khi nghiên cứu và bổ sung “Đỗ Tộc gia phả”, tôi mới biết cụ tên là Trần Thị Cạnh, người làng Nam Gián Đông vốn là nàng dâu của họ Đỗ nhà tôi, em dâu ông nội tôi và thím ruột của bố tôi. Cụ sinh cho họ Đỗ được ba người con gái: cô Đỗ Thị Nhân, sau này thành cô Ký Lợi, không có con và mất sớm; cô Đỗ Thị Hiền, sau này thành cô Ký Bắc rồi cô Trương Hồi, cũng chỉ sinh với ông Ký Bắc được một người con gái; cô Đỗ Thị Chung, sau này thành cô Phẩm. Hóa chồng cụ mới lấy đời chồng thứ hai sinh được hai trai một gái là Ngọc, Ngà, Khiêm. Nhưng Ngọc mất sớm, chỉ còn Ngà và Khiêm. Cũng vì có cái sự hay cho lẫn nhau thế mà năm nào tôi cũng được nếm đến ba bốn “nhà rượu nếp”. Cũng mỗi nhà một vị. Nhà thì rắn, nhà thì nát; nhà thì ngọt, nhà thì chua. Nhà thì để “quá đát” đường đã biến thành rượu cả nên ăn cứ cay sè sè…
Vụ cày bừa làm mùa tháng sáu thì cá tép và cua ngôm nhiều vô kể. Từng đàn cò đậu xuống kiếm ăn. Người bừa đi đằng trước, cò lò dò chạy theo sau để kiếm mồi, gần gũi cứ như vật nuôi trong nhà vậy. Còn chúng tôi cũng quên cả nắng trưa để mải mốt đi vồ cua ngôm. Những ngày ấy bữa cơm làng tôi lại canh cua, riêu cua liên tục. Sẵn có ông hàng xóm chuyên nghề làm bún, nên nhà tôi còn hay đổi bún để ăn với riêu cua. Bà Nái Vôi đi thì ông Sĩ lại đến. Tôi không biết ông ta từ đâu đến. Chỉ biết trên khuôn đất của bà Nái Vôi ở trước, bây giờ có ba bố con ông hàng xóm mới, chuyên nghề làm bún. Cô con gái cả tên là chị Bích. Chị Bích người tầm thước gọn gàng, nhưng phải cái hễ cười là để hở cả hai hàm lợi đỏ. Những lúc ấy mồm chị như chỉ toàn một mầu đỏ nên trông cứ thấy dài dại và vô duyên. Anh Sĩ là em, cao lớn giống bố nhưng lại bị chột mất một mắt. Cái mắt chột trông đục lờ, dại nghệch. Cả hai người con không ai được như bố, bởi ông bố trông cao to sáng sủa, có hai chòm ria khá cân đối ở hai bên mép. Nghề làm bún cũng lỉnh kỉnh khá nhiều nồi, nhiều chậu, rồi cối xay bột, cối giã bột…Gạo ngâm vài ba ngày cho chua rồi mới xay. Xay nhuyễn rồi lại phải để lắng, gạn thành một thứ bột dẻo. Bột dẻo ấy được nặn thành những cối bột to như cái dành tích rồi đem luộc cho chín dở. Lại đem cối bột chín dở ấy cho vào cối giã gạo giã cho nhuyễn ra. Lúc bấy giờ mới đem pha loãng cho vào môt cái túi vải vắt lọc thành một thứ bột vừa mịn vừa nhuyễn ra làm bún. Chị Bích là người trực tiếp ngồi vắt bún. Trước mặt chị là bếp đun. Trên bếp có một nồi nước to đang sôi sùng sục. Trong lòng chị là một cái mâm đặt khuôn vắt bún. Bên tay phải là chậu bột. Trong chậu bột có muôi múc và một miếng mo cau to bằng nửa bàn tay dùng để vét bột. Bên tay trái là một chậu nước lạnh. Chị múc bột đổ vào khuôn vắt, mở vung nồi nước sôi, vắt bún vào nồi theo một vòng tròn thuận kim đồng hồ. Những sợi bún chảy từ đáy khuôn ra được rải đều trên nồi nước sôi. Chị đậy vung lại. Một lúc thì những sợi bún đã được luộc chín. Nó nổi lềnh bềnh ở trong nồi. Chị dùng một cái vợt đan bằng tre vớt bún ra đổ vào chậu nước lạnh. Có hai loại bún. Loại “bún rổ” thì để bún rối. Loại này thì chị Bích chỉ vớt bún từ chậu nước lạnh, để chờ tí cho róc nước rồi đổ vào những cái rổ dứng, to nhỏ nhiều cỡ. Lớp trên cùng chị mới dùng tay kéo dài những sợi bún trong chậu nước lạnh rồi đem đặt khoanh tròn trên miệng rổ thành một cái vỉ đậy rổ bún lại. Loại “bún bìa” thì chị phải trực tiếp dùng tay kéo dài những sợi bún trong chậu nước lạnh, nhấc nó ra rồi khoanh, dặt thành những “bìa bún” trông giống như những cái đĩa. Những bìa bún này thường được lót bằng lá chuối là thứ lá rất sẵn ở làng tôi. Bún bìa là thứ người ta thường mua để “ăn quà”. Cứ cầm tay thế mà xé ra hoặc cuộn tròn nó vào, chấm với mắm tôm chanh ớt mà ăn. Còn bún rổ thì người ta mua hoặc đổi thóc về ăn cả nhà. Tùy số người trong nhà mà đổi lấy rổ to hay rổ bé. Một rổ bún, một nồi riêu cua bác gạch cho hành thơm váng và nóng hổi. Thêm một rổ rau sống tổng hợp của nhiều thứ rau: những ngọn rau muống chẻ cuộn cong và sun soăn như những chiếc lò so; những lát rau chuối thái mỏng trông lốm đốm như những cánh hoa lan trắng; lại còn thêm loáng thoáng những ngọn rau ngổ, rau kinh giới cho thơm. Bún nguội, chan nước riêu cua nóng, ăn kèm với rau sống. Chỉ sụp soạt một lúc là cành bụng. Nhưng mà chóng đói. Vẫn nấu sẵn một nồi cơm chờ đấy phòng khi ngót dạ.
Ngon thế mà chúng tôi lại không thích bằng lúc chầu chực xem anh Sĩ vắt bột. Anh vắt xong thì nài nỉ xin lấy những nắm cặn còn lại ở trong túi. Chúng tôi đem ra nặn thành những nắm tròn tròn như cái bánh giầy rồi đem vào lò nướng cho chín phồng lên. Ăn chỉ thấy giòn giòn, dẻo dẻo, chua chua. Đôi khi còn lẩm nhẩm sạn. Thế mà cũng cấu véo chia nhau, hí hửng lắm. Món riêu cua còn có thể ăn với bánh đúc. Bánh đúc thì nhà nào cũng tự nấu được, không phải mua. Gạo đem ngâm mềm để dễ xay thành bột. Pha thêm một ít nước vôi trong vào với bột gạo rồi cho vào nồi nấu chín. Nấu bánh đúc phải khuấy đều tay nếu không thì dễ khê, dễ cháy. Khi bột chín thì lấy một cái sàng, lót lá chuối rồi đổ bánh đúc cho chảy lênh láng ra cái sàng ấy. Nhưng dù có khuấy đều đến đâu thì ở dưới đáy nồi vẫn có một lớp cháy non mỏng. Bóc lớp cháy ấy lên, cuộn tròn lại, chia cho bọn trẻ con chầu chực mỗi đứa một miếng, cùng nếm náp. Tảng bánh đúc trong sàng khi nguội sẽ đông lại. Người ta đem cắt thái thành những thỏi vuông vuông con chì to bằng ngón tay, bốc vào bát, chan nước riêu cua nóng cho “ngập luống cày” rồi ăn kèm với rau sống. “Bánh đúc riêu cua” ăn không ngon bằng “bún riêu cua” vì trong bánh đúc có vị nước vôi nồng nồng. Nhưng chẳng lẽ cứ ăn mãi bún riêu nên thường ăn đổi bữa như thế cho lạ miệng.
Làm hàng quà làng tôi còn có gia đình ông Vi. Nhà ông ở xóm giữa. Bên cạnh nhà ông Đĩ Tới, ngay cổng nhà bác Trương Giai. Khuôn đất ở thì hẹp. Nhà cửa thì tuyềnh toàng chẳng cổng ngõ gì. Ngay bên lối rẽ vào nhà có mỗi một cây vối to bằng cổ chân chơ vơ chọc lên trời và còm cõi vài cành lá thưa thớt. Gian bếp ở gần gốc vối. Ba gian nhà trên đắp tường chung quanh, nhưng tường thấp nên trông rất lụp xụp. Trước cửa có một chiếc cối xay bột. Gia đình ông Vi có năm người, hai vợ chồng và ba đứa con. Hai cô con gái tên là Nhứ lớn và Nhứ con. Cậu con trai út tên là thằng Tề. Thằng Tề năm đó chỉ độ ba bốn tuổi. Ba chị em cũng chỉ trứng gà, trứng vịt mỗi đứa hơn nhau chừng một cái đầu. Ông Vi người cao to, nói năng láu táu, để tóc hơi dài, cứ thấy phải dắt lên hai bên vành tai. Đi đâu mới thấy ông ta khoác thêm cái áo cộc tay. Còn ở nhà thì chuyên môn mặc cái quần đùi lửng quá đầu gối, mình trần suốt ngày ngồi xay bột. Nhà ông Vi chuyên gói các loại bánh tẻ, bánh mật, bánh khoai. Các loại bánh này trong ruột thì khác nhau nhưng bên ngoài thì cứ ngỡ như cùng một loại bánh. Bởi ông bà ấy toàn lấy lòng bàn tay trái làm khuôn, lót lá, đổ bột vào, gấp hai bên tả hữu lại, gấp hai đầu rồi lấy lạt buộc. Bánh gói xong mới đem luộc chín rồi đem đi chợ bán. Làng tôi thường gọi các loại bánh ấy bằng một cái tên chung là “bánh gù”. Vì trông nó có cái lưng gù gù, dấu tích của cái lòng bàn tay vũm lại làm khuôn.Thỉnh thoảng chúng tôi cũng mua bánh gù nhà ông Vi. Bánh tẻ ăn chẳng khác gì ăn bột đặc. Khác chăng là có thêm mấy cái mộc nhĩ giòn giòn và một tí vị mỡ lợn ngầy ngậy. Bánh khoai ăn sậm sật hơn nhưng cũng chẳng khác mấy với ăn khoai sọ luộc. Bánh mật ăn cũng giống như ăn chè bột đường. Nhưng tôi ưa của ngọt nên tôi thích ăn bánh mật hơn cả.
Nhưng rồi một hôm người làng tôi to nhỏ với nhau rằng ông Vi đã bị Ta bắt vì tội làm “chỉ điểm” cho Tây. Chúng tôi không thấy ông Vi ở nhà nữa thật. Một thời gian sau ông ấy được tha về. Chẳng hiểu ông ấy bị tra khảo thế nào mà người gầy ngẳng. Chỉ còn da bọc xương. Mà không đi lại được nữa. Suốt ngày ông ấy nằm trên giường, chổng hai đầu gối lên. Đầu gối thì to mà đùi thì tóp lại. Cẳng chân cũng tóp lại. Ít hôm sau thì ông ấy chết. Tôi đi qua nhìn vào, chỉ thấy một chiếc chiếu lùm lùm đắp lên cái xác. Đôi chân vẫn còn thò ra ngoài. Đầu giường có một ngọn đèn con leo lét cháy. Một nén hương đơn độc tỏa mấy sợi khói mảnh mai. Không thấy một bóng người thăm viếng. Mãi đến tối mới có một vài người đem xác ông ấy đi chôn. Sau hôm đó, bốn mẹ con bà Vi cũng dời làng tôi. Không biết là đi đâu…?
Bắt đầu gặt mùa thì vụ rươi cũng đến. Thỉnh thoảng lại thấy người gánh rươi đi qua làng “Ai mua rươi không?”. Rươi ngày đó nhiều và cũng rẻ. Làng tôi hầu như nhà nào cũng mua dăm ba bát. Rươi thường được người làng tôi chế biến làm ba món chính: rươi kho, canh rươi và chả rươi. Rươi kho thì bỏ rươi trực tiếp vào nồi tra thêm mắm muối mỡ lợn vào rồi đem nấu chín. Đây là món đoảng vị nhất. Đã không ngon mà ăn vào bụng dạ còn rất hay sậm soẹt. Món canh rươi hấp dẫn hơn. Canh rươi nhất thiết phải có măng, có khế. Gia vị thêm là vỏ quýt, lá nốt và ớt tươi. Nhưng trời đất hình như cũng tính trước cả rồi. Cứ đến vụ rươi là tre làng cũng đâm một lớp măng. Lớp măng ấy làng tôi cũng gọi là “măng rươi”. Những cây khế chua ở trong làng cũng đung đưa một lớp quả. Quả khế hãy còn xanh, chưa đẫy nên trông còn dúm dó. Có lẽ vì thế chăng mà người làng tôi gọi nó bằng một cái tên rất tục “quả l…treo”. Cứ có rươi là y như chúng tôi phải ra bờ tre nhòm nhòm ngó ngó để lận măng. Tre nhà không có thì phải sang nhà hàng xóm mà bẻ trộm. Măng về đem bóc vỏ, thái mỏng luộc trần đi một lượt cho bớt đắng. Rồi lại phải đi xin “quả l..treo” về, gọt sơ mép múi, thái ngang thành những lát trông giống như những con sao biển, dày độ vài li…Tất cả cho vào nồi nước đem nấu chín. Bát canh rươi trông thứ nào ra thứ ấy: măng ra măng, rươi ra rươi mà khế cũng ra khế. Chả thứ nào lẫn lộn và gắn bó với thứ nào. Nước canh rươi lờ lờ khói đục nhưng là thứ đục rất trong, rất thuàn khiết bởi không có vẩn. Có lẽ, cái vị chua của khế đã làm nó lắng cặn cả đi chăng? Cái vị ngon của canh rươi được tạo ra bởi tổng hợp cái mềm ngọt của rươi, cái ngăm ngăm giòn giòn của măng, cái dai dai chua chua của khế và cái cay, cái thơm của các gia vị. Nhưng điếc mũi nhất là món chả rươi. Rươi, trứng gà, thịt ba chỉ, vỏ quýt, lá lốt, nước mắm ngon,… tất cả đều thái nhỏ đánh tơi và trộn đều vào nhau thành một thứ keo đặc. Đổ thứ keo đặc này vào chảo mỡ lợn đang đun nóng ở trên bếp, chỉ vài giây sau là mùi thơm sẽ bốc lên ngay. Mùi thơm chả rươi của nhà này bay sang nhà kia để khoe. Mùi thơm chả rươi của nhà kia lại bay sang nhà này khoe đáp lễ. Cứ thế chúng đi khắp hang cùng ngõ hẻm để làm thơm váng mũi người. Nhưng rồi rươi cứ hiếm dần. Đầu tiên món rươi kho bị loại. Đến lượt canh rươi cũng ra khỏi thực đơn của người làng tôi. Hàng năm vụ rươi đến người ta chỉ cố mua lấy một vài lạng rán đĩa chả rươi ăn cho đỡ nhớ. Bây giờ thì ở xứ rươi người ta đã phải đi nhặt từng con một. Giá một cân rươi đã lên đến ba bốn trăm nghìn đồng. Chả rươi chỉ còn là một món ăn nếm của các bậc đại gia!
Gặt lúa tháng mười khác với gặt lúa chiêm. Tháng mười đồng khô, lúa khô. Người ta dùng liềm cắt sát gốc lúa đem xếp thành từng mô một. Khi các mô lúa đã nhiều nhiều thì một người trong đám thợ gặt sẽ dùng một thứ liềm to hơn và dài hơn gọi là “liềm sén” đi sén ngang mô lúa. Phần gốc sẽ thành các mô rạ. Phần ngọn người ta lấy mấy dảnh lúa làm dây chít cổ, nâng lên trước ngực, dùng tay phải quay tròn một vòng thế là sợi dây sẽ soắn chặt cổ mô lúa lại. Mô lúa được buộc chặt lại rồi thì gọi là “lượm lúa”. Động tác buộc các mô lúa lại như thế cũng gọi là động tác “lượm lúa”. Những người nông dân lành nghề lượm lúa rất nhanh và điệu nghệ. Trông cũng không khác mấy với một nghệ sĩ xiếc đang diễn trò tung hứng.Tháng mười ngày ngắn nên bữa trưa thợ gặt thường ăn cơm ngoài đồng. Bữa ăn cũng thường rất giản tiện. Chỉ có một rá xôi nếp và một lọ muối vừng. Thợ gặt nghỉ tay thì cứ véo xôi trong rá, nắm chim chim rồi chấm với muối vừng mà ăn. Không có bát đũa mâm nồi gì lỉnh kỉnh cả. Đàn ông thì nước chè tươi thuốc lào. Còn đàn bà thì nước vối. Nhưng đa phần chỉ toàn uống nước lã, bởi họ quen bụng rồi. Uống nước lã cũng không sao mà chỉ thấy mát ruột. Ngày gặt, đêm về lại đập lúa cho đến tận khuya. Người lớn đập lúa, trẻ con thì rũ rơm. Rũ rơm là cởi bỏ dây buộc cổ lượm rơm ra, rũ lấy những hạt thóc còn dắt lại trong lượm rơm. Rơm được rũ rồi thì đem vứt thành một vòng tròn quanh sân để gà gáy dậy sẽ bừa rơm. Bừa rơm là khâu cuối cùng dùng sức trâu kéo và răng bừa để tuốt nốt những hạt thóc lửng còn lại ở bông lúa. Thóc ruông, thóc lửng để riêng dùng để chăn gà, chăn vịt.Còn rơm thì đem phơi khô, đánh đống làm thức ăn cho trâu trong những ngày mùa đông cây khô lá vàng, hiếm cỏ.
Nước con sông Đào độ này đã bỏ bờ rút xuống lòng sông. Tôm cá cũng dồn cả xuống đấy. Những ngày chưa gặt hoặc vãn việc gặt hái, tôi và bố tôi thường ra kéo vó tôm ngoài bờ sông Đào. Những chiếc màn cũ không dùng nữa đem cắt ra thành những vuông mỗi chiều độ bảy tám mươi phân, khâu bốn cái nhôi ở bốn góc rồi buộc vào với hai thanh tre bắt chéo dấu nhân chồng lên nhau ta sẽ được một chiếc vó tôm. Chỉ vài cái màn hỏng là làm được mươi, mười hai chiếc vó tôm. Kéo vó tôm phải chọn những ngày trời quang mây tạnh. Những ngày vẩn trời tôm không đi ăn. Cứ chiều tối là rang cám thơm lừng hàng xóm. Cám rang đem trộn sền sệt với nước cho vào một cái ống cân có đục lỗ, luồn dây đeo vào ngang hông. Vai vác chồng vó tôm, tay cầm cần kéo vó và một cái rổ hai dóng đặt vào một chiếc quang treo tôi đi ra bờ sông Đào đặt vó trước. Định đặt vó chỗ nào thì lấy cần kéo vó khua khoắng thử xem có bằng bặn hoặc có cây que cỏ rác gì không. Nếu được thì dấp nước vó tôm cho ướt, vứt vào giữa vó một ít thính cám rang to bằng ngón tay rồi từ từ đặt vó xuống. Mỗi vó đặt cách nhau chừng mươi thước.Cứ đặt vó xong thì trời chạng vạng là vừa. Đặt sớm hơn, tôm chưa đi ăn, chỉ toàn thấy đòng đong cân cấn và xí cờ vào vó rỉa mồi.
Khi tôi ra bờ sông Đào đặt vó trước thì bố tôi cũng đem thính rắc xuống rãnh đằng sau nhà để dử cá ở ngoài ao Rồng vào.Cái rãnh đằng sau nhà tôi và nhà chú Đặng là do gánh đất đổ vườn của ba anh em xóm đống Xộp mà thành. Cái rãnh này có một cái cống rộng chừng một mét nối ra với ao Rồng. Giống cá tối thường lên chỗ nông tìm mồi kiếm ăn. Nhưng đến khuya chúng lại tìm về chỗ cũ. Lợi dụng tính chất này bố tôi đã ken đăng, đan “nhạy” hứng chỗ cống này để bắt cá. Tối dùng thính thơm để dử cá lên ăn. Khuya thì dùng đăng vít chặt cống lại. Lúc cá về bị chắn lối chúng sẽ tìm cách nhảy qua đăng. Nhưng chúng không thể nhảy ra ao Rồng được nữa mà chỉ nhảy vào “nhạy” của bố tôi đã hứng sẵn ở trên cống rồi. Chúng cứ tha hồ dãy dụa, lồng lộn cho đến khi tróc vẩy khô da chịu nằm ườn ở đó chờ vào nồi cá kho cá rán của nhà tôi. Hay ăn chặn cá của nhà tôi chỉ có lũ rắn đủ loại: hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn ráo…Nhưng để bắt bọn này bố tôi lại rải vây xung quanh “nhạy” những đoạn lưới bén được cắt ra từ những tay lưới cũ. Bọn rắn bò ra vướng lưới cũng cứ nằm chờ đó mà chịu chết.
Thường thì cứ đặt vó xong là bố tôi cũng ra. Tôi kéo vó còn bố tôi thì xách rổ theo sau. Trong rổ bây giờ đã được đặt thêm vào một cành lá tre tươi để tôm không nhảy ra ngoài rổ được. Tôi cứ từ từ kéo vó lên. Khỏi mặt nước mà nghe tiếng tôm nhảy lạch xạch là bụng đã mừng rơn. Chỉ cần vài ba con tôm thôi là tiếng lạch xạch nghe đã nhộn nhạo lắm rồi. Tôi nghiêng vó hất nhẹ tôm vào rổ, nhón thính để vào rốn vó rồi lại từ từ đặt vó xuống như cũ. Cứ kéo hết một lượt, nghỉ một lát thì lại kéo tiếp đợt hai. Buổi kéo vó tôm dài ngắn không định trước được. Hễ còn nghe tiếng tôm nhảy lạch xạch thì còn cứ kéo. Đến khi nào kéo vó lên cứ im phăng phắc thì tức là tôm đã thôi không đi ăn nữa. Có hôm thì mười giờ, mười rưỡi mới về, mà có hôm chỉ tám rưỡi, chín giờ đã về. Hôm nào sẵn tôm, ham kéo về khuya thì phải được đến vài cân tôm. Mẻ tôm trông đã lưng lửng cái rổ hai dóng mà xách đã thấy nặng tay. Nhưng cũng có hôm chỉ dăm bảy lạng, một cân…Thường thì cứ khi kéo vó tôm về, bố tôi mới đi chít đăng ở cửa cống ra ao Rồng. Tôi thì tở vó ra phơi. Còn rổ tôm cứ để nguyên thế treo ngoài dây thép phơi sương. Đến sáng hôm sau tôm vẫn cứ sống và tươi nguyên. Nhiều hôm tôm rang trong nồi chưa hết lại phải đem đồ lên, phơi khô để dành ăn sau. Cũng có mẻ thì đem giã mắm. Tôm nhặt sạch cho vào cối giã nhỏ thành một thứ bột nhão. Cho bột tôm vào lọ, vào hũ… lấy vải màn buộc miệng để tránh ruồi vào đẻ trứng. Ba bốn ngày sau bột tôm sẽ thối và thâm đen lại. Đó chính là mầu đặc trưng của mắm tôm. Bấy giờ mới cho muối, thính gạo nếp và mấy chén rượu vào rồi trộn cho thật đều. Lọ mắm tôm này để ngấu sẽ thành thứ mắm tôm loãng đặc hiệu. Khi ăn chỉ cần múc ra bát, vắt chanh, thái ớt vào lấy đầu đũa khoắng cho thật kỹ. Bát mắm tôm sẽ sủi bọt và ngả mầu trắng bạc. Loại mắm tôm này đem chấm với đậu phụ, bún bìa, thịt chân giò luộc…thì chỉ có nhất. Sớm sớm bố tôi cũng thường đi ra ngoài “nhạy” xem có cá nhảy không. Ít nhiều hôm nào cũng thấy có. Thỉnh thoảng lại có hôm gặp rắn mắc lưới. Ông cụ thường đập chết rồi mang về làm thịt. Treo con rắn lên cao. Lấy dao khoanh cổ nó một vòng. Lấy móng tay lách vào da cổ, cầm chặt, lôi tuốt xuống phía đuôi để lột da. Bóc ruột, chặt đầu cùng với da vứt đi. Ông cụ chỉ lấy phần thân con rắn. Dùng dọng dao dập xương đi một lượt rồi chặt khúc, băm viên cho thật nhỏ. Cho hành, răm, nước mắm trộn đều viên thành viên rồi rán lên thành “chả rắn”. Chả rắn ăn khô nhưng thơm và cấm cúc giòn hơn chả cá.
Khi những chân ruộng ở cánh đồng dưới làng tôi bắt đầu cạn còn sấp sảnh bờ là chúng tôi hay rủ nhau đi “tát ỏi”. Chọn lấy một thửa ruộng ở vem chuôm, ven ao hoặc ven sông, ven ngòi sâu, bốc bùn be bờ quây kín lại. Chỉ để hở một đoạn ngắn xuống chỗ nước sâu thôi. Tối đến thì rang cám làm thính rắc xuống ruộng để dử cá lên ăn. Nửa đêm thì ra đắp kín chỗ hở lại rồi mỗi đứa một chiếc gầu sòng tát nước ra. Tùy nước nông nước sâu, ruộng to, ruộng nhỏ mà rủ số người tham gia cho thích hợp. Suốt đêm ấy phải thì thòm tát nước. Thỉnh thoảng lại phải xách đèn chai đi kiểm tra xung quanh bờ xem có chỗ nào núng thế thì phải kịp thời bồi đắp ngay cho vững. Hễ để vỡ bờ là hỏng ăn. Tát cạn xong thì bắt cá, mò tôm…Bắt xong thì chia chác. Tính toán thế nào cho cứ sáng ra là xong việc. Tát ỏi kiểu này hay được nhiều cá mương, cá mại là những giống ham ăn, ăn đàn và ăn nổi. Cá mương độ này đã to và rất béo. Cá mương là loại cá nhiều xương nhưng xương mềm. Đem rán ròn nhất là đem kho với dưa chua thì ăn rất tuyệt. Cá kho dưa có mùi thơm chua và cũng dậy làng nước. Mùi cá kho dưa thường gợi dậy trong tôi cảnh làng quê yên ấm trong những ngày se lạnh.
Thời ấy làng tôi vẫn còn làm ăn cá thể. Đã nghe nói đến Chủ nghĩa xã hội rồi nhưng nó vẫn còn ở thì tương lai. Người nông dân vẫn còn được tự do làm ăn trên mảnh ruộng của mình. Thật may là tôi vẫn còn giữ được một giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của nhà tôi được UBHC tỉnh Hải Dương cấp tháng 5 năm 1956. Căn cứ vào giấy chứng nhận này tôi được biết nhà tôi lúc đó có 7 thửa ruộng cộng tất cả là 3 mẫu, 3 sào, 2 thước. Trong đó có 1 mẫu 3 sao ở khu Đống Cao chỉ cấy được một vụ chiêm; 1 mẫu 2 sào 10 thước (gồm 5 thửa và ở 3 khu đồng) chỉ cấy được một vụ mùa và 8 sào 7 thước cấy được cả hai vụ chiêm mùa. Thổ cư 1 sào. Ao 1 sào 8 thước. Vụ chiêm người làng tôi chủ yếu cấy giống chiêm chanh. Nhưng vụ mùa thì cấy rất nhiều thứ. Những chân ruộng trũng thường cấy lúa tám đen. Chân ruộng cao thường cấy tám muộn, dự lùn. Chân đám mạ vì phải cấy sau cùng nên hay cấy nếp con, nếp cẩm. Cơm làm ruộng, cá kiếm ăn. Sản phẩm nông nghiệp còn ênh hềnh rẻ rúng. Làng tôi nhà nào cũng cấy giống thóc ngon để làm thóc nhà ăn. Nhà tôi có 8 sào 7 thước khu đồng Hàng chuyên cấy dự lùn lấy thóc nhà ăn. Giống dự lùn nhỏ hạt nhưng được thóc. Sản lượng lúc đó cũng được khoảng từ tám mươi đến một trăm ký một sào. Cơm gạo dự thơm và mềm. Cứ mở vung nồi cơm ra là cả nhà thơm nức. Cơm nguội gạo dự ăn vẫn mềm và thơm. Nếp cũng cấy thứ nếp ngon, thường là nếp cái, nếp hoa vàng. Nếp con nếp cẩm cấy chân đám mạ chỉ để nấu rượu “cuốc lủi” hay ủ rượu cẩm thôi chứ chẳng mấy ai ăn. Giống nếp cái thơm từ cây rơm cây rạ. Hạt thóc nếp cái có cái ria đen rất dài. Phải gấp rưỡi, gấp đôi chiều dài hạt lúa. Cơm nếp cái thì dẻo và thơm lạ. Nhà nào nấu cơm nếp cái thì cả xóm đều biết. Nhất là lại cho thêm ít hành mỡ vào thì hàng xóm càng “điếc mũi”. Nhưng nấu cơm nếp cái khó. Sơ ý một tý là nát. Gạo nếp cái vì thế thường dùng để đồ xôi. Nhà tôi năm nào cũng cấy hai sào nếp cái. Chủ yếu để lấy gạo ăn sáng và gói bánh chưng tết. Nhiều khi sáng ra trông thấy bát cơm nếp đã ngán rồi, lại chỉ thèm được bát cơm gạo dự nguội.
Về mùa này cô Cai Viêm nhà tôi cũng hay làm bánh giầy: Bánh giầy đường và bánh giầy đỗ. Nhưng cô không làm bánh giầy giò. Viêm là tên chồng. Tên thật cô là Đỗ Thị Nghiêm, con gái cả vợ hai cụ Lệ Trường- chú ruột của bố tôi. Chú Cai Viêm người ở đâu vùng Gia Lộc. Chú làm cai lính khố đỏ đóng ở đồn Phả Lại. Nhân duyên lấng cấng thế nào lại kết với cô Nghiêm nhà tôi thành đôi chồng vợ. Giải ngũ chú về làm giai tế ở làng tôi. Chú người cao, mũi hơi lõ lại nhòm mồm. Da mặt trắng mà lúc nào cũng hồng hồng mầu rượu. Đôi mắt lúc nào cũng như hơi lè vè. Giọng nói tuy không lè nhè nhưng vẫn rõ ra giọng người say. Nhưng thổi xôi và giã bánh giầy thì chú lành nghề. Chú chuyên làm bánh để cho vợ đem đổi đồng hoặc đi chợ bán. Chú lại là người thích nuôi chim và dạy chim nói tiếng người. Có một lần chú nuôi được một con quạ và dạy được nó biết nói. Bọn trẻ con chúng tôi tò mò nên rất hay đến xem. Chẳng thấy chú có lồng son bát sứ gì cả. Chú nhốt nó trong một cái nơm như người ta nhốt gà. Bọn chúng tôi đến vây chung quang nơm nhìn xem nó. Nó cũng lấc láo nhìn ngó lại chúng tôi và nói “Rượu đậu…rượu đậu…”. Chúng tôi lại cười ồ cả lên thích thú. Một thời gian sau lại nghe tin chú mới dạy nó nói thêm được câu nữa. Chúng tôi lại đến. Chúng tôi mới đến đầu sân thì đã nghe nó nói “Nhà có khách…nhà có khách”. Khi vây quanh nơm xem nó thì nó lại nói “Rượu đậu…rượu đậu…”. Xem con quạ này ở trong nơm, tôi lại nhớ tới những con quạ lạc đàn hay bị chè pheng đánh ở trên trời. Con quạ phải to gấp đôi con chè pheng. Chắc có đàn có đôi thì chè pheng không làm gì được. Nhưng quạ mà lạc đàn gặp chim chè pheng thì thể nào cũng bị chúng xúm lại đánh ngay. Cứ đang chăn trâu thả đống mà nghe thấy “chè..pheng pheng…”, “Quà…quà…” là y như rằng đang có một trận không chiến. Phải từ ba đến năm con chè pheng xúm lại thay nhau lao từ trên xuống mà mổ, mà đạp vào đầu, vào lưng con quạ. Mỗi lần đạp, mổ như thế nó lại kêu “chè…pheng pheng”. Con quạ thì hốt hoảng sải cánh bay, vừa chịu trận vừa kêu cứu “Quà…qùa!”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét