Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

TẢN MẠN VỀ THƠ TỰ DO

Đỗ Đình Tuân
(Tiếp theo)


Cũng có người hiểu thơ tự do là thơ không có luật. Còn tôi, ngay từ đầu tôi đã cho rằng tự do chỉ là tổng hợp của mọi thứ luật, là tạp luật. Nhưng dù là hiểu thế nào thì cũng không thể nói về luật hay về một quy cách cụ thể nào của thơ tự do được. Cho nên “Tản mạn về thơ tự do” chỉ có thể làm được việc “cưỡi ngựa xem hoa” lướt qua một số bông tiêu biểu trong cả một rừng hoa muôn hồng nghìn tía của thơ tự do vậy thôi. Cũng có lẽ vì thơ tự do không có một quy cách, một khuôn hình cụ thể nào cho nên những người làm thơ nghiệp dư, những người tập làm thơ thường ít vận dụng. Phổ biến nhất họ đi vào lục bát vì lục bát có cảm giác như vừa quen vừa dễ. Một số “chịu chơi” hơn, “cao thủ” hơn mới đi vào Đường luật. Nhưng gò được những con chữ vô sừng vô sẹo vào cái khuôn hình hẹp vanh vanh và vuông chành chạnh của thơ Đường luật đâu có dễ. Gặp chỗ gay cấn có khi còn vã cả mồ hôi cái đái cả mồ hôi con mới “nhồi” được chữ vào. Có khi “bất đồng chính kiến” còn cãi nhau như đám mổ bò. Nhưng khó thế nào thì khó làm thơ lục bát hay thơ Đường luật vẫn còn có một cái phao để mà bám vào, mà nổi lên. Cứ bơm đầy chữ vào cái bao lục bát, bơm đầy chữ vào cái bao Đường luật là nó nổi phềnh phềnh lên rồi. Tha hồ mà bì bũm bơi lội. Có thể còn ghếch đùi, ngửa cổ lên mà hò hét, mà toe toét cười. Còn làm thơ tự do thì bơm chữ vào đâu? Làm thơ tự do giống y như người bơi vo vậy. Nếu không biết tự mình làm cho mình nổi là chìm nghỉm, là chết tươi. Cho nên ít người “dám chơi” thơ tự do lắm. Ấy là nói về những người nghiệp dư và mới chơi thơ ấy. Ít thôi chứ không phải là không có. Cách đây 40 năm, Nguyễn Tô Quang đã có đôi bài thơ tự do khá hay. Mà hình như những bài thơ tự do đã đứng được thì thường là những bài thơ hay. Tôi xin chép lại một bài trong chùm thơ ấy:

Bài thơ của người ra đi

Trường Chí Linh xếp đầy gạch ngói
In mờ trong trăng suông
Ấm biết mấy khi trăng bay vào khói
Để cầm tay người thương

Phút bên em anh thấy sao trôi trong mắt

Trường Chí Linh trăng lên soi tỏ
từng khuôn mặt
Ai đi qua tôi cũng ngỡ rằng em

Ôi, trường ta hôm nay nghiêng trong tiếng hát

Hãy cất cao lên, cao nữa em yêu
Khi vui sướng làm ta trào nước mắt
Nhớ khói cơm lên thơm cả giọt mưa chiều

Trường ta đây mai sau đầy mái ngói

Nắng bâng khuâng giỏ tí tách xuống cành
Tiếng em hát ngọt ngào tiếng gọi
Sao không học mà về ơi anh?

Anh chẳng được học đâu, em ơi khỏi nói

Anh chẳng ở trường đâu, em ơi khỏi gọi
Hãy nắm tay nhau trong suốt cuộc đời xanh
Và hẹn gặp nhau khi xong chiến tranh.

Tạm biệt nhé ! Mái trường mang nặng
nghĩa trong ta
“Chín Đê” phủ hồn ta bao bận
Và bao lần cô đứng say sưa
Để đưa ta đến những điều cô giảng

Chào nhé!

“Chín Đê” thân yêu
Tôi xa lớp như con tầu xa bến
Đời đến đón tôi là những sóng bạc đầu

Kỷ niệm ân tình nhắc lại ấm lòng nhau

Trường vẫn thế rì rầm náo nức
Người trên sóng đêm thường tỉnh giấc
Mơ gặp lại trường và “Chín Đê” thân yêu.

Tháng 12/1971
Nguyễn Tô Quang

Và gần đây, Nguyễn văn Thế cũng mới ra lò một bài thơ vừa tự nhiên và cũng đầy sức vóc:

BỐN MƯƠI NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG ĐỂ NHỚ
                                                    
Đất nước chiến tranh
Chúng tôi học hành dang dở
Chưa là thầy
Không là thợ.
Nhập ngũ ngày 13 tháng 5.

Sông Kinh thầy mùa ấy nước xanh trong

Bến Vạn, xã Tân dân tiễn chúng tôi vào lính
Những chuyến đò chở nặng
Cứ nghiêng về một bên
Phía bờ có những người thân
Những bàn tay vẫy mãi
Chúng tôi đi và hẹn ngày trở lại
Thấm thoát đã 40 năm…

Sau mấy ngày đầu ở Dạ Sơn

“Xê Ba” về Lê Linh, Lê Xá
Như bao đợt luyện quân, chúng tôi tập tành vất vả
Học bắn súng, đâm lê, tập đội ngũ, ắc-ê
Tập hành quân mang nặng
Tất cả hướng tới ngày ra trận

Đất đồi Kinh Môn, chúng tôi tập đào hầm

Sáng, chưa,chiều tập gùi gạch trên lưng
Doanh trại là nhà dân, hội trường là sân hợp tác
Là nơi tập chung sinh hoạt
Học những bài chính trị đầu tiên
Chính trị viên Như giảng bài và hay cầm nhịp hát
Đại đội trưởng Vượng hô “nghiêm”,nghe như tiếng gầm của cọp
Đại đội phó Doãn cao to, chuyên việc hậu cần                           
Bữa ăn thì bày trên sân
Sáu đứa một mâm, hai xoong, một đĩa
Cơm đâu mà no bụng trẻ
Nhiều cậu ăn nhanh rồi vòng đánh “tăng hai”
Bà con thương dành cho đĩa sắn, rổ khoai
Chúng tôi có thêm cha, thêm mẹ
Còn nhiều hơn thế nữa
Có chàng còn tìm được người yêu
Chẳng có mấy thời gian gặp nhau…
Thế là bỏ gác
Thế là lại khổ thêm cho bao người khác
Đang đêm báo động, đi tìm…

Cứ thế, chúng tôi cứ thế luyện rèn

Như mũi giáo, lưỡi gươm mài sắc
Như những đại bàng non tập bay trên đất
Chờ ngày thẳng cánh cao xanh…
Ba tháng huấn luyện trôi nhanh
Chúng tôi được tung vào cuộc chiến
Đêm tiễn biệt ga “Tiền Trung”biết bao bịn rịn
Nhiều nước mắt đã rơi
Những chàng lính tuổi mười tám, đôi mươi
Có người khóc òa như con trẻ
Chuyến tàu không đèn lao trong đêm vội vã
Từ ấy chúng tôi đi …

Sông Kinh Thầy lại vào mùa nước

Lũ dọa vỡ đê Nam Sách
Tiếng trống hộ đê dồn dập đêm ngày
Theo chúng tôi vào tận Trường Sơn
Người ở nhà, người ra đi nào ai biết khổ hơn
Nước lụt ngang trời ba tháng                                                      
Nhà cửa, ruộng vườn ngâm trong nước trắng
Mẹ tôi gầy, thầm khóc hàng đêm
Mẹ thương mấy đứa em không đủ cái ăn
Mẹ thương con trai mình vừa ra mặt trận
Mẹ thương cha suốt nhiều đêm ngồi như pho tượng
Cha càng gầy, hai mắt lõm sâu

Lúc ấy chúng tôi đang ở đâu ?...

Chiến trường rất rộng
Chiến trường nhiều bom đạn
Chúng tôi còn rất ngu ngơ
Bỏ lại sau lưng những năm tháng tuổi thơ
Chúng tôi buộc mình phải lớn
Như vừa mới hôm qua,cuộc đời một thoáng
Ngoảnh lại nhìn đã 40 năm…
Chúng tôi giờ nhiều người đã lên ông
Nội, ngoại, gái, trai đầy đủ
Có người còn nhiều lam lũ
Có người đã về với trời xanh
Ký ức những ngày đầu tiên
Chúng tôi còn giữ mãi
Cứ dịp tháng 5 lại háo hức tìm về đồng đội
Chỉ để nhìn thấy mặt nhau
Hỏi thăm vài câu
Thế là sung sướng
Người hôm nay đeo quân hàm cấp Tướng
Hay lo ruộng vườn làm bác nông dân
Tất cả chúng tôi đều là lứa đồng ngũ tháng Năm
Cùng chung một ngày để nhớ
Nhớ những ngày đầu tập làm chiến sĩ
Thế mà đã Bốn Mươi Năm…
                                                                                                   
13/5/2011
Nguyễn Văn Thế

Những sáng tác trên đây cho tôi một niềm tin là những người “chơi thơ nghiệp dư” vẫn có khả năng viết được những bài thơ tự do khá chuẩn. Nhưng muốn làm thơ tự do thì chắc là phải bỏ những thói quen bám víu, vay mượn từ người khác để làm phao. Phải tự tin và phải dám bơi vo. Nghĩa là chỉ dựa vào chính những cảm xúc, những suy nghĩ, những liên tưởng…của riêng mình, chợt nảy ra ở trong tâm hồn mình. Cố nhiên là khi làm thơ, ai cũng phải đăm chiêu tìm tòi suy nghĩ. Nhưng nàng thơ vốn đỏng đảnh. Khi đi tìm  chưa chắc ta đã gặp nàng đâu. Thậm chí nàng còn ẩn trốn để trêu ta nữa  đấy. Nhưng rồi đùng một cái nàng lại nhảy xổ ra dọa nạt ta.Hãy nhanh tay mà túm bắt. Có thể là chỉ được một nắm tóc hay một vạt áo rách. Nhưng rồi sẽ có lần ta nắm được cổ tay.

28/9/2011




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét