Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

TRAO ĐỔI CÙNG XUÂN THẢO

Thày Tuân vừa mới đọc được một bức thư ngỏ của Xuân Thảo gởi thày Đỗ Đình Tuân trên trang Tri Ân. Thày Tuân phấn khởi lắm. Phấn khởi không phải vì thày Tuân được em “đánh giá cao” mà phấn khởi vì  chí ít trên Tri Ân thày Tuân cũng có một Xuân Thảo chân tình chia sẻ; cũng tương tự như xuân Thảo đã chân tình chia sẻ với thày Tư vậy: “Chạnh lòng đọc khổ thơ : " ĐÔNG " /Thương Thầy chiều xuống mà không bạn đời / Bàn đơn, ghế chiếc Thầy ơi / Thơ buồn, rượu tỉnh, Thầy tôi một mình /Biết bao thế hệ học sinh / Ơn Thầy còn nặng nghĩa tình năm xưa /Mong sao chia sẻ bây giờ /Để Thầy viết những vần thơ không buồn”
            Thày Tuân chỉ dám nhận những lời đánh giá của Xuân Thảo là một sự “chân tình chia sẻ” thôi chứ chưa dám xem mình đã ngang giá được như vậy. Bởi vì thày Tuân vốn là một người không có năng khiếu gì về văn chương cả. Thậm chí còn dốt nát về văn chương nữa là đằng khác. Thành công về văn chương sớm nhất của thày Tuân là hồi học lớp 5 ở Thiên thày Tuân có viết được một bài văn tả làng mình xuất sắc nhất lớp. Kỷ niệm ấy có lần thày Tuân đã kể lại trong “Những lớp học đầu đời”: “Tôi nhớ có lần thày đã cho chúng tôi làm một bài văn tả cảnh làng mình. Tôi viết về làng tôi rất thật, tất cả đều thật, về phong cảnh và cả về tập quán: “Làng Riêng vào đám đẫy trà/Vừa vào vừa giã vừa ra một ngày”. Nhưng có một chi tiết là tôi bịa. Đó là cánh đồng chiêm trũng trước làng tôi, tự nhiên lại biến thành một hồ sen, hoa nở bạt ngàn và hương thơm ngan ngát. Có lẽ chính cái chi tiết tôi bịa ra này đã làm cho bài văn đẹp hẳn lên chăng?”
            Năm sau thì cái trường cấp 2 ở Thiên ấy di chuyển về Nam Sách. Thày Tuân không theo trường mà sang thị xã Hải Dương học ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Suốt những năm học ở cấp 2, thày Tuân toàn phải thi lại về môn văn. Mà học sinh giỏi văn ngày ấy toàn là những nữ sinh thị xã, quần đen, áo hoa, khăn quàng đỏ, má phấn môi son, đẹp như các tiên đồng. Theo gợi ý của các thày dạy văn, Thày Tuân kỳ nghỉ hè nào cũng phải đến mượn các bài tập làm văn của các “thị nữ” ấy về làm tài liệu tham khảo mà học tập. Ngày ấy thày Tuân còn là một trai làng nhút nhát, vả lại lại “dốt văn” nên “xí hổ” và mặc cảm nhiều, nên chả dám chơi bời thân quen với một “tiên đồng thị nữ” nào cả, tuy rằng trong thâm tâm thì cũng có đôi lần xao xuyến. Trước đó, ngày còn học ở Chí Linh, thày Tuân cũng đã bị một cô “sơn nữ” hút hồn rồi. Nhưng cũng chỉ là một mối tình câm lặng, tự sinh ra rồi lại tự biến mất. Sau này cô ấy thành công nhân lâm sinh: “…Thoáng trong anh lại tiếng em cười / Khúc khích bên dòng suối vắng / Cô gái lâm sinh má hồng dưới nắng / Ngày ngày gieo hạt  ươm cây…” (Cánh rừng em)
May mắn là thời ấy học trò chưa phải học thêm. Ngoài mấy tiết nghe các thày giáng bài trên lớp thì học trò hoàn toàn được tự do tự học ở nhà. Vì “dốt văn” nên buộc lòng thày Tuân phải “đầu tư” nhiều vào môn văn. Thế là những năm học ở Hải Dương,  buổi sáng lên lớp, buổi tối học bài, còn buổi chiều, thì đa phần là thày Tuân đi ngồi thư viện. Đọc nhiều thành yêu văn học rồi “bốc hứng” lên cũng làm thơ mới khiếp chứ. Thày Tuân mua một cuốn sổ mới, bìa cứng hẳn hoi để làm thơ đấy. Rất may là bài thơ đầu tiên ấy thày Tuân còn giữ được. Nghe nó ngây ngô và buồn cười lắm. Bài Đầu tiên:
Lần đầu tiên tôi cầm sổ mới
Lòng ngập ngừng biết nói những chi
Nỗi vui mừng hay những nỗi sầu bi
Ôi khó nghĩ, thật là khó nghĩ
Tôi muốn thành một nhà thi sĩ
Để nói lên ý nghĩ của mình
Tôi chỉ là một cậu học sinh
Trong đầu óc chứa đầy mơ mộng
Thường say sưa với những niềm ảo vọng
Đầy lòng chan chứa những niềm vui
Chưa suy sâu nghĩ rộng việc đời
Sao có được những lời thơ thật sự
Và có được những bài văn đầy tình tự
Mà chỉ là những lời nói huyên thiên
Nó xuất ra theo giấc mộng triền miên.
                                   Thị xã Hải Dương
                                          1956
Kết quả của những năm ngồi thư viện là khi vào cấp ba thày Tuân bắt đầu “có tiếng” về văn thơ. Chả là ngay vào buổi khai giảng, thày Tuân đã lên ngâm luôn một bài thơ vừa sáng tác. Bài thơ dài như một trường ca. Sau buổi ấy nó được ngâm lên đài thị xã nên thày Tuân càng nổi tợn. Bài ấy thì thất lạc. Nhưng ấn tượng của bài thơ  trong tâm khảm bầu bạn thì lại khá đậm. Sau này trong lưu bút cuối khóa nhiều bạn đã ghi lại cái ấn tượng ấy: “…Nhà thơ thân yêu của tôi ơi. Anh làm thơ khá lắm, nhưng hơi buồn đó, âm điệu, mạch văn hao hao giống của thi sĩ Tố Hữu, điều đó tốt nhưng thiếu phần độc đáo. Xin lỗi mình dốt văn, nhưng coi Tuân như Hồng, như Quang, những người bạn học cũ nên mạnh dạn Tuân đừng phật ý nhé. Điều đó không phải là thiếu chín chắn. Ngày 16 tháng 9, sau khi ngâm thơ cho toàn trường, (mình sẽ nhớ đến chết cái chào đặc biệt của thi sĩ) nhiều nhà “Văn” như loại mình cũng nhận thấy thế. Hôm đó ngẫu hứng mình có làm một bài thơ với tựa đề “Tặng Tuân”, nhưng không tặng được vì thơ mình nó…(tùy Tuân hiểu). Đến hôm nay thay cho lời kết luận mình viết lại 2 đoạn (bài thơ có 3 đoạn)
Đêm nay nghe ngâm thơ Tuân
Lòng mình cao hứng viết mấy vần
Vần thơ tuy chán nhưng chân thật
Xin tặng Tuân yêu cả tấm lòng

Hơi thở nhịp thơ mình nghe quen
Phải chăng Tố Hữu đã nên men
Làm say thi sĩ rồi đấy nhỉ
Chúc Tuân kế bước sẽ trưởng thành
Ngày nay mình đã hiểu Tuân. Ngày mai, ngày kia chúng ta sẽ liên lạc chặt chẽ để hiểu nhau nhiều hơn” (Lưu bút của Vũ Đình Mai)”
Bây giờ đọc lại thơ mình ngày ấy thày Tuân mới thấy mình còn quá “ngố”, chưa hiểu gì về thơ cả mà mới là “bắt chước” làm thơ. Cái ông bạn Vũ Đính Mai của thày Tuân ấy đã nhận xét quá sắc sảo. Nhất là sau này khi lên học ở đại học, được trang bị kiến thức về lý luận văn học, thuyết này, thuyết kia thì lằng nhằng lắm…nhưng tựu chung thày Tuân hiểu văn chương có 3 yêu cầu chính: Chân tình, cá tính và tài năng. Thày Tuân hiểu chân tình tức là phải có rung động thực.  Yêu thực, ghét thực, không có gì là vờ vịt cả. Đây là yếu tố ban đầu để tạo ra sự thuyết phục của văn. Không ít những cô gái khi chọn bạn tình lại chọn các chàng trai tuy vụng về một chút nhưng thật bụng, hơn là chọn những anh chàng “dẻo mỏ”. Đó mới là những cô gái chín chắn, tinh đời, có trực cảm tốt nên không bị thói “nịnh đầm”, “ga lăng” đánh lừa. Cá tính tức là phải có nét riêng của mình, không giống ai, từ ý tứ, cho đến ngôn từ, giọng điệu…Không giống người đã đành mà còn kỵ cả sự lặp lại chính mình nữa ấy. Yêu cầu cuối cùng của văn chương là phải có tài năng. Bởi vì những tình cảm cảm xúc, những yêu nghét giận hờn xẩy ra trong tâm trạng con người thì ai chả có. Nhưng chuyển được những rung động ấy thành văn chương thì phải có tài năng văn chương mới làm được. Văn chương không phải chỉ là gọi tên cái tình cảm cảm xúc của mình là đủ. Mới chỉ gọi tên thôi thì chưa là gì cả. Mà phải bằng một cách nào đó chuyển tải cái cảm xúc yêu trong lòng mình sang lòng người đọc thì mới thành văn chương. Chẳng hạn " Người dưng xa lắc xa lơ / Mà thương, mà nhớ...rồi chờ đợi nhau" Chính cái vớ vẩn đó mới là một trong "n" cách diễn ta tình yêu. Hiểu nôm na tức là phải có năng khiếu, cái bản năng trời cho làm vốn ban đầu. Theo công thức của Ê-đi-xơn thì Tài năng = 1% năng khiếu + 99% lao động, lao động cực nhọc. Cái 1%  năng khiếu ấy, tuy ít về khối lượng nhưng lại quyết định về chất lượng, vì nó là cái 1% của mầm hạt. Còn 99% kia chỉ là những chất dinh dưỡng dự trữ để nuôi dưỡng cái mầm hạt ấy khi nó mới nảy mầm. Thông thường những người có năng khiếu về một môn gì đó, thì tâm trí họ tự nhiên được định hướng về môn đó và quá trình tự tích lũy sẽ diễn ra ngấm ngầm và vô cùng hiệu quả. Cứ nói ngay trong trang Tri Ân của mình thôi, cũng nhiều người có năng khiếu văn chương lắm. Nguyễn Khắc Nguyệt rất có năng khiếu về viết ký. Cậu ấy có học văn veo gì đâu, chỉ là một “lính tăng”thôi  mà viết ký rất hay. Nhưng đừng nghĩ rằng cậu ấy không tích lũy, không rèn luyện. Không tích lũy, không rèn luyện thì không thể có được cái sức bút dồi dào, cái tâm thế chủ động, cái ngòi bút sắc sảo  luôn khơi trúng nguồn mạch vấn đề. Nhưng Nguyễn Khắc Nguyệt lại tỏ ra không có năng khiếu về thơ. Nguyễn Minh Hương cũng chỉ là một kỹ sư nông nghiệp, ra đời thì hành nghề tay trái làm cán bộ phụ nữ mà viết truyện ngắn và làm thơ đều hay. Nhưng sở trường hơn của Minh Hương có lẽ là viết truyện ngắn. Đây là một ngòi bút giàu nữ tính, giàu chất thơ và viết khá tinh tế  về tâm hồn phụ nữ. Ngoài ra thày Tuân cũng còn thấy đây đó lấp lánh những năng khiếu văn chương rất đẹp nhưng công phu nuôi dưỡng phát huy còn chưa đủ độ. Trong số đó đáng tin hơn cả, về thơ có cậu Nguyễn Văn Thế. Nguyễn Văn Thế viết ít  nhưng thơ cậu ấy vừa tự nhiên, vừa hợp lý lại vừa khơi gợi. Nó đúng là thơ nên đọc rất thích. Người ta thường nói trong một người viết văn làm thơ cần phải có hai nhà: một “nhà nghệ sĩ bốc đồng” và một “nhà phê bình tỉnh táo”. Nhà nghệ sĩ thì viết còn nhà phê bình thì phản biện và điều tiết chỉnh trang tác phẩm. Hình như “hai nhà”  này khá cân bằng trong con người Nguyễn văn Thế cho nên thơ cậu ấy rất say mà vẫn tỉnh. Có điều là có cái “nhà phê bình tỉnh táo” này thì viết sẽ hơi khó. Nhưng không sao. Viết khó nhưng hễ được là được. Nguyễn Tô Quang  cũng là một người có năng khiếu rất quý về thơ nhưng thả dài, bỏ đói nên càng ngày càng gầy guộc và teo tóp đi. Trong đội ngũ các thày cô tay trái viết chơi, thày Tuân cũng thấy có trường hợp lấp lánh. Đó là trường hợp thơ cô Tú. Nhưng có lẽ là do quan niệm viết chơi, viết đùa nên công phu chưa đủ độ, mài giũa chưa kỹ càng, ngay cả ở những bài thơ ngắn. Thường là thiếu hoàn chỉnh, tự lặp lại hoặc gần với ý tứ của người khác…Cho nên đọc thơ cô Tú, thoáng lượt đầu thì thích, nhưng dừng lại ngắm nghía thì lại không thích nữa. Không phải ngẫu nhiên mà dưới những bài thơ của cô Tú đăng trên Tri Ân thường có nhiều người nhận xét, Thày Tuân chỉ xin dẫn một trường hợp cụ thể. Bài Duyên trời dưới đây chẳng hạn:
Người dưng xa lắc xa lơ
Mà thương, mà nhớ, rồi chờ đợi nhau.
Miếng trầu cánh phượng làm cầu,
Thắm duyên đến bạc mái đầu bên nhau.
Dưới bài này thày Tuân thấy có đến ba ý kiến đề nghị sửa chữa câu cuối. Một ý kiến đề nghị sửa thành là:
Thắm duyên đến bạc mái đầu vẫn son
Một ý kiến đề nghị sửa thành là:
Thắm duyên đến bạc mái đầu vẫn duyên
Một ý kiến đề nghị sửa thành là:
Thắm duyên đến bạc mái đầu không phai
Nhưng vì sao mà nhiều người đề nghị sửa cái câu này đi như vậy? Điều này thì thày Tuân đã chỉ ra ở  “Lục bát truyện Kiều “ rồi. Thày Tuân thấy suốt trong 3254 câu thơ kiều tức là có 1627 câu 8 chữ, các chữ thứ 6 và chữ thứ 8 đều không được trùng vần và trùng thanh điệu với nhau. Nếu trùng vần  thày Tuân gọi là hiện tượng “chập Vần”. Mà hiện tượng chập vần xẩy ra thì câu thơ sẽ ngang phè. Ở câu 4 trong bài thơ trên của cô Tú, chữ “đầu” (6) với chữ “nhau” (8) tuy khác thanh điệu (thanh huyền và thanh không) nhưng lại cận vần (âu và au) thế là đã xẩy ra hiện tượng chập vần làm câu thơ ngang. Câu thơ ngang làm cho tai người đọc khó chịu, họ đề nghị sửa có lẽ là vì thế. Trong 3 cách sửa ấy thì thày Tuân thiên về người thứ ba hơn vì về ý thì ba cách sửa đều tương đương nhau, nhưng về cách nói thì người thứ 3 có sự chuyển đổi. “Thắm duyên” là cách nói khẳng định. “Không phai” cũng là khẳng định nhưng cách nói là khẳng định bằng phủ định. Sự chuyển đổi về cách  nói này đã làm cho câu thơ linh hoạt hơn, nhạc điệu câu thơ cũng mềm hơn và màu sắc câu thơ cũng dịu lại, nên cảm giác thấy hay hơn hẳn.
Trong đội ngũ những người có học hành văn chương tử tế như Đỗ Đình Tuân, Nguyễn Duy Dự (Thanh Dạ), Vũ Thị Song Thu, Nguyễn Tô Hà, Nguyễn Vân Anh thì chỉ có Thanh Dạ là chuyên đi về sáng tác thơ, là có chân trong hội này, hội nọ… Những người khác đều thiên về sưu tầm, nghiên cứu, phê bình, giới thiệu. Những nhìn chung họ còn ít viết, chưa bộc lộ hết  mình, nên  nhận xét gì về họ thì cũng còn hơi sớm. Riêng thày Tuân, vài ba năm gần đây có chịu viết hơn. Đó là vì được học trò cũ tin yêu và động viên nhiều làm thày Tuân phấn khởi. Thày Tuân viết vừa để ôn lại, vừa để học thêm, vừa để giao lưu với trò cũ và bầu bạn văn chương. Nếu những bài viết ấy, có giúp ích gì được cho ai, thì dù chỉ một chút thôi, thày Tuân cũng rất lấy làm mừng. Còn riêng với Xuân Thảo, nhiều thăng trầm, nhiều nếm trải, cái kho tàng vốn sống ấy là cực kỳ quý giá. Nhưng chuyển được cái vốn sống ấy vào tác phẩm lại cần có tài năng. Xuân Thảo cũng như thày Tuân trước đây, yêu văn chương đấy, nhưng không sẵn có vốn tài năng trời phú. Có lẽ, Xuân Thảo cũng phải đi theo con đường na ná như của thày Tuân thôi: lấy công làm lãi.
                                                     Chí Linh 7/10/2011
                                                        Đỗ Đình Tuân

1 nhận xét:

  1. kính thưa thày!
    Em đã đọc 3 lần bài viết của thày. Lần thứ nhất, đọc trên trang Blog'Dodinhtuan, đọc kỹ không bỏ sót chứ nào để cảm nhận; Lần thứ hai: đọc sau khi đã cắt dán và đưa vào ĐĂNG BÀI MỚI cho TRI ÂN, lần này cũng đọc kỹ, không bỏ sót chữ nào để sửa dấu chính tả (do đánh máy nhầm phím) và để "thấm". Lần thứ ba: xem lướt sau khi bài đã lên trang TRI ÂN. lần thứ nhất, vừa đọc vừa thấy cay cay mũi và rớm nước mắt. Lần thứ hai thì nước mắt chảy ròng và có lúc thổn thức. Đây là một bài học VĂN có lẽ là hay nhất, cảm động nhất trong đời em. Có một cảm xúc dâng trào, một nỗi xót đời, thương NGƯỜI không thể kìm nén được xen lẫn sự nuối tiếc khôn nguôi... lần thứ ba, cảm xúc đã lắng lại, vá hạnh phúc dâng đầy: Chúng em, những học trò đã ngoài 55, ngấp nghé lục tuần vẫn được thầy giáo già thất thập truyền sinh lực sống, được thày chăm vun, tưới tắm. Thầy ơi, đây là quà tặng cuộc sống VÔ GIÁ! Cảm ơn Thày! Cảm ơn anh Xuân Thảo đã thay chúng em chuyện trò với thày, và cảm ơn TRI ÂN CUỘC ĐỜI đã cho thầy trò ta có duyên hội ngộ.
    Trò Minh Hương

    Trả lờiXóa