Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

NÉT RIÊNG TRONG THƠ HÀI ĐỖ ĐÌNH TUÂN

Vũ Thị Song Thu



          Sống trung thực, thẳng thắn, không cầu lợi danh; đã làm việc gì là tận tụy, hết mình một cách vô tư nhất. Nhiều người nói với tôi về Đỗ Đình Tuân như vậy. Tôi cho rằng đó là nhận xét đúng mực về ông chứ không phải là lối nói lấy lòng hay thậm xưng gì. Hơn nữa ông chỉ là một “phó thường dân” lại nghèo xơ, nghèo xác chứ có phải người quyền cao chức trọng hay tỷ phú (Vai mang túi bạc kè kè) đâu mà đòi được nghe những lời lấy lòng đường mật. Tôi biết, từ khi còn là giáo viên đến khi làm Tổ trưởng tổ Văn hay Hiệu phó rồi quyền Hiệu trưởng nhà trường ông đã luôn sống và làm việc như thế. Khi về nghỉ chế độ, dù sức khỏe giảm sút nhiều, gia cảnh lại lắm éo le, ông vẫn giữ nguyên phong cách sống và làm việc đó trong ứng xử đời thường cũng như trong công việc “nghiên bút còn vương chút nợ nần”.
           Nói riêng về những công việc có dính líu đến văn chương thì ông là người khai mở, tổ chức, xây dựng nhiều tổ, nhóm thơ văn của đất Chí Linh như: Tổ thơ câu lạc bộ Côn Sơn huyện Chí Linh, nhóm Tiểu Đường của thị trấn Sao Đỏ, tổ thơ Câu lạc bộ Văn hóa dưỡng sinh khu phố Nguyên Trãi 2, tổ thơ câu lạc bộ Hội Cựu giáo chức, nhóm thơ văn Cánh phượng...Ở nơi nào ông cũng làm việc tận tâm, vô tư nên được mọi người tôn trọng, ghi nhận và tín nhiệm. Tuy nhiên do tính bộc trực, không phải ông không gặp những tai nạn nghề nghiệp, những bất đồng quan điểm nảy lửa. Có người giận ông, tức ông, ghét ông và thậm chí có người còn muốn tìm cách “dằn mặt” ông cho bõ ghét. Song không ai có thái độ hay lời nói xem thường ông về mặt nhân cách cũng như nghiệp văn.
          Với vốn kiến thức văn chương cơ bản (Cử nhân khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội I) lại là người ham đọc, ham tìm tòi, ghi chép cho nên ông có một phông nền văn hóa xã hội khá sâu rộng. Ngòi bút ông tung tẩy  thoải mái trên nhiều lĩnh vực từ dịch thơ chữ Hán, sưu tầm hệ thống tài liệu các thư tịch cổ và những cây bút cổ, kim viết về Chí Linh đến làm thơ, bình thơ, sáng tác truyện ngắn, viết hồi ký...Trước kia, ông từng gửi bài đăng báo Hải Dương, Người cao tuổi, Văn nghệ, báo Quân khu 3, gửi thơ châm phát trên Đài tiếng nói Việt Nam vào chiều thứ bảy hàng tuần. Nhưng từ ngày  mạng Internet phát triển, ông quay sang viết bài trên blog và thường xuyên có bài đăng trên các trang web: Chim Việt cành Nam, Người Chí Linh. Hiện ông là một trong những cây bút tiêu biểu của trang blog Triancuocdoi.
          Giống như phong cách sống của mình, ông làm thơ, viết văn một cách hồn nhiên vô tư. Một lần tôi hỏi: “Anh có muốn em viết bài về thơ của anh không?” Ông nói ngay: “Tùy em, anh không quan xiêm xem em hay ai đó có viết bài về mình không. Anh viết giống như con gà, có trứng trong bụng thì đẻ thôi”. Thực tình, tôi có ý định viết một bài gì đó về thơ ông từ lâu nhưng cứ lần lữa mãi vì ngại người ta cho rằng “Chồng hát, vợ khen”. Nhưng khi nghe ông nói thế tôi thấy mình cứ viết trung thực những điều mình cảm, mình thấy, mình nghĩ còn ai nói gì thì có sao! Thế là tôi viết. Tuy vậy, trong bài viết nhỏ này, tôi không có tham vọng khám phá toàn bộ sáng tác của Đỗ Đình Tuân hay đi sâu vào khai thác mọi khía cạnh trong thơ ông. Bởi chỉ riêng lĩnh vực thơ thôi, tôi cũng thấy ông viết thật phong phú . Có thơ trữ tình, tự sự, triết lý, châm biếm , tự trào lại có cả những “Câu đùa, câu thật bỡn người thân” nữa. Cho nên tôi chỉ đề cập đến những  cảm nhận của mình về  nét riêng trong một số bài thơ cụ thể của  ông mà thôi.
          Theo thiển ý của tôi cái nét riêng nổi bật trong  những bài thơ tôi sẽ nói đến sau đây chính là cái chất hài hài hom hóm ẩn chứa đằng sau từng con chữ, từng thi tứ. Thú vị hơn nữa là vì đó không phải là cái hài hài hom hóm dễ dãi,  cái cười xòa hời hợt mua vui mà là tiếng cười lắm cung bậc và nhiều dư vị. Đọc thơ ông tôi cứ luôn hình dung thấy ở đâu đó hình ảnh một ông già đang mủm mỉm  nụ cười móm mém nửa như giễu cợt, phê phán, nửa như yêu thương khích lệ thật ngộ có khi lại như cười cợt hay tâm sự với chính mình. Điều này thể hiện trước hết ở những bài thơ tự sự, tự trào. Trong bài “Ngỡ là xuân”, ông viết:
Tuân – xuân chung một cái đuôi “ uân”
Mà khác biệt nhau biết mấy lần
Xuân những tươi hoa cùng tốt lá
Tuân thì tóp thịt lại trơ gân
Xuân chừng “cốc vũ” đà “nên nhạc”
Tuân mãi “sang thu” mới “ ghép vần”
từ đó thơ thơ và thẩn thẩn
Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân
         Ở đây tác giả đã đặt Tuân và xuân trong thế song hành đốí  xứng để tự trào hình ảnh con người xương thịt và tự sự về con người văn thơ Đỗ Đình Tuân. Bên cạnh mùa xuân xanh tốt, tươi thắm và căng tràn sức sống “tươi hoa cùng tốt lá” là hình ảnh con người xương thịt Đỗ Đình Tuân hiện lên thật hài hước, bởi vẻ teo tóp khẳng khiu , gầy guộc đến không thể gầy guộc hơn “tóp thịt lại trơ gân”. Bên cạnh mùa xuân mới vào tiết “cốc vũ” đã nên thơ nên nhạc là hình ảnh Đỗ Đình  Tuân đợi đến “sang thu mới ghép vần” (có thể hiểu  là phải sang tuổi xế chiều của đời người mới làm thơ). Nhưng kì lạ thay, từ đó “ Tuân” bỗng đổi khác, lúc nào cũng ở vào trạng thái bồng bềnh, lãng đãng, chơi vơi đến độ thăng hoa và thấy cuộc đời  thật đẹp tươi , thấy tháng ngày cứ  tràn đầy tình thơ ý nhạc như mùa xuân bất tận của đất trời “Ngày nào hắn cũng ngỡ là xuân”. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh riêng đặc biệt của “ hắn” mà những người đã quen biết “ hắn” đều tìm thấy một ý nghĩa khác nữa trong ba câu thơ cuối của bài và có lẽ chính “ hắn” cũng định gửi gắm ý đó thật. Vì vậy mà bài thơ trở nên hóm hỉnh, đa nghĩa và ý vị hơn. Vẫn trong mảng thơ tự sự, tự trào này, đầu xuân năm 2011 vừa qua, khi nhận bằng mừng thọ tuổi bảy mươi, Đỗ Đình Tuân đã tự mừng mình bằng bài thơ “ Tôi lên tuổi bạc” rất khơi gợi và đầy tâm trạng:
                      Sáu chín tây mà ta bảy mươi
                      Xuân nay tôi cũng “ bạc” đây rồi
                      Bâng khuâng ôm nhận bằng mừng thọ
                      Lãng đãng vui buồn miệng nhoẻn tươi
 Cứ chụp vài pô cho tíu tít
Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời
Anh em bầu bạn gần xa lại
Không rượu thì bia cũng có mời
          Bài thơ đậm chất tự tình. Cho nên ngoài vài ba nét phác họa không khí buổi mừng thọ tíu tít bởi cảnh chụp ảnh kỉ niệm, cảnh ngâm thơ chúc mừng và lời hứa mời bia, rượu, tác giả chủ yếu đi vào dãi bày tâm sự cá nhân : “Bâng khuâng ôm nhận bằng mừng thọ/ Lãng đãng vui buồn miệng nhoẻn tươi/ Cứ chụp vài pô cho tíu tít/ Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời”. Có điều gì đó như chút bâng khuâng tiếc nuối, chút rưng rưng buồn vương trong những câu thơ trên. Điều đó không chỉ được gợi ra qua các từ giàu sức biểu cảm “bâng khuâng”, “lãng đãng” hay những từ ngữ mô tả “vui buồn miệng nhoẻn tươi” mà nó ẩn hiện ngay trong những cảnh ngỡ như chỉ nói đến niềm vui “Cứ chụp vài pô cho tíu tít / Thì ngâm đôi khúc thật tơi bời”.Có lẽ ở đây, tác giả đang bâng khuâng tiếc nuối vì tuổi trẻ qua đi và miên man  buồn vương vì tuổi già đến chăng? Hay còn vì một điều gì khác nữa mà ta không thể gọi tên ra được mặc dù ta cứ thấy rưng rưng. Trong thời gian này, tác giả còn làm một số bài thơ khác để bộc lộ tâm trạng của mình. Có khi đó là chút âu lo trước tuổi già: “Thấy người mà lại lo xa/ Nay mai mình sắp sửa già thế chăng/ Ngày xuân lên lão không mừng/ Miệng cười mà dạ cứ bâng khuâng buồn”. (Tâm sự tuổi bảy mươi) Có lúc lại là chút buông xuôi, phó mặc của con người lực bất tòng tâm: “Đành tự khuyên ta ở tuổi này/ Còn nhai, còn uống được là may/ Cái tâm cái trí...còn hưng phấn/ Vườn rậm ao hoang...kệ chúng mày”.(Liệt kê)

(Còn nữa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét