Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

TẢN MẠN VỀ THƠ TỰ DO

Đỗ Đình Tuân
( tiếp theo)

Nhưng thơ Tố Hữu thường nói ở tầm “vĩ mô”. Các nhà thơ khác nói “vi mô” hơn. Mỗi người trong số họ cũng khai phá một vùng đất sáng tạo riêng và gặt hái những thành công của mình. Nhưng chủ đề đất nước và cuộc đời người lính được tập trung biểu hiện hơn cả. Đó cũng là một lẽ rất tự nhiên. Cả dân tộc đứng lên giành độc lập. Người lính  lại đứng trên tuyến đầu của mặt trận ấy. Ai mà không yêu quý và nể trọng? Trong đời thực là thế và trong văn chương càng như thế. Ngoài Nhớ máu của Trần mai Ninh, Nhớ của Hồng Nguyên, Tây Tiến của Quang Dũng,…thì có lẽ  Đồng chí của Chính Hữu cũng là một tiêu biểu:

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Hoàng Cầm có những câu thơ cực kỳ về quê hương trong Bên kia sông Đuống:

Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm đồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Đất nước hiện ra trong thơ của Nguyễn Đình Thi cũng thật đẹp và rất đỗi tự hào:    
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!    
Hoàng Trung Thông  gần như một mình một ngựa đi vào chủ đề lao động sản xuất và viết Bài ca vỡ đất nổi tiếng một thời.
Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay
Đồng xanh ta thiếu đất cày
Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng.

 Trong Bài ca vỡ đất có những câu thơ ca ngợi sức lao động của con người thật đặc sắc: “Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đã cũng thành cơm”. Câu thơ đã làm nên tên tuổi Hoàng  Trung Thông. Nó gần như đã thoát ly khỏi bài thơ và sống một cuộc đời tự lập. Cứ nhắc đến Hoàng Trung Thông thì người ta dễ nhớ đến câu thơ này và ngược lại. Thậm chí, chỉ mới nhắc tới chủ đề lao động thôi, thì câu thơ đầu tiên người ta dễ  nhớ đến cũng chính là cái câu thơ này. Dưới đây xin trích cái đoạn có chứa câu thơ bất hủ ấy:

Cho dù bạc áo nông binh
Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.
Chim reo trong lá
Hòn đá cheo leo.
Chúng ta một lớp người nghèo.
Giữa chiều nắng gió
Đào cây cuốc cỏ,
Tỉa đỗ trồng khoai.
Ngày còn dài
Còn dai sức trẻ.
Cuốc càng khỏe,
Càng dễ cày sâu.
Hát lên ta cuốc cho mạu
Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.
Bàn tạy ta làm nên tất cả.
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
                                               1948
Thơ tình thì thời nào cũng khổ, cũng những buồn, những nhớ cùng thương. Nhưng thơ tình thời chiến tranh thì càng phải chịu đựng và mất mát nhiều hơn vì nó thường phải gắn với “Sinh ly” hay “tử biệt:

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.
                           (Nhớ-Nguyễn Đình Thi)

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
Đèn khuya
Bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Chiều hành quân
Qua những đồi sim
những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
                      (Màu tím hoa sim-Hữu Loan)

Đến thời chống Mỹ , trong tình yêu đôi lứa của tuổi trẻ Việt Nam vẫn còn thấy những nét “rất xưa” và đầy ý vị. Có lẽ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn đã lưu giữ được cái duyên, cái vẻ đẹp kỳ diệu ấy của các cô gái trẻ Việt ta chăng?

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận

Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,
Nào ai đã một lần dám nói ?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ.

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.

Chỉ có cậu bé Trần Đăng Khoa là còn vô tư lắm. Cậu còn đang ở tuổi đuổi bướm vàng, chơi xỉa cá mè, chơi mèo đuổi chuột, xem giun, xem dế và chơi với chó.Nhưng có lẽ cũng nhờ cái hồn nhiên ấy mà cậu mới được xem một cơn mưa giông Bắc Bộ kỹ càng và hào hứng đến thế. Đầu tiên là một cơn giông kéo đến:
Sắp mưa
Sắp mưa
Những con mối
Bay ra
Mối trẻ
Bay cao
Mối già
Bay thấp
Gà con
Rối rít tìm nơi
Ẩn nấp
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn nghìn cây mía
Múa gươm
Kiến
Hành quân
Đầy đường
Lá khô
Gió cuốn
Bụi bay
Cuồn cuộn
Cỏ gà rung tai
Nghe
Bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lóc
Chớp
Rạch ngang trời
Khô khốc
Sấm
Ghé xuống sân
Khanh khách
Cười
Cây dừa
Sải tay
Bơi
Ngọn mùng tơi
Nhảy múa
Khi cơn giông đi qua thì trận mưa mới ập xuống:
Mưa
Mưa
Ù ù như xay lúa
Lộp bộp
Lộp bộp...
Rơi
Rơi...
Đất trời
Mù trắng nước
Mưa chéo mặt sân
Sủi bọt
Cóc nhảy chồm chồm
Chó sủa
Cây lá hả hê
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa...
(1967 - Góc sân và khoảng trời)

Bài thơ hồn nhiên quá, tươi sống quá. Tưởng như chỉ toàn có những nhìn ngắm và reo vui thích thú. Nhưng hình ảnh con người lao động hiện ra ở cuối bài thơ: “Bố em đi cày về / Đội sấm / Đội chớp / Đội cả trời mưa…” Không phải là không gợi ra những ngẫm nghĩ?
 
22/92011

           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét