Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

TẢN MẠN VỀ THƠ TỰ DO

  Đỗ Đình Tuân 

(Tiếp theo)

Nhưng viết thơ tự do một cách hồn nhiên và ngây thơ nhất lại thuộc về những nhà thơ của các dân tộc ít người.Cái hồn nhiên trong thơ Trần Đăng Khoa thời trẻ là cái hồn nhiên của tuổi thơ. Còn cái hồn nhiên trong thơ của các “nhà thơ dân tộc” lại là cái hồn nhiên do đặc điểm trong tâm lý tính cách, trong cách nghĩ, cách nói của các dân tộc ít người quy định. Nó là dấu hiệu của tính dân tộc nhiều hơn chứ không phải là dấu hiệu của tuổi thơ. Pờ Sảo Mìn khi đã thành một ông lão rồi mà giới thiệu về vợ mình vẫn rất “ngây thơ cụ”:
Vợ tôi
Năm nay em sáu mươi tuổi rồi
Nửa thế kỷ đi qua, mái đầu bạc trắng
Một đời gánh nặng khó nhọc trên vai
Tôi con suối thì đi
Em đất đai ở lại
Với túp lều con cái
Ba cái câu thơ cuối khổ “Tôi con suối thì đi / Em đất đai ở lại / Với túp lều con cái” Vừa hồn nhiên vừa rất gợi. Không những gợi cái “hoàn cảnh” cái “đảm đang gánh vác” của người vợ, mà còn gợi ra cả hình ảnh một miền quê rừng suối. Đó là cách nói của thơ đấy. Chỉ nói một điểm thôi, nhưng lại dẫn tâm trí người đọc đến cả vùng miền ý nghĩa. Xung quanh câu chữ, cứ phải có một khoảng trống ngôn từ dành cho tâm trí người đọc  tự do bay lượn. Khoảng trống ấy càng rộng thì thơ càng hàm súc, càng hay.
Khổ tiếp, Pờ Sảo Mìn nói về cô vợ mình thời con gái:
Vợ tôi
Cũng đã qua một thời con gái
Tóc dài như suối, mắt sáng như sao
Nghe em nói giọng chim mi ngọt ngào
Náo nức lòng tôi
Con trai người Pa Dí
Người ta cứ bảo “Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”. Ở đây tôi thấy Pờ Sảo Mìn cũng yêu bằng tai đấy chứ. Một cô gái miền núi mà “Tóc dài như suối, mắt sáng như sao” thì chả có gì là độc đáo. Sẽ có rất nhiều cô như thế. Thậm chí, câu thơ ấy có thể tả vào bất cứ cô gái  nào cũng đúng. Cái đặc sắc của cô gái này có lẽ là ở cái giọng nói “ Nghe em nói giọng chim mi ngọt ngào / Náo nức lòng tôi”. Chính cái giọng nói ấy đã khởi động tất cả tâm hồn nhà thơ dậy. Tôi rất chia sẻ với câu thơ này, bởi chính tôi đã có lần “chết” chỉ vì một giọng nói “một giọng nói trong trẻo nhưng đượm tình, ấm áp và dễ mến...”. Đang đứng trên sân khấu  như thế để “khoe” vợ mình với mọi người “thế này…, thế nọ…” thì đột nhiên nhà thơ lại gọi vợ mình riêng ra để trò chuyện tâm tình:
Vợ ơi,
Em như con ong kiếm mật xây tổ
Lo nuôi con thương chồng đi xa
Có một thời cơ cực vất vả
Có một thời tháng năm nghiệt ngã
Qua rồi,
Thế thôi.
Sau đó ông lại quay ra “khoe vợ” với mọi người:
Vợ tôi
Ngày lên nương ngô, trưa ra đồng lúa
Và chiều chiều trên vai củi nứa
Vẫn đêm đêm thương con nhớ chồng
Vẫn đêm đêm bóng những con chữ lặn vào trang giáo án
Đến buổi sáng
Bảng đen phấn trắng i tờ,
Qua rồi,
Thế thôi
Những cái điệp khúc “ Qua rồi, / Thế thôi.”  Đã làm cho giọng thơ “tưng tửng” và hồn nhiên hẳn ra. Rất thích thú. Cuối cùng Pờ Sảo Mìn đánh giá vợ cao lắm. Mà phải thế mới xứng tầm:
Tôi gọi em đích thực: Mẹ ơi,
Mẹ của các con tôi và mẹ của chính tôi
Không có vợ không câu thơ sinh nở
Không có vợ không bài ca để hát
Vợ tôi…
Lò Ngân Sủn,  một nhà thơ người dân tộc Dáy thì lại tả  Con gái bản Tông như thế này:
Mông em tròn mập như bắp chuối.
Váy em buộc thắt đáy lưng ong.
Ngực em căng hai bầu sữa ngọt.
Tóc chảy xuống như một dòng suối.
Mắt em tỏa ánh sao mơ.
Hai má em như hai quả đào chín.
Hai môi em như hai miếng thịt nướng.
Thân hình em trông như một bó củi chắc nịch.
Da thịt em hừng hực như lửa.
Vai em khỏe như vai con trâu.
Bụng em khỏe như lưng con ngựa.
Để em thồ tình yêu, chở hạnh phúc.
Để em vui những cuộc chợ phiên.
Phải hồn nhiên thì mới nói đến “mông” đến “bụng”, đến “vú” đến “môi”… của người phụ nữ cứ “tưng tửng” ra như vậy. Mà tả thì cũng tả đến nơi đến chốn bằng những hình ảnh rất thật và rất bạo: “Hai môi em như hai miếng thịt nướng /…Da thịt em hừng hực như lửa / Vai em khỏe như vai con trâu / Bụng em khỏe như lưng con ngựa / Để em thồ tình yêu, chở hạnh phúc”. Con gái bản Tông quả là một cô gái khỏe mạnh và hừng hực lửa sống. Họ khỏe trong cuộc đời và càng khỏe trong những cuộc tình. Y Phương, một nhà thơ người dân tọc Tày, trong bài Mùa hoa đã nói rất rõ cái “khỏe ấy” của họ:
Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt  đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi.
Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn vừa đi vừa ngái ngủ.
Cũng vì hồn nhiên mà Lò Ngân Sủn, quan niệm những cuộc làm tình giữa con trai và con gái chỉ là một “Bữa tình yêu” và ông viết về nó rất thoải mái:
Kìa
Có hai người
Con trai
Con gái
Ngồi bên nhau
Nằm bên nhau
Trên bãi cỏ dùng hoi
Chân tay
Quấn lấy nhau
Buộc chặt nhau
Miệng húp nhau tới tấp
Rồi
Cả hai
Cùng nằm lăn
Thở ra nhè nhẹ
Mắt nhìn đăm chiêu
Sau khi ăn xong
Bữa tình yêu
Cũng vì hồn nhiên mà các chàng trai dân tộc khi yêu họ “lì lợm” đến lạ, nhưng lại rất đáng yêu:
Em bảo nhà em ở mường trong
Thì anh làm cơn gió đến thăm
Em bảo nhà em ở mường ngoài
Thì anh làm ánh trăng đến ngắm
Em bảo nhà em không có ghế
Không có ghế, anh ngồi xuống phản
Em bảo nhà em không có phản
Không có phản, anh ngồi xuống sạp
Em bảo nhà em không có sạp
Không có sạp, anh ngồi xuống đất
Và nếu như không có đất
Anh sẽ ngồi vào lòng em yêu.
                 (Ngồi-Lò Ngân Sủn)
Ở nhiều lĩnh vực khác các nhà thơ người dân tộc cũng đều có những bài thơ viết hồn nhiên như thế. Chẳng hạn như Dương Thuấn- một nhà thơ dân tộc Tày -viết về Bàn tay:
Bàn tay nâng người ngã đứng dậy
Bàn tay đó sẽ được nhớ
Bàn tay cầm hoa đi tặng
Bàn tay đó sẽ thơm.
Rất hồn nhiên và cũng rất sâu xa.
Hay như Y Phương viết về Chiếc ba lô:
Dưới cấp tướng là cấp tá
Dưới cấp tá là cấp úy
Dưới cấp úy là binh nhất, binh nhì
Dưới binh nhì là ... chiếc ba-lô
Chiếc ba-lô bé nhỏ
Chiếc ba-lô lép kẹp
Treo vách nhà
Ðựng những ngày đẹp nhất đi xa.
Rất hồn nhiên và cũng rất bâng khuâng.
Trong các nhà thơ người miền xuôi chỉ duy nhất có một người học được cách viết hồn nhiên ấy của người dân tộc, đó là nhà thơ Cầm Giang:
Ới bản mường ơi!
Một cái nhà sắp đổ
Đêm khuya gà gáy ran trong ổ
Suối ngừng lại cả rồi
Gió lay chuyển động trời
Núi sạt nhanh xuống đất
Rừng cây rạp đổ tất
Vì dưới thang có hai người
Đang trộm ôm nhau
Đang đổi cái hơi
                      (có hai người)
Nhưng để cho những bài thơ hồn nhiên, chất phác ấy được đăng tải và ra mắt bạn đọc, tác giả đã thường xuyên phải dấu mình bằng những cái bút danh dân tộc: Khi thì là Cầm Giang, khi lại là Bạc Văn Ùi, là Cầm Vĩnh Ui. Chứ chính cái tên gốc kinh là Lê Gia Hợp, một anh lính trong đoàn quân Tây Tiến,sau ở lại công tác y tế trên Tây Bắc. Các bài thơ Núi Mường Hung, dòng sông Mã, Em Tắm, Nhớ vợ…đậm đà chất Tây Bắc đều là của một tác giả này. Bài Có hai người trích trên ông chỉ ghi là sưu tầm và dịch.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét