Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

TẢN MẠN VỀ THƠ TỰ DO

Đỗ Đình Tuân


Khi tìm hiểu về thơ tự do tôi nhận ra một điều là tự do không phải là không có luật mà tự do chỉ có nghĩa là một sự vận dụng linh hoạt các cách luật. Cũng có thể nói tự do chỉ là một dạng tổng hợp luật, đa luật hoặc tạp luật mà thôi. Vậy là trong các hình thức thơ ca tính tự do không hề có dính líu gì với tính bừa bãi vô chính phủ mà chỉ quan hệ với tính linh hoạt và tính tổng hợp mà thôi. Thơ lục bát có tính tổng hợp cao nên tính tự do linh hoạt của nó cũng khá rộng mở. Nhưng dù có tự do, có linh hoạt đến mấy thì lục bát vẫn là một thể thơ cách luật. Nghĩa là vẫn có một quy luật chủ đạo chi phối nó để tạo ra cho nó một dạng thức cân bằng và ổn định. Còn thơ tự do, thơ tạp luật thì không. Nó không có một dạng thức ổn định nào hết. Câu ngắn với câu dài, vần chân với vần lưng…cứ tự do mà gắn kết. Thậm chí còn phá bỏ cả vần, chí dùng có nhịp điệu.
Thực ra thì thơ tự do cũng chẳng phải là một thể loại mới mẻ gì. Từ những ngày xa xưa đã từng có một lối thơ gọi là  Trường đoản cú( thơ câu dài, câu ngắn) rất giống với lối thơ tự do ngày nay. Dấu tích chúng ta còn có thể thấy được chính là bản Chinh phụ ngâm nổi tiếng của Đặng Trần Côn. Dưới đây là mấy câu trong đoạn mở đầu:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề, thuỳ tạo nhân
Cổ bề thanh động Trường Thành nguyệt
Phong hoả ảnh chiếu Cam Tuyền vân
Cửu trùng án kiếm khởi đương tịch
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân
Thanh bình tam bách niên thiên hạ
Tùng thử nhung y thuộc vũ thần
Sứ tinh thiêm môn thôi hiểu phát
Hành nhân trọng pháp khinh li biệt
Cung tiễn hề tại yêu
Thê noa hề biệt khuyết
(Nguyên tác của Đặng Trần Côn)

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Trống Tràng Thành  lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền  mờ mịt thức mây.
Chín lần gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
Nước thanh bình ba trăm năm cũ,
Áo nhung  trao quan vũ từ đây.
Sứ trời sớm giục đường mây,
Phép công là trọng niềm tây  sá nào.
Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn,
Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
(Bản dịch của Đoàn Thị Điểm)
Lời của những bài Hát nói (tức hát Ca trù  hoặc Ả đào), ngoài việc viết theo lối Trường đoản cú còn thấy xen lẫn cả Hán với Nôm nữa. Chẳng hạn như bản Bài ca lưu biệt của cụ Huỳnh Thúc Kháng:
Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết
Người ở đời đâu khỏi tiết nguy nan
Đấng trượng phu tùy ngộ nhi an
Tố hoạn nạn hoành hồ hoạn nạn
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia
Bấy nhiêu năm cũng vẫn chưa già
Nọ núi Ấn, này sông Đà
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt
Kìa tán tụ chẳng qua là tiểu biệt
Ngựa tái ông họa phúc biết về đâu!
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu
Thảy bốn biển cũng trong vòng trời đất cả
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Dẫu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng, đất ngả
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn
Trăng kia khuyết đó lại tròn
                                  1908
Nhưng phải đến thời đại chúng ta thì Trường đoản cúHát nói mới được hiện đại hóa thành thơ tự do và được sử dụng rất phổ biến. Hầu như không có nhà thơ nào không có những bài thơ tự do  thành công. Do yêu cầu của thời đại nên dòng thơ tuyên truyền, thơ thời sự chính trị được ưu tiên số một. Có rất nhiều chính khách đồng thời là nhà thơ nhưng người khai mở thì vẫn là Hồ Chí Minh. Năm 1941, Người từ Trung Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người thành lập mặt trận Việt Minh và viết hàng loạt bài ca tuyên truyền vận động cách mạng, trong đó có Bài ca du kích:
Ào, ào, ào...
Ào, ào, ào...
Già nào
Trẻ nào
Lính nào
Dân nào
Đàn ông nào
Đàn bà nào!
Kẻ có súng dùng súng
Kẻ có dao dùng dao
Kẻ có cuốc dùng cuốc
Người có cào dùng cào
Thấy Tây cứ chém phứa
Thấy Nhật cứ chặt nhào.
Chúng nhiều là mấy vạn
Ta mấy triệu đồng bào
Chúng đường xa mỏi mệt
Mình "dĩ dật đãi lao"
Làm cho chúng mòn mỏi
Làm cho chúng tiêu hao
Chúng nhất định thất bại
Mình sức càng dồi dào
Ào, ào, ào...
Ào, ào, ào...
Du kích ngày càng mạnh
Du kích ngày càng cao
Ào, ào, ào...
Ào, ào, ào...
                        1942
Bài thơ in rất đậm phong cách Hồ Chí  Minh, nghĩa là rất giản dị, dễ hiểu, vấn đề thì nghiêm túc nhưng giọng điệu thì vẫn cứ dí dỏm vui vui rất thân tình và gần gũi với quần chúng. Bên cạnh Hồ chí Minh thì Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy… cũng đều làm thơ chính trị. Nhưng “có nghề” và nổi tiếng hơn cả là Tố Hữu. Tố Hữu có thời kỳ từng được suy tôn là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông thành công ở rất nhiều thể loại kể cả với thơ tự do.Thơ ông bám rất sát với những bước đi của cách mạng Việt Nam. Ta cướp chính quyền ở Huế thì ông có Huế tháng Tám vui như đến vỡ ngực nổ trời:
Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi
Ha! Nó hát cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!
Gió ơi gió! Hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
                                           1945
            Ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ, thì ông cũng có ngay Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào áo vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện…
            Rồi khi ta về tiếp quản thủ đô tháng 10/1954, Tố Hữu cũng có ngay bài Ta đi tới. Ta đi tới chính là khúc khải hoàn ca của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp(1946-1954. Bài thơ sang sảng một niềm vui chiến thắng tự hào:
Ờ đã chín năm rồi đấy nhỉ
Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ
Bắp chân đầu gối vẫn săn gân
Ngẩng đầu lên: trong sáng tuyệt trần
Tháng Tám mùa thu xanh thẳm
Mây nhởn nhơ bay
Hôm nay ngày đẹp lắm!
Mây của ta, trời thắm của ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
Đã tan tác những bóng thù hắc ám
Đã sáng lại trời thu tháng Tám
Trên đường ta về lại Thủ đô
Cờ đỏ bay quanh tóc bạc bác Hồ!
            Nhưng đó lại chưa phải là một chiến thắng trọn vẹn. Tổ quốc Việt Nam vẫn tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Có lẽ vì thế mà ở phần cuối bài thơ, tuy vẫn đinh ninh một niềm tin tất thắng, nhưng trong giọng điệu vẫn đau đáu một nỗi niềm xa xót, nhớ thương:
Ai đi Nam Bộ
Tiền giang, Hậu Giang
Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng
Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp
Việt Bắc miền Nam, mồ ma giặc Pháp
Nơi chôn rau cắt rốn của ta
Ai đi Nam-Ngãi, Bình-Phú, Khánh Hòa
Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc
Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung
Ai về với quê hương ta tha thiết
Sông Hương, Bến Hải, Cửa Tùng…
                                       8/1954
            Và phải chờ đợi 21 năm sau, với rất nhiều hy sinh xương máu nữa ta mới có được niềm vui toàn thắng:
Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ
Tổ quốc tôi. Chưa đẹp thế bao giờ
Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển
Xanh trời, xanh của những ước mơ…

Tôi bay giữa màu xanh giải phóng
Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng
Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!
                         (Vui thế hôm nay, 8/1975)

20/9/2011
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét