Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

NÉT RIÊNG TRONG THƠ HÀI ĐỖ ĐÌNH TUÂN

Vũ Thị Song Thu
(tiếp theo)
  
         Nếu thơ tự sự, tự trào của Đỗ Đình Tuân là những đan xen giữa vui buồn và giễu cợt thì thơ viết về người thân của ông lại nổi bật lên chất hài hước hóm hỉnh kiểu “ Câu đùa, câu thật bỡn người thân”. Điều này được thể hiện khá rõ trong bài : “Xin cho chữ béo”

Ngoài đời thày Mạnh to con
Cớ sao lên mạng CHỮ mòn mỏi đi
Các dòng đều bé li ti
Cứ như đàn kiến đang đi kiếm mồi
Khổ thay cho cái mắt tôi
Nghênh lên ngó xuống mà LỜI chưa hay
Mong khi lên mạng từ nay
Thày cho chữ béo như thày được không
        Chả là, thày Mạnh, một giáo viên dạy toán cùng trường với thày Tuân dạy văn. Cả hai ông nay đã ở vào cái tuổi “Xưa nay hiếm”. Thày Mạnh mới có máy vi tính, mới tập lên mạng, chắc còn lạ lẫm với cách chọn cỡ chữ lại mới tập làm thơ,hình như ông mới đưa lên trang blog cá nhân có 3 bài thơ . Đọc được những bài thơ đó của bạn, thày Tuân mới làm bài thơ trên. Chất hài trong bài thơ toát ra ngay từ cái tiêu đề “Xin cho chữ béo” và càng hài hơn khi tác giả đem hình ảnh “ thày Mạnh to con” đối lập với những hàng chữ nhỏ li ti thêm vào đó là hình ảnh thày Tuân (có lẽ đã dương mục kỉnh lên rồi) vẫn phải “ nghênh lên ngó xuống”  mãi mà chưa nhìn rõ chữ “mà LỜI chưa hay” nên mới phải “xin cho chữ béo như thày được không”. Ngoài cái ngồ ngộ, vui vui đó ra, những cụm từ “CHỮ mòn mỏi đi” và “LỜI chưa hay” còn lấp lánh những ý nghĩa khác nữa làm nên dư vị riêng cho bài thơ.
          Bài thơ “Bữa nhuận mồm” lại là một tiếng cười vui sảng khoái rất thoải mái và đậm tình thân:
                             Hôm qua được bữa nhuận mồm
                             Thịt gà xôi lạc chuyện rôm ra trò
                             Lại thêm mấy đĩa xào bò
                             Bia lon cứ bật tha hồ thả phanh
                             Ước gì ông viết cực nhanh
                             Mỗi ngày một tập Gió Lành in ra
                             Để tôi thả sức ba hoa
                             Bia hơi dẳng rốn thịt gà ngập răng
          Thực ra tôi cũng có mặt trong bữa liên hoan vui vẻ này và hiểu rất rõ về nguồn gốc của “Bữa nhuận mồm” hi hữu kia. Ấy là việc thày Bùi Trác Trường, nguyên giáo viên dạy kĩ thuật nông nghiệp của trường cấp 3 Chí Linh, thuở còn tại vị chẳng thấy thày làm thơ bao giờ nhưng về hưu không biết có gì phởn chí mà làm nhiều thơ đáo để rồi đem tập hợp lại thành một tập, nhờ thày Tuân đặt tên, viết lời giới thiệu và chế bản gốc. Phần lớn trong thơ thày Trường là viết về bà xã bằng một giọng thơ vui vô hại, phần còn lại  là những bài thơ vui kiểu bắt chước Hồ Xuân Hương. Vì thề, thày tuân mới đặt tên là “Gió Lành” và viết lời giới thiệu “ Tản mạn xung quanh tập Gió Lành”. Thày Trường  rất khoái tên tập thơ và lời giới thiệu đó. Sau này, lại nhờ một cô cháu gái của thày Trường mà tập thơ đã được ra mắt bởi nhà xuất bản Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Thày Trường và gia đình phấn khởi lắm  làm mâm cơm, mời thày Tuân. Thế là tôi cũng được ăn theo. Sau bữa liên hoan đó, bài thơ “Bữa nhuận mồm” ra đời.Cả bài thơ toát lên một không khí vui vẻ, rôm rả, hồ hởi, thoải mái rất dân dã  rất tếu táo và rất thân tình. Chủ nhà và khách mời cứ như hòa làm một. Có phải chính cái giọng điệu thơ và những từ ngữ chân mộc đời thường như: rôm, thả phanh, cực nhanh, ba hoa, dẳng rốn, ngập răng đã tạo nên cái không khí đó của bài thơ? Nhưng với tôi, thú vị nhất trong bài thơ này là cụm từ “Bữa nhuận mồm”. Bởi nó rất lạ (hầu như chưa thấy ai dùng), rất hài và dường như nó còn góp phần định rõ vị thế của tập thơ, một thứ “ cây nhà lá vườn”mà người viết giới thiệu được “Bữa nhuận mồm” cũng đã thấy rất  vui vẻ thoải mái. Bởi thế mới “Ước gì ông viết cực nhanh/ Mỗi ngày một tập gió lành in ra/ Để tôi thả sức ba hoa/ Bia hơi dẳng rốn thịt gà ngập răng”.
          Vẫn với giọng điệu  hài hước đó, trong bài “Thày Tuân phúc đáp” , ông viết : Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê/ Chúng bảo gì thày cũng miễn chê/ Bình luận dịch thơ thì đã thích/ Luật Đường lục bát lại thêm mê/ Lưng còng chân mảnh như ông khỉ/ Má tóp răng thưa tựa lão hề/ Ngày hội các thày đang sắp sửa/ Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê”. Chẳng biết tình thực học trò nịnh thày như thế nào nhưng qua lời thuật lại của ông thày trong bài thơ này thì hình như học trò vừa khen văn thơ của thày lại vừa vẽ luôn một bức tranh biếm họa về ông thày già khẳng khiu, móm mém nữa. Thế nhưng, ông thày già không hề phật ý lại còn cười tủm, gật gù đầy thú vị. Dường như dưới con mắt ông, các trò đáng yêu như con trẻ. Vì chỉ con trẻ mới nhìn thày với cặp mắt ngây thơ đầy ngưỡng mộ và cũng rất hồn nhiên để thấy rằng “ gì thày cũng miễn chê”, mới so thày với “ông khỉ” và “lão hề” khiến ông thày già vui sướng rung rinh mà hai lần thốt lên “Nghe trò cưng nịnh sướng tai ghê”. Cũng nên biết thêm một điều rằng đây là lời phúc đáp của ông thày “thất thập cổ lai hi” với  học trò đã “ngũ thập tri thiên mệnh”, vậy mà qua giọng thơ vui, ta bỗng thấy trò thơ bé lại, thày càng trẻ ra. Vui đến thế. Thân mật gần gũi đến thế nhưng không hề trở nên suồng sã hay quá trớn mà ngược lại vẫn đúng đạo thày trò. Có lẽ chính cái chất hài hài hom hóm của thơ làm nên điều đó chăng?
          Song cái giọng thơ nửa đùa, nửa thật vừa khen vừa chê, nửa như giễu cợt, nửa như khẳng định ấy được thể hiện rõ nhất trong thơ Đỗ Đình Tuân là những bài viết về vợ. Ở đó, ông thường sử dụng lối nói ngoa dụ kết hợp với cách so sánh cụ thể, giàu hình ảnh để cười cợt cái nhan sắc vốn rất khiêm nhường của vợ mình “Tóc mềm hơi giống lông cò lửa / Da trắng gần như đít chảo gang / Tiếng nói véo von y vịt đực / Thân hình thon thả hệt cây nhang”. Để rồi đi đến kết luận xanh rờn rằng: “Người ta hiện đại tây đầm cả / Mình vẫn chân quê một gái làng”. Thú thực, là nạn nhân trong bài thơ trên, tôi cũng thấy tưng tức lạ. Phụ nữ mà, ai chẳng thích được khen! Thế mà ở đây tôi lại bị chính ông xã mình  chê lên chê xuống  thì làm sao tôi không tức cho được? Nhưng rồi, tôi cũng tha cho hắn. Bởi chẳng biết có phải tại tôi hay giàu trí tưởng bở không mà khi nhẩn nha đọc lại, tôi bỗng tìm ra từ trong những lời thơ chê vợ ỏng eo kia một tình yêu, một niềm thương , một chút đùa vui ngọt ngào ý vị đến thân thiết và gần gũi. Có lúc mơ mộng hơn, tôi còn hình dung ra cả cái vỗ về nhè nhẹ, cái nháy mắt tinh quái, kết hợp với những lời dỗ dành ngọt lịm “Anh đùa chút mà em” trong đó nữa, thế mới lạ chứ! Ngay cả hai câu kết kia, lần đầu đọc, tôi cũng tức lắm. A, hắn dám mang tôi ra so sánh với một bóng hồng hiện đại, tân tiến, mô đen, sành điệu nào đó để chế nhạo cái quê mùa, cục mịch, lạc hậu của tôi ư? Nhưng rồi đọc lại lần nữa tôi lại thấy hình như hắn rất thích thú và tự hào về cái chân quê, gái làng của tôi đấy chứ! Thế là tôi lại mỉm cười sung sướng.

(Còn nữa )
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét