Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

NỖI LÒNG


Bất chợt chiều nay bão đổ về
Khơi lên trong dạ nỗi đau tê
Thương cây gạo cội không còn lá
Xót khoảng sân xưa vắng bóng hòe
Một cuộc xoay vần tao tác quá
Muôn nhà biến động thảm thê ghê
Bão tràn từ cõi "Thời xa vắng"*
Đọng lại hồn ta mấy não nề

               Sao Đỏ 29-9-2011
               Vũ Thị Song Thu

*: "Thời xa vắng"  là tên một tác phẩm của nhà văn Lê Lựu

CHUYỆN CỦA TÔI

Nguyễn Minh Tư
Phần  2
KHỞI NGHIỆP

1/ BỮA CƠM CHIA TAY 

Tháng 8-1967 tôi nhận QĐ về công tác tại trường cấp III Chí Linh, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tôi rất mừng vì nguyện vọng của tôi được thực hiện.
Trường cấp III Chí Linh xây dựng năm 1966, tại địa điểm sơ tán, (thôn Đồi Thông , xã Chí Minh, huyện Chí Linh, HD). Tuy khác tỉnh song so với Quảng Ninh thì gần và thuận lợi hơn, vì từ trường về nhà có khoảng 18 km, dọc QL 18. Hoàn cảnh gia đình neo bấn, em gái kế không được cắp sách đến trường, em gái út cũng đã phải bỏ học. Những năm tôi học ĐH ở HN mẹ và hai em rất vất vả, nhưng cả mẹ và các em rất vui và tự hào vì cả xã không có ai học đến bậc ĐH.
Ngày mai là ngày tập trung về trường công tác, lòng tôi cứ xốn xang, một cảm giác rất khó tả. Mẹ và 2 em vẫn bình thản như thường, không ai biết trong nhà sắp có người đi dạy học ở xa. Trong ánh mắt của mẹ hiện rõ vẻ ưu tư, trầm cảm. Tôi bảo mẹ: Mẹ cứ yên tâm, chiều mai con mượn xe đạp, em Bích chở con lên trường, chủ nhật con lại về. Mẹ chỉ ừ một tiếng rồi lặng lẽ bước đi…
Nguyễn Thanh Bình, bạn học cấp I khác thôn, là cửa hàng trưởng cửa hàng dược phẩm huyện Đông Triều. Anh trai Bình là chủ tịch xã, học xong anh xin cho Bình học dược rồi về bán hàng tại Đông Triều, cuộc sống cũng đỡ bấn túng hơn. Bình sang gặp tôi bảo: Mai đi nhận công tác rồi, chiều sang tao ăn cơm. Tôi đồng ý ngay, có nghĩ gì đến chuyện chia tay, chia chân gì đâu. Chúng tôi ăn cơm nhà nhau là bình thường ấy mà. Khoảng 2 giờ chiều tôi đi bộ sang nhà Bình (khoảng hơn 1 km). Vừa đến sân anh Thực (anh trai Bình) đã nói: Thằng nào làm thịt chó đây? Nhìn con chó xích ở gốc cây giãy giụa, nhe răng, dựng đứng lên sủa oăng oẳng, tôi đã kinh rồi còn nói gì đến làm thịt nữa. Tôi bảo anh :Em chịu thôi! và quay sang bảo Bình: Mày làm đi tao phụ cho. Anh Thực bảo: Nó có mà ăn thì có! Tôi nhìn Bình ái ngại. Hiểu ý chúng tôi, anh nói: Có người làm rồi, chỉ việc ăn thôi, được chưa?. Hai chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Anh nói tiếp: Hai đứa chịu trách nhiệm đun nồi nước sôi để làm lông thế được chưa?.
Bữa cơm thân mật của gia đình Bình cùng những người thân trong gia đình Bình tiễn tôi ngày mai đi nhận công tác mới, đơn giản mà đầy ý nghĩa, là kỷ niệm mà tôi mang đi theo suốt cuộc hành trình của mình. Tối về tôi cứ băn khoăn trằn trọc suy nghĩ miên man. Tôi tự trách mình:Sao không làm đựơc việc đó !?...
Thực tế là thế này: Bình đi công tác sớm hơn tôi nhiều. Lương lậu chẳng đáng là bao Bình vẫn dành dụm chu cấp cho tôi thêm để ăn học. Bình rất vui tính và hài hước. Thư viết cho tôi toàn bằng giấy hóa đơn thuốc. Có tháng, hắn gửi cho tôi cả những phép tính nữa chứ: cộng các khoản chi trong tháng; lấy tổng số lương và phụ phí, trừ đi, số còn lại chia đôi mỗi thằng một nửa (kể cả xu lẻ). Toàn bộ giấy viết Bình lo cho tôi hết (đó là hóa đơn thuốc mới tinh xuất kho)
Bàn với mẹ và anh Thực, Bình quyết định làm thịt chó liên hoan cho tôi đi nhận công tác. Một nghĩa cử cao đẹp trọn tình vẹn nghĩa của Bình đối với tôi đến lúc tôi thành đạt

2/ HAI LẦN HÔN LỄ

Cứ loay hoay mãi chuẩn bị cho chuyến đi công tác tại Chí Linh, mà chẳng việc nào ra việc nào. Mà làm gì có gì mà phải chuẩn bị! Biết vậy mà cứ cuống lên như dẫm phải tổ kiến lửa, chạy ra, chạy vào, thở dài, thở ngắn. Ăn cơm trưa với mẹ và các em xong, tôi đi mượn một chiếc xe đạp. Khoảng 2 giờ chiều Bích đèo tôi đi Chí Linh, vừa đi vừa hỏi đường. Đang dắt xe lên dốc Đồi Thông đến khu vực trường, người tôi gặp đầu tiên là anh Nguyễn Minh Dục, giáo viên thể dục, đi chiếc xe Thanh Niên màu đỏ, mặc áo sơ mi cộc tay màu “phòng không” sơ vin gọn gàng đang xuống dốc. Tôi chưa hỏi hết câu anh đã nhanh nhảu đáp: Vào ngay đi! Tôi chẳng hiểu gì cả. Ấn tượng đầu tiên về một thày giáo trẻ, đẹp trai làm tôi yên tâm hơn. Đi khoảng 100 m nữa đến một căn phòng tre, nứa, lá bên sườn đồi, người thứ hai tôi gặp là Nguyễn Xuân Vĩnh, giáo viên dậy Nga văn, anh mặc áo ka ky cộc tay hai túi ngực, dáng vẻ rất tất bật. Sau lời chào hỏi, anh tươi cười nói: Hay rồi, trẻ, đẹp trai đấy. Hôm nay nhà trường tổ chức liên hoan gặp mặt đầu năm cũng là tổ chức cưới cho Tuấn, giáo viên toán. Thời chiến ấy mà! Xuống văn phòng đi rồi lên ngay nhé!.
Xuống dốc sang bên kia đồi, trên đường gặp Tuấn đang tất tưởi, hai thằng ôm nhau cười vui vẻ. Chả là khi tôi vào lớp 1G, Tuấn học 2G phải đón chúng tôi và sắp xếp nơi ăn chốn ở, chiều nào chúng tôi chả gặp nhau trên sân bóng đá của trường. Tôi lại càng yên tâm vì đã có bạn quen cùng bộ môn. Khu văn phòng tan hoang quá “sân mọc cỏ, ngõ mọc rêu” không sai. Ba gian nhà tre nứa lá thấp lè tè, hai gian là văn phòng ban giám hiệu, gian đầu là bếp đun tập thể, còn 3 phòng học thì ở 3 góc núi cách xa nhau chừng 1km. Giáo viên ở trọ nhà dân .Giữa sân lầy lội là một đống tre tươi và rạ thu của học sinh chuẩn bị làm nhà cho giáo viên ở. Anh Huyên, cán bộ văn phòng đón tôi và đưa tôi vào nhà trọ. Tôi ở cùng anh Phạm Mộng Hải, giáo viên văn. Sắp xếp qua loa, chúng tôi lên dự đám cưới Tuấn và Mùi. Thời chiến đơn giản, tiết kiệm nhưng rất vui, vui nhất là vợ chồng Tuấn Mùi. Đó là lể tân hôn đón tôi của trường cấp 3 Chí Linh.
Tháng 5-1968 tôi được ty giáo dục Hải Dương QĐ điều về dạyở trường cấp III Nam Sách, Hải Dương, vì bên ấy đã thiếu lại có một giáo viên toán được bổ nhiệm vào Nam công tác. Mặc dù sắp hết năm học nhưng tổ chức vẫn phải QĐ điều động tôi sang Nam Sách dạy. Bạn mới, học sinh mới, giáo án cũng mới, lại chủ nhiệm một lớp, dùng dằng mãi cuối tháng 5 tôi mới sang được. Cảm thông với hoàn cảnh của tôi anh Tham hiệu trưởng vui vẻ tiếp tôi: Tớ tưởng cậu phải hết năm học mới sang ai ngờ cậu lại sang ngay (Tiếc quá nếu biết trước thì phải tổng kết năm học xong tôi mới sang). Còn ít ngày cậu giúp mình mấy việc sau:
- Cùng với anh Khánh, giáo viên T.D đưa HS đi thi TDTT ở Tiên Lữ
- Về giúp anh Giao (CB đoàn chuyên trách) làm nốt tờ báo về thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ.
- Chuẩn bị cho lễ bế giảng năm học.
Tổng kết năm học xong, trước khi nghỉ hè, nhà trường lại tổ chức lễ thành hôn cho anh Nhan, giáo viên sinh vật lấy cô Đại, làm ở Công ty thương nghiệp huyện Nam Sách.
Đó là lễ tân hôn tiễn tôi của trường C3 Nam Sách. Qua hè, tôi về lại Chí Linh luôn.
 

THỜI GIAN

 
 (Mến tặng 2 thi sĩ CẨM TÚ và Đ.Đ.TUÂN)

Thời gian là bạc, là vàng
Là niềm tiếc nuối khi sang tuổi già

Bây giờ ta vẫn là ta
Bởi thời gian vẫn nở hoa trong lòng

Và còn một khối vàng ròng
Gửi vào quỹ nhớ, quỹ mong ở đời

thanhdalanghop 29-9-2011

VU VƠ

Người dưng nói lời vu vơ,
Để tôi cứ đợi, cứ chờ, cứ theo.
Tam sông, tứ núi lội trèo,
Ngờ đâu duyên ở chân đèo không hay.


                Hà  Nội  : 8 /2011
                         Cẩm  Tú

SỢI NGÂU

                           
Bầu trời giăng trắng sợi ngâu,
Cũng là nghĩa nặng tình sâu ngàn đời.
Sợi thương, sợi nhớ đầy vơi,
Sợi rung động đáy lòng người cùng ta.
                    Hà  Nội  8/2011
                          Cẩm  Tú

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

LỮNG THỮNG

 


Tuổi già…
Lững thững…
Đoạn đời trước mặt thì ngắn
Đoạn đời sau lưng thì dài
Anh em
Bạn bè
Lả tả
Vàng rơi…
28/9/2011
Đỗ Đình Tuân

CHUYỆN CỦA TÔI

Nguyễn Minh Tư 

Phần I
HƯỚNG NGHIỆP

      Học hết cấp 1 xã Hồng Phong, Đông Triều, Quảng Ninh Năm 1958, lúc đó tôi đã 16 tuổi. Tôi phải nghỉ học vì nhà nghèo không có điều kiện học. Mẹ cứ động viên tôi đi học cùng các bạn, song tôi kiên quyết nghỉ để lao động giúp mẹ và các em. Ngoài việc trồng cấy tôi còn làm đủ việc để kiếm sống như vào rừng lấy củi, lấy măng tre để bán; vận chuyển gạch vào lò, ra lò, đóng gạch thuê cho chủ lò… Khi HTX mở lò gạch, tôi quay vè đóng gạch cho HTX lấy công điểm. Quanh năm lủi thủi sống dưới lò gạch giữa cánh đồng, thỉnh thoảng tôi mới về một lát thăm nhà. Các bạn cùng trang lứa học cấp 2 trên Đông Triều, tôi rất buồn vì chẳng có ai mà chơi, mà tâm sự. Tôi rất ham học, rỗi lúc nào tôi lại dở cuốn “500 bài toán lớp 4” ra để làm lúc đó cho đỡ nhớ. Tôi luôn mơ ước có ngày nào đó tôi lại tiếp tục được đi học. Ước mơ đó cứ ám ảnh trong tôi. Cuối năm 1960 địa phương cho tôi thi vào trường BTCN Đông Triều. Theo thông báo có 2 môn thi là VĂN và TOÁN lớp 4. Tôi rất mừng vì thế là tôi lại được đi học và chắc chắn sẽ là như vậy, tôi khảng định.Thi xong ở Hải Dương về tôi lao vào lao động giúp mẹ và chờ ngày đi học. Thế rồi cài gì đến sẽ đến. Một chiều thu tôi nhận được giấy báo NHẬP HỌC của trường BTCN Đông Triều. Tôi mừng quá nhưng cũng chẳng biết nói với ai ngoài mẹ và hai em. Thế là tôi đã đổi đời rồi, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, làm quần quật quanh năm mà chẳng đủ ăn, đủ mặc. Nhưng còn mẹ và 2 em thì sao?...Bao gánh nặng lại trút lên đầu mẹ và các em, tôi cứ bần thần suy nghĩ miên man, không lối thoát.
      Vào những năm 1960 các thày dậy tại trường BTCN sao “oai” thế. Thày nào cũng đẹp trai quần ào là lượt, đầu tóc mượt mà. Hỏi ra các thày toàn ở Hà Nội, một số thày là con tư sàn. Thày nào cũng đàn hát hay. Các thày các cô lúc nào cũng là thần tượng của tôi. Thày Chi dạy đại số, người Hà Nội có giọng nói nhẹ như tên, dáng đi lững thững bước một bước hai trông rất nhàn hạ. Cô Bạch Vân người Hà Nội dạy hình, chữ rất đẹp. Cô thường viết các bản tin cho trường trên bảng tin công cộng. Thày Nguyên Đức Long người Hà Nôi dạy văn có dáng người cao to trắng “như Tây”. Khi lên lớp, khi đi tắm, khi đi dạo chơi, lúc nào cũng cầm hộp thuốc lá sợi to bằng hộp phần, cuốn hút liên tục. Tính Thầy trầm lặng, ít nói nhưng dạy thì “cực bốc”, ai đã một lần nghe thày giảng bài thì không bao giờ quên được. Từ đó tôi ý thức dần “nghề thày giáo” và có xu hướng hướng nghiệp thực sự. Tôi là cán sự hình cho cô Vân, mỗi lần lên bảng chữa bài cho các bạn là những lúc tôi “tập làm thày giáo”. Nguyện vọng của tôi sau này sẽ là giáo viên dạy toán. Tôi muốn sau này học sinh cũng sẽ quý tôi như tôi quý các thày cô tôi bây giờ.
Năm 1963 thi tốt nghiệp, tôi đăng ký vào học trường ĐHSP Hà Nội (năm đó chỉ thi có một lần).
      Từ 60-63 học kiến thức phổ thông đơn thuần.
    Từ 1963-1967 mới chính thức học "NGHỀ DẠY HỌC". Đó là  những năm hướng nghiệp thực sự trong cuộc đời tôi.
Tốt nghiệp năm 1966 hệ, 3 năm ĐHSP Hà Nội, tôi được trường giữ lại học thí điểm năm thứ 4 hệ đại học 4 năm trong tổng số 50 sinh viên.
      Năm 1967 tôi tốt nghiệp hệ 4 năm ĐHSP.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

PHÓ NHÒM

 

   Bình hoa thờ ngày 1/9/Tân Mão(27/9/2011)-Tác phẩm nhiếp ảnh đầu tiên của Đỗ Đình Tuân


Thấy bông hoa nở đẹp
Chụp!
Thấy bình hoa thờ
Vợ cắm
Hay hay…
Chụp!
Từ khi Chương trình tặng máy
Bỗng dưng
Tôi hóa
Phó nhòm.

27/9/2011
Đỗ Đình Tuân

MÙA GẶT QUÊ EM


Gió ghìm ngọn lúa , sóng nhấp  nhô

Lõng bõng đường làng mới ngớt mưa

Xe lúa lặc lè lăn cuối xóm

Máy cày ành ạch vét đầu bờ

Vàng xanh loang lổ nghìn vuông lụa

Đậm nhạt gần xa mấy cánh cò

Rộn rã ngày mùa ong kiếm mật

Bếp hồng ngọn lửa sớm tinh mơ… .


                                         Khúc Hà Linh

MẤT VÀ ĐƯỢC



Sao tôi thấy như mất,
Một thứ gì không hay?
Đi tìm suốt cả ngày,
Mọi vật đều đủ cả.
Nhưng tôi vẫn thấy lạ,
Như thiếu một thứ gì?
Thứ gì đã mất đi,
Mà không tìm lại được?
Thì ra ngày hôm trước,
Đã ra đi mất rồi.
Ngày hôm nay bạn ơi,
Đến mai cũng sẽ mất,
Thời gian ra đi thật,
Bóng xế còn bao nhiêu?
Sống vui vẻ sớm chiều,
Là cái được lớn nhất.

Hà Nội – 2009
Cẩm Tú.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

TẢN MẠN VỀ THƠ TỰ DO

  Đỗ Đình Tuân 

(Tiếp theo)

Nhưng viết thơ tự do một cách hồn nhiên và ngây thơ nhất lại thuộc về những nhà thơ của các dân tộc ít người.Cái hồn nhiên trong thơ Trần Đăng Khoa thời trẻ là cái hồn nhiên của tuổi thơ. Còn cái hồn nhiên trong thơ của các “nhà thơ dân tộc” lại là cái hồn nhiên do đặc điểm trong tâm lý tính cách, trong cách nghĩ, cách nói của các dân tộc ít người quy định. Nó là dấu hiệu của tính dân tộc nhiều hơn chứ không phải là dấu hiệu của tuổi thơ. Pờ Sảo Mìn khi đã thành một ông lão rồi mà giới thiệu về vợ mình vẫn rất “ngây thơ cụ”:
Vợ tôi
Năm nay em sáu mươi tuổi rồi
Nửa thế kỷ đi qua, mái đầu bạc trắng
Một đời gánh nặng khó nhọc trên vai
Tôi con suối thì đi
Em đất đai ở lại
Với túp lều con cái
Ba cái câu thơ cuối khổ “Tôi con suối thì đi / Em đất đai ở lại / Với túp lều con cái” Vừa hồn nhiên vừa rất gợi. Không những gợi cái “hoàn cảnh” cái “đảm đang gánh vác” của người vợ, mà còn gợi ra cả hình ảnh một miền quê rừng suối. Đó là cách nói của thơ đấy. Chỉ nói một điểm thôi, nhưng lại dẫn tâm trí người đọc đến cả vùng miền ý nghĩa. Xung quanh câu chữ, cứ phải có một khoảng trống ngôn từ dành cho tâm trí người đọc  tự do bay lượn. Khoảng trống ấy càng rộng thì thơ càng hàm súc, càng hay.
Khổ tiếp, Pờ Sảo Mìn nói về cô vợ mình thời con gái:
Vợ tôi
Cũng đã qua một thời con gái
Tóc dài như suối, mắt sáng như sao
Nghe em nói giọng chim mi ngọt ngào
Náo nức lòng tôi
Con trai người Pa Dí
Người ta cứ bảo “Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”. Ở đây tôi thấy Pờ Sảo Mìn cũng yêu bằng tai đấy chứ. Một cô gái miền núi mà “Tóc dài như suối, mắt sáng như sao” thì chả có gì là độc đáo. Sẽ có rất nhiều cô như thế. Thậm chí, câu thơ ấy có thể tả vào bất cứ cô gái  nào cũng đúng. Cái đặc sắc của cô gái này có lẽ là ở cái giọng nói “ Nghe em nói giọng chim mi ngọt ngào / Náo nức lòng tôi”. Chính cái giọng nói ấy đã khởi động tất cả tâm hồn nhà thơ dậy. Tôi rất chia sẻ với câu thơ này, bởi chính tôi đã có lần “chết” chỉ vì một giọng nói “một giọng nói trong trẻo nhưng đượm tình, ấm áp và dễ mến...”. Đang đứng trên sân khấu  như thế để “khoe” vợ mình với mọi người “thế này…, thế nọ…” thì đột nhiên nhà thơ lại gọi vợ mình riêng ra để trò chuyện tâm tình:
Vợ ơi,
Em như con ong kiếm mật xây tổ
Lo nuôi con thương chồng đi xa
Có một thời cơ cực vất vả
Có một thời tháng năm nghiệt ngã
Qua rồi,
Thế thôi.
Sau đó ông lại quay ra “khoe vợ” với mọi người:
Vợ tôi
Ngày lên nương ngô, trưa ra đồng lúa
Và chiều chiều trên vai củi nứa
Vẫn đêm đêm thương con nhớ chồng
Vẫn đêm đêm bóng những con chữ lặn vào trang giáo án
Đến buổi sáng
Bảng đen phấn trắng i tờ,
Qua rồi,
Thế thôi
Những cái điệp khúc “ Qua rồi, / Thế thôi.”  Đã làm cho giọng thơ “tưng tửng” và hồn nhiên hẳn ra. Rất thích thú. Cuối cùng Pờ Sảo Mìn đánh giá vợ cao lắm. Mà phải thế mới xứng tầm:
Tôi gọi em đích thực: Mẹ ơi,
Mẹ của các con tôi và mẹ của chính tôi
Không có vợ không câu thơ sinh nở
Không có vợ không bài ca để hát
Vợ tôi…
Lò Ngân Sủn,  một nhà thơ người dân tộc Dáy thì lại tả  Con gái bản Tông như thế này:
Mông em tròn mập như bắp chuối.
Váy em buộc thắt đáy lưng ong.
Ngực em căng hai bầu sữa ngọt.
Tóc chảy xuống như một dòng suối.
Mắt em tỏa ánh sao mơ.
Hai má em như hai quả đào chín.
Hai môi em như hai miếng thịt nướng.
Thân hình em trông như một bó củi chắc nịch.
Da thịt em hừng hực như lửa.
Vai em khỏe như vai con trâu.
Bụng em khỏe như lưng con ngựa.
Để em thồ tình yêu, chở hạnh phúc.
Để em vui những cuộc chợ phiên.
Phải hồn nhiên thì mới nói đến “mông” đến “bụng”, đến “vú” đến “môi”… của người phụ nữ cứ “tưng tửng” ra như vậy. Mà tả thì cũng tả đến nơi đến chốn bằng những hình ảnh rất thật và rất bạo: “Hai môi em như hai miếng thịt nướng /…Da thịt em hừng hực như lửa / Vai em khỏe như vai con trâu / Bụng em khỏe như lưng con ngựa / Để em thồ tình yêu, chở hạnh phúc”. Con gái bản Tông quả là một cô gái khỏe mạnh và hừng hực lửa sống. Họ khỏe trong cuộc đời và càng khỏe trong những cuộc tình. Y Phương, một nhà thơ người dân tọc Tày, trong bài Mùa hoa đã nói rất rõ cái “khỏe ấy” của họ:
Mùa hoa
Mùa đàn bà
Mặt  đỏ phừng
Thừa sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi.
Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn vừa đi vừa ngái ngủ.
Cũng vì hồn nhiên mà Lò Ngân Sủn, quan niệm những cuộc làm tình giữa con trai và con gái chỉ là một “Bữa tình yêu” và ông viết về nó rất thoải mái:
Kìa
Có hai người
Con trai
Con gái
Ngồi bên nhau
Nằm bên nhau
Trên bãi cỏ dùng hoi
Chân tay
Quấn lấy nhau
Buộc chặt nhau
Miệng húp nhau tới tấp
Rồi
Cả hai
Cùng nằm lăn
Thở ra nhè nhẹ
Mắt nhìn đăm chiêu
Sau khi ăn xong
Bữa tình yêu
Cũng vì hồn nhiên mà các chàng trai dân tộc khi yêu họ “lì lợm” đến lạ, nhưng lại rất đáng yêu:
Em bảo nhà em ở mường trong
Thì anh làm cơn gió đến thăm
Em bảo nhà em ở mường ngoài
Thì anh làm ánh trăng đến ngắm
Em bảo nhà em không có ghế
Không có ghế, anh ngồi xuống phản
Em bảo nhà em không có phản
Không có phản, anh ngồi xuống sạp
Em bảo nhà em không có sạp
Không có sạp, anh ngồi xuống đất
Và nếu như không có đất
Anh sẽ ngồi vào lòng em yêu.
                 (Ngồi-Lò Ngân Sủn)
Ở nhiều lĩnh vực khác các nhà thơ người dân tộc cũng đều có những bài thơ viết hồn nhiên như thế. Chẳng hạn như Dương Thuấn- một nhà thơ dân tộc Tày -viết về Bàn tay:
Bàn tay nâng người ngã đứng dậy
Bàn tay đó sẽ được nhớ
Bàn tay cầm hoa đi tặng
Bàn tay đó sẽ thơm.
Rất hồn nhiên và cũng rất sâu xa.
Hay như Y Phương viết về Chiếc ba lô:
Dưới cấp tướng là cấp tá
Dưới cấp tá là cấp úy
Dưới cấp úy là binh nhất, binh nhì
Dưới binh nhì là ... chiếc ba-lô
Chiếc ba-lô bé nhỏ
Chiếc ba-lô lép kẹp
Treo vách nhà
Ðựng những ngày đẹp nhất đi xa.
Rất hồn nhiên và cũng rất bâng khuâng.
Trong các nhà thơ người miền xuôi chỉ duy nhất có một người học được cách viết hồn nhiên ấy của người dân tộc, đó là nhà thơ Cầm Giang:
Ới bản mường ơi!
Một cái nhà sắp đổ
Đêm khuya gà gáy ran trong ổ
Suối ngừng lại cả rồi
Gió lay chuyển động trời
Núi sạt nhanh xuống đất
Rừng cây rạp đổ tất
Vì dưới thang có hai người
Đang trộm ôm nhau
Đang đổi cái hơi
                      (có hai người)
Nhưng để cho những bài thơ hồn nhiên, chất phác ấy được đăng tải và ra mắt bạn đọc, tác giả đã thường xuyên phải dấu mình bằng những cái bút danh dân tộc: Khi thì là Cầm Giang, khi lại là Bạc Văn Ùi, là Cầm Vĩnh Ui. Chứ chính cái tên gốc kinh là Lê Gia Hợp, một anh lính trong đoàn quân Tây Tiến,sau ở lại công tác y tế trên Tây Bắc. Các bài thơ Núi Mường Hung, dòng sông Mã, Em Tắm, Nhớ vợ…đậm đà chất Tây Bắc đều là của một tác giả này. Bài Có hai người trích trên ông chỉ ghi là sưu tầm và dịch.

(Còn nữa)

ĐÙA THANH DẠ

Chưa cầu thân, vốn đã thân
Can chi chạy suýt bong gân thiệt kì
Mình đi mình vác súng đi
Súng mà đầy đạn sợ gì súng Tuân

                      
Vũ Thị Song Thu

Họa lại bài "ĐÃ THÀNH THÂN" của SONG THU

 

Đi tìm cô giáo để cầu thân
Đến Cổ Thành thì thấy lão Tuân
Đứng ở một bên bồng súng gác
Co giò chạy thẳng suýt bong gân

                   
Thanh Dạ

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Gửi các NÀNG TIÊN GIÁNG TRẦN của XÓM TRI ÂN

Các TIÊN đều ở trên trời
Buồn như chấu cắn;Tìm nơi giáng trần
Giáng trần để được phong trần

Giúp ÔNG TÁO DỞ mặc quần, đi hia
Phúc chung hưởng, họa sẻ chia
Rồi cùng vòng lại ngoài rìa CÕI TIÊN
Khi còn ở chỗ sân hiên
Thì cùng vui với bạn hiền, tri âm
MẮM nguội thì có TIÊN hâm
RƯỢU nguội thì ĐỔ VÀO TÂM tức thì
Đời TIÊN là cái chi chi
Nếu không biết "giáng" lấy gì làm vui
Cám ơn TIÊN đã "giáng chui"

Để cùng ta thoát BÙI NGÙI,CÔ ĐƠN !


Thanh Dạ - 26-9-2011

TRIẾT LÝ CỦA NGƯỜI TRỒNG HOA


Cứ cuốc đất phơi cho ải nỏ
Cứ ươm trống sương nắng tháng ngày qua
Cứ vun tưới và trừ sâu, cuốc cỏ
Chớp mắt là lại thấy một mùa hoa.
22/9/2011
Đỗ Đình Tuân

HÀNH TRÌNH " XÍCH KHẨU "






                                               

  II  ĐẾN BẮC GIANG

 a) Vật và chủ vui mừng chào đón khách



b) Xích khẩu lần 2









 Học bài




 




c)  Chia tay bùi ngùi, hẹn ngày gặp lại



III. NAM SÁCH











Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

CHIẾC XE ĐẠP


Chiếc xe đạp với mình
Gắn liền trong công tác
Từ lúc xe mới tinh
Đến giờ sơn tróc bạc.

Qua ngày này tháng khác
Nắng mưa xe quản gì
Xe cõng người cùng đi
Mọi nẻo đường công tác.

Thời gian tuy đổi khác
Nhưng xe rất trung thành
Vẫn căng lốp tròn vành
Ghi đông không vạy lạc.

Khi mưa dầm gió bắc
Lúc nắng lửa chang chang
Ghi đông treo khăn mặt
Nhịp sống vui rộn ràng

Mình bây giờ tóc bạc
Chỉ quẩn quanh trong làng
Yên xe làm chỗ vịn
Đưa lưng còng lang thang.

Xe đạp là xương sắt
Còn ta như da đồng
Ta hoàn thành nhiệm vụ
Có xe cùng góp công

            MẠC VĂN THANH 
Nguồn:www.nguoichilinh.com

TIÊN GIÁNG TRẦN



Trang Tri Ân mới mở ra
Thấy hai tiên nữ vừa sa xuống trần
Xà vào đầu xóm Tri Ân
Một như mới học đánh vần hôm nao
Giờ trông chẳng giống xưa nào
Mắt đâu còn sáng như sao trên trời
Tóc xanh nhưng lại da mồi
Cứ mai mái xỉn, đôi môi không xòe
Một người dáng vẻ phòng khuê
Cao cao như gái tân kỳ ngày nay
Nhác trông là đã thấy ngay
Chắc không cùng một mẹ thày sinh ra
Đọc thơ mới biết rằng là
Hai tiên là gái Thanh Hà xứ Đông.
 
24/9/2011
Đỗ Đình Tuân


                                CHỜ NGÀY TÁI LAI

                                Tạm dừng chạm cốc chạm ly,
             Để tôi bày tỏ đường đi lối về.
            Đơn thương độc mã một bề,
              Uống say nhập nhoạng ngã què thì gay.
           Đành thua cuộc nhậu hôm nay,
             Rượu Hóp còn lại, chờ ngày tái lai!...

                                               ĐT 23-9-2011
                                                     M.T

                                   
                               NGHĨA TÌNH

                 Gặp nhau trên đất Lạng Giang,
                     Anh em đồng đội yêu thương một nhà.
                Được ăn, được uống, được quà,
                     Một gói khoai sọ đượm đà tình quê.
                 Người xưa nghĩa cũ đi về,
                     Một thời khói lửa lời thề sắt son.
                Anh em đồng đội mất còn,
                            “Lồ ô” vẫn sáng đường mòn Trường Sơn.

                                                                ĐT23-9-2011
                                                                              M.T

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

DÒNG SÔNG QUÊ VỢ-


Tặng các CHÀNG RỂ  THANH HÀ

(vợ tôi quê ở THANH HÀ
Đồng hương CẨM TÚ thật là hữu duyên
Cảm ơn mảnh đất dịu hiền
Cho những chàng rể những TIÊN GIÁNG TRẦN
Cùng về với xómTRI ÂN)


chân dung phu nhân THANH DẠ


 chân dung phu nhân NGUYỄN V THỊNH

Quê vợ tôi có một dòng sông
Mang cái tên như tên sông ở HUẾ
Sông Hương,Sông Hương-con sông nhỏ bé
Ngát bốn mùa hương quả với hương hoa

“Muốn làm con mẹ,con cha
Thì sinh ở đất THANH HÀ-XỨ ĐÔNG’

Nghe dịu dàng tiếng hát ở bên sông
Đêm trăng ấy-một rằm xuân huyền thoại
Có vị ngọt của màu trăng hoa vải
Có nụ cười người con gái SÔNG HƯƠNG

Em không nói yêu-lại nói rằng thương
Anh giáo trẻ ít tiền mà nhân hậu
Khi ấy chẳng mấy người yêu thày giáo
Chỉ có em táo bạo một tình này

Rượu quê tôi tuy nhạt mà êm say
Tôi uống cả lời em như uống rượu
Tôi nhớ thuốc lào-tôi đào điếu
Và trăng vàng chết đuối ở lòng sông

Cây đôi bờ xanh đậm đến mênh mông
Có một cây si không trồng mà mọc
Vất vả,gian lao,biết bao khó nhọc
Tôi và nàng đã khóc trước dòng sông

Bài đã đăng trong tâp TỰ RU nxb HỘI NHÀ VĂN 2007
Thanh Dạ

ĐIỆU CƯỜI DÃ HƯƠNG

 

Đi Lạng Giang
Thăm Phong-Mát
Chưa thấy cây dã hương
Chỉ nghe Phong hát
“Chảy đi sông ơi…”
Chỉ nghe Phong cười
Đọc thơ Bút Gỗ
Thơ nghe chả rõ
Thơ nghe chả nhớ
Chỉ nhớ điệu cười
Điệu cười hết cỡ
Điệu cười cởi mở
Điệu cười dã hương...
 
23/9/2011
Đỗ Đình Tuân 

CHƯA UỐNG ĐÃ SAY


Thăm anh chị Dự chiều nay
Rượu quê chưa uống đã đầy men say
Về đây tay nắm chặt tay
Mong Tri Ân mãi thế này .....dài lâu
 

Bùi thế sử 
23/9/2011

Hồng ơi hồng à

  (viết sau khi Vụ ăn vụng hồng được Trắng án)


Thấy thế tưởng thế
Mà không phải thế
Hồng ơi...hồng à...!
Chuyện dài muốn kể...

Cổ tích 70
Mới chỉ mở đầu
Dung dăng dung dẻ
He he he he...............

VA - 23/9/11

TRẮNG ÁN

Độ này ở xóm Tri Ân
Xôn xao bàn cãi vụ ăn vụng hồng
Người rằng tội, kẻ rằng công
Bàn đi tán lại lung tung đến rày
Thôi thì mỗ cũng nới tay
Tuyên cho trắng án vụ này là xong.
24/9/2011
Đỗ Đình Tuân

TÌNH QUÊ HƯƠNG

 Tặng nhà thơ Thanh Dạ xóm tri ân

Tuy trong một xóm tri ân,
Tiếc rằng chưa được một lần gặp nhau.
QUÊ HƯƠNG nghĩa nặng tình sâu,
Đã cùng đồng cảm bắc cầu sang chơi.
Thi tân xin có đôi lời,
Cám ơn anh tặng tình người QUÊ HƯƠNG

                   
                        Hà Nội  :  18/ 9/ 2011
                                       Cẩm Tú


GÀ TRỐNG NUÔI CON

                 Tặng : Bùi Thế Sử xóm Tri Ân

Ngày xuân gẫy gánh giữa đường,
Oằn lưng em bước đoạn trường long đong.
Làm cha , làm mẹ một lòng,
Nuôi đàn con nhỏ bên sông thân cò .
Vững tay chèo trước sóng to ,
 Cha con quấn quýt ấm no yên bình .
Đêm khuya lẻ bóng một mình ,
Các con ngon  giấc , xót tình người xa.
Bây giờ tóc đã sương pha,
Con em thành đạt,ông, bà là em.
Cô đơn uống mãi đành quen,
Thương con em đã cài  then lòng mình.
Tháng năm  giữ trọn mối tình,
Nguyện làm gà trống một mình nuôi con.
Thủy chung  giữ tấm lòng son,
Âm dương ly biệt như còn đâu đây.
Yên lòng người ở chân mây,
Chúc em thanh thản những ngày sang thu.
                                Hà Nội : 20/ 9/ 2011
                                             Cẩm Tú
           

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

LẠI AN ỦI VÂN-ANH

 (gửi chánh án Đ Đ T -thuốc nổ)

"LÓ"ra là tự thú rồi
Xin ông thẩm phán tức thời khoan dung
Vân-Anh thật đáng anh hùng
Mình làm,mình chịu -quyết không vẩy càn
Mấy lời lý lẽ minh oan
Mong rằng trên dưới miễn bàn luận nha !
Án này xử trắng đi mà!

thanhdalanghop-bào chữa viên chuyên thất nghiệp