Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Các vua viết về Chí Linh 3




                                       Trần Nghệ Tông

                                         (1322-1395)




            Trần Nghệ Tông tên thật là Trần Phủ, sinh đầu năm 1322, là con thứ ba của vua Trần Minh Tông, là vua thứ tám của triều Trần.

             “Dưới thời Trần Dụ Tông ông giữ chức Tể tướng, tước Cung Định vương. Khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, ông phải chạy lên vùng Đà Giang. Năm Canh Tuất-1370, triều đình đem quân vào kinh bắt Dương Nhật Lễ và đón ông từ Đà Giang về tôn lên làm vua-tức vua Trần Nghệ Tông. Được ba năm, ông nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông và lên làm Thượng hoàng. Duệ Tông chết trận, ông lại lập cháu là Trần Nghiễn lên ngôi. Lúc này nhà Trần đã suy phải dựa vào thế lực của Hồ Quý Ly. Việc phế lập của ông cũng đẩy nhanh bước xụp đổ của nhà Trần”   (Từ điển VHVN-từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX).

            Ông mất ngày 6 tháng 1 năm 1395. Tác phẩm có Hoàng huấn, Đế châm, Bảo hòa dư bútNghệ tông thi tập nhưng đều thất truyền chưa sưu tầm lại được. Hiện nay chỉ còn lại 5 bài thơ được ghi trong Việt âm thi tập. Chúng tôi xin giới thiệu 1 bài thơ  và một bài minh của ông viết về Trần Nguyên Đán và Thanh Hư động.

                  

題司徒陳元旦祠堂

山僮扶輦曉衝泥

再到崑山日正西

雨过泉聲穿石遠

風搖竹影拂檐氐

鹽梅事去碑由在

星斗亶荒路轉迷

寂寞洞天人舞

惟存行跡起餘悽

Phiên âm

Đề Tư đồ Trần Nguyên Đán từ đường

Sơn đồng phù liễn hiểu xung nê,

Tái đáo Côn Sơn nhật chính tê.

Vũ quá tuyền thanh xuyên thạch viễn;

Phong dao trúc ảnh phất thiềm đê.

Diêm mai sự khứ bi do tại;

Tinh đẩu đàn hoang lộ chuyển mê.

Tịch mịch đông thiên nhân vũ hóa,

Duy tồn hành tích khởi dư thê.

Dịch nghĩa:

Đề nhà thờ quan Tư đồ Trần Nguyên Đán

Từ sớm mấy chú sơn đồng khiêng kiệu vượt bùn lầy,

Tới Côn Sơn mặt trời đã ngả về tây.

Tạnh mưa tiếng suối xa xa xối vào đá,                                   

Gió đưa cành trúc phất phơ  trên mái hiên thấp.

Việc muối mơ 1 qua rồi bia hãy còn đây,

Đàn tinh đẩu 2 bỏ hoang lối đi đã mờ.

Động phủ quạnh vắng người bay lên tiên rồi,

Chỉ còn dấu vết gợi lên nỗi buồn man mác.

Dịch thơ

Sơn đồng khiêng kiệu sớm đi ra,

Vừa tới Côn Sơn bóng đã tà.

Mưa tạnh suối xa reo vách đá;

Gió đưa cành trúc rủ hiên nhà.

Muối mơ dấu cũ bia còn đó;

Tinh đẩu đàn hoang lối đã mờ.

Động phủ quạnh hưu người vắng bóng,

Lòng buồn man mác nhớ ai xưa !

                             Đỗ Đình Tuân dịch

Chú thích

               1.Việc muối mơ: Ở đây chỉ việc làm tể tướng của Trần Nguyên Đán.Ý này rút từ tích vua Cao Tông nói với tể tướng là Phó Duyệt rằng: “Nhược tác điều canh, nhữ vi diêm mai” nghĩa là: “nếu làm việc điều canh, thì nhà ngươi làm muối,làm quả mơ”. Từ đó, dựa vào ý câu này, người sau dùng “diêm mai” hay “điều canh” để chỉ tài làm tể tướng.

               2.Đàn Tinh Đẩu: có lẽ ở đây chỉ Đài quan sát các vì tinh tú của Trần Nguyên Đán, vì ngoài việc làm tể tướng,Trần Nguyên Đán còn là một nhà thiên văn có soạn bộ sách Bách thế thông kỷ nhưng đã thất truyền.      


昆山清虛洞碑銘

司徒創菴

于彼崟嶔

豈有願於獨樂

盖寓意乎登臨

坐盤石則置國势之安

日俯清流則欲資國論之深

隐茂樹則思擴吾民之大庇

倚脩竹則欲致賢士之如林

輔贊我治無有遐心

此朕所以嘆而書于山之陰者也
 
Phiên âm

Côn Sơn Thanh Hư động bi minh

Tư đồ sáng am,

Vu bỉ ngâm khâm.

Khởi hữu nguyện ư độc lạc;

Cái ngụ ý hồ đăng lâm.

Nhật tọa bàn thạch, tắc trí quốc thế chi an;

Nhật phủ thanh lưu, tắc dục trị quốc luận chi thâm.

Ẩn mậu thụ, tắc tư khuyếch ngô dân chi đại tí;

ỷ tu trúc, tắc dục trí hiền sĩ chi như lâm.

Phụ tán ngã trị,vô hữu hà tâm;

Thử trẫm sở dĩ thán nhi thư vu sơn chi âm giả dã.

Dịch nghĩa
Bài minh khắc vào bia động Thanh Hư ở Côn Sơn

Tư đồ dựng am,

Trên núi thâm nghiêm.

Há phải muốn riêng mình vui thú;

Chính là để ngụ cái ý lên cao.

Ngồi trên bàn đá là muốn đặt thế nước yên ổn;

Cúi nhìn dòng nước trong là muốn bàn sâu vào việc nước.

Nương dưới bóng cây là muốn mở rộng được sự che chở cho dân;

Tựa vào khóm trúc là muốn đến với nhiều hiền sĩ.

Ông giúp ta trị nước, chứ không có tâm địa gì;

Trẫm thương tiếc nên tìm hòn đá đẹp ghi vào lời này.



2/9/2012

Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét