Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

CẢM NHẬN VỀ THI PHẨM "CHÂN QUÊ"


    Kính thưa Ban chủ nhiệm CLB thơ Thông reo, kính thưa quí vị dự buổi giới thiệu tập thơ Chân quê hôm nay, kính thưa nhà thơ Thanh Nhã. Lời đầu tiên cho phép tôi kính chúc quí vị luôn có sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc và mọi sự an lành. Kính chúc nhà thơ Thanh Nhã thật vui trong cuộc hội ngộ này.
Thưa các thi huynh thi hữu, cầm trên tay tập thơ Chân quê của nhà thơ Thanh Nhã, khi đọc lần đầu, tôi đã viết mấy câu mộc mạc thế này:

Em đọc CHÂN QUÊ đó anh ơi
Thấy một tài năng thật tuyệt vời
CHÂN QUÊ giữ gốc trong muôn sự
Thơ, họa, cùng khoe sắc - hương trời.
 
nhưng sau rồi đọc đi đọc lại thấy không đừng được, tôi muốn viết ít dòng cảm nhận. Với những câu thơ tâm đắc mà sợ chưa hiểu đúng, tôi đã xin nhà thơ chỉ giáo, nên hôm nay được phép của Ban chủ nhiệm và Ban tổ chức tôi rất vui mừng được phát biểu trên diễn đàn này.
       Vâng thưa quí vị, đọc Chân quê, tôi đã bắt gặp chân dung một trong những người lính Điện Biên (của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) năm xưa,  từng bị địch bắt vào tù, từng xông pha chiến trận, mặc  áo chiến sĩ 36 đường may trên vai mà tưởng tượng ra đó là chỗ "để cài trăng mơ" với sự lạc quan vô bờ bến, để mỗi khi nhớ về lịch sử oai hùng ấy, vẫn trăn trở nguyện ước "Những mong đất nước người hiền, Niềm vui giữ trọn, lưu truyền ngàn sau (Nhân ngày 45 năm chiến thắng Điện Biên). Người lính ấy sau chiến tranh đã trở về với gia đình, sống một cuộc đời bình dị. Thơ của anh là tiếng lòng thấm đậm tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Chỉ đọc 14 từ trong bài thơ Bóng mẹ là đủ để ta cay cay mắt bởi  tình yêu thương, lòng hiếu thảo của người con với mẹ một đời tần tảo:
 Nắng nghiêng cháy rát lưng già Chiều tàn khuất bóng lệ nhòa mắt con
Nỗi niềm ấy, sự kết tinh của những tình cảm yêu thương mẹ và khát vọng chia sẻ đã được tác giả mô phỏng qua hai câu thơ:      
Mơ thấy đêm về ôm gối mẹ
Nghìn trùng cách trở nghẹn đau thương  
(Đọc Song Hoàng nhớ Thi Hoàng) cũng thể hiện tình yêu quê hương đất nước của người con xa quê, mặc dù tác giả không dùng từ nào để bảo rằng mình đang yêu, nhớ mẹ.
Hạnh phúc gia đình, con cháu xum vầy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia không ngừng phát triển, bắt nguồn sâu xa từ công ơn sinh thành dưỡng dục của lớp lớp mẹ cha được tác giả gửi gấm trong hai câu lục bát vô cùng giản dị mà thấm thía: Một nhà con cháu tương lai/
Càng sâu nghĩa mẹ càng dài tình cha (Ảnh gia đình). Bất giác, tôi thấy như được tác giả đồng cảm và chia sẻ với mình và nhớ lại lúc nào đó đã tự hát thầm "Công cha mẹ dưỡng sinh thành/Chảy xuôi nước mắt an lành nghe con..."
Và thật sự mừng vui biết mấy khi nghe tâm sự của ông về hạnh phúc tưởng như không thể nào viên mãn hơn với người bạn đời yêu quí:
 Ông tơ se đạo vợ chồng
 Trời cho "lá thắm chỉ hồng" sánh duyên (Ảnh thọ 80 tuổi)
      
Thưa các thi huynh  thi hữu, thơ lục bát trong thi phẩm Chân quê đều ở thể "Lục bát truyện Kiều". Thơ ông rất uyển chuyển nhịp nhàng, vần được chuyển hóa linh hoạt và ý thơ khoáng đạt. Háy nghe ông ngẫu hứng tả cảnh bình minh thật đẹp rất sinh động qua hình tượng một cô gái bằng bốn câu lục bát với những hình ảnh rất chọn lọc:     Hướng dương níu giọt bình minh
Bừng lên trời đất ấm tình núi sông
Đôi tay nâng hạt nắng hồng
Vòng cung uốn ngực bóng lồng ban mai (Hướng dương)
Với bài thơ tặng nữ sĩ Kiều Bắc khi dự hội  thơ Văn miếu Quốc tử giám xuân Quí Tỵ, nhà thơ Thanh Nhã tả người đẹp thế này:   
Chao nghiêng chiếc nón quai thao
Mà như vục cả trời sao vào lòng
Dịu dàng một nét lưng ong
Duyên dáng là cái vờ trông mây trời (Hương xuân)
tôi cứ thấy sững sờ, bởi những từ ông dùng "vục cả trời sao", "vờ trông mây trời", khiến cho dù không đi đâu, tôi vẫn thấy như thấp thoáng đâu đây bóng dáng cô gái quan họ đằm thắm duyên dáng đến hút hồn, nhất lại đó là hình ảnh chính xác về Kiều Bắc, một nữ sĩ đã thành danh trong nhiều câu lạc bộ thơ nói chung và Thông reo nói riêng.      
Rung động rất thơ trước sắc đẹp và tài năng của "Nàng Sita", Chủ nhiệm CLB thơ Hoa Sứ Thái Nguyên, nhà thơ đã thổ lộ: Em như "Hoa Sứ" ngời ngời
Anh như sóng biển suốt đời lao xao
Rồi rất dí dỏm, bỗng nhiên ông hỏi:
Kiêu sa như vóc lụa đào
Liệu vầng trăng có lọt vào mắt hoa (Em như)
Tôi rất thích bốn câu thơ này, nhưng trộm nghĩ, muốn thay chữ "như vóc" sau "Kiêu sa" bằng chữ "vóc dáng", và bật cười một cách thú vị rằng nhà thơ lại trở thành "vầng trăng". Cũng phải thôi, trăng lung linh dưới sóng biển lăn lăn...sóng lao xao ru nhẹ và ngất ngây gửi gấm bóng trăng in hình trong mắt em...thật là lãng mạn.
      Vâng, thưa các nhà thơ, thưa các bạn, suốt cả cuộc đời, nhà thơ Thanh Nhã đã tận tụy trung thành đi theo cách mạng, không chỉ cầm súng trong chiến tranh, ông đã kinh qua Đại học kinh tế trong hòa bình, rồi  nhiệt tình cống hiến với tất cả tài năng đức độ của mình, luôn tự hào và giữ gìn phẩm giá của người lính Cụ Hồ. Ông có cuộc sống gia đình thuận hòa hạnh phúc, có những người bạn tâm đắc tri kỷ, có nhiều bạn thơ độc giả thơ yêu quí ông nồng nàn. Nhưng không phải cuộc đời chỉ có hạnh phúc và niềm vui. "Nàng thơ" là nơi ông gửi gấm những gì ông phải trăn trở có lúc đến mệt nhoài:  
Đã toan quên hết sự đời
hoặc là ... Đã toan dứt mối tơ mành gần xa (Đã toan)
gửi những suy ngẫm sâu sắc về nhân tình thế thái, khi thì thảng thốt:   
Cõi nhân thế kẻ cười người khóc
Nghề  trần gian buôn dọc bán ngang
Chợ Giời tăng giá lan tràn
Những lo cùng ngại những than cùng phiền (Ngại)
lúc lại rất thâm trầm:
Đất trời cùng nhau vận chuyển
     Thơ nhạc rồi hóa dở hay
Sử sách còn người chép lại
   Giục ta suy ngẫm đó đây (Thăm lại Côn Sơn). Vâng, cùng là một bài thơ, bài ca hôm nay có thể bị chê là dở, thậm chí bị lên án nữa, nhưng lâu lâu sau lại được khen là hay. Chuyện đời là vậy. Nhưng nhà thơ tin lịch sử bao giờ cũng được ghi lại một cách trung thực để cái gì là sai cái gì là đúng phải được phân minh tỏ tường. Lời thơ thật giản dị nhưng hàm ý sâu sa khiến người đọc phải suy ngẫm về con người, về thời cuộc... những gì đã qua, hôm nay và ngày mai.   
     Thưa quí vị, dù có những phút trăn trở mệt nhoài, khi thảng thốt lúc sâu sắc thâm trầm như thế, nhưng sau hết vẫn là một Thanh Nhã bao dung hiền dịu, một Thanh Nhã tự tin nhưng không kiêu ngạo, một Thanh Nhã luôn giữ được những phẩm hạnh rất chân quê từ cốt lõi:
Dẫu chưa trọn kiếp nhân sinh
Với chân quê cũng ấm tình núi sông   (Chân quê)
mà không kém phần lịch lãm đầy hiểu biết của một trí thức thành Nam, đã từng theo thầy học đạo nấu sử sôi kinh một thời. Tình cờ tôi mới được biết, nhà thơ Thanh Nhã được học chữ Nho tới 3, 4 năm, hẳn là tác giả thuộc lớp người hiếm trong giới làm thơ ngày nay. Chả thế mà ông đã tự sự: Ông đồ xứ Nghệ luôn tâm đắc
Thày khóa thành Nam vẫn thiết tha (Tám ba tự sự)
Sự sâu sắc, tài hoa còn được thể hiện ngay cả trong những bài thơ họa mang tính trào phúng như "Văn miếu Nguyên tiêu": Tác giả rất "tưng tửng" rằng:
Rồng cõng "Ngũ thường" tâu thượng đế
Bóng gồng "Thất trảm" gửi dòng Ngân
nên:       Năm mới dập dìu toàn mốt mới
     "Hào hoa" rặt những dáng thanh tân
Vâng Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, cái Ngũ thường đó (THIỆN) và sự trừng trị  cái ÁC (nhắc đến "thất trảm", chúng ta nhớ lại sự kiện Chu Văn An ngày xưa dâng thất trảm sớ lên vua Trần Dụ Tông...) chỉ có ở ... thượng giới xa vời thì ta có bâng quơ tự hỏi lòng rằng, cái bùng nhùng bê bối  như tham ô tham nhũng gì đấy bây giờ liệu có chống nổi không? 
Tài hoa, đức độ, tận tụy, thủy chung...ông có đủ, có điều ông đã phải chấp nhận, hay nói cách khác, nhận ra cái sự: "Đa đoan mộng ảo" của mình một cách chua sót, thầm lặng để vẫn "chung tình chân quê" mà tỏa sáng một cách thầm lặng qua những vần thơ cho đời: 
   Chắt chiu xuyên suốt cuộc đời
   Mỗi từ, mỗi ngữ,... sáng ngời chữ tâm
(Tấm lòng vàng)
và đây là "chân dung" tâm hồn thơ Thanh Nhã:
Thơ ở trong ta chẳng có mùa
Chẳng vì bạc tiền danh với lợi
Kiếp tằm đến thác vẫn vương tơ.
    Thưa các nhà thơ, thưa các bạn, Cụ Nguyễn Công Trứ, quan văn quan võ song toàn xưa có chủ trương rằng, làm trai là mắc nợ tang bồng, nghĩa là làm sao hai vai gánh vác sơn hà, tung hoành dọc ngang giữa trời đất. Đó là nói chung, còn riêng với nhà nho là nợ sách đèn phải trả bằng nghiên bút. Thì đây, nhà thơ Thanh Nhã ngậm ngùi tự cất cho mình cái gánh nặng tang bồng với công danh sự nghiệp khi nghỉ hưu bất đắc dĩ, nhưng mãi còn vấn vương với lục bát, thâm thúy với Đường thi, bay bổng với hồn thơ mà như sau này ta thấy, mấy chục năm trời ông đã thai nghén và cho ra đời hàng chục đứa con tinh thần rất tinh anh:
Người về nhẹ gánh tang bồng
Trời yên biển lại lặng lòng với ai
(Vấn vương lục bát)
Cũng bởi thế, hôm nay, chúng ta mới có hạnh phúc được hội ngộ để chúc mừng nhà thơ Thanh Nhã với Chân quê, tập thơ thứ 11 thấm đậm tình người. Cũng mong và tin rằng đó không phải thi phẩm cuối cùng của ông. Với riêng tôi, chỉ là người yêu thơ và tập toạng làm thơ, không đáng là học trò của nhà thơ Thanh Nhã, về tuổi đời thì chỉ như em út của ông, mà hôm nay lại cứ dài dòng, có gì không phải xin nhà thơ và quí vị bỏ quá cho. Để thay cho lời kết, tôi xin tiếp mấy câu kính tặng nhà thơ Thanh Nhã:                                      
Chúc mừng anh em thật kiệm lời
Quẩn quanh quanh quẩn dạ rối bời
Mong anh thơ đời còn lưu luyến
Thọ ngoại trăm năm bút chẳng rời...
 
Xin cảm ơn nhà thơ Thanh Nhã. Xin cảm ơn sự lắng nghe của quí vị./.

Hà Nội 27/10/2013
Bùi Thị Kim Thư
Hội viên Câu lạc bộ thơ
Thông reo Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét