Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

CẢM TÁC VỀ BÀI THƠ "NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN" của tác giả Hoàng Thị Ngọc Hồi


Nghĩa Trang Trường Sơn

Nắng chiều bỏng rát Trường Sơn
Nghĩa trang trùng điệp trắng non sao vàng
Các anh ơi! vẫn hàng hàng
Chưa về với mẹ nhỡ nhàng nằm đây
Bồ đề che chở tán cây
Ru yên giấc ngủ bàn tay dịu hiền
Ngoài kia quê mẹ trăm miền
Quặn đau thắt ruột nỗi niềm nhớ thương
Nguyện cầu gửi nén tâm hương
Hồn nơi chín suối nhớ đường thăm quê

Hoàng Thị Ngọc Hồi
         
        Cách đây 39 năm, Hoàng Thị Ngọc Hồi, nữ sinh viên trường đại học sư phạm I - một cán bộ Đoàn mẫn cán, trong lễ chia tay tân binh lên đường nhập ngũ, đã thay mặt những người ở lại đọc lời tiễn biệt vô cùng xúc động. Ngọc Hồi vừa dứt lời, cả đoàn người chạy ùa lên, kí vào lá cờ tổ quốc "Chết xanh cỏ, Sống đỏ ngực"... Thời gian như bỗng ngừng trôi, bao giọt nước mắt thân thương rơi bên những nụ cười tươi rói. Trái tim tất cả như muốn vỡ tung vì chia ly kẻ đi người ở nhưng cũng đập dồn vì chung niềm tin tất thắng. Rồi họ ra đi, hướng về mặt trận đầy máu lửa nhưng hừng hực khí thế của những người lính trẻ, sẵn sàng quyết tử vì độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc.
          Rồi tình cờ, một ngày thu se lạnh, cô sinh viên, cô cán bộ Đoàn năm xưa ấy, lúc này đã trở thành bà mẹ, cùng con đến thăm bạn bị ốm, bấm chuông gọi cổng một ngôi nhà trong ngách nhỏ. Ông bố của bạn ra mở đã lặng nhìn rồi kêu lên:"Ôi, có phải...có phải chị Ngọc Hồi không? Trời ơi, quả đất tròn mà!" Người phụ nữ mỉm cười hiền dịu "vâng ạ", nhưng thực tình chị không nhớ rõ người đàn ông là ai nên hơi lúng túng. Anh ấy mời hai mẹ con vào nhà, chăm chú nhìn người mẹ rồi tư lự: "Đúng là chị rồi. Chị có biết không? ngày ấy chúng tôi ra trận, vâng, chúng tôi ra trận hào hùng và mang theo hình ảnh của chị trên mỗi bước đường hành quân. Chúng tôi nhớ giọng nói đầm ấm dịu dàng của chị, chúng tôi tưởng như đó là lời nhắn gửi của quê hương, lời dặn dò của các thày cô lời động viên của bạn bè, chúng tôi ra đi và hứa thề quyết thắng...Nhưng thật đau lòng, tôi là thương binh may mắn trở về, trong khi nhiều bạn của chúng ta không còn nữa, những người bạn cùng chạy lên kí vào lá cờ tổ quốc năm xưa đó chị. Và không biết giờ này, có đủ những ngôi mộ xanh cỏ cho các bạn không"...Nghe đến đây thì Ngọc Hồi mới xúc động òa khóc bên người đàn ông vừa mấy phút trước đây còn là xa lạ. 
           Từ đó, Ngọc Hồi mang trong lòng niềm mong mỏi, sẽ có ngày đi dọc theo chiều dài đất nước để thắp hương cho các liệt sĩ trong đó có bạn bè mình. Và mong ước ấy được toại nguyện, tháng 4/2012 chị đã có mặt cùng đoàn cựu chiến binh trong một chuyến thăm lại chiến trường xưa. Chị đã qua các nghĩa trang Quảng Trị, Trường Sơn...Đến đâu, niềm xúc động cảm thương cũng trào dâng lặng lẽ. Chị gửi lòng mình qua những vần thơ chân tình cảm động. Và chị sáng tác bài thơ "Nghĩa trang Trường Sơn" khi lần đầu đặt chân đến đây.
           Gần 40 năm qua rồi. Trường Sơn đã trở lại màu xanh, không còn mang trên mình những vết sẹo loang lổ do bom đạn hủy diệt nữa, nhưng vẫn nguyên cái nắng chói chang khắc nghiệt. Và đây, hình ảnh Nghĩa trang Trường Sơn - nơi yên nghỉ đời đời của các chiến sĩ hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, cũng là nơi tôn vinh những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, được tác giả phác họa bằng hai câu mở đầu bài thơ:
Nắng chiều bỏng rát Trường Sơn
Nghĩa trang trùng điệp trắng non sao vàng

Với nắng Trường Sơn, tác giả dùng từ "bỏng rát" liệu có phải vì muốn nhắc đến cái bỏng rát của chiến trường năm xưa, của bom đạn xé nổ tung trời? Cái bỏng rát ấy đã cướp đi sinh mạng của những người lính trẻ, cái bỏng rát ấy còn mãi làm quặn đau trái tim người mẹ Việt Nam. Phải, rồi ta sẽ thảng thốt biết mấy khi trước mắt hiện lên hơn một vạn ngôi mộ điệp trùng, mà nếu từ trên cao nhìn xuống trông như một khăn tang trắng khổng lồ giữa cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn. Nhưng cái sắc trắng non ấy cũng là hiển hiện sự trắng trong của các anh linh liệt sĩ tuổi mới chừng đôi mươi đã sớm về với cõi thiên thu. Và phải chăng chính ánh nắng hoàng hôn ấy còn tỏa chiếu lên sắc vàng của quốc huy, hiện hữu ở đầu mỗi ngôi mộ, như gợi tưởng về dân tộc Việt Nam, máu đỏ da vàng, vẫn đang ôm trọn các anh vào lòng. Sắc vàng ấy cũng làm tăng vẻ điệp trùng, cho chính các anh, như vẫn đứng điệp trùng trong hàng ngũ quân đội nhân dân, với hình quốc huy có ngôi sao gắn trên mũ đội đầu, các anh không thể chết.
          Vâng, giữa không gian bỏng rát, giữa nền trắng non sao vàng của hơn một vạn ngôi mộ trùng điệp ấy, tác giả khẽ gọi các anh linh liệt sĩ:
Các anh ơi! vẫn hàng hàng
Chưa về với mẹ nhỡ nhàng nằm đây.

            Hai từ "nhỡ nhàng" có cái gì đau sót thương cảm đến tột cùng. Chiến tranh là tàn khốc, chiến tranh là đau thương. Những người lính trẻ được an táng tại nghĩa trang Trường Sơn đó là một sự nhỡ nhàng chưa tìm về được với mẹ, hay chính mẹ đã chưa tìm nổi vùng đất tĩnh lặng nơi các anh ngã xuống.
Tuy nhiên, các anh nằm đây không lạnh lẽo, cô đơn:
Bồ đề che chở tán cây
Ru yên giấc ngủ bàn tay dịu hiền.

Lá bồ đề có hình trái tim, cây bồ đề là biểu tượng của cõi tâm linh yên bình nơi đất Phật linh thiêng. "Bàn tay dịu hiền" trong thơ tác giả là bàn tay tâm linh, bàn tay của tổ quốc Việt Nam, của quê hương của những người mẹ trên mọi miền tổ quốc như đang vỗ về các anh, xoa dịu trái tim những người con anh dũng hi sinh trong cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Dù ai trồng cây bồ đề, hay bồ đề tự mọc, thì như có phép thần thông, cây bồ đề đã lớn lên, nằm ngay sau đài tưởng niệm, tỏa bóng làm dịu cái bỏng rát của Trường Sơn năm xưa, cái bỏng rát của những thời khắc chiến tranh nghiệt ngã. Đó là nơi linh hồn các liệt sĩ tề tựu mỗi đêm trăng, rỉ rả trao nhau những tâm tình của tuổi thơ tuyệt đẹp, và như được chở che cho dịu bớt những oi nồng mỗi khi cái nắng miền Trung ập đến. 
          Hiểu rằng, mộ liệt sĩ ở Nghĩa Trang Trường Sơn phần lớn là mộ những người con miền Bắc, nên tác giả mới ngậm ngùi:
Ngoài kia quê mẹ trăm miền
Quặn đau thắt ruột nỗi niềm nhớ thương.

Có biết bao gia đình liệt sỹ nhiều năm qua đi tìm hài cốt của con em mình một cách vô vọng, làm sao không thắt lòng cho đặng? Tác giả đã nói hộ nỗi lòng sót thương ấy.Và cuối cùng, tác giả thắp nén hương, là nén tâm hương, gửi vào đấy nỗi niềm nhắn nhủ nguyện cầu các anh linh liệt sĩ biết tìm đường để về quê:
Nguyện cầu gửi nén tâm hương
Hồn nơi chín suối nhớ đường thăm quê

Vì sao Ngọc Hồi lại nguyện cầu như vậy? Có phải vì chị nhớ lại, trong một buổi lễ cầu siêu cho tất cả các anh linh liệt sĩ kể cả thời chống Pháp, khi tiếng chuông thỉnh của nhà ngoại cảm Bích Hằng rung lên, gặp được linh hồn các liệt sĩ, Bích Hằng hỏi:"Các anh về đông quá nhỉ, các anh đã về thăm quê chưa?" Có nhiều tiếng trả lời:"chúng tôi về nhiều, nhưng chưa về quê bao giờ". Bích Hằng hỏi tiếp:"Đất nước hòa bình lâu rồi sao các anh chưa về quê?" "Chúng tôi làm sao về được? Khi ngã xuống, chung quanh là đại bác, là bom đạn xới tung, có biết đường nào mà tìm, có cách gì để nhận ra lối về quê hương mình bây giờ?" "Tôi đi chơi và không còn mộ nữa, do qui tập người nhà chuyển mộ đi mà không cầu nên tôi không còn lối về..."vv..vv...mà từ đó Ngọc Hồi có một nguyện ước thiết tha là phần hồn của các liệt sỹ hãy tìm được đường về quê không? Như thế sẽ bớt tủi hơn cho cả những người sống và những người đã khuất. Riêng tôi, tôi thầm nghĩ, câu thơ nhắn gửi của Ngọc Hồi còn gợi mở một thông điệp cho những người thân của liệt sĩ, rằng người hãy tới đây, nghĩa trang Trường Sơn này, biết đâu người lại chẳng làm cho đường về quê của anh linh liệt sĩ được ngắn lại?   
           Đọc bài thơ "Nghĩa trang Trường Sơn" của Ngọc Hồi, lạ kỳ thay âm vang của bài thơ còn đọng lại mãi trong tâm tưởng tôi. Đó không chỉ là 10 câu thơ lục bát giản dị, mà là tất cả những gì sâu sắc yêu thương trỗi dậy từ lòng biết ơn chân thành đang dần lan tỏa. Tôi không biết người đàn ông nọ đã đọc bài thơ này của chị chưa, nhưng tôi dám chắc rằng các anh linh liệt sĩ, những người bạn của chị có mặt trong nghĩa trang này đang chạy về nấp dưới bóng bồ đề và nghe thơ của chị trong niềm hạnh phúc khôn tả xen lẫn ngậm ngùi. Phải, họ đã không ẩn hiện từ những nấm mồ xanh cỏ, nhưng họ đã yên lành dưới những nấm mồ trắng non sao vàng, nơi mà hàng ngày có hàng chục ngàn người như chị Ngọc Hồi đang khấn thầm các anh và lòng bảo lòng, hãy sống cho xứng đáng với sự hi sinh thầm lặng của các anh, những chiến sĩ trẻ... 

Bùi Thị Kim Thư - Hội viên CLB THƠ THÔNG REO HÀ NỘI
       (viết bài này có tham khảo lời tâm sự của tác giả bài thơ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét