Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

HỒI ỨC VỚI CÂY ĐÀN (2)

                             
                     Kỳ 2: Những khúc hát của một thời
Năm 1953 và đầu năm 1954, không khí trong vùng tự do của huyện Chí Linh rất hào hứng sôi nổi. Tin chiến thắng từ mặt trận Điên Biên Phủ và các địa phương trong tỉnh cứ tới tấp truyền về. Không khí ấy như tiếp thêm lửa cho bài hát tập thể của các lớp học sinh. Mở đầu tiết học nào cũng có hát tập thể. Những bài hát thường hát là Kết đoàn, Kết liên lại, Nhạc tuổi xanh, Vì nhân dân quên mình, Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Tuổi hai mươi… Còn trong các “giờ vui sống” ở trong khu tập thể giáo viên chúng tôi thường “hòa nhạc”. Hòa nhạc của chúng tôi ngày ấy còn đơn giản lắm. Không có bè cao bè thấp, không có phối âm phối khí…gì cả. Ngoài chiếc ghi ta phập phình cầm nhịp  còn tất cả các thứ đàn cứ lên dây cho bằng độ cao nhau, rồi đánh cùng một bài thế là “hòa nhac”. Cứ đánh được đều nhau thế là buổi hòa nhạc đã thành công. Thực ra nó chỉ là một dạng hát đồng ca bằng đàn.Chúng tôi thường “đồng đàn” những bài hay hát ở trên lớp. Ngoài ra còn “đồng đàn” cả những bài nhạc múa như “Hái chè bắt bướm”, “Vui lên anh dân cày”, “Múa Sạp Mường”, “Xòe Thái”, “Vũ khúc Nga La Tư”…Có hai bản nhạc ngoại, không lời, tôi thấy mọi người gọi nó là bài “Sòn la sí” và bài “Ngựa chạy”. Đa số những bài “đồng đàn” ấy đều mang tính tập thể. Chỉ duy nhất có một bài hò hẹn lứa đôi mà vẫn hay được “đồng đàn” đó là bài “Người tình yêu”. Riêng các thày, đôi khi trong những lúc “độc cầm” tôi cũng thấy các thày đánh mấy câu của “Con thuyền không bến”, của “Ngày về” hoặc “Áo mùa đông”…
Khi thày Trương Quốc Lâm từ Thái Nguyên về trường, thấy tôi đàn được, thày có dạy riêng cho tôi bài “Quân đoàn 61” và hai thày trò thường rất hay “đồng đàn” với nhau bài này. Nhưng tiết mục này lại không biểu diễn bao giờ cả. Nó gần như là một tiết mục của riêng hai thày trò chơi với nhau thôi.
Cũng vào dịp ấy “nghệ sĩ nhí” còn vinh dự được nhà trường cử đi dự một lớp học nhạc ở trên tỉnh, đóng mãi trong Đìa Đô thuộc Lục Nam ngày nay. Vì đang thích được học nhạc nên thằng bé hí hửng lắm. Nhưng đáng buồn là lớp học ấy lại không học nhạc mà chỉ học múa. Cũng không học  kiến thức cơ bản gì về múa mà chỉ học mấy điệu múa cụ thể. Kết quả lớn nhất của “nghệ sĩ nhí” trong lớp học ấy là học mót được một bài đàn “Hò thương binh”. Chính tiết mục này, sau trở thành tiết mục tủ của tôi. Hễ có độc tấu là tôi lại “Hò thương binh”. Mãi đến những năm sau hòa bình về học ở Nội, ở Thiên, tôi vẫn còn dùng tiết mục tủ này và luôn được hoan nghênh nhiệt liệt.
Từ 1956 sang Hải Dương học tôi mới không chơi đàn nữa. Sau đó lại giăng mắc với văn thơ và quên hẳn cái thú chơi đàn ngày bé. Vì thế  nhiều bạn bè đồng trang lứa học với tôi thời cấp 2, cấp 3 và các thế hệ học sinh của tôi sau này đều tuyệt nhiên không ai biết tôi là người từng chơi đàn. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2006), các con đi học đại học, kinh tế gia đình lại khó khăn, tôi mới phải đi làm thêm cái việc trông coi CLB Côn Sơn. Công việc chỉ là ngồi chơi và xơi nước nhưng gò bó và buồn tẻ. Vì thế tôi mới nghĩ đến việc cầm lại cây đàn để tự giải khuây. Tôi luộc lại những bài  cũ và thấy rất nhiều bài chỉ còn là những khúc hát của một thời.
27/11/2013
Đỗ Đình Tuân

6 nhận xét:

  1. Những năm ấy MÌNH CŨNG ĐANG SỐNG Ở ĐÌA-ĐÔ XUYÊN-MỘC thế mà không gặp nhau nhỉ .Tiếc thật !

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ anh luôn "luộc" lại những bài ấy nhé.

    Trả lờiXóa
  3. ĐÌA ĐÔ-TÂN MỘC, chứ không phải là ĐÌA ĐÔ-XUYÊN MÔC. Thực ra ĐÌA ĐÔ gấn MAI SƯU thuộc LỤC NAM, còn TÂN MÔC thuộc LỤC NGẠN. TÂN MỘC chính là quê mới của Vũ Thị Song Thu. Nhưng quê gôc là PHỦ CỪ HƯNG YÊN

    Anh Tuân cũng có ý định luộc lại một số bài ấy trong các khúc ĐỘC CẦM tiếp theo. Rất mong các bạn quan tâm thưởng thức.

    Trả lờiXóa
  4. Đỗ Tuân Xưa thích CHƠI ĐÀN
    Bây giờ chả biết có ham như thời
    Người can ta vẫn cứ chơi
    Chơi cho THỦNG TRỐNG tơi bời vẫn... ham!

    Trả lờiXóa
  5. Triệt để khai thác những vốn tự có để làm phong phú đa dạng thêm trang Blog của mình thôi. Ham thì có ham, ham thì mới chơi nhưng vẫn trong một chừng mực nào đó thôi. Chứ không "máu" đến mức "thủng trống long dùi" như các cụ bên Nam Sách được.

    Trả lờiXóa
  6. Thế Đỗ Đình Tuân còn VỐN TỰ CÓ nào nữa không?

    Nam Sách vốn rất MÁU ME
    Các ông Sao Đỏ mới nghe đã chờn!
    Dẫu cho ông giỏi chơi đờn(đàn)
    Thì ông chưa đủ sức vờn...đàn đâu
    Vốn ông đã yếu từ lâu!(?)

    Trả lờiXóa