Kỳ 1: Nghệ sĩ nhí
Giữa
năm 1952, ở làng tôi có phong trào chơi đàn ống bơ. Họ tự làm lấy đàn để chơi. Tôi
cũng bị cuốn vào phong trào ấy nên đòi bố phải làm cho bằng được một cây đàn. Thế
là bố tôi phải hí húi làm cho tôi một cây đàn. Ông cụ lấy hai cái đĩa sắt nhẹ
(ngày ấy làng tôi gọi nhôm là sắt nhẹ) làm hộp đàn. Cần đàn thì đẽo bằng gỗ
theo như mẫu của những người làm trước. Còn các phím đàn thì dùng sắt tây ống
bơ cắt ra những miếng vuông vuông rồi lấy kìm gập đôi chúng lại và cắm vào
những đường đã cưa thành rãnh trên cần đàn. Dây đàn thì dùng dây điện thoại. Cố
nhiên là âm thanh của nó không chuẩn. Nhưng nó cũng tạo ra được những âm thanh tích tịch tình
tang khác nhau… thế là thích rồi. Tôi cứ loay hoay bấm bấm gẩy gẩy để tạo ra
những tiếng tình tang ấy chứ chưa đánh được thành bài thành bản
gì. Nhưng chí ít tôi cũng đã có một “ý thích” và đã “làm quen” được với cây
đàn.
Cuối
năm 1952, thì bố tôi đưa tôi vào vùng tự do học. Chuyện này tôi đã kể chi tiết
trong “Những lớp học đầu đời”. Tôi lại được ở ngay trong khu tập thể của giáo
viên. Trong khu tập thể có nhiều thày và các anh học trò lớn biết chơi nhạc cụ. Thày Cảnh chơi kèn
Amonica, thày Lâm chơi An tô, Anh Lập, anh Vinh, học trên tôi hai lớp là người
nhà Thày Giao quê Đông Triều chơi An tô và ghi ta. Đặc biệt còn có cô Thủy, dạy
lớp vỡ lòng có cây đàn Mandolin. Cô Thủy lúc ấy đang có mang sắp đến tháng đẻ. Chồng
cô tên là Cổn là công an tỉnh Quảng Yên,chỉ thỉnh thoảng mới về thăm cô. Do xa chồng lại bụng
mang dạ chửa nên cô Thủy rất ít chơi đàn. Cây đàn của cô thành ra nhàn rỗi và
đó là điều kiện để tôi có thể mượn cô để học đàn.
Ngày
ấy không học nhạc lý, cũng không có bản nhạc, cứ chép “son phe” (phiên âm tên
các nốt nhạc) rồi đánh thôi. Bài đầu tiên tôi học là bài “Bóng trăng trắng ngà”
(đây cũng chỉ là bốn chữ đầu tiên trong ca từ của bài hát chứ chưa chắc đã
đúng là tên của bài hát). Son phe của bài hát ấy có thể chép ra như sau:
Rế si rế sòn
Rế si si si
Rế son son rề
Son rề son sí là son
Son rề son sí la
son
Sì rê rê mí sì rê
Sì rê rê mí sì rê
Rế si rế sòn
Rế si si si
Rế son son rề
Son rề son sí la
son
Son rề son sí la
son
Ngày ấy lại có cái thói quen đánh Mandolin thường
cao hơn một dây. Lấy “dây mí” làm “dây la” lấy “dây la” làm “dây rề” rồi lại
lấy “dây rề” làm “dây sòn”. “Dây mí” vì
thế bị kéo tụt xuống phía dưới “dây la”. Trong khi ấy “dây sòn” nhàn rỗi chủ
yếu là để “dập tông”.
Tôi học đàn khá nhanh. Chỉ vài tháng là tôi đã
thành một cây đàn chững chạc có thể hòa nhạc được với các anh, các thày. Ít lâu
sau thì cô Thủy nghỉ đẻ. Sau đó tôi cũng
không thấy cô Thủy trở lại trường nữa. Chắc là chồng cô đã xin chuyển trường
cho cô để “hợp lý hóa gia đình”. Còn tôi thì cũng được bố mua cho một cây đàn
An tô. Đang chơi Mandolin chuyển sang
chơi An tô nhưng tôi cũng không thấy khó khăn gì. Có điều lúc đó tôi còn bé
quá. Cái hộp đàn An tô nó che kín hết cả phần ngực và bụng tôi. Còn cái cần đàn
An tô so với cánh tay tôi thì nó dài lêu đêu làm tôi phải với tay ra mới bấm
được. Vì thế mà cứ mỗi lần tôi lên sân khấu biểu diễn là khán thính giả lại
cười ồ cả lên.Nhưng chính cái nghịch lý “đàn to hơn người” ấy đã làm cho tôi
thêm nổi tiếng là một “nghệ sĩ nhí”.
26/11/2013
Đỗ Đình Tuân
Anh Đình Tuân có năng khiếu thật rồi, ngày xưa là Nghệ sĩ Nhí, Ngày nay là Nghệ sĩ Ông Nhí hí hí. MQ ngày nào cũng bật Video anh gẩy đàn Pỉ Noọng ơi để tập múa đấy ạ.
Trả lờiXóaHồng Nga thì khen anh Tuân đàn giỏi
Trả lờiXóaKim Thư thì ngày nào cũng mở băng anh Tuân đàn để múa theo
Độc cầm khúc 1 thế là thành công ngoài mong đợi
Chuyến này thì anh Tuân sẽ đàn không biết mỏi tay...
Xin cám ơn sự quan tâm và cổ vũ của các bạn