Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Kiểm kê vườn ngày 29/11/2013














29/11/2013
Đỗ Đình Tuân

GỌI NẮNG



Giá lạnh bụi bay buổi sớm đông
Giữa trời le lói đám mây hồng
Đứng trông chim lượn từng đôi nhỏ
Lặng ngắm cá bầy quẫy giữa sông
Đường mới trên đồng vừa trải nhựa
Hàng cây ven lộ bị mưa lồng
Khát khao sợi nắng gom cho ấm
Để chút tơ lòng đỡ trống không.
                                   VN

HOA QUỲNH NỞ


                               Một góc cỏn con trắng tựa ngà,
                            Hoa quỳnh quyến rũ gợi lòng ta,
                            Ngày dài khép lá chờ trăng gọi
                            Đêm đến phập phồng nở tóa loa.

                                                              hddt 1-10-2013

                 

BẠN CÓ CƯỜI KHÔNG?



MQ không định viết những dòng này nhưng một bé con ngồi bên cạnh cứ giục phải viết để xem mọi người có buồn cười không…

Ngày xưa đã lâu lắm rồi, cách đây có dễ đến 35 năm, một đồng nghiệp của MQ kể lại rằng, anh ấy có dịp qua Bắc Kinh, tới một cửa hàng bách hóa. Anh ấy muốn mua một cái phích nước nóng, nhưng không biết tiếng, nên cứ chỉ trỏ bằng ngón tay, ra hiệu cho cô nhân viên bán hàng. Vì chỉ trỏ quá xa (khách bị ngăn bởi một cái quầy gỗ, hàng thì để trên tầng khá cao), nên cô nhân viên lắc đầu không hiểu chỉ một mực hỏi “Sẩn ma? Sẩn ma?" (nghĩa là "Cái gì? Cái gì?")... Anh ta tức quá, tay tiếp tục chỉ trỏ, miệng thì lắp bắp xị xộ bắt chước tiếng Trung:

1. Xoong thủng chảo thủng lung tung thủng…

2. Lảo sư để can treo lủng lẳng…

Cô nhân viên càng không hiểu, cứ trân trân nhìn khách như nhìn một sinh vật lạ.

Cuối cùng, anh bạn không chờ được nữa, choảng một câu cuối cùng trước khi rời cửa hàng:

3. Sẩn ma sẩn ma cái gì? Đánh rắm thủng bao tải ấy...Hảo hảo à….

Anh bạn ấy kể cho MQ và bạn bè nghe, và thề sống thề chết rằng đó là chuyện thật 100%. MQ tin sái cổ, và “quay đĩa” lại cho bé con nghe. Không ngờ, nghe xong, nó cứ cười sằng sặc, và muốn mọi người phải cùng cười theo cơ…

Chưa hết, hai người bạn bên Yahoo hồi năm ngoái đóng góp thêm cho MQ hai chuyện nữa, MQ chép vào đây luôn: 

NGUYÊN SƠN

Mấy anh sang TQ nhưng không biết tiếng, bị mất chìa khóa khách sạn nhưng nói gì lễ tân cũng không hiểu bèn nói bằng tay lấy ngón trỏ tay phải ngoáy vào cái vòng tròn của ngón cái và ngón trỏ tay trái tượng trưng cho cái ổ khóa. Cô lễ tân tỏ vẻ hiểu ý và ra hiệu cứ về phòng trước. Lát sau có một em móng đỏ lên gõ cửa phòng!
Gã chạy thẳng tắp bạn ạ.

XUÂN ĐÀO
Chuyện của tụi mình gần như thế!
Ngày mới sang Ba Lan mấy người rủ nhau đi mua vài thứ cần dùng . Ở quầy tạp hóa có người thấy bày bán cúc áo rất đẹp, liền bảo nhau mua. giá bày hàng không xa nhưng nhiều mặt hàng quá , cô bán hàng lấy cái nào cũng bị từ chối vì không đúng bấy giờ cứ hỏi nhau "KHUY ÁO" là gì nhỉ? Cả đám cứ nỏi nhau khuy áo là gì?
Buổi tối cán bộ quản lý của đại sứ quán triệu tập họp nghiêm khắc kiểm điểm những ngươi nói tục ở cửa hàng tạp hóa gây tiếng xấu cho người Việt
Cuộc họp kéo dài chừng 30 phút thì vỡ lẽ khuy là từ tục của tiếng Ba Lan...là...là con "chim cu" đấy
Góp với bạn một chuyện hoàn toàn thật
      Thế đấy, bây giờ các bạn đọc,
       có cười không???

29/11/2013
Hồ Minh Quang

Lặng lẽ

   

Lặng lẽ như con sông chở nặng phù sa
Nhận dòng đục vào mình để suốt đời bồi đắp
Có những nỗi đau giật mình thảng thốt
Mới thấy cái hữu hạn của mình trong vô hạn tình yêu
                                          
                                                               Hà Nội 30/11/2013

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Độc cầm khúc 2



Hò Thương binh
Nhạc và lời: khuyết danh
Đàn Mandolin: Đỗ Đình Tuân
Lời bài hát:
Hò hò dô ta nhớ tới bao chiến binh anh hùng
Ới hò dô ta nhớ người hiến mình cho nước
Vì non sông chiến đấu trong khói bom lửa đạn
Ới để cho ta
yên sống yên sống vui vẹn toàn,
yên sống yên sống vui vẹn toàn
Đồng bào ơi ta giúp người thương binh
Ta giúp người tâm đồng đã quyết thề hy sinh
Ta ghi nhớ ơn công,  ta ghi nhớ ơn công
Ơi ta dồ hò, ới ta dồ hò
Nào ta tới nơi thăm hỏi
Nào ta viết thư thăm hỏi
Gửi quà tặng biếu thương binh, tặng biếu thương binh
Đồng bào ơi ta giúp người thương binh, ta giúp người thương binh
Cũng là giết thù cứu nước, cứu dân
Ới ta dồ hò, ới ta dồ hò.

LỤC BÁT CUỐI CHIỀU


Viết câu lục bát cuối chiều,
Xem trong nét chữ chứa nhiều ưu tư.
Ngó trông thu đã tà thu,
Tiết đông heo hắt đang từ từ buông.

Vườn ai lành lạnh hơi sương,
Chiếc tàu cau rụng ,trổ buồng quả non
Thông già mong tán lá tròn,
Dẫu cao cánh hạc vẫn còn bóng râm

                     Hà Nội  :  2013
                                 Cẩm Tú

ĐÀO XUÂN


Hoa lấp ló dưới làn da mỏng
Đợi Xuân về nở nụ Đào Xuân
Lộc chớm biếc cuối cành chóp đọt

Chờ mưa giăng buông lá Xuân Đào

                                Nguyễn Xuân Hiểu 

HỘI THƠ HỌP MẶT


(CHIA SẺ BÀI NGÀY HÔI LỤC BÁT CỦA ĐỖ VĂN QUỲNH)
Ngày đông gió bấc thét gào
Sương rơi đem lạnh thấu vào câu thơ
Mến tình em thả niềm mơ
Vào trong xa tít nắng trưa ngập tràn

Ước sao tia nắng rực vàng
Khắp miền quê lúa đón nàng mạ xuân
Đem câu lục bát tần ngần
Trên cầu ngóng đợi bao lần chờ anh

Bắc nam bao nghĩa bao tình
Nước mây non biển thập thình hội thơ
Câu quan họ, hát đò đưa
Chầu văn, hát ghẹo, ngựa ô đón chồng

Vui sao câu hát lồng tồng
Ngàn sau việt bắc vẫn cùng hội vui
Mùa đông lơ lửng đất trời
Câu thơ bất tận sáng ngời Văn An.
                                 VN

Huyễn hoặc



Thành phố buồn nhưng mộng mơ hơn
Khi dấu chân là u hoài kỉ niệm
Thông vẫn reo lá vàng thu bay liệng
Lay hồn người thơ đau đáu chờ trông

Từ thẳm xa giữa yên lành mênh mông
Thơ huyễn hoặc lời thì thầm của gió
Gửi bàng hoàng dù tỉnh say còn nhớ
Gọi khát khao ngay giữa giấc nồng…

Đành lặng im quên thành phố buồn
Lời dấu yêu đã trở thành vô nghĩa
Có bâng khuâng khi ngập ngừng lối rẽ
Bỏ lại thơ đau đớn không cùng

Cách xa ơi đâu phải nghìn trùng
Nhờ trái tim lang thang tìm nơi xưa hò hẹn
Biết chẳng phải duyên mà thơ trào vẫn nghẹn
Lặng trước thu tàn lạc lối mê cung

Sẽ có ngày trở lại thong dong
Nhẩn nha thơ tình vui đời tung thả
Lốc cuốn ưu tư về miền đất lạ
Chốn hoang vu phút chốc hóa thiên đường…


11/2012
Hồ Minh Quang

HẠNH PHÚC

(Ngày 26-28 tháng 11,tôi về xã Thanh Phong,huyện Thanh Liêm,tỉnh Hà Nam tham dự
đám cưới của đứa cháu gọi vợ tôi bằng bác.Thấy các cháu thật hạnh phúc và khác xa
thế hệ của chúng ta.Tôi đã ghi lại 1 Video clip.Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn)

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

HỒI ỨC VỚI CÂY ĐÀN (2)

                             
                     Kỳ 2: Những khúc hát của một thời
Năm 1953 và đầu năm 1954, không khí trong vùng tự do của huyện Chí Linh rất hào hứng sôi nổi. Tin chiến thắng từ mặt trận Điên Biên Phủ và các địa phương trong tỉnh cứ tới tấp truyền về. Không khí ấy như tiếp thêm lửa cho bài hát tập thể của các lớp học sinh. Mở đầu tiết học nào cũng có hát tập thể. Những bài hát thường hát là Kết đoàn, Kết liên lại, Nhạc tuổi xanh, Vì nhân dân quên mình, Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Tuổi hai mươi… Còn trong các “giờ vui sống” ở trong khu tập thể giáo viên chúng tôi thường “hòa nhạc”. Hòa nhạc của chúng tôi ngày ấy còn đơn giản lắm. Không có bè cao bè thấp, không có phối âm phối khí…gì cả. Ngoài chiếc ghi ta phập phình cầm nhịp  còn tất cả các thứ đàn cứ lên dây cho bằng độ cao nhau, rồi đánh cùng một bài thế là “hòa nhac”. Cứ đánh được đều nhau thế là buổi hòa nhạc đã thành công. Thực ra nó chỉ là một dạng hát đồng ca bằng đàn.Chúng tôi thường “đồng đàn” những bài hay hát ở trên lớp. Ngoài ra còn “đồng đàn” cả những bài nhạc múa như “Hái chè bắt bướm”, “Vui lên anh dân cày”, “Múa Sạp Mường”, “Xòe Thái”, “Vũ khúc Nga La Tư”…Có hai bản nhạc ngoại, không lời, tôi thấy mọi người gọi nó là bài “Sòn la sí” và bài “Ngựa chạy”. Đa số những bài “đồng đàn” ấy đều mang tính tập thể. Chỉ duy nhất có một bài hò hẹn lứa đôi mà vẫn hay được “đồng đàn” đó là bài “Người tình yêu”. Riêng các thày, đôi khi trong những lúc “độc cầm” tôi cũng thấy các thày đánh mấy câu của “Con thuyền không bến”, của “Ngày về” hoặc “Áo mùa đông”…
Khi thày Trương Quốc Lâm từ Thái Nguyên về trường, thấy tôi đàn được, thày có dạy riêng cho tôi bài “Quân đoàn 61” và hai thày trò thường rất hay “đồng đàn” với nhau bài này. Nhưng tiết mục này lại không biểu diễn bao giờ cả. Nó gần như là một tiết mục của riêng hai thày trò chơi với nhau thôi.
Cũng vào dịp ấy “nghệ sĩ nhí” còn vinh dự được nhà trường cử đi dự một lớp học nhạc ở trên tỉnh, đóng mãi trong Đìa Đô thuộc Lục Nam ngày nay. Vì đang thích được học nhạc nên thằng bé hí hửng lắm. Nhưng đáng buồn là lớp học ấy lại không học nhạc mà chỉ học múa. Cũng không học  kiến thức cơ bản gì về múa mà chỉ học mấy điệu múa cụ thể. Kết quả lớn nhất của “nghệ sĩ nhí” trong lớp học ấy là học mót được một bài đàn “Hò thương binh”. Chính tiết mục này, sau trở thành tiết mục tủ của tôi. Hễ có độc tấu là tôi lại “Hò thương binh”. Mãi đến những năm sau hòa bình về học ở Nội, ở Thiên, tôi vẫn còn dùng tiết mục tủ này và luôn được hoan nghênh nhiệt liệt.
Từ 1956 sang Hải Dương học tôi mới không chơi đàn nữa. Sau đó lại giăng mắc với văn thơ và quên hẳn cái thú chơi đàn ngày bé. Vì thế  nhiều bạn bè đồng trang lứa học với tôi thời cấp 2, cấp 3 và các thế hệ học sinh của tôi sau này đều tuyệt nhiên không ai biết tôi là người từng chơi đàn. Mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2006), các con đi học đại học, kinh tế gia đình lại khó khăn, tôi mới phải đi làm thêm cái việc trông coi CLB Côn Sơn. Công việc chỉ là ngồi chơi và xơi nước nhưng gò bó và buồn tẻ. Vì thế tôi mới nghĩ đến việc cầm lại cây đàn để tự giải khuây. Tôi luộc lại những bài  cũ và thấy rất nhiều bài chỉ còn là những khúc hát của một thời.
27/11/2013
Đỗ Đình Tuân

VƯỜN NHÀ THANH DẠ 2013


Xóm Tri Ân có nhiều Nhà Vườn nổi tiếng của Tuân-Thu,Ngôi-Sâm,Chính-Hương...đã được KHOE với Xóm .Thanh Dạ cũng có CÁI GỌI LÀ VƯỜN = 65M vuông,cũng đủ cả HOA & QUẢ, nên cũng có quyền KHOE với Xóm chứ : Vườn nhà Thanh Dạ (nếu vào mùa xuân thì còn phong phú hơn bội phần)

Ngôi mộ đá của song thân Thanh Dạ - khánh thành ngày 25/11/2013

CÂY KHẾ NGỌT MÙA NÀY CHO 1000 QUẢ

Rau DẤP CÁ trồng trong hộp xốp (như của Minh Hương)

Luống RAU LANG ăn lá

Cây MAI CHIẾU THỦY

CÂY LƯỢC-VÀNG CHỮA BÁCH BỆNH

CÂY LỘC-VỪNG SỐ 3

RAU ĐAY TRẮNG

CÂY HOA QUỲNH



CÂY LÃNG-DU (HUYẾT-DỤ)

MAI TỨ-QUÝ

CÂY XƯƠNG-RỒNG LỚN
LÀNG HÓP 28/11/2013 THANH DẠ

XƯƠNG RỒNG



Không lá toàn thân, uốn tựa long
Nhiều gai xương xẩu túa như chông
Sân chùa tạo dáng khoe mình giỏi
Ngõ vắng lai hình tạo giữa đông
Khô nóng để hoa càng thắm sắc
Cỗi cằn chồi nụ thỏa niềm mong
Khe núi nẻ khô hay rắn hạn
Vươn mình tỏa sáng đó xương rồng.

                               VN

ÔI CUỘC ĐỜI ƠI!


                                        Nhanh như sóc
                                         Đẹp như công
                                     Khỏe như rồng
                                     Tàn như bướm
                                                                   hddt 27-11-2013

Mệt quá


Bố: Đến bữa ăn rồi, các con lại đi đâu thế?
Con trai: Vâng chúng con ra ngoài có việc...
Con dâu: Chúng con không ăn cơm đâu ạ, bố mẹ không phải để phần.
Mẹ: Ơ cái bọn này... Mẹ dọn cơm lên xong rồi đây này, ăn rồi hãy đi!
Con trai: Thôi mẹ ạ.
Bố: Này, bố bảo, chúng mày đi thế chẳng hóa ra chúng mày để bố mẹ ăn cơm thừa thay cho ... chó à?
(Vợ chồng con kéo tay nhau ra khỏi nhà)
Mẹ: Thôi ông, mệt quá...
Bố: Tôi nói câu này là cực chẳng đã, mà đây không phải là lần đầu tiên, vậy mà chúng cũng coi như không ấy thôi.
Mẹ: Ông bạn thơ tôi khuyên, nên cho chúng ăn riêng chúng sẽ biết lo hơn và tự do ông ạ. Hai lão già mình ăn với nhau...
Bố (trừng mắt): Ông bạn thơ nào đấy? Ai lại khuyên thế bao giờ, bà liệu hồn!
Mẹ: Cái ông này thật là...
Bố (bình tĩnh lại): Có mà chúng ta nên theo lời khuyên của bà bạn tôi trong nhóm dân ca ấy, giao hết cho con dâu quản lý, đi chợ mua gì là tùy nó, mình chỉ giúp nó đặt nồi cơm lên thôi, chứ vẫn ăn chung bà ạ. Như thế bà rảnh rỗi hơn, tha hồ mà thơ với phú...À mà "phú" là gì hả bà?
Mẹ: ??!

26/11/2013
Hồ Minh Quang

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Đối thêm với thày Thịnh


Vế ra:

-Ông tướng, làm cái nhà to tướng, để bà tướng ngây ngất sướng;

Các vế đối lại:

-Bà To, vác cái bụng đại to, khiến ông To phập phồng lo.

-Bà Kiêu, có cái cổ kiêu kiêu, khiến ông Kiêu thiết tha yêu.

27/11/2013
Đỗ Đình Tuân

LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

         Khi hắn bảo :" Viết xong bài về bà T rồi đấy, vào mà xem". Như một phản xạ tự nhiên, mình nói ngay:"Thôi chả dại nhỡ lại nổi máu hồng bào lên thì khổ thân". Nhưng rồi với tính tò mò cố hữu, mình lại mở máy tính và nháy chuột vào đúng trang đó. Vừa nhìn thấy tiêu đề :" Một nén hương lòng" đã thấy run run hồi hộp thế nào ấy không đủ can đảm đọc tiếp.Ngồi hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh, vẫn run không dám đọc. Lại tự nhắc mình, đừng ghen, có gì đâu nào, người ta đã đi xa vĩnh viễn rồi mà. Vẫn run, lại ngồi im thêm ít phút, lại tự trấn an mình mãi mới dám đọc.Đọc một mạch xong. Kỳ lạ chưa, không hề gợn chút ghen tuông, khó chịu nào. Đọc lại lần nữa, vẫn chẳng sao. Tự véo vào người mình xem mình còn tỉnh táo hay đã tê liệt rồi? Vẫn thấy đau mà. Sao thế nhỉ, lẽ nào tâm hồn mình đã trở nên chai lì rồi ư?
         Ngồi thừ ra rồi nhớ lại vào mùa thu năm ấy, người ta cùng với một nhóm bạn ở Hà Nội và Nam Sách đến thăm hắn và gia đình mình. Nhớ  cái cảm giác hồi hộp phập phồng thấp thỏm của hắn khi đợi chờ cuộc viếng thăm đã đựợc báo trước này. Nhớ việc hắn ra tận đầu ngõ đón rồi nắm cổ tay người ta mà thốt lên:" T đấy à, chẳng khác xưa là mấy!" Nhớ việc mọi người vào thăm Côn Sơn, khi đến đoạn rẽ trái, hắn cuống lên lại bảo là rẽ phải. Nhớ nhất là việc hắn tiễn người ta lên tận Hà Nội khi về còn kể chuyện bữa ăn người ta đã gắp thức ăn cho hắn, đã hướng dẫn hắn cách ăn món ăn Tây mà hắn chưa quen, đã đề nghị với hắn rắng sẽ nuôi giúp hắn một đứa con cho ăn học hết Đại học cả việc hắn đã đọc thơ về người ta nữa. Mình bảo hắn đọc lại những bài thơ đó.Hắn đọc xong, mình cứ ngớ ra, ngẩn đi rồi tức sực lên, một cục gì đó cứ lừ lừ đưa lên vít lấy cổ đến tắc thở, mình đờ người ra, nằm vật xuống. Khi thở được thì nước mắt cứ giàn giụa, cắn chặt môi mà không sao ngăn lại được.Có vẻ hắn cũng hoảng nhưng cứ lúng túng, vụng về chẳng biết an ủi cách nào chỉ thanh minh thế này, thế nọ nhưng mình vẫn như phát phiền chẳng nghe thấy gì hết.Mình chạy ra vườn, tựa vào gốc ổi khóc. Hắn cứ để cho mình khóc thỏa thê. Khi đã vơi bớt phần nào mình vào nằm lại nhưng không sao chợp mắt được cứ nghĩ lung tung, cứ tự mắng mình rằng sao vớ vẩn và vô lý thế, chuyện của quá khứ rồi mà, ai chẳng có một khoảng trời riêng, một thời để nhớ, một phút xao lòng ...Nhưng rồi cũng phải nhờ đến phương thuốc thời gian, cái cục tức kia mới vợi bớt dần.
        Tết năm đó, người ta gửi ra một túi lạp xường, một tấm thiệp thơm màu hồng nhat in hình cỏ chìm kèm theo những lời chúc mừng năm mới. Không quen với những món ăn đóng hộp, mình không ăn được Các con còn nhỏ cũng chẳng biết ăn. Hắn viết thư đáp lễ người ta, kèm theo một bài thơ, "Cảm ơn cái túi lạp xường /Thu không ăn được nên nhường riêng anh /Nhâm nhi hắn nhắm một mình /Rằng mùi thì lạ nhưng tình thì quen / Tuổi già càng nghiện ma men/ Ngày xuân anh nướng lòng em nhắm dần/ Tạ lòng biết lấy chi cân/ Đem thơ đổi thịt một lần được chăng? Mình góp ý, anh nên xem lại hai câu cuối, nhỡ chồng chị ấy ghen thì sao? Hắn nghe ra và sửa lại là: Tạ lòng biết lấy chi cân/ Nôm na anh viết đôi vần đến thăm/ Chúc người bạn cũ xa xăm / Bốn mùa sức khỏe quanh năm vui vầy/ Riêng chung mọi việc tròn đầy/ Vui chồng, vui vợ và may mắn nhiều". Hắn gửi thư đi nhưng không có hồi âm. Lần này mình không còn uất nghẹn như lần trước nữa. Tuy vẫn thấy buồn và tưng tức lạ Rồi bật ra mấy bài thơ vô đề.
           Bài1:  

                      Đầu xuân chàng nhận mớ lòng
             Nhâm nhi chén rượu lòng vòng trước sau
                      Gửi chi gan ruột cho nhau
             Một người vui mấy người đau đớn lòng
            Bài 2:  

                          Ai đem thịt ướp nhồi lòng
                Để ai gửi nhớ, gửi mong thế này
                          Gặp hai lần gió heo may
                Không thì lòng dạ chúng mày ôi thiu
        Hắn vốn vô tâm, khi ăn hết nạp xường, liền vứt cái túi lăn lóc ở xó bếp. Tự dưng mình thấy ngùi ngùi thương cảm, nhặt chiếc túi lên vuốt lại cho phẳng phiu, sạch sẽ rồi cho vào túi nilon cất đi, kèm theo bốn câu:

                               Lạp xường hắn chén xong rồi
                        Vứt lăn lóc túi tung tơi một mình
                               Xót thương chiếc túi tội tình
                        Song Thu cất giữ để giành cho Tuân
        Vài tuần sau đó, ngồi buồn một mình  lấy tấm thiệp ra xem. Lạ chưa, mùi hương thơm nồng nàn khi mới nhận nay chẳng còn lưu lại chút nào. Mình áp tấm thiệp vào mũi cố hít hà mãi vẫn không thấy hương thơm, chợt nảy ra bài thơ: "Gửi người tặng thiệp cỏ thơm"
                               Tên chị là P T
                               Một loài cỏ rất thơm
                               Đừng gửi lên bưu thiếp
                               Để hương thơm hao mòn.
Lại ngắm nhìn tấm thiệp và bỗng dưng kỉ niệm của thời thơ bé về việc đi tìm cỏ mật rồi phơi khô và ép vào trang sách để thưởng thức hương thơm ngòn ngọt, thoang thoảng và da diết nồng nàn của nó. Thế là lại viết bài Thật giả: Cỏ thơm tự thân nó/ Khô héo hương vẫn say/ Mang cỏ in lên thiếp/ Phủ hương thơm ngất ngây/ Chỉ được vài ba bữa/ Hương thơm bay hết ngay/ Mới biết trong cuộc sống/ Cái giả chóng phai tàn/ Chỉ cái thật còn mãi/ Với thời gian mênh mang.
Có vẻ như cơn tức vẫn chưa nguôi và tính đành hanh lại nổi lên thì  phải. Thế là bài văn vần đáo để bật ra:
                          BẢO CHO CỎ BIẾT
                         

                              Cỏ kia mọc ở bờ ao
                      Biết điều chớ có lan vào trong sân
                              Thơm tho cũng chẳng ai cần
                      Người ta dẫy dọn là thân cỏ tàn
         Viết xong mà tự thấy xấu hổ. Thấy mình thật đáo để, thật nhỏ nhen ích kỉ và đáng ghét. Nhưng biết làm sao đây?
        Chị P-T ơi!
         Bây giờ ngồi viết lại những dòng này khi đã tĩnh tâm lại, đã không còn gợn chút ghen tuông nào nữa tôi càng thấy mình sao mà đáng ghét đến thế, tồi tệ đến thế. Thực lòng, kể cả trong lúc ghen tuông nhất thì tận trong sâu thẳm hồn tôi, tôi vẫn biết rằng chị không hề làm gì để tôi phải ghen tuông như thế. Thậm chí tôi còn biết chị đối tốt với hắn, với tôi và với các con chỉ là cái tốt của tình bạn và có lẽ là cả sự ân hận áy náy vì những ứng xử sai lầm một thủa của chị với hắn thôi. Hơn thế nữa, trong sâu thẳm hồn tôi, tôi vẫn rất cảm mến, trân trọng chị, mến vì giọng nói dịu ngọt đáng yêu,trân trọng vì phong độ điềm đạm đúng mực của chị. Nhưng đúng như kinh Phật đã dạy: "Kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình" cho nên một con đàn bà khác trong tôi vẫn cứ tức lồng lộn, vẫn nghĩ  và viết ra những lời làm tổn thương đến chị (cho dù những lời tôi viết ra chị chẳng đọc được bao giờ, cho dù trước chị và trước mọi  người, tôi chưa hề để lộ ra điều gì ảnh hưởng đến chị) nhưng tôi vẫn không thể tha thứ cho tôi. Vẫn phải nguyền rủa cái thường tình ích kỉ ngu muội của tôi.

      Giờ chị đã thành người thiên cổ gần chục năm rồi nhưng tôi mới được biết tin này qua một người bạn của hắn. Tôi chẳng thể đến viếng mồ để thắp một nén hương và nói lời tạ lỗi cùng chị. Tôi chỉ biết viết lên hết sự thật này, mong chị "sống khôn chết thiêng" tha thứ cho tôi. Lời xin lỗi muộn màng nhưng rất thành tâm của tôi mong được chị chấp nhận thì tôi cũng nhẹ bớt phần nào. Dù rằng chẳng bao giờ tôi tha thứ cho tôi.
                                                   
                                                    Song Thu

BÀ & CHÁU NGOẠI

Ngày 24 tháng 11


























ĐẢO SƠN TRÀ




Ngày nao tôi đến đảo Sơn Trà
Nghe vọng sóng dồn bãi biển xa
Lũ khỉ nhởn nhơ ngồi hóng gió
Bến sông đủng đỉnh khách qua phà
Dập dềnh mái đẩy người ca hát
Nắng chiếu sườn non long lánh ngà
Mặt nước dát vàng theo lượn biếc
Biển trời Đà Nẵng đẹp bao la.
                            VN

Vui ... tình



Ơi xuân xin gửi gắm
Mấy vần thơ yêu đời
Dẫu khó nhọc xuân ơi
Tình em trao xuân đấy!

Một sớm mai thức dạy
Thấy lòng cứ xốn xang
Biết rằng ai mơ màng
Nhớ người xưa trong mộng

Những con đường trải rộng
Vẫn chỉ mình em đi
Có tiếng ai thầm thì
Hôm nay,…mình ….thế nhé!

Em bật cười hỏi khẽ
Sao thích quá vậy anh?
Nhưng lỡ lắm nhóc ranh
Xin thôi nên gìn giữ!

Ừ thì anh gìn giữ
Ẩn nằm trong …bé xinh
Vẫn gần gũi bên mình
OK … rồi cười nhạo

”Em thật là khờ khạo
Thế giới này đảo điên
Cũng bởi cái…tòm tem
Mà em cười anh đấy!!!”

 
10/3/2010
Hồ Minh Quang

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

LẠI DỰ ĐỐI

Học theo mô tuýp đối của Thanh Dạ, Song Thu lại xin dự đối tiếp
Vế ra:
Ông tướng, làm cái nhà to tướng, để bà tướng ngất ngây sướng
                    ( Nguyễn Văn Thịnh)
Vế đối:
Nhà thơ, ra một tập Thơ thơ, làm bạn thơ ngơ ngẩn mơ
                         ( Song Thu)

HỒI ỨC VỚI CÂY ĐÀN

                                 Kỳ 1: Nghệ sĩ nhí
Giữa năm 1952, ở làng tôi có phong trào chơi đàn ống bơ. Họ tự làm lấy đàn để chơi. Tôi cũng bị cuốn vào phong trào ấy nên đòi bố phải làm cho bằng được một cây đàn. Thế là bố tôi phải hí húi làm cho tôi một cây đàn. Ông cụ lấy hai cái đĩa sắt nhẹ (ngày ấy làng tôi gọi nhôm là sắt nhẹ) làm hộp đàn. Cần đàn thì đẽo bằng gỗ theo như mẫu của những người làm trước. Còn các phím đàn thì dùng sắt tây ống bơ cắt ra những miếng vuông vuông rồi lấy kìm gập đôi chúng lại và cắm vào những đường đã cưa thành rãnh trên cần đàn. Dây đàn thì dùng dây điện thoại. Cố nhiên là âm thanh của nó không chuẩn. Nhưng nó cũng tạo ra được những âm thanh tích tịch tình tang khác nhau… thế là thích rồi. Tôi cứ loay hoay bấm bấm gẩy gẩy để tạo ra những tiếng tình tang ấy chứ chưa đánh được thành bài thành bản gì. Nhưng chí ít tôi cũng đã có một “ý thích” và đã “làm quen” được với cây đàn.
Cuối năm 1952, thì bố tôi đưa tôi vào vùng tự do học. Chuyện này tôi đã kể chi tiết trong “Những lớp học đầu đời”. Tôi lại được ở ngay trong khu tập thể của giáo viên. Trong khu tập thể có nhiều thày và các anh học trò lớn biết chơi nhạc cụ. Thày Cảnh chơi kèn Amonica, thày Lâm chơi An tô, Anh Lập, anh Vinh, học trên tôi hai lớp là người nhà Thày Giao quê Đông Triều chơi An tô và ghi ta. Đặc biệt còn có cô Thủy, dạy lớp vỡ lòng có cây đàn Mandolin. Cô Thủy lúc ấy đang có mang sắp đến tháng đẻ. Chồng cô tên là Cổn là công an tỉnh Quảng Yên,chỉ thỉnh thoảng mới về thăm cô. Do xa chồng lại bụng mang dạ chửa nên cô Thủy rất ít chơi đàn. Cây đàn của cô thành ra nhàn rỗi và đó là điều kiện để tôi có thể mượn cô để học đàn.
Ngày ấy không học nhạc lý, cũng không có bản nhạc, cứ chép “son phe” (phiên âm tên các nốt nhạc) rồi đánh thôi. Bài đầu tiên tôi học là bài “Bóng trăng trắng ngà” (đây cũng chỉ là bốn chữ đầu tiên trong ca từ của bài hát chứ chưa chắc đã đúng là tên của bài hát). Son phe của bài hát ấy có thể chép ra như sau:
Rế si rế sòn
Rế si si si
Rế son son rề
Son rề son sí là son
Son rề son sí la son
Sì rê rê mí sì rê
Sì rê rê mí sì rê
Rế si rế sòn
Rế si si si
Rế son son rề
Son rề son sí la son
Son rề son sí la son
Ngày ấy lại có cái thói quen đánh Mandolin thường cao hơn một dây. Lấy “dây mí” làm “dây la” lấy “dây la” làm “dây rề” rồi lại lấy “dây rề” làm  “dây sòn”. “Dây mí” vì thế bị kéo tụt xuống phía dưới “dây la”. Trong khi ấy “dây sòn” nhàn rỗi chủ yếu là để “dập tông”.
Tôi học đàn khá nhanh. Chỉ vài tháng là tôi đã thành một cây đàn chững chạc có thể hòa nhạc được với các anh, các thày. Ít lâu sau thì cô Thủy nghỉ đẻ.  Sau đó tôi cũng không thấy cô Thủy trở lại trường nữa. Chắc là chồng cô đã xin chuyển trường cho cô để “hợp lý hóa gia đình”. Còn tôi thì cũng được bố mua cho một cây đàn An tô.  Đang chơi Mandolin chuyển sang chơi An tô nhưng tôi cũng không thấy khó khăn gì. Có điều lúc đó tôi còn bé quá. Cái hộp đàn An tô nó che kín hết cả phần ngực và bụng tôi. Còn cái cần đàn An tô so với cánh tay tôi thì nó dài lêu đêu làm tôi phải với tay ra mới bấm được. Vì thế mà cứ mỗi lần tôi lên sân khấu biểu diễn là khán thính giả lại cười ồ cả lên.Nhưng chính cái nghịch lý “đàn to hơn người” ấy đã làm cho tôi thêm nổi tiếng là một “nghệ sĩ nhí”.
26/11/2013
Đỗ Đình Tuân

RƯỚC BỐ MẸ VỀ NƠI AN NGHỈ VĨNH HẰNG


Ngày 25/11/2013 (tức ngày 23/10/Qúy tỵ) Thanh Dạ cùng anh em trai gái,dâu rể đã tổ chức tắm rửa lần cuối cho bố mẹ và đưa các cụ về nơi an nghỉ vĩnh hằng một cách thuận lợi,suôn sẻ.Thanh Dạ xin được đưa vài hình ảnh báo tin cùng cả xóm Tri Ân thân yêu,để mọi người chia sẻ :

BÀN THỜ GIA TIÊN

CHUẨN BỊ  CÚNG THẦN LINH,THỔ ĐỊA

NƠI Ở CŨ CỦA CÁC CỤ



CÁC CỤ ĐÃ VỀ NƠI Ở MỚI 

CHÁU & CHẮT VỀ CHÚC MỪNG

ANH EM CON,CHÁU VỀ CHÚC MỪNG


CHÁU TRAI & CHẮT VỀ CHÚC MỪNG 2 CỤ

CHÁU VÀ CHẮT